?HÀNH TRÌNH CỬU LONG: TÌM VỀ CHÍN CON RỒNG NƯỚC VIỆT – PHẦN 109

by admin
?HÀNH TRÌNH CỬU LONG: TÌM VỀ CHÍN CON RỒNG NƯỚC VIỆT – PHẦN 109

?HÀNH TRÌNH CỬU LONG: TÌM VỀ CHÍN CON RỒNG NƯỚC VIỆT – PHẦN 109
Miền Tây với đồng bằng sông Cửu Long dường như quá quen thuộc với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Trong chuyến đi lần này, Carmen sẽ lần lượt thăm từng cửa biển như cách tìm về chín con rồng đã tạo nên vùng đất trù phú cho miền Nam nước ta.
Sông Cửu Long thuộc về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) màu mỡ với lượng phù sa khổng lồ được bồi đắp hằng năm cho những ruộng lúa, vườn trái cây tươi tốt.
Sông Cửu Long hay còn gọi là sông Mekong là một trong những con sông dài hàng đầu thế giới. Con sông bắt nguồn từ Trung Quốc, đi qua các quốc gia Thái, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Con sông này đổ ra biển với 9 cửa sông khác nhau. Đây là một phần lý do giải thích cho tên gọi Cửu Long (chín con rồng).
Con sông Cửu Long chia thành hai nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu (Tiền Giang và Hậu Giang). Từ hai con sông lớn này, các nhánh sông tiếp tục chia ra và tạo thành các con sông như Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên,…
Sông Tiền (Tiền Giang) chia đôi 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thành 4 nhánh sông nhỏ hơn là sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Ba Lai và sông Hàm Luông. Tương ứng với 4 cửa sông bên dưới:
Cửa biển số 1: Cửa Tiểu thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Sông Mỹ Tho (tên cổ theo Đại Nam nhất thống chí gọi là sông Trí Tường, chảy qua tỉnh lỵ tỉnh Tiền Giang là thành phố Mỹ Tho (thành Định Tường cũ) và phía nam Gò Công, ra biển bằng cửa Đại và cửa Tiểu qua đường sông Cửa Tiểu.
Tại đây, Carmen đi theo phà Bến Chùa thuộc Phước Trung, Gò Công Đông, Tiền Giang qua bờ bên kia thuộc Tân Phú Đông, Tiền Giang.
Cửa Tiểu còn còn đò Đèn Đỏ xuôi về hướng cửa biển, tuy nhiên con đò này không thể đi xe hơi qua nên không phải là lựa chọn phù hợp.
Cửa biển số 2: Cửa Đại thuộc 2 huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Tại cửa biển này, Carmen đi qua phà Bình Tân để di chuyển qua Bến Tre. Đồng thời, cửa biển này cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Tiền Giang – Bến Tre.
Với cửa Đại thì bạn có thể chọn đò Bà Từ nằm sát cửa biển hơn nhưng để an toàn thì Carmen chọn phà Bình Tân, nằm lùi vào đất liền khoảng 3km. Từ đây, bạn vẫn có thể quan sát thấy cửa biển.
Cửa biển số 3: Ba Lai: cửa sông này thuộc nhánh sông Ba Lai, nằm giữa xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri và xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Đây là cửa nhỏ nhất trong 9 cửa sông. Tại đây, Carmen dừng chân tại đập thủy lợi Ba Lai.
Cống đập Ba Lai được khởi công ngày 27 tháng 1 năm 2000, được đưa vào sử dụng ngày 30 tháng 4 năm 2002. Đây là một trong những công trình thủy lợi lớn và có vai trò quan trọng trong việc ngọt hóa Bắc Bến Tre.
Cửa biển số 4: Hàm Luông thuộc sông Hàm Luông, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Sông Hàm Luông (dòng chính lưu lượng lớn), chảy qua phía nam tỉnh Bến Tre, ra cửa Hàm Luông (tên cổ là cửa biển Ngao Châu).
Tại đây, Carmen di chuyển bằng phã Mỹ An – An Đức để băng qua con sông Hàm Luông. Phà Mỹ An khởi công tháng 11/2007 và được đưa vào sử dụng vào tháng 11/2008, cách bến phà Hàm Luông khoảng 44km về phía hạ lưu.
Bên cạnh đó, chúng ta có cầu Hàm Luông được khởi công ngày 17 tháng 01 năm 2006 và thông xe ngày 30 tháng 04 năm 2010. Cây cầu này nối từ thành phố Bến Tre đến huyện Mỏ Cày. Cách cầu Hàm Luông khoảng 3km về phía hạ lưu là bến phà Hàm Luông nay đã ngưng hoạt động.
Sông Cổ Chiên chảy qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre, đoạn vào địa phận tỉnh Trà Vinh và gần ra biển thì bị cù lao Long Trị, Long Hòa chia thành 2 cửa. Hai cửa này đều thuộc huyện Châu Thành, Trà Vinh. Cửa Cung Hầu mới xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 19 do xuất hiện các cù lao giữa cửa sông Cổ Chiên còn theo Đại Nam nhất thống chí thì chỉ gọi chung 2 của biển này là cửa Cổ Chiên.
Cửa biển số 5: Cổ Chiên
Nhánh sông Cổ Chiên tạo nên cửa biển Cổ Chiên là ranh giới địa lý tự nhiên giữa hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Tại đây, Carmen thử ghé đến đò Bến Chổi nhưng con phà này quá nhỏ nên phải di chuyển tiếp 11km ngược dòng sông để đến đò Bến Trại. Tại đò Bến Trại thì Carmen đến với xã Long Hòa và Hòa Minh thuộc huyện Châu Thành, Trà Vinh trên một cù lao do dòng Cổ Chiên tạo nên (còn gọi là cù lao Cổ Chiên).
Cửa biển số 6: Cung Hầu là cửa biển thứ hai cùng được tạo nên bởi dòng sông Cổ Chiên từ cuối thể kỷ 19.
Từ cù lao Cổ Chiên, Carmen đi về hướng bến đò Hòa Minh để băng qua cửa biển với điểm đến là cửa sông Bãi Vàng.
Sông Hậu (tên cổ là Bassac hay Ba Thắc) bắt đầu chảy vào Việt Nam từ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang và đổ ra biển tại cù lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), chia làm 2 nhánh đổ ra 3 cửa.
Cửa biển số 7: Định An thuộc thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Tại đây, Carmen đi phà Đại Ngãi từ đất liền qua cù lao Dung. Nhánh sông Hậu này cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Cù lao Dung gồm 03 cù lao nhỏ là cù lao Tròn, cù lao Dung và cù lao Cồn Cộc tạo thành. Và đây cũng là một trong những cù lao có diện tích lớn nhất nhì tại ĐBSCL nước ta.
Phà Đại Ngãi là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc phát triển nền kinh tế miền Tây Nam Bộ. Phà Đại Ngãi nối huyện Tiểu Cần, Trà Vinh qua cù lao Dung và Long Phú, Sóc Trăng. Lễ thông xe được tổ chức vào tháng 02/2013 đánh dấu một cột mốc quan trọng. Việc thông xe này đã giúp rút ngắn quãng đường từ thành phố Trà Vinh đến thành phố Sóc Trăng còn 50km thay vì 150km như trước đây (đường vòng đi qua 03 tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ và Vĩnh Long).
Cửa biển số 8: Ba Thắc (Bassac) từng chia đôi cù lao Dung trước đây, là tiền thân của sông Cồn Tròn hiện nay.
Cửa này đã bị bồi lấp từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hiện chỉ còn 1 con sông nhỏ là sông Cồn Tròn chảy từ trung tâm cù lao Dung ra hòa vào cửa Trần Đề đổ ra biển Đông.
Theo bản đổ được vẽ từ năm 1891 thì sông Ba Thắc bắt đầu từ vàm Đại Ngãi, đầu cù lao Dung. Theo thời gian, do biến đổi của dòng chảy đã khiến một số cồn cát hình thành làm dòng chảy càng ngày yếu đi. Điều này khiến lượng phù sa bồi lắng tại cửa sông ngày càng nhiều và hình thành các cồn bãi như ngày nay.
Sự bồi đắp tại phía hạ lưu ngày càng nhiều khiến cửa sông Ba Thắc biến mất và chỉ còn lại một con sông Cồn Tròn như ngày nay đổ ra nhánh sông Trần Đề.
Cửa biển số 9: Trần Đề thuộc thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Sau khi đi qua sông Cồn Tròn – những gì còn lại của con sông Ba Thắc ngày xưa, Carmen đi phà Đại Ân 1 (còn gọi là phà Long Phú) để quay về đất liền.
Cửa sông Trần Đề hay còn gọi là Tranh Đề là cửa sông cuối cùng trong hệ thống chín cửa sông đổ ra biển của dòng Cửu Long.
Từ Trần Đề, bạn có thể tiếp tục đi Côn Đảo bằng tàu cao tốc.
Vậy là Carmen đã kết thúc chuyến đi thăm chín con rồng của đồng bằng sông Cửu Long với thời gian 34 tiếng 20 phút theo hành trình vừa trình bày với các bạn.
Đường về là những con đường lớn từ bến phà Long Phú về thành phố Sóc Trăng, thị xã Ngã Bảy, thành phố Cần Thơ và theo cao tốc Trung Lương về lại Sài Gòn.
Trong hành trình này, Carmen có ghé thăm Lăng Hoàng Gia tại gò Sơn Quy (tên cũ là Gò Rùa), Gò Công, Tiền Giang là nơi chôn cất ông Phạm Đăng Hưng – cha ruột hoàng hậu Từ Dụ (còn gọi là Từ Dũ), là ông ngoại vua Tự Đức.
Năm 1825, ông Phạm Đăng Hưng mất, vua Tự Đức cho xây lăng mộ thờ dòng họ Phạm Đăng theo đúng kiến trúc lăng tẩm dành cho vua quan thời bấy giờ và đổi tên Gò Rùa thành gò Sơn Quy từ đó.
Lăng Hoàng Gia là nơi thờ phụng 13 người trong gia tộc họ Phạm Đăng để tưởng nhớ những người đã có công khai hoang lập địa vùng đất Gò Công này từ năm 1811 đến đầu thế kỷ 20. Ông Phạm Đăng Khoa là người khai thiên lập địa vùng đất Gò Công. Phạm Đăng Hưng là hậu duệ bốn đời của ông Phạm Đăng Khoa.
Tiếp theo chính là đền thờ Trương Định cũng nằm tại Gò Công, Tiền Giang.
Trương Định (1820-1864, hưởng dương 44 tuổi) với một sự nghiệp lừng lẫy, là một tướng yêu nước thời nhà Nguyễn. Ông tên thật là Trương Công Định (hoặc Trương Đăng Định). là người Quảng Ngãi, theo cha là Lãnh binh Trương Cầm vào Nam phục vụ triều nhà Nguyễn thời vua Thiệu Trị.
Năm 1850, ông hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Nguyễn Tri Phương và lập đồn điền tại Gia Thuận (Gò Công ngày nay), vì thế, ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ, hàm chánh lục phẩm.
Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Sau đó, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều (Gia Định), và từng đánh thắng đối phương ở Cây Mai, Thị Nghè,…
Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định-Định Tường.
Năm 1862, triều đình Huế ký hòa ước (Hòa ước Nhâm Tuất) và nhường ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Định Tường và Gia Định cho Pháp.
Trương Định đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh do Phan Thanh Giản truyền vào và rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân. Được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, lấy nơi này làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến.
Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương (gãy xương sống).
Về cái chết của ông, các nguồn không thống nhất về việc ông có tuẫn tiết hay không. Hầu hết các nguồn cho rằng ông đã tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc. Mặt khác, theo Việt sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn ghi chép là “ông và 28 người tùy thuộc bị bắn chết”.
Bài thơ Nguyễn Đình Chiểu viết cho ông:
“Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Quả ấn Bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.”
Câu trả lời cho thư dụ hàng của tướng Pháp Bonard “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta.”
Chuyến đi nhiều bổ ích và là cơ hội để chúng ta thêm yêu quê hương, đất nước mình; hiểu hơn con người miền Tây chất phác, hiền lành; nhắc nhớ hơn về những cánh đồng lúa chín mênh mông gắn liền với những con sông chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ trù phú ngày nay.
Carmen
?Theo dõi nhiều hơn tại:
IG: carmen_writer
#carmen
#ladyinred
#review #blogger #hanhtrinh25 #marketing
#film #movie #food #DienCuongNhuCarmen

You may also like

Leave a Comment