12 câu chuyện đau lòng phía sau các thi thể trên đỉnh Everest

by admin

Hiện có 300 thi thể vẫn còn trên đỉnh Everest, biến nó thành nghĩa địa ngoài trời lớn nhất thế giới. Trong khi hầu hết các trường hợp tử vong trên đỉnh Everest xảy ra do tuyết lở, té ngã và tiếp xúc với khí hậu khắc nghiệt, thì có một khu vực được gọi là Death Zone – Vùng Tử Thần, khu vực có số lượng thi thể cao, đi kèm một loạt các vấn đề độc đáo.

Vùng Tử Thần

Núi Everest cao khoảng 9000m, trong khi Vùng Tử Thần bắt đầu từ độ cao 7.924m (26.000ft). Khi cơ thể con người đi vào độ cao này, các tế bào bắt đầu quá trình suy kiệt và ngày càng gần đến ngưỡng chết. Sau đó, việc leo núi trở thành một cuộc đua với thời gian, những nhà thám hiểm phải leo từ đây lên đến đỉnh núi và trở về trước khi quá trình này hoàn tất. Vì oxy ở cấp độ này chỉ bằng một phần ba so với mực nước biển, những người leo núi có thể cảm thấy uể oải, mất phương hướng và mệt mỏi. Áp lực làm cho trọng lượng như nặng gấp mười lần và gây ra sự đau đớn tột cùng lên các cơ quan. Cơ thể sẽ đối mặt với những triệu chứng nặng nề như phù phổi,phù não, xuất huyết võng mạc trên cao và tắc mạch máu.

Do những tác động nghiêm trọng này, những người leo núi thường chỉ có 48 giờ bên trong Vùng Tử Thần và được các chuyên gia mạnh mẽ khuyến cáo sử dụng oxy bổ sung mọi lúc. Đấy là nguyên do các video hiếm hoi bạn được xem những nhà leo núi quay lại khi họ chạm đỉnh, họ chỉ cười, vẫy tay chứ không nói chuyện.

Thiệt Mạng Trong Vùng Tử Thần

Nếu có ai đó chết trên Everest, việc mang cơ thể họ về để an táng là gần như không thể, đặc biệt ở Vùng Tử Thần. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự thiếu oxy nghiêm trọng, áp lực lên trọng lượng cái xác và thực tế là nhiều thi thể trên đỉnh Everest bị đóng băng hoàn toàn trên mặt núi, hầu hết các xác chết đều bị bỏ lại chính xác nơi chúng ngã xuống. Nhiều gia đình đã bỏ ra nhiều nỗ lực để lấy lại thi thể của người thân yêu, nhưng những chuyến đi đó có thể tốn lên $25,000 và cực kỳ nguy hiểm cho việc phục hồi của cơ thể.

Sự nguy hiểm của chứng Say Độ Cao

Say độ cao là gì?

Có 3 kiểu say độ cao: Say núi cấp tính, chứng phù phổi do độ cao và chứng phù não do độ cao

Say độ cao ở mức nhẹ được gọi là Say núi cấp tính (Acute Mountain Sickness – AMS) và khá giống với trạng thái nôn nao – bạn sẽ cảm thấy đau đầu, buồn nôn và mệt mỏi. Triệu chứng này rất phổ biến, một số người chỉ bị ở mức độ nhẹ, một số người khác sẽ bị nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn bị AMS thì đây là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang có nguy cơ mắc các loại say độ cao rất nguy hiểm: Phù phổi do độ cao (HAPE) và phù não do độ cao (HACE). Cả HAPE và HACE đều có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ đồng hồ.

HAPE là chứng phù phổi do độ cao – High Altitude Pulmonary Oedema, và HACE là chứng phù não do độ cao – High Altitude Cerebral Oedema. Những thuật ngữ y tế này đơn giản có nghĩa là “Chất lỏng trong phổi/não”.

Bất kì ai leo núi ở độ cao trên 2500m đều có thể có nguy cơ bị say núi cấp tính. Thường thì phải mất đến vài giờ đồng hồ ở độ cao đó bạn mới có thể nhận thấy những triệu chứng này. Điều đáng sợ của chứng bệnh này đó là rất khó có thể dự đoán được ai sẽ có thể mắc phải. Có rất nhiều những câu chuyện về những người khoẻ mạnh có những triệu chứng của say núi cấp tính, trong khi những người bạn đồng hành nhiều tuổi của họ lại bình thường.

Everest đã đạt tới độ cao tuyệt đối của nó chưa?

Các nhà khoa học trái đất dự đoán núi Everest từ 50 đến 60 triệu năm tuổi, vẫn “khá trẻ tuổi” so với những núi khác. Đỉnh được tạo thành bởi sự va chạm hai mảng lục địa Ấn và Á-Âu khiến những phần đá được đẩy lên tạo ra đỉnh núi cao nhất trái đất. Vậy nên, câu trả lời là nó chưa đạt đến đỉnh điểm nguy hiểm, người ta ước tính Everest cao thêm 6cm mỗi năm.

Các hóa thạch tìm thấy trên đỉnh Everest cho kết quả giống với các mẫu hóa thạch cổ xưa chỉ có dưới đại dương, vậy nên giới khoa học cho rằng vào thời xa xưa, đỉnh Everest đã từng ở dưới mực nước biển.

Đằng sau một tên gọi lãng mạn

Dọc theo con đường Đông Bắc sườn núi, gần đỉnh Everest là Thung Lũng Cầu vồng. Trong khi cái tên có thể gợi lên niềm hạnh phúc và hy vọng, thì Rainbow Valley (Thung Lũng Cầu Vồng) về cơ bản là một hố lớn đầy xác chết. Cái tên này đến từ những chiếc áo khoác và dụng cụ leo núi màu sắc rực rỡ vẫn còn gắn liền với những thi thể rải rác trên phần núi đó.

Những người leo núi dọc theo tuyến đường này không thể không chú ý đến dải màu rõ ràng khi họ đi qua đoạn đường đặc biệt này. Trong suốt nhiều năm, những người leo núi đã rút kinh nghiệm đẩy các thi thể qua sườn núi vào Thung lũng Cầu vồng hoặc cắt dây thừng của xác chết để ít nguy hiểm hơn cho những người dấn thân vào con đường mòn.

Lý Giải Cơn Sốt Đỉnh Cao

Bất chấp những nguy hiểm việc chinh phục đỉnh có thể mang lại, hàng năm hàng ngàn nhà lo núi vẫn đổ về Nepal. Để mổ xẻ lý do, trước tiên ta cần xem xét thời gian và chi phí cho một lần leo Everest

LEO EVEREST MẤT BAO LÂU

40 ngày là con số tối thiểu để leo Everest để cho cơ thể có đủ thời gian làm quen với độ cao.

Tháng 4 hàng năm núi sẽ mở cửa để chào đón các nhà chinh phục

Để chuẩn bị cho ngày chinh phục núi vào tháng 5, thì những sự chuẩn bị để cho một chuyến leo núi thành công bắt đầu trước đó một tháng. Hầu hết các đoàn tập hợp ở Kathmandu vào cuối tháng 3 để bắt đầu quá trình thích nghi với môi trường. Bắt đầu trek đến basecamp (trại cơ sở), từ đây những đoàn hướng dẫn leo núi đã sẵn sàng hỗ trợ cho hành trình leo, mang đồ ăn và trang thiết bị, chuẩn bị đường lên đỉnh.

Vào tầm tháng 4, các nhà leo núi luyện tập nhiều đợt nghỉ đêm ở những camp cao hơn để làm quen với độ cao trong khi những nhóm hướng dẫn viên Nepal lên đỉnh. Vào tuần thứ 2 của tháng 5, nhóm đã chuẩn bị đường với dây cố định từ basecamp lên đỉnh, và nhiều trại được trang bị vật dụng đầy đủ dọc đường.

Sau đợt nghỉ ngơi cuối cùng, một vài nhóm sẽ tháo trại và xuống núi để hồi phục thể lực – và cú leo cuối cùng sẽ là 4-5 ngày gian khổ. Nếu mọi điều tiến triển tốt, hầu hết các nhà leo núi sẽ chinh phục đỉnh và trên đường về nhà vào đầu tháng 6.

CHI PHÍ CHO VIỆC LUYỆN TẬP: $8,000 (KHOÀNG 183 TRIỆU VND)

Bạn sẽ không muốn bước chân trên một trong những ngọn núi hiểm trở nhất trên thế giới mà không có một nền tảng sức khỏe thật sự tốt. Ngoài chi phí thuê huấn luyện viên cho việc rèn luyện thể chất ở nhà, bạn cần phải bỏ ra ít nhất 2 tháng tại Nepal để bắt đầu luyện tập, làm cho cơ thể của bạn dần quen với việc hoạt động ở nơi có độ cao lớn, tránh đi nguy cơ bạn bị hội chứng AMS (Hội chứng độ cao), sẽ cực nguy hiểm nếu nó xảy ra với bạn trên đường leo Everest. Bạn được khuyến khích thử sức với các ngọn núi 6000m ở Nepal trước khi bắt đầu leo Everest, điều đó sẽ giúp cơ thể thích nghi tốt hơn và bạn sẽ tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết để ứng phó với các điều kiện khắc nghiệt khi leo lên những ngọn núi có độ cao từ 7000m trở lên.

GIẤY PHÉP LEO NÚI: $11,000 ( KHOẢNG 252 TRIỆU VND)

Trước khi bạn đặt chân lên núi, bạn sẽ cần giấy phép leo núi. Tùy thuộc vào tuyến đường đi, bạn có thể xin giấy phép từ chính phủ Nepal hoặc Trung quốc nếu đi hướng Tây Tạng. Vì lý do hậu cần và hỗ trợ, hầu hết các nhà leo núi đi về phía nam của Everest ở Nepal với chi phí $11.000 cho một giấy phép. Bạn có thể tiết kiệm được một chút tiền bằng cách đi về phía bắc, ở Tây Tạng, nơi có chi phí khoảng $7.000.

Ở hai mặt Nepal và Tây Tạng đều tìm ẩn như nguy cơ nhất định, ở mặt Nepal bạn sẽ phải đối mặt với những trận lỡ tuyết bất ngờ. Còn phía Tây Tạng, sẽ là những đợt gió lớn.

CHI PHÍ PHÁT SINH KHI LEO NÚI: $1500 ( KHOẢNG 40 TRIỆU VND)

Như bất kỳ chuyến đi nào, sẽ có những khoản chi phí phát sinh. Ở Everest, các khoản phí này bao gồm phí y tế cơ bản , đóng góp vào chi phí lắp đặt và bảo trì dây thừng ở những chặng hiểm trở trên núi. Và tiền vệ sinh, dọn dẹp rác thải từ con người thải ra trong quá trình leo núi.

Bạn có biết: Hiện có khoảng 14 tấn phân người tích tụ trên Everest gây thách thức đến chính phủ Nepal?! Không chỉ là nghĩa địa lộ thiên lớn nhất, Everest còn là bãi rác và hố xí lộ thiên lớn nhất nữa.

TRANG BỊ DỤNG CỤ CẦN THIẾT: $10,000 (KHOẢNG 230 TRIỆU VND)

Ứớc tính có khoảng 22 loại trang bị cần thiết) cho chuyến đi đến Everest. Ví dụ như quần áo giữ ấm chuyên dụng, giày,túi ngủ, nón bảo hộ, thuốc men. Đặc biệt là bình oxy.

CHI PHÍ KHI LEO NÚI: $35,000 – $100,000 (805 TRIỆU – 2 TỶ VND)

Mức giá leo Everest thấp nhất khoảng $35,000 (giá này chưa bao gồm giấy phép leo núi và giá thay đổi dựa trên số lượng thành viên trong cuộc thám hiểm). Chi phí leo này phụ thuộc phần lớn vào việc bạn lựa chọn các công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn cho bạn . Đối với tuyến đường leo phía Nam tại Nepal , giá với một công ty hướng dẫn phương Tây có thể lên đến $90,000 cho một chuyến đi tiêu chuẩn. Giá cả sẽ tùy thuộc vào danh tiếng của công ty và các dịch vụ hỗ trợ bổ sung (ví dụ như tỷ lệ cao hơn của người Sherpa cho các thành viên, các đầu bếp, người hỗ trợ khuân vác và cả bác sĩ),bên cạnh đó là các cơ sở vật chất đảm bảo hơn, cùng với các điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn tại trại căn cứ và trại 2. Giá có thể rẻ hơn nếu bạn dùng dịch vụ của các nhà cung cấp tại địa phương, Một công ty Nepal cung cấp dịch vụ leo núi Everest thường tính phí khoảng $35,000.

CÁC CHI PHI KHÁC: $5,000 (KHOẢNG 115 TRIỆU ĐỒNG)

Các chi phí phát sinh khác bao gồm chi phi di chuyển đến Nepal và Everest Base Camp ( Điểm đầu tiên để bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest – độ cao khoảng 5.300m). Mức phí bảo hiểm, cứu hộ trong điều kiện khẩn cấp. Chi phí này có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm khác nhau.

[Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp những blogger trẻ du lịch nói rằng họ đến Everest. Thì khả năng cao là họ đi lên cái Camp này. Hàng năm những người tham dự tour đến Base Camp rất đông, dễ đi và chi phí vừa phải. Say độ cao không phải chuyện đùa, và tiền tỉ cũng rứa]

Vậy là, tổng chi phí cho việc leo Everest là khoảng hơn 2 tỷ VND. Cùng với những thách thức về tính mạng, cộng thêm một Vinhomes 1PN căn góc full nội thất, bạn sẽ phần nào hiểu được những cố chấp của các thi thể nổi tiếng dưới đây….


5 cái chết nổi tiếng nhất

CỘT MỐC GIÀY XANH

Thoạt nghe thì có vẻ cột mốc đó là một hòn đá hoặc một đường nứt có hình thù đặc biệt, nhưng thực ra Giày Xanh là một thi thể chết cóng của một nhà leo núi đã ngã xuống, cái tên đó được đặt dựa vào đôi giày màu sắc rực rỡ anh mang khi chết.

Trong hai thập kỷ qua, những người leo núi đã sử dụng Giày Xanh như một điểm đánh dấu đường rùng rợn để đánh giá xem họ còn bao xa để đi trên đường đua của riêng họ lên đỉnh.

Kể từ năm 2014, Giày Xanh cuối cùng đã rơi xuống một vị trí thấp hơn bên sườn núi, nơi anh gia nhập vào cơ thể của những người leo núi bị ngã khác đã bị xóa khỏi tuyến đường chính.

NGƯỜI ĐẸP NGỦ

Francys Arsentiev và chồng cô – Sergei, là đôi vợ chồng đam mê leo núi tìm cách chinh phục đỉnh Everest vào năm 1998. Francys có mục tiêu trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên lên đỉnh Everest mà không cần sử dụng oxy bổ sung. Sau hai lần thất bại, cuối cùng cô đã thành công nhưng không bao giờ có thể ăn mừng thành tích của mình.

Do thiếu oxy bổ sung, cặp vợ chồng di chuyển chậm chạp và không thể lên đỉnh cho đến tận cuối ngày 22 tháng 5, điều đó buộc họ phải trải qua một đêm nữa ở Vùng Tử Thần. Cặp đôi bị tách ra trong buổi tối cuối cùng này và Sergei tìm đến Trại IV, cho rằng vợ anh cũng làm như vậy. Khi phát hiện ra sự vắng mặt của cô, anh nhanh chóng trở lại đỉnh với oxy và thuốc với hy vọng giải cứu vợ.

Ngày 23 tháng 5, một nhóm người Uzbekistan đã tìm thấy Francys chỉ còn nửa cái mạng và không thể tự mình di chuyển. Họ bế cô xuống thấp hết mức có thể cho đến khi hết oxy và họ phải để Francys lại và xuống trại. Trên đường, họ đi ngang qua Sergei đang cố gắng đến chỗ cô. Anh không được nhìn thấy còn sống kể từ đó.

Những giờ phút cuối cùng đầy ám ảnh của Người Đẹp Ngủ đã đưa cô trở thành huyền thoại. Vào ngày 24 tháng 5, những người leo núi Ian Woodall và Cathy O’Dowd đã nhìn thấy một cơ thể rách rưới trong bóng tối của Bước đầu tiên, một trong ba bước trên sườn núi phía đông bắc. Francys bị thiếu oxy trầm trọng, bị đóng băng và vẫn gắn bó với đường leo núi của mình. Cô cứ lẩm bẩm “Đừng bỏ tôi lại ở đây. Đừng để tôi chết ở đây.” Nhóm nghiên cứu đã từ bỏ nỗ lực lên đỉnh và dành hơn một giờ để cứu cô ấy.

Giữa vị trí nguy hiểm, Francys rơi vào tình trạng bất tỉnh và hết oxy, cả đội đưa ra quyết định đau đớn là rời bỏ cô và trở về trại. Trong chín năm, những người leo núi đã đi qua người đẹp băng giá, người đã trở thành một phần của phong cảnh Everest.

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐỨC

Hannelore Schmatz là một vận động viên leo núi người Đức đã chinh phục thành công đỉnh Everest vào tháng 10 năm 1979. Trên đường đi xuống, Hannelore và đồng đội của cô, Ray Genet đã kiệt sức , mặc cho hướng dẫn viên bản địa người Sherpa đã nài nỉ họ nên tiếp tục đến Trại IV, họ quyết định qua đêm bên trong Vùng tử thần. Họ dựng trại tạm thời không có che chắn, về cơ bản chỉ dùng túi ngủ để giữ ấm.

Qua một đêm, có một cơn bão tuyết nghiêm trọng khiến Ray Genet chết do hạ thân nhiệt. Ngay sau đó, Hannelore chịu thua vì kiệt sức chỉ cách trại 330 feet. Cô nổi tiếng bởi tư thế chết nằm dựa vào balo hiên ngang.

Nỗ lực lấy lại thi thể của cô vào năm 1984 đã dẫn đến cái chết của hai người đàn ông do gió cực mạnh ở sườn phía nam.
Cuối cùng, những cơn gió mạnh đã cuốn cơ thể của Hannelore xuống sườn Kangshung.

DAVID SHARP – CÁI CHẾT XÉ TOẠC TOÀN BỘ CỘNG ĐỒNG LEO NÚI.

Vận động viên leo núi người Anh David Sharp đã thực hiện chuyến đi thứ 3 của mình lên đỉnh Everest mà không cần sự trợ giúp của oxy, radio, hướng dẫn viên bản địa người Sherpas hoặc đồng đội. Trên đường trở xuống, anh dừng lại nghỉ ngơi trong hang động của Green Boots (Cột Mốc Giày Xanh). Mất phương hướng và kiệt sức, Sharp co hai chân lên ngực, tựa đầu lên đầu gối và không bao giờ tỉnh dậy.

Tuy nhiên, David Sharp đã không chết ngay lập tức. Hơn 40 nhà leo núi khác nhau đã vượt qua anh trên núi và thừa nhận rằng anh vẫn còn sống nhưng gặp nạn. Sự phẫn nộ tuôn ra từ khắp nơi trên thế giới khi biết rằng Sharp đang rên rỉ và thì thầm xin giúp đỡ với những người leo núi đã từ chối từ bỏ hành trình lên đỉnh của họ để giúp anh ta.

Có thể bạn chưa biết, tồn tại một bất thành văn giữa những người leo núi, ấy là cần phải từ bỏ nhiệm vụ chinh phục đỉnh của họ để giúp đỡ những người trong tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng luật tiêu chuẩn không được áp dụng do những khó khăn liên quan đến việc leo lên ngọn núi cao nhất trên trái đất. Tâm lý hiện đại này đã đẩy thế giới leo núi vào nội chiến, và cái chết của Sharp chỉ làm nổi bật thêm vấn đề.

YASUKO NAMBA – BỊ KHUẤT PHỤC Ở NGON NÚI CUỐI CÙNG

Yasuko Namba là một người leo núi lành nghề, bà leo đỉnh Everest để hoàn thành thử thách cuối cùng là chinh phục Bảy đỉnh. Nhà leo núi Nhật Bản vừa đạt đến đỉnh cao sự nghiệp và bảo vệ danh hiệu người phụ nữ lớn tuổi nhất đã chinh phục 7 nóc nhà thế giới. Khi người phụ nữ 47 tuổi đang trên đường trở về mặt đất để tận hưởng vinh quang, trận bão tuyết năm 96 đổ bộ lên đội của bà.

Namba cùng đồng nghiệp leo núi của bà, Beck Weathers, và một số hướng dẫn viên bị mắc kẹt ở South Col. Namba cùng đồng nghiệp của mình đã phải trải qua một trong những ác mộng của các nhà leo núi – hiện tượng whiteout. Khi gặp phải hiện tượng này, không ai có thể nhìn rõ bất cứ điều gì trước mắt và định vị được vị trí của mình. Do thể trạng nhỏ bé và chỉ nặng 44kg, Namba bị hạ thân nhiệt và nhiễm lạnh nghiêm trọng. Điều này khiến cho bà trở nên yếu đi và không thể kêu cứu cũng như tìm kiếm sự trợ giúp.

Ngay sau đó, sự giúp đỡ đến từ Trại IV được đưa ra và họ bắt đầu sơ tán những người leo núi bị mắc kẹt. Một hướng dẫn viên cho rằng Namba đã chết, họ bỏ qua bà và Weathers. Một nhóm tìm kiếm được gửi đi vào ngày hôm sau đã phát hiện ra Namba và Weathers trong tình trạng khủng khiếp và chắc chắn họ sẽ không đến được căn cứ. Sau khi bị bỏ rơi hai lần liên tiếp trong vòng 14 giờ, Weathers tự mình bò vào Trại IV.

Namba chết trong cô đơn.


Bạn đọc thêm ở mỗi ảnh về các cái chết khác và thông tin về dân tộc người Sherpas đặc biệt trên dãy Himalayas nhé…

Nếu có phần kiến thức nào chưa đúng hãy bảo mình với. Nếu bài viết được đón nhận tốt mình sẽ viết thêm về các đỉnh núi nguy hiểm hơn và mang tính chất tâm linh khác.

Mình có đăng bài ở trang fb cá nhân nếu bạn muốn share. Enjoy <3

You may also like

Leave a Comment