37. Cử Phụ – 举父
Cử Phụ 举父 cũng gọi là Khoa Phụ 夸父, dáng người rất lớn, hình dáng giống như con khỉ đuôi dài 猕猴, màu vàng đen, nhiều lông bờm, hay vung nhanh đầu của nó, có thể nâng đá ném người, hoặc vồ lấy.” Cổ đại có truyền thuyết Khoa Phụ đuổi theo mặt trời[6] sau cùng chết vì khát, đến nay vẫn còn lưu truyền.
[6] Tương truyền vào triều đại Hiên Viên Hoàng Đế, trong tộc Khoa Phụ có một thủ lĩnh muốn hái mặt trời xuống, đặt vào trong lòng mọi người, thế là liền bắt đầu đuổi theo mặt trời. Khi ông khát nước đã uống cạn hết nước sông Hoàng Hà và sông Vị, dự định chạy lên hồ lớn (hoặc biển lớn) phía bắc uống nước, nhưng dọc đường chạy đến đầm lớn thì bị khát chết. Cây gậy chống của ông hóa thành Đặng Lâm (Địa danh, nay ở gần Đại Biệt Sơn chỗ giao giới ba tỉnh Hồ Bắc, An Huy và Hà Nam. Đặng Lâm 邓林 tức “Rừng đào” 桃林.), trở thành đào hoa nguyên; mà thân thể của ông hóa thành Khoa Phụ Sơn 夸父山.
38. Long Thân Nhân Diện Thú – 龙身人面兽
Long Thân Nhân Diện Thú là Sơn Thần của tổng cộng 14 ngọn núi từ núi Thiên Ngu 天虞 đến núi Nam Ngu 南禺, có cơ thể của con rồng và khuôn mặt của con người. Còn có một cách nói khác là Long Thân Nhân Diện Thú có cơ thể của con chim và khuôn mặt của con người, có chút không khớp so với tên gọi Long Thân Nhân Diện Thú.
39. Bi – 罴
Bi có ngoại hình rất giống con gấu, toàn thân được bao phủ bởi hoa văn vàng bạc đan xen, có thể một mình nhổ lên một cây đại thụ. Bi đã từng trợ giúp Hoàng Đế[7] 黄帝 đại chiến Viêm Đế[8] 炎帝, trong 《Sử Ký · Ngũ Đế Bản Ký》 ghi chép: “Hoàng Đế Hữu Hùng Thị 有熊氏 huấn luyện các loài Hùng Bi Tỳ Hưu Sơ Hổ 熊罴貔貅貙虎[9], nhằm chiến với Viêm Đế tại cánh đồng Phản Tuyền.”
[7] Hoàng Đế 黄帝 còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế 轩辕黄帝, là một vị vua huyền thoại và anh hùng văn hoá Trung Quốc, được coi là thủy tổ của mọi người Hán.Hoàng Đế được coi là một trong Ngũ Đế, theo huyền sử Trung Quốc thì ông trị vì trong khoảng 2698 TCN đến 2599 TCN và là người sáng lập ra nền văn minh Trung Quốc. Theo truyền thuyết, việc ông rút về phía tây tại trận Trác Lộc (涿鹿) đánh thủ lĩnh Xi Vưu (蚩尤) là cái mốc hình thành người Hán.
[8] Thần Nông 神农 còn được gọi là Viêm Đế 炎帝 hay Ngũ Cốc Tiên Đế 五谷先帝, là một vị vua huyền thoại của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, một trong Tam Hoàng Ngũ Đế và được xem là một anh hùng văn hóa Trung Hoa.
[9] Tên của các loài mãnh thú.
40. Khê Biên – 谿边
Khê Biên là một loài kỳ thú có ngoại hình giống con chó, nghe nói da của nó dùng làm chiếu có thể ngừa sâu độc. Chó cũng thuộc loại như Khê Biên, do đó lưu lại truyền thuyết máu chó có thể trừ tà. Trong 《Bản Thảo Cương Mục》 của Lý Thời Trân viết: “Xuyên Tây có nguyên báo 元豹, lớn như chó, màu đen, đuôi cũng như chó, da nó làm chăn nệm rất ấm, có vẻ như Khê Biên cũng giống vậy.”
41. Sổ Tư – 数斯
Sổ Tư là một loài kỳ điểu, dáng vẻ giống chim cú, nhưng lại có một đôi chân người. Truyền thuyết kể rằng Sổ Tư có hiệu quả chữa bệnh cực mạnh đối với thân thể người, ăn thịt của Sổ Tư có thể trị bệnh động kinh hoặc bệnh động kinh ở trẻ em. 《Sự Vật Cám Châu》 miêu tả: “Sổ Tư như chim trĩ, chân người.”
42. Man Man – 蛮蛮
Man Man cũng gọi là Bỉ Dực Điểu, Thụy thú[10], tượng trưng cho sự may mắn và sát cánh cùng bay. Man Man có một cánh và một chân, cần trống mái kết hợp lại sau đó mới có thể bay lượn trên trời. 《Bác Vật Chí》 ghi chép : “Núi Sùng Thu 崇秋 có loài chim, một chân một cánh một mắt, hợp ý nhau mà bay, tên là Man 蛮. Gặp thì tốt lành, cưỡi nó thọ ngàn tuổi.”
[10] Thụy thú 瑞兽: Chỉ loài thú cát tường may mắn, tốt lành.
(Còn Tiếp)
Tác giả: Mao Đậu (Biên tập), Thôn Thôn (Minh họa),Mặc Ngư (Minh họa)