CHUYÊN ĐỀ 1: ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HỌC
- Đặc trưng về đối tượng
1.1 Đối tượng mà văn học hướng đến là toàn bộ đời sống hiện thực. Cánh diều văn học dù bay cao bay xa đến đâu vẫn gắn với mảnh đất cuộc sống bằng sợi dây hiện thực mỏng manh mà vô cùng bền chắc, như nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình từng nhận định:
Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ chẳng là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học. (Tố Hữu)
Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được. (Lê Quý Đôn)
Văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. (Hoài Thanh)
1.2 Đối tượng trung tâm của bức tranh đời sống mà văn học quan tâm chính là con người. Với sứ mệnh thiêng liêng của mình, văn học mang trên vai đôi cánh tiên để bay đi xuyên suốt hàng ngàn năm có lẻ để thực hiện một nhiệm vụ cao cả: nhiệm vụ phản ánh đời sống xã hội, phả lại nhịp đập của lịch sử, khắc họa lại một cách chân thực số phận những kiếp người đã đi qua, những giai tầng trong xã hội, những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc,… như nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình từng nhận định:
Văn học là nhân học. (M.Gorki)
Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. (Nguyễn Minh Châu)
Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than. (Nam Cao)
- Đặc trưng về nội dung phản ánh
Nội dung phản ánh của văn học là toàn bộ hiện thực cuộc sống đặt trong mối quan hệ với con người. Nội dung ấy được hòa quyện giữa hai mặt khách quan và chủ quan:
Nội dung khách quan: là toàn bộ đời sống hiện thực được tái hiện, từ vấn đề lịch sử, con người, đạo đức,… từ những chi tiết hiện thực đời sống nhỏ nhặt cho đến những biến đổi xã hội lớn lao.
Nội dung chủ quan: là hiện thực được nhìn nhận dưới lăng kính của người nghệ sĩ (thấm nhuần tư tưởng, cảm xúc và trăn trở của người nghệ sĩ)
Ví dụ: Khi viết về cái đói, nếu như Ngô Tất Tố nhìn cái đói như biểu hiện của sự cùng khổ (khổ về vật chất) thì Nam Cao lại nhìn cái đói với nỗi khổ tinh thần (đói nhân cách, cái đói làm mất nhân tính con người)
- Hình tượng văn học
3.1 Hình tượng chính là phương thức phản ánh thế giới của văn học.
Đối tượng của văn học muốn phản ánh chính là hiện thực đời sống con người. Bởi vậy, để phản ánh được những gì thuộc về hiện thực văn học cần đến hiện tượng. Một trong những định nghĩa quen thuộc và phổ biến nhất về hình tượng là của L.I.Ti-mô-phê-ép: Hình tượng là bức tranh về đời sống con người vừa cụ thể vừa khái quát, được sáng tạo bằng hư cấu và giàu ý nghĩa thẩm mĩ.
3.2 Phân biệt hình tượng và hình ảnh.
Hình ảnh chính là những bức tranh đời sống mà chúng ta gặp trong tác phẩm: cây đa, giếng nước, sân đình,… tức là nó chỉ mang ý nghĩa biểu vật của chính nó (Hiểu một cách đơn giản hơn, hình ảnh chỉ có nghĩa đen, không mang ý nghĩa ẩn dụ, hoán dụ, nghĩa bóng).
Hình tượng là những hình ảnh mang ý nghĩa khác ngoài nó, tức là hình ảnh được kết tinh từ tâm tư, tình cảm, những ý nghĩ nhân sinh thì khi đó nó mới được coi là hình tượng. Ví dụ như hình ảnh Cây tre Việt Nam trong thơ Nguyễn Duy được coi là hình tượng bởi nó chứa đựng sự ngợi ca về phẩm chất kiên cường, bất khuất, ngay thẳng của con người Việt Nam, cô Tấm trong chuyện cổ tích Tấm Cám được coi là hình tượng bởi thông qua nhân vật này, nhân dân ta thể hiện ước vọng về quan điểm nhân sinh ở hiền gặp lành,…
- Giàu cảm xúc
Một số nhà sáng tác và nghiên cứu nghệ thuật lại coi đặc trưng nổi bật của nghệ thuật là tính biểu cảm, tính xúc động, cho rằng nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm, tình yêu. Quan niệm này đặc biệt phổ biến ở phương Đông vốn rất quan tâm đến những vấn đề nhân sinh, đến cuộc sống tình cảm và tâm linh, phân biệt hoạt động của trái tim và khối óc. Bạch Cư Dị, nhà thơ Trung Quốc lớn đời nhà Đường từng xác quyết cái gốc của thơ ca vẫn là tình cảm: Cảm động lòng người, trước hết không gì bằng tình, đầu tiên không gì bằng lời, tha thiết không gì bằng thanh, sâu xa không gì bằng nghĩa. Vậy đối với thơ: tình là gốc, lời là cành, thanh là hoa, nghĩa là quả. - Độc đáo, mới mẻ
Một đặc trưng của nghệ thuật thường được nhắc đến là tính độc đáo, mới mẻ. Nghệ thuật luôn luôn tìm tòi, luôn luôn đi tìm cái mới. Cái mới và cái độc đáo thì luôn luôn gắn chặt với nhau. Không độc đáo, không mới thì khó lòng có được chỗ đứng trong thế giới nghệ thuật. Như nhà văn Nam Cao đã từng phát biểu: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có. - Ngôn từ
Bất cứ hình tượng nghệ thuật nào cũng gắn liền với một chất liệu cụ thể. Khác với hội hoạ, âm nhạc, điêu khắc xây dựng hình tượng bằng màu sắc, hình khối, âm thanh,… văn học xây dựng hình tượng bằng chất liệu ngôn từ.