Nhắc đến hoang mạc Sahara, người ta dễ liên tưởng đến cụm từ “vùng đất chết”. Bởi vào ban ngày, nhiệt độ tại đây có thể nóng trên 60 độ C. Vào ban đêm, nhiệt độ sẽ hạ xuống rất thấp, khoảng -45 độ C. Vì thế, phần lớn Sahara khô hạn thường được cho là không có sự sống của thực vật. Trừ vùng thung lũng sông Nile và vùng cao nguyên phía Bắc là có thể trồng rau hoặc ô-liu.
Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh chi tiết kết hợp với các thuật toán máy tính trong một nghiên cứu của Đan Mạch và NASA đã cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác về nơi này. Theo đó, “vùng đất chết” này lại có tới khoảng 1,8 tỷ cây xanh lớn nhỏ. Và chúng đang nằm rải rác khắp sa mạc Sahara và Sahel, vùng đất nằm giữa Bắc Phi và sa mạc Sahara ở phía Nam.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Martin Brandt – Phó giáo sư Địa lý tại Đại học Copenhagen và nhóm cộng sự của mình. Chỉ trong 1 năm họ đã phân tích khu vực trải dài 1,3 triệu km2 với hơn 11.000 hình ảnh. Cả nhóm đã rất ngạc nhiên khi phát hiện cây xanh không chỉ vài trăm mà lên tới hàng tỷ cây trong sa mạc. Điều này có nghĩa “vùng đất chết” Sahara cũng sẽ có những nơi mật độ cây cối cao. Thậm chí giữa các cồn cát vẫn có những cây cối mọc lên.
“Những dữ liệu như thế này rất quan trọng để thiết lập cơ sở cho việc bảo tồn, phục hồi, chống biến đổi khí hậu. Trong 1-10 năm, nghiên cứu có thể được lặp lại để xem liệu các nỗ lực phục hồi và giảm nạn phá rừng có hiệu quả hay không”, chuyên gia lập trình Jesse Meyer (NASA) cho biết trong một thông cáo báo chí của NASA.
Hy vọng, trong tương lai chương trình máy tính này sẽ sớm áp dụng để lập bản đồ vị trí và kích thước của mọi cây trên toàn thế giới.
Nguồn: Tuổi trẻ/ Tiếp Thị & Gia Đình