Tranh tuyên truyền của Liên Xô năm 1977 cổ động phong trào chống lại nạn nghiện rượu trầm trọng ở Liên Xô những năm 70-80, đỉnh cao là chiến dịch chống nghiện rượu dưới thời Tổng bí thư Gorbachev
Vào năm 1973, nhà chức trách Liên Xô công bố con số giật mình: 68% công nhân trong các nhà máy của nước này uống rượu trong giờ làm việc. 32% công nhân và 16% công chức nhà nước luôn trong tình trạng say xỉn (tuy nhiên con số này chưa là gì so với Ba Lan: 83% công nhân Ba Lan uống rượu ít nhất 1 lần trong giờ làm). Theo báo cáo, uống rượu trong giờ làm là nguyên nhân chính làm giảm năng suất lao động của công nhân Liên Xô, chỉ bằng 1/2 năng suất của công nhân Tây Âu và thấp hơn năng suất của Mỹ. Nó cũng tiêu tốn hàng trăm tỷ rúp mỗi năm của nền kinh tế Liên bang. Báo cáo cho thấy tình trạng nghiện rượu nặng nhất ở Belarus, sau đó là Nga, Moldavia và vùng Baltic.
Nhận thức tác động tiêu cực của vấn nạn xã hội này, chính phủ Xô Viết tung ra chiến dịch chống rượu bia trên quy mô toàn liên bang. Tuy nhiên, ban đầu do nguồn lợi từ bia rượu với nền kinh tế quốc dân của Liên Xô còn khá lớn nên chính quyền chưa mạnh tay với các hãng sản xuất.
Đến năm 1985, trước tệ nạn ngày càng hoành hành, Tổng bí thư Gorbachyov ngay sau khi nắm quyền đã tuyên bố ”Toàn Liên Bang chiến đấu với nạn nghiện rượu”. Giá các loại vodka, rượu và bia tăng lên, và việc mua bán chúng cũng bị ngăn cấm. Những ai uống rượu tại nơi làm việc cũng như nơi công cộng sẽ bị truy tố. Uống rượu bia trên tàu tốc hành cũng bị cấm. Nhiều nhà máy rượu vang nổi tiếng bị đóng cửa. Những cảnh uống rượu bị cắt khỏi các bộ phim. Việc nhập khẩu các loại bia rượu từ phương Tây bị cấm hoàn toàn. Các nơi sản xuất rượu nổi tiếng cũng bị vận động đóng cửa chuyển sang sản xuất khác. Chính phủ tuyên bố hi sinh lợi ích kinh tế vì sức khỏe nhân dân
Tuy nhiên ”bắt người Nga thôi uống rượu giống như bắt người Á Đông không ăn thịt chó” (câu nói sau này của một Viện sĩ Nga). Chiến dịch chống nghiện rượu của Gorbachev trở thành con dao hai lưỡi, nhưng cả hai lưỡi đều có hại. Một mặt, việc hạn chế rượu bia đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Liên bang Xô Viết (theo Alexander Nikolaevich Yakovlev con số thiệt hại khoảng 100 tỷ rúp). Cải cách rượu là một trong những hành động đầu tiên kéo theo một chuỗi sự kiện bên cạnh Chiến tranh Afghanistan, Thảm họa Chernobyl,.. gây ra sự khủng hoảng kinh tế sâu sắc và cuối cùng là sự sụp đổ của Liên Xô.
Mặt khác, mục tiêu đánh đổi kinh tế lấy sức khỏe người dân của Gorbachev cũng thất bại. Người Nga không những bớt uống rượu, mà còn chuyển sang uống các loại rượu chợ đen, rẻ tiền, đi cùng với đó là nguy cơ về sức khỏe. Rượu lậu trở nên phổ biến, thậm chí buôn lậu rượu từ nước ngoài cũng nở rộ. Cuối những năm 80 các vùng phía Đông Liên Xô tràn ngập rượu nhập lậu Trung Quốc, Triều Tiên,…các lực lượng biên phòng không kiểm soát nổi vì đơn giản họ cũng cũng tham gia buôn lậu và thường xuyên say rượu. Ở các vùng khác, buôn lậu rượu ở sân bay dễ dàng hơn bao giờ hết khi người ta có thể dễ dàng qua mặt hải quan bằng việc hối lộ họ vài chai Vodka.
Thậm chí nhiều người sau này còn cho rằng các chính phủ thù địch ở phương Tây và Trung Quốc đã cố tình phá hoại chiến dịch chống nghiện rượu của Gorbachev nhằm “đầu độc” người Nga.
Mới đây nhất, thủ tướng Nga D.Mevedev đã thừa nhận nước Nga “coi như đã thất bại” trong kế hoạch 10 năm xóa bỏ nạn nghiện rượu phát động từ năm 2009, giai đoạn ông còn làm tổng thống.
Thất bại của chiến dịch chống nghiện rượu của Liên Xô và của chính phủ Nga sau này đã để lại hậu quả. Hàng năm, 42.000 người Nga bị thiệt mạng do uống phải các chất hóa học chết người làm giả thành rượu. Nó trở thành nguyên nhân gây tử vong không thông thường thứ 4 ở Nga sau ung thư, tai nạn giao thông, bạo lực tội phạm và cao hơn cả tai nạn lao động
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước nghiện rượu nhất thế giới 2016 gồm:
10/Cộng hòa Séc: 13 lít/người/năm
9/Slovakia: 13 lít/người/năm
8/Hungary: 13.4 lít/người/năm
7/Andorra: 13,8 lít/người/năm
6/Ukraine: 13,9 lít/người/năm
5/Romania: 14,3 lít/người/năm
4Nga/: 15,1 lít/người/năm
3/Lithuania: 15.7 lít/người/năm
2/Moldova: 16,8 lít/người/năm
1/Belarus: 17,5 lít/người/năm