Chúng ta có nên ĐÁNH TRẺ EM hay không? Đó vẫn luôn luôn là 1 vấn đề gây tranh cãi. Những người ủng hộ “KHÔNG” sẽ dẫn chứng ra rất nhiều bằng chứng về tác hại của việc sử dụng hình phạt thể chất với trẻ em, trong khi những người ủng hộ “NÊN” hoặc “ĐÔI KHI NÊN” sẽ có thể lý luận rằng “Ngày xưa ông bà mình vẫn làm vậy đó thôi, mình vẫn nên người” hoặc “Phải đánh mới trị được”. Những bậc làm cha mẹ cũng khó lòng có ai dám nói rằng “Tôi chưa từng bao giờ đánh con mình, kể cả 1 các “phát” nhẹ vào mông”. Vậy, dưới đây là một phân tích của Tiến sĩ Denise Cummins về tác hại của việc “Đánh đòn trẻ em”, còn quyền lựa chọn thì vẫn thuộc về bạn.
Dưới đây là BỐN điều bạn cần ghi nhớ về kỷ luật thể chất.
- Hiếu kính với cha mẹ không có nghĩa là làm đúng như những gì họ đã làm với chúng ta.
Cha mẹ và ông bà của chúng ta đã chấp nhận nhiều điều mà ngày nay chúng ta không còn chấp nhận được nữa, ví dụ như: Hút thuốc – uống rượu khi mang thai, trọng nam khinh nữ….Chúng ta đã nhận ra rằng nhiều truyền thống và niềm tin này đã sai, và chúng ta đã bác bỏ chúng một cách hợp lý. Chúng ta hoàn toàn có thể yêu thương cha mẹ của mình, nhưng cũng có thể từ chối những “niềm tin” và “giá trị” không còn phù hợp với chúng ta. Bạn vừa có thể chấp nhận rằng Cha mẹ bạn đã làm những gì họ tin là đúng vào thời điểm đó (trong quá khứ) nhưng bạn cũng đồng thời có quyền lựa chọn không làm hoặc không tin những điều đó ở thời điểm hiện tại bây giờ, khi mọi thứ đã thay đổi khác trước.
- Khi bạn đánh trẻ – bạn đang dạy chúng rằng “Đánh người khác là đúng”.
Cha mẹ lớn hơn và khỏe hơn con cái. Chúng ta cũng hiểu biết nhiều hơn trẻ em và do não bộ của chúng ta đã phát triển đầy đủ nên chúng ta có khả năng tự chủ tốt hơn. Khi cha mẹ cố gắng khiến con cái cư xử tốt hơn bằng cách đánh chúng, cha mẹ đang nói với chúng rằng đánh những người nhỏ hơn và yếu hơn bạn là một cách chấp nhận được để đạt được điều bạn muốn từ chúng. Tại sao các bậc cha mẹ lại ngạc nhiên khi con cái họ đánh đập những đứa trẻ nhỏ hơn ở trường hoặc lớn lên trở thành kẻ đánh vợ khi mà ngày bé chính các bậc cha mẹ đó đã dùng “đòn roi và đánh đấm” để dạy Con?
- Người lớn thường mất kiểm soát khi đánh trẻ em.
Tự cho phép mình dùng hình phạt thể chất để kỷ luật con cái có thể khiến BẠN có nguy cơ trở thành kẻ bạo hành. Khi trưởng thành, chúng ta thường trở về nhà với những cảm xúc thất vọng, mệt mỏi và tức giận sau 1 ngày làm việc mệt mỏi. Chúng ta không đủ kiên nhẫn để đối phó với những tình huống trong gia đình do con cái tạo ra. Một khi bạn bắt đầu đánh đứa trẻ bởi vì vấn đề mà chúng gây nên, bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm rất nhiều. Và sự nhẹ nhõm dễ chịu đó có thể khiến bạn đánh nhiều hơn, thậm chí đánh “ác liệt” hơn. Rất nhiều những bậc cha mẹ đã đánh con cái của mình, và sau đó họ thừa nhận rằng họ đã đi quá giới hạn. Và bạn cũng (có thể sẽ) không nằm ngoài số đó đâu!!!
Khả năng là bạn sẽ đi quá giới hạn. Chẳng bao lâu nữa, bạn sẽ cho phép mình đánh con mình dù chỉ là một vi phạm nhỏ nhất bởi vì bạn sẽ trở nên nghiện cảm giác nhẹ nhõm mà bạn có được khi đánh một người không hề có khả năng phản vệ. Và bạn sẽ không muốn đối mặt với sự thật rằng bạn đang đánh con vì điều đó làm cho chính bạn cảm thấy tốt hơn. (Thật đáng sợ khi đọc những dòng này – Lời người dịch)
- Đánh con của bạn có thể ngăn chặn hành vi xấu của chúng nhưng điều đó sẽ làm hỏng chúng và huỷ hoại luôn cả mối quan hệ của bạn với con cái, về lâu dài.
Những người tin rằng “đòn roi sẽ giải quyết được đứa trẻ hư hỏng” thường bác bỏ thông tin quan trọng của nghiên cứu cho thấy rằng đánh trẻ biến chúng thành những người giận dữ, bực bội với đầy rẫy các vấn đề về tâm lý và tình cảm khi chúng lớn lên. Một phân tích tổng hợp lớn của các nghiên cứu về tác động của hình phạt cho thấy rằng trẻ em càng nhận nhiều hình phạt thể xác, chúng càng thách thức quyền lực của cha mẹ, mối quan hệ của chúng với cha mẹ càng kém, và khi lớn lên chúng càng có nhiều khả năng đánh bạn tình hoặc vợ/ chồng của chúng. Những đứa trẻ này cũng có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm và các vấn đề lạm dụng chất kích thích, và ít có khả năng đồng cảm với người khác hoặc không tuân theo các chuẩn mực hành vi đạo đức của xã hội.
Nguồn: Psychologytoday
Ảnh: Talkspace