1. Suy nghĩ của bạn bị mắc kẹt trong những chi tiết vụn vặt.
Khi bạn trong trạng thái “suy nhược hướng nội”, những phiền toái bé nhỏ cũng có thể đánh gục bạn. Ở trạng thái thông thường thì bạn chỉ hơi bị kích động một tẹo nếu không thể tìm thấy chìa khóa hoặc bắt gặp vài dòng bình luận ác ý về mình thôi – nhưng tình hình ở đây lại khác hoàn toàn. Sự “suy nhược hướng nội” có thể đẩy bạn vào trạng thái hỗn loạn, đẫm nước mắt, dễ dàng buông ra những lời mỉa mai cáu kỉnh, văng tục và cao giọng hơn hẳn. Thậm chí là giữa các cặp vợ chồng hạnh phúc hay những người bạn thân, có thể rơi vào những trận cãi vã nảy lửa khi một trong số họ bị kiệt quệ về mặt xã hội.
2. Bạn khó có thể đưa ra quyết định
Bạn gặp khó khăn khi phải ra quyết định cho những chuyện thậm chí là nhỏ nhặt nhất. Nên gọi một đĩa bánh bí đỏ hay cherry đây? Chẳng lẽ nó lại khó khăn đến mức này sao. Khi gặp phải những vấn đề lớn hơn, bạn có thể nhận ra bản thân mình rơi vào vòng xoáy của những dòng suy nghĩ, khi mà những sự việc và kết quả dự kiến cứ luẩn quẩn miết khiến bạn nghĩ đến nổi bực cả mình. Bạn tìm kiếm chút manh mối để tìm ra hướng đi đúng đắn, nhưng vì quá kiệt sức, tâm trí bạn đã chẳng thể làm được gì.
3. Bạn không thể suy nghĩ mạch lạc
Tương tự vấn đề trên, bộ não của bạn mệt mỏi đến nỗi cảm giác không khác gì một đống bột nhão cả. Dường như nó đang xử lý mọi thứ ở chế độ “tiết kiệm điện năng”. Và bạn thì phải vật lộn để nhớ lại các chi tiết vụn vặt của những chuyện tưởng chừng như là hiển nhiên nhất.
4. Tông giọng của bạn thay đổi
Giọng nói của bạn yếu hơn, với những khoảng nghỉ khá dài giữa câu. Bạn có thể dùng những từ có nghĩa tương đương với ý định diễn đạt nhưng chúng không hề đúng ngữ cảnh. “Món tráng miệng” thành “món ngọt” hay những cử chỉ vô định thay cho câu hỏi “tôi đã để quên chiếc áo khoác ở đâu vậy”. Nếu cực kỳ mệt mỏi, bạn thậm chí bước đi như một người say xỉn, ngay cả khi bạn không hề nhấp môi bất kì đồ uống có cồn nào. Bạn có thể nói năng ấp úng, phát âm sai hoặc thậm chí nói lắp mà không hay. (Tôi đã trải qua điều này rồi này).
5. Bạn cảm thấy cơ thể không được khỏe
Trong những trường hợp nghiêm trọng, một vài người hướng nội nhận thấy có các triệu chứng thực thể, chẳng hạn như đau đầu, đau cơ, choáng và cảm giác cồn cào ở dạ dày.
6. Bạn cảm thấy ủ rũ
Tương tự cảm giác cực kỳ mệt mỏi. Nếu có ai đó đề nghị một nơi yên tĩnh để nghỉ trưa, bạn sẽ không ngần ngại gật đầu đồng ý ngay tức khắc. Bạn thấy uể oải và không hề có bất kỳ dòng năng lượng nào. Khi bạn về nhà từ những buổi tiệc xã giao, bạn thấy cực kỳ kiệt sức để có thể tiếp tục bắt tay vào làm một việc gì đó. Bạn đổ mình xuống chiếc ghế dài, bỏ qua hết mọi thói quen chăm sóc cơ thể buổi tối hoặc đi ngủ ngay lập tức. Bạn mệt đến nỗi nó trông như bạn vừa trải qua một buổi tập luyện cường độ cao tại phòng gym vậy.
7. Bạn trở nên lơ đễnh
(Lơ đễnh là khi bạn ngưng chú ý vào những gì đang xảy ra xung quanh, lý do có thể là vì bạn đang thả lỏng cơ thể để thư giãn hay là vì bạn đang cảm thấy…hơi chán).
Bạn không thể giữ cho tâm trí tập trung vào những gì diễn ra xung quanh. Ai đó đang nói, nhưng bạn không thực sự nạp vào những gì họ vừa nói ra. Bạn có một vẻ mặt thờ thẫn (hoặc buồn bã hay tức giận) khi ở trạng thái lơ đễnh và tâm trí bạn thì trống rỗng; hoặc là khi bạn đang mơ mộng, lạc vào trí tưởng tượng của riêng mình. Có thể bạn rất giống tôi, một người ưa suy nghĩ sâu xa về tất cả mọi thứ – đôi khi là những ý tưởng về nguồn gốc của vũ trụ, một thế giới song song, sự sống trên những hành tinh khác, và cả ý nghĩa của tất thảy những điều trên nữa.
8. Bạn cảm thấy lo âu
Với vài người trầm tính, tình trạng “suy nhược hướng nội” sẽ phóng đại cảm giác bất an trong họ. Lo lắng hay sợ hãi quá mức về các mối quan hệ xã hội, luôn lo sợ bản thân bị người khác đánh giá tiêu cực về những điều mình từng nói ra. Chúng giống như tác nhân vô hình thôi thúc thể phải thoát ra mọi tình huống xã giao đó ngay lập tức.
9. Bạn cảm thấy kiệt sức
Một số người hướng nội rơi vào những suy nghĩ tiêu cực hoặc chán nản khi họ cảm thấy mệt mỏi với tình trạng suy nhược hướng nội. Họ thấy mình trở nên bi quan và hoài nghi quá độ và họ đặt nghi vấn về những quyết định mà họ đã đưa ra trong cuộc đời mình.
10. Bạn không giống như bạn của mọi ngày
Mọi người có thể cảm nhận được bạn đang có chuyện buồn. Bạn không còn vui vẻ và tràn đầy năng lượng như mọi khi nữa.
11. Chuyện phiếm khiến bạn mệt mỏi
Bạn không còn hứng thú với những câu chuyện tán gẫu. Bạn mong muốn một cuộc hội thoại truyền cảm hứng và động lực nhiều hơn.
12. Bạn khao khát không gian riêng tư
Khi bạn đang chịu sự chi phối của “suy nhược hướng nội”, tất cả những gì bạn cần là tránh-xa-đám-đông. Bạn muốn thu mình ở nhà trong bộ pyjama cùng một cuốn sách hay hoặc serie phim truyền hình yêu thích. Đưa điện thoại về chế độ máy bay, đóng sập cửa phòng, và dành thời gian cho việc chăm sóc bản thân. Người yêu hoặc bạn cùng phòng của bạn có thể rủ bạn đi dạo phố miễn là họ không trò chuyện hay đòi hỏi quá nhiều từ bạn là được.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA “SUY NHƯỢC HƯỚNG NỘI”?
Tại sao chúng ta lại rơi vào trạng thái này? Bởi vì người hướng nội đặc biệt nhạy cảm với “kiệt sức xã hội”; giao tiếp với đám đông có thể là ngòi nổ cho điều này. Nó có liên quan tới cách chúng ta hòa nhập. Khác với người hướng ngoại, chúng ta nhạy cảm hơn với tiếng ồn và các kích thích khác. Do cách bộ não của chúng ta phản ứng với chất dẫn truyền thần kinh “hạnh phúc” dopamine, nó không mãnh liệt với việc xã giao như đối với người hướng ngoại.
Thực tế, các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng mọi người đều có thể bị kiệt sức do hoạt động ngoại giao, kể cả người hướng ngoại. Bởi vì việc tạo quan hệ với người khác tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên với riêng cá nhân hướng nội, kiệt sức xã hội xảy tới nhanh và với cường độ mãnh liệt hơn.
PHƯƠNG THUỐC DUY NHẤT CHO “SUY NHƯỢC HƯỚNG NỘI” LÀ…?
Chỉ có một cách để giải tỏa cảm giác này. Dành thời gian ở một mình, tốt nhất là ở một nơi yên tĩnh. Thực hiện những công việc chăm sóc bản thân hay sở thích cá nhân – bất cứ điều gì giúp cải thiện tâm trạng và năng lượng của bạn. Đối với người hướng nội, sự riêng tư cũng quan trọng không kém như thức ăn và nước uống vậy.
Tóm lại, hãy nhớ rằng, những nhu cầu đặc trưng của một người hướng nội cũng đáng được trân trọng vô cùng. Trong xã hội đề cao lối sống của hướng ngoại thì những cá nhân hướng nội như chúng ta dễ cảm thấy mình dị biệt. Để rồi chúng ta lo lắng rằng những nhu cầu thiết yếu của mình sẽ làm phiền hay làm tổn thương người khác. Vì vậy chúng ta gói ghém chúng hoặc vờ như chúng ta chẳng hề có những nhu cầu như thế vậy. Rồi cuối cùng thì sao? Cuối cùng thì hậu quả sẽ chỉ mình là nhận.
Đừng quá lo lắng nếu bạn muốn rời bữa tiệc sớm hơn mọi người. Và đừng quá lo lắng nếu bạn muốn dành trọn ngày để ở một mình. Nhu cầu của bạn đáng được trân trọng hơn tất thảy. Hãy nhớ nhé.
—–
Dịch: Jade
Biên tập: Vũ Dương