【VANG BÓNG MỘT THỜI NGHỀ BẠC SA-ĐÉC XỨ NAM KỲ TRIỀU NGUYỄN】

by admin

Cách đây không lâu, tôi có duyên hồi hương một chiếc cán dù dát vàng vô cùng tinh xảo từ Pháp, nhưng đến nay mới có thời gian soạn một bài chỉn chu: Câu chuyện về món mỹ nghệ tưởng chừng nhỏ nhoi nhưng bên trong chất chứa một niềm kiêu hãnh “phụ truyền tử kế” của đất phương Nam.

Năm Tự Đức thứ 23 (Canh Ngọ 1870), một tiệm bạc quy mô lớn, tề tựu những bậc thầy kim hoàn trong vùng Tân Phú Đông, tống An Trung, tỉnh Sa Đéc được thành lập bởi ông Lý Duy Thiện, mà dân hay gọi là ông Hộ Bửu.

Nghĩ cho danh dự tỉnh nhà là một, mà muốn phô trương tài nghệ thợ nước Nam là hai, các mặt hàng tiệm ông được sản xuất cầu kì tỉ mỉ đến khó tin. Hiệu ông Lý được săn đón từ Nam chí Bắc, đặc biệt trong giới các bà mạng phụ, phu nhơn và tiểu thư. Tiếng lành đồn xa, vua Tự Đức cũng ban riêng cho ông tấm hoành phi đề 4 chữ Hảo Nghĩa Khả Phong 【好義可風】(tạm dịch: Việc tốt lan truyền nhanh như gió thổi). Hiệu ông Lý thành công đến nỗi, 3 chuyến đấu xảo tại Paris-Pháp năm 1878 và tại Anvers-Bỉ năm 1885, 1892 đều được quan khách năm châu bốn bể xuýt xoa không ngớt, mang về nhiều giải thưởng, huân chương cho nước nhà.

Sau khi ông Hộ Bửu – Lý Duy Thiện qua đời, con trai ông là Lý Ngọc Sơn, đắc cử Hội đồng địa hạt tống An Trung liền tiếp nối. Ông còn được gọi là Vĩnh (Vỉnh), thành ra đồ bạc đời ông đều khắc 2 chữ đặc trưng VINH – SADEC, chớ không phải hiệu bạc có hai chi nhánh ở Vinh và Sadec. Hổ phụ sanh hổ tử, sau khi xuất sắc phô diễn tài nghệ tại đấu xảo Hà Nội năm 1902, ông tiếp tục mang chuông đi đánh xứ người ở thành Marseille-Pháp năm 1906 và đều thành công mỹ mãn. Cả hai lần ông đều được ban Chương Mỹ 【章美】bội tinh .

Truyền đời thứ 3 là ông Lý Nhơn Điền, lò bạc Lý gia lại càng vang danh nức tiếng Đông Dương. Đến đời ông Điền thì khắc thêm DIEN SUCCR VINH SADEC trên sản phẩm, SUCCR này là “successeur”, dịch cả cụm là “Điền – truyền nhân của ông Vĩnh ở Sadec”. Năm 1918, ông Lý Nhơn Điền được cả Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut hết lời khen ngợi và khuyến khích phát triển. Năm 1922, ông được dành hẳn một gian riêng cho hiệu mỹ nghệ “VINH” trong khuôn khổ đấu xảo tại thành Marseille, Pháp.
Vừa hay lúc đó hoàng đế Khải Định đang ngự giá, Ngài liền ân thưởng một tấm Kim khánh. Song song đó là Kim bội tinh kèm bằng cấp “Thượng hạng” từ Hội đồng Bát Lãm, và Khuê bài Ngũ đẳng Bửu Tinh từ vua Cao Miên.

Nghề bạc Sa Đéc có thể nói là niềm kiêu hãnh tột bậc của giới tinh hoa, mỹ nghệ Nam Kỳ xưa, và phần nhiều phải nhớ đến công sức của nhà họ Lý. Như cuốn “Sa Đéc Xưa Và Nay” có nêu rằng “đem chuông đi đánh xứ người vang danh khắp chốn, đáng được nêu gương phụ truyền tử kế và cũng là vinh diệu cho tỉnh Sa-Đéc được người đời nhắc tới”.

References:

  1. Sa Đéc Xưa Và Nay (NXB Cánh Bằng), 1971 – Huỳnh Minh, p.290-293
  2. Sa Đéc nhơn vật chí, 1926
    http://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=kAolz1926.1.248&e=——-vi-20–1–img-txIN——-

You may also like

Leave a Comment