Là một người trưởng thành mà còn đọc Doraemon, món bảo bối mà mình vẫn luôn ao ước có được bấy lâu nay chính là “Bánh mì giúp trí nhớ”.
Hãy thử tưởng tượng sẽ tuyệt vời đến thế nào nếu như bạn có thể ghi nhớ mọi kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả tới vậy.
Tuy nhiên, như chúng ta đều đã biết, đó không phải là cách mà trí nhớ của con người vận hành.
Hơn một năm trước, khi bắt đầu xây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày, cụ thể là sau một tháng đầu tiên mình đọc sách, mình nhận ra có một vấn đề nghiêm trọng đối với mình.
Vấn đề đó nằm ở việc mình gần như không nhớ gì về kiến thức của những cuốn sách đầu tiên đó.
Với những phần mình nhớ, thì chúng đều rất mơ hồ, và thường là không chính xác.
Với cá nhân mình, một người đọc sách để cai nghiện mạng xã hội, việc đọc rồi quên hết sạch như vậy vẫn là một kiểu lãng phí thời gian.
Mình cảm thấy nó vẫn không khác gì việc mình ngồi lướt điện thoại cả buổi để rồi sau đó cảm thấy trống rỗng vào cuối ngày.
Vậy nên, để khắc phục vấn đề rất nghiêm trọng kể trên, hành trình tìm hiểu về trí nhớ của mình đã bắt đầu.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn 2 kỹ thuật + 5 thói quen “giúp trí nhớ” hiệu quả nhất đối với mình.
Nhưng trước khi đi vào chia sẻ về những kỹ thuật thì mình tin rằng chúng ta nên nắm được một vài kiến thức căn bản về trí nhớ trước đã.
Chúng ta cần phải hiểu rõ về trí nhớ thì mới mong có cơ hội cải thiện được nó có đúng không nào?
I – Đôi điều về trí nhớ chúng ta
1. QUÊN LÀ CHUYỆN BÌNH THƯỜNG!
Trong cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc “đếch” quan tâm, tác giả Mark Manson có chia sẻ rằng:
Trí óc của chúng ta được thiết lập để trở nên có tính hiệu quả, chứ không phải là chính xác.
Trong tâm lý học và thần kinh học có một khái niệm gọi là Forgetting curve – hay “Đường cong quên lãng”.
Nghiên cứu về khái niệm này cho thấy ký ức suy yếu rồi dần tan biến (decay) theo thời gian và sự suy yếu này diễn ra gần như ngay lập tức sau khi ký ức đó được hình thành.
Video Ted-Ed The benefits of a good night’s sleep chia sẻ rằng:
Thực nghiệm cho thấy chúng ta thường quên tới 40% ký ức mới chỉ sau 20 phút đầu tiên.
Vậy nên, như bạn đã thấy, bộ não của chúng ta không phải là một siêu máy tính và đôi mắt ta cũng không phải là những ống kính máy ảnh.
Ký ức của chúng ta thực ra rất mong manh chứ không hề rõ nét như những tấm ảnh ta chụp bằng các thiết bị công nghệ đâu.
2. QUÊN CŨNG CÓ NHIỀU LOẠI
Mình nhận ra rằng, chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc “quên do lú lẫn” và “quên do thiếu tập trung”.
Có thể bạn đã từng trải qua những khoảnh khắc khó chịu vì không nhớ ra được bạn đã để chìa khóa xe ở đâu, hay không nhớ nổi bạn đã khóa cửa nhà chưa, hoặc có thể bạn không tài nào nặn ra được cái tên của người bạn cũ đang trò chuyện với bạn.
Những sự đãng trí này đều có nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu tập trung, thiếu chú ý.
Do bạn không hề chú ý tới việc bạn đã để chìa khóa ở đâu ngay từ đầu nên ký ức về cái chìa khóa đó không hề được hình thành trong não bộ của bạn.
Trong cuốn sách Dòng chảy, tiến sĩ tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi có chia sẻ rằng:
Sự chú ý quyết định những gì sẽ hoặc sẽ không xuất hiện trong ý thức, nó là cần thiết để tạo ra bất kỳ sự kiện tinh thần nào khác như ghi nhớ, suy nghĩ, cảm giác và đưa ra quyết định.
Những sự quên này cũng là hoàn toàn bình thường, nó xảy ra với tất cả chúng ta.
Nó hoàn toàn không hề có nghĩa là não bộ của bạn có vấn đề, và nó cũng không hề liên quan đến trí thông minh của bạn.
Tất cả những gì bạn cần để cải thiện tình trạng này là hãy tập trung nhiều hơn vào những hoạt động mà bạn thực hiện.
Ở chiều ngược lại, sự lú lẫn thì lại đáng quan ngại hơn.
Thay vì việc bạn không nhớ được đã để chìa khóa xe ở đâu, bạn sẽ cầm chiếc chìa khóa lên mà tự hỏi những câu hỏi kiểu như: “Cái này là cái gì? Nó để làm gì nhỉ?”
Hoặc thay vì để chìa khóa trên bàn, sự lú lẫn có thể khiến bạn để chìa khóa vào tủ lạnh.
Thay vì việc chỉ đơn giản là không nhớ ra được tên người thân, bạn sẽ không còn nhận ra họ là ai và có mối quan hệ gần gũi đến nhường nào với bạn nữa.
Theo nhà thần kinh học Lisa Genova, sự lú lẫn là loại quên mà bạn nên chú ý để đề phòng ở bản thân và những người thân yêu.
Đó có thể là dấu hiệu tiềm tàng cho một số chứng bệnh thần kinh nguy hiểm như Alzheimer’s.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về hai loại quên này qua video Ted của diễn giả Lisa Genova mang tên How Your Memory Works – and Why Forgetting Is Totally Ok.
3. TẠI SAO TA VẪN QUÊN?
Khi đọc tới đấy, có lẽ bạn sẽ tự hỏi: Vậy thì tại sao vẫn có những thứ, dù cho chúng ta đã dành sự tập trung cao độ rồi, nhưng rồi ta vẫn quên?
Ví dụ như với kiến thức chẳng hạn.
Bạn có thể đã rất tập trung nghe giảng, rất tập trung chép bài hoặc rất tập trung đọc tài liệu. Nhưng đến cuối cùng thì bạn vẫn quên rất nhiều phần của kiến thức đó.
Ngoài những lý do tự nhiên như mình đã trình bày ở các mục phía trên, nếu bạn muốn câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi này, thì nó nằm ở hai cụm từ là: Cảm xúc và Nỗ lực.
Trong não bộ của chúng ta có một bộ phận nhỏ xíu nhưng mà lại vô cùng quan trọng, gọi là Đồi hải mã (Hippocampus).
3 từ khóa chức năng quan trọng của bộ phận này đó là: Ký ức (memory), Học hỏi (learning) và Cảm xúc (emotion).
Đồi hải mã có liên quan trực tiếp tới quá trình biến một ký ức từ ngắn hạn thành dài hạn.
Các nghiên cứu về bộ phận này cũng cho thấy có một mối liên hệ rất mật thiết giữa ký ức và cảm xúc.
Có vẻ như một cảm xúc càng mạnh mẽ bao nhiêu thì ký ức về cảm xúc đó sẽ càng sâu đậm bấy nhiêu.
Bạn có thể thử tự kiểm tra mà xem, những ký ức đậm sâu nhất trong tiềm thức của bạn thường là những kỷ niệm.
Đó có thể là một chuyến du lịch với gia đình. Một sự kiện ý nghĩa như là lần đầu được làm cha. Hoặc đó có thể là những sự kiện đáng tiếc như là bị tai nạn chẳng hạn.
Chúng đều là những sự kiện đã tạo nên cho bạn rất nhiều cảm xúc mạnh mẽ khi bạn trải nghiệm chúng.
Đương nhiên, ở chiều ngược lại, những ký ức nào mà không được củng cố bởi cảm xúc mạnh mẽ thì cũng sẽ nhanh chóng bị cho vào quên lãng.
Bạn có thể nhớ rất rõ về kỷ niệm lần đầu hẹn hò với nửa đặc biệt của bạn, nhưng có lẽ sẽ khó để nhớ về bữa trưa mà bạn đã ăn vào ngày này tuần trước có những món gì ha.
Về khía cạnh còn lại, sự nỗ lực, mình nhận ra bài học của sự nỗ lực xuất phát từ chính những chiêm nghiệm về vấn đề “đọc xong quên sạch” của mình.
Mình nhận ra rằng, đối với bộ não mà nói, hóa ra việc đọc của mình là quá “dễ” so với việc ghi nhớ kiến thức.
Một cuốn sách dày trung bình khoảng 300 trang mà mình đọc có 1 lần thì làm sao mà mong nhớ được kiến thức cơ chứ.
Mình không nhớ được kiến thức từ sách sau khi đọc đơn giản là do những nỗ lực mà mình dành ra để nhớ là chưa đủ lớn.
Mình cũng muốn chia sẻ với các bạn một sự thật rằng: highlight hoặc gạch chân câu chữ thực ra không hề có giá trị hỗ trợ trí nhớ.
Trong cuốn sách How We Learn, tác giả Benedict Carey có chia sẻ rằng:
Highlighting passages is a feel-good waste of time.
Bản thân bạn có lẽ cũng đã phần nào nhận ra sự thật trên rồi.
Rằng, highlight thực sự chẳng có ích gì với trí nhớ nếu như bạn không chủ động bỏ ra nỗ lực nghiên cứu lại những phần kiến thức đó.
Có thể bạn nghĩ rằng highlight, gạch chân hoặc đóng khung sẽ
giúp não bộ bạn ghi nhớ tốt hơn bằng cách ra tín hiệu thị giác cho bộ não biết rằng: “Phần kiến thức này là quan trọng nha!”
Nhưng tiếc là trí nhớ của chúng ta không được hình thành theo cách thức như vậy.
Với trường hợp của mình, highlight dường như biến sách vở của mình trở thành những những bức tranh trừu tượng, chúng đẹp một cách lộn xộn, haha.
4. VẬY… CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?
Từ kiến thức về “Đường cong quên lãng”, mình học được rằng trí nhớ của chúng ta đều rất mong manh và nếu chúng ta không tìm cách gia cố cho nó, thì chuyện quên kiến thức sau giờ học là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Từ kiến thức về cách bộ não tiến hành sự quên, mình học được rằng chúng ta có thể củng cố cho kiến thức bằng cách chủ động tăng cường 2 yếu tố, đó là: Sự tập trung và Cảm xúc gắn với những ký ức đó .
Và đến cuối cùng, bằng cách tự chiêm nghiệm về vấn đề của bản thân, mình nhận ra rằng nỗ lực chính là chìa khóa để đạt được sự tăng cường cho cả 2 yếu tố kể trên.
Khi bạn nỗ lực học tập, sự tập trung sẽ là một phần tất yếu đồng hành cùng bạn.
Và nỗ lực cũng có thể trở thành một cầu nối, tạo nên mối liên hệ cảm xúc với những phần kiến thức mà bạn đang có mong muốn được tiếp thu.
Bởi lẽ mình tin rằng, một trí nhớ vững vàng là một trí nhớ được xây dựng bằng những sự nỗ lực vững vàng.
Vậy nên, trong bài viết này, thay vì chỉ đơn giản là chia sẻ “tips ghi nhớ” dễ dàng, mình muốn chia sẻ với bạn những kỹ thuật và thói quen để củng cố trí nhớ.
Đây đều là những điều mà bạn sẽ phải bỏ ra nhiều nỗ lực để thực hiện và thành thạo.
Và mình tin rằng, nếu như sự nỗ lực của bạn là đủ lớn, sẽ chẳng có kiến thức nào mà bạn có thể dễ dàng quên đi.
II – 2 kỹ thuật “giúp trí nhớ”
Giờ, hãy cùng hình dung, bạn là một học sinh cuối cấp chăm chỉ đang hằng ngày ôn tập để chuẩn bị cho Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Bạn đã có ngôi trường đại học mơ ước và cũng đã bước đầu xác định được con đường sự nghiệp đam mê của bạn.
Thử thách trước nhất chính là vượt qua được các bài thi và đỗ được vào ngôi trường bạn mong muốn.
Và có thể như bạn đã biết, các bài thi ở nước ta hiện nay vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng ghi nhớ.
Dù bạn cảm thấy ghi nhớ chưa bao giờ là thế mạnh của bạn, nhưng bạn biết rằng có những kỹ thuật có thể giúp bạn cải thiện được năng lực ghi nhớ cho bản thân, chỉ cần bạn nỗ lực thôi.
Vậy nên bạn cũng không cảm thấy lo lắng.
Bạn tiến hành nghiên cứu và học được rằng, hoạt động ghi nhớ của con người có thể được phân chia thành rất nhiều giai đoạn nhỏ.
Hai giai đoạn quan trọng nhất và rõ ràng chính là:
- Mã hóa (Encoding) – quá trình hình thành ký ức;
- Truy hồi (Retrieval) – quá trình truy cập (access) vào ký ức.
Với kiến thức này, bạn hiểu rằng nếu bạn muốn nâng cao khả năng ghi nhớ để phục vụ cho bài thi, thì bạn sẽ phải tối ưu hóa (optimize) cả hai giai đoạn trên.
1. TỐI ƯU GIAI ĐOẠN MÃ HÓA
Để tối ưu giai đoạn mã hóa, mình muốn giới thiệu với các bạn về học thuyết Dual coding – hay có thể hiểu là “Mã hóa kép”.
Học thuyết Dual coding viện dẫn về việc: “Tạo nên cả ký ức về hình ảnh (visual) và ký ức câu chữ (verbal) cho cùng một thông tin”.
Một ví dụ điển hình đại diện cho Dual coding chính là kỹ thuật ghi nhớ Cung điện ký ức (Memory Palace).
Bạn có thể đã biết đến kỹ thuật này thông qua hai nhân vật nổi tiếng cả trên trang sách và phim ảnh, đó là thám tử Sherlock Holmes và Dr. Hannibal Lecter.
Cung điện ký ức thường được sử dụng bởi những nhà vô địch trí nhớ (memory champions) để giúp họ mã hóa những khối lượng thông tin lớn.
Kỹ thuật này đòi hỏi người sử dụng tưởng tượng ra một không gian với đầy những đồ vật. Mỗi món đồ sẽ là đại diện cho một phần thông tin mà người sử dụng muốn ghi nhớ.
Bạn có thể hình dung kỹ thuật này giống như là việc tạo ra các file nén trong máy tính của bạn vậy.
Lần đầu tiên mình biết đến kỹ thuật này là thông qua video Ted Talk mang tên Faster than a calculator.
Trong video này, nhà toán học Arthur Benjamin sử dụng kỹ thuật tương tự như mình vừa trình bày ở trên để thực hiện tính nhẩm các phép toán phức tạp với tốc độ cao.
Tuy nhiên, dù vô cùng ấn tượng, nhưng mình cho rằng Cung điện ký ức dường như khó có thể dành được cho tất cả mọi người.
Vậy nên, cá nhân mình đã lựa chọn một phương pháp đơn giản và dễ tiếp cận hơn để áp dụng Dual coding vào quá trình học tập và làm việc của mình.
Đây cũng là kỹ thuật mà mình sẽ khuyến khích bạn nên áp dụng, đó là: Sơ đồ tư duy.
Sơ đồ tư duy – hay mindmap – theo mình, chính là kỹ thuật đơn giản nhất để kết hợp thông tin hình ảnh với thông tin câu chữ một cách hiệu quả.
Nó hiệu quả bởi vì nó dễ hình dung, và nó đơn giản bởi vì tất cả chúng ta đều làm được.
Sau một thời gian áp dụng kỹ thuật vẽ sơ đồ tư duy cho mọi kiến thức mà mình muốn học hỏi, mình nhận ra rằng, ngoài lợi ích hiển hiện nằm ở việc giúp mình dễ dàng nhìn ra được mối quan hệ giữa các phần kiến thức khác nhau, kỹ thuật này thậm chí còn giúp mình xác định được lỗ hổng trong kiến thức nữa.
Quan điểm về học tập của mình luôn là: “Chất lượng hơn số lượng”.
Vậy nên, mình cho rằng xác định những lỗ hổng trong kiến thức mà mình đã biết ở hiện tại còn quan trọng hơn nhiều so với việc tìm hiểu thêm những kiến thức mới.
Như mình đã chia sẻ ở trên, tất cả chúng ta đều có thể vẽ sơ đồ tư duy.
Ví dụ như trong trường hợp của mình, một người gặp phải vấn đề “đọc xong quên sạch”, vậy thì sơ đồ mà mình thực hiện cho quá trình đọc sách có thể sẽ được trình bày như sau:
- Đặt tiêu đề của sách ở chính giữa;
- Chia nhánh cho từng chương sách;
- Đọc mỗi chương, highlight các luận điểm quan trọng, rồi chép lại thành các nhánh nhỏ hơn tương ứng;
Với vị trí là một cây viết, mình muốn chia sẻ với bạn rằng mục tiêu của người viết chúng mình luôn là cố gắng truyền tải một thông điệp hoặc đề ra một luận điểm nào đó cho người đọc suy ngẫm và tiếp thu.
Bằng cách chủ động tái cấu trúc (reconstruct) những gì mà tác giả chia sẻ trong quá trình đọc các loại tài liệu, bạn sẽ ghi nhớ thông tin tốt hơn.
Sơ đồ tư duy có lẽ chính là kỹ thuật tái cấu trúc tuyệt vời nhất, bởi lẽ nó giúp bạn chuyển hóa thông tin câu chữ thành thông tin hình ảnh một cách tự nhiên và dễ dàng.
Cụ thể hóa kiến thức câu chữ sang định dạng hình ảnh sẽ giúp bạn tạo nên được mối liên hệ giữa nhiều khía cạnh khác nhau của kiến thức, và đồng thời xác định những lỗ hổng kiến thức trong quá trình bạn học tập.
Một điểm cộng thú vị nữa, đó là bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy theo phong cách của bạn.
Kỹ thuật này khiến cho quá trình học tập/nghiên cứu của mình trở nên hiệu quả và bớt nhàm chán hơn rất nhiều so với việc chỉ đơn giản là chép bài thông thường.
Hiện tại, sơ đồ tư duy cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình làm sáng tạo của mình, cả với việc viết lách lẫn việc thiết kế, vẽ vời.
Mình biết đây hoàn toàn không phải là một kỹ thuật mới mẻ gì, nhưng nó lại vô cùng hữu ích và mình tin rằng nó xứng đáng được các bạn trẻ áp dụng rộng rãi hơn nữa.
2. TỐI ƯU GIAI ĐOẠN TRUY HỒI
Như đã chia sẻ ở trên, quan điểm về học tập của mình là “Chất lượng hơn số lượng”.
Và theo mình, chất lượng của trí nhớ thực sự được đánh giá chuẩn xác nhất thông qua giai đoạn truy hồi.
Dù giai đoạn mã hóa có thành công đến mấy, nếu khi truy hồi kiến thức mà có quá nhiều sai sót, hoặc nhầm lẫn xảy ra – ví dụ như bạn nhớ nhầm hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Việt Bắc, hoặc nhầm lẫn các công thức toán học – thì nhiều khả năng là bạn cũng sẽ không đạt được mức điểm mà bạn mong muốn.
Theo kinh nghiệm của cá nhân mình, “nhầm lẫn” chính là yếu tố dễ gây mất điểm nhất trong quá trình làm bài thi.
Đây là những lỗi mất điểm luôn khiến mình cảm thấy rất buồn vì nó thường xảy ở những “câu dễ”, những câu mà mình đã nắm chắc kiến thức rồi.
Vậy thì, để tối ưu hóa và nâng cao khả năng truy hồi của não bộ thì chúng ta có thể làm gì đây?
Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, bộ não chúng ta có thể giữ (retain) thông tin được lâu hơn nếu ta liên tục và thường xuyên truy hồi phần thông tin đó từ trí nhớ.
Nghe có vẻ hơi khó hiểu ha.
Để nói ngắn gọn thì chìa khóa chính là: Ôn tập.
Trí nhớ sẽ được gia cố sau mỗi lần truy hồi, cũng là mỗi lần chúng ta ôn tập về kiến thức đó.
Và quan trọng hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ký ức sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu chúng ta giãn cách các giai đoạn truy hồi.
Ví dụ, bạn sẽ ghi nhớ và truy hồi kiến thức hiệu quả hơn nếu bạn ôn bài trong 3 ngày, mỗi ngày 1 tiếng; thay vì ôn 3 tiếng trong 1 ngày cuối cùng trước khi thi.
Khi đọc đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc rằng: “Vậy khoảng cách thời gian giữa những giờ ôn tập này nên là bao nhiêu?”
Câu trả lời thực sự nằm ở chính bản thân bạn.
Bạn nên cân nhắc một số yếu tố quan trọng như năng lực cá nhân, lịch thi (nếu có), mức độ phức tạp của tài liệu bạn cần nghiên cứu, và cả thời gian bạn có thể dành ra cho việc nghiên cứu nữa.
Sau khi đã cân nhắc những yếu tố trên, mình sẽ giới thiệu bạn đến với kỹ thuật chia giờ ôn bài mà mình sử dụng.
Kỹ thuật này mang tên Leitner system.
Cốt lõi của kỹ thuật này nằm ở chỗ: Khoảng cách thời gian nên được tăng lên sau mỗi lần ôn tập thành công.
Trong trường hợp này, “thành công” có nghĩa là bạn truy hồi được chính xác và đầy đủ phần thông tin/kiến thức mà bạn đang cần ghi nhớ.
Ví dụ, giả sử như quá trình truy hồi diễn ra suôn sẻ và đều thành công, lịch ôn tập kiến thức của mình có thể được chia ra như sau:
- Sau 1 ngày – truy hồi lần đầu tiên;
- Sau đó 2 ngày – truy hồi lần thứ 2;
- Sau đó 3 ngày – truy hồi lần thứ 3;
- Sau đó 5 ngày – truy hồi lần thứ 4;
- Sau đó 8 ngày – truy hồi lần thứ 5;
- …
Như mình đã trình bày trong ý ở trên, cách sắp xếp và phân chia cho Leitner system sẽ phụ thuộc và khác nhau ở mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện lịch ôn tập bằng Leitner system mà bạn “thất bại” – khi trí nhớ của bạn không còn truy hồi được chính xác và đầy đủ những gì mà bạn cần ghi nhớ nữa – vậy thì bạn sẽ cần phải bắt đầu lại từ đầu.
Nhưng cũng đừng để sự “bắt đầu lại” này khiến bạn phải căng thẳng hay lo lắng.
Ví dụ như với lịch ôn tập của mình ở trên, giả sử như mình thất bại trong lần truy hồi thứ tư, vậy thì ngay ngày hôm sau đó mình cần phải tiến hành truy hồi lại ngay, rồi tiếp tục truy hồi sau đó 2 ngày, rồi 3 ngày, rồi lại 5 ngày,…
Theo kinh nghiệm của mình, sẽ không bao giờ có chuyện bạn thực sự phải bắt đầu lại từ đầu theo đúng nghĩa đen đâu.
Kiến thức đã ở trong trí nhớ của bạn rồi, chỉ là trong quá trình ôn tập có thể sẽ có những nhầm lẫn hoặc sai sót, và bạn nên lập tức khắc phục những yếu điểm này.
Lại một lần nữa, mình muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tìm ra lỗ hổng trong kiến thức.
Giờ ôn tập cũng chính là lúc mà bạn nên dành tâm huyết để tìm ra những lỗ hổng này.
Dù sao thì làm sai khi ôn bài vẫn tốt hơn rất nhiều so với làm sai trên giấy thi đúng không nào?
Nếu như hiện tại bạn đang cần gợi ý cho phương pháp ôn bài hiệu quả trong các giờ ôn tập của Leitner system, vậy thì mình khuyến khích bạn nên áp dụng phương pháp Active recall.
Đây là một phương pháp được rất nhiều những Youtuber nổi tiếng về đề tài học tập chia sẻ và ủng hộ, ví dụ như chị Chi Nguyễn (The Present Writer), anh Ali Abdaal và cả Jade Bowler (UnJaded Jade).
Thay vì cố gắng nhồi nhét và hấp thụ kiến thức vào não bộ như các phương pháp học tập truyền thống, Active recall – hay “Chủ động gợi nhớ” – là một phương pháp giúp bạn học tập bằng cách chủ động truy hồi kiến thức từ trí nhớ của bạn.
Theo trải nghiệm của cá nhân mình, tinh thần của phương pháp này nằm ở khía cạnh “thử thách và tự kiểm tra (testing) chính mình”.
Để áp dụng được Active recall, bạn hãy chọn ra phần kiến thức mà bạn đang muốn ôn tập, sau đó, bạn tìm kiếm hoặc tự tạo các câu hỏi, các bài tập liên quan đến phần kiến thức đó, và tự kiểm tra bản thân.
Như mình đã chia sẻ về tầm quan trọng của nỗ lực đối với khả năng ghi nhớ của con người, mình biết rằng học kiểu “nhồi sọ” cũng cần rất nhiều nỗ lực, nhưng cá nhân mình cảm thấy nó giống như “bạo hành” (abuse) nỗ lực hơn là sử dụng nỗ lực.
Active recall theo mình chính là một phương pháp giúp bạn sử dụng sự nỗ lực trong học tập một cách hiệu quả và thoải mái.
Một điểm cộng nữa là phương pháp này cũng thường bước đầu giúp mình làm quen với các dạng bài tập có thể xuất hiện trong bài thi và cả áp lực của phòng thi nữa.
Nếu giả sử như bạn bắt đầu áp dụng Leitner system và Active recall từ đầu học kỳ, vậy thì nhiều khả năng là đến cuối học kỳ bạn sẽ nhận ra rằng cũng chẳng còn gì nhiều để bạn phải ôn tập nữa.
Phần lớn kiến thức đều đã được gia cố một cách vững chắc trong trí nhớ của bạn rồi.
Theo mình, đây là kỹ thuật có thể giúp bạn trút bớt gánh lo học tập, giảm thiểu áp lực thi cử và nâng cao khả năng bạn có thêm cơ hội để thưởng thức tuổi trẻ trong những trải nghiệm học tập của bạn.
III – 5 thói quen “giúp trí nhớ”
1. PHẢN BIỆN
Theo mình, một trong những vấn đề lớn nhất của những người đọc sách đó là “Đọc xong quá tin vào sách”.
Mình thì tin rằng chúng ta nên đọc và tiếp thu kiến thức có chọn lọc.
Như mình đã chia sẻ ở trên, tác giả nào cũng muốn truyền tải một thông điệp hoặc nêu lên một luận điểm nào đó để người đọc suy ngẫm và tiếp thu.
Mình nhận ra rằng phản biện chính là cách rất tốt để suy ngẫm về những gì mà các tác giả chia sẻ, điều đó có nghĩa là mình luôn đọc sách trong tâm thế “hơi nghi ngờ một chút”.
Phản biện cũng có nghĩa là bạn nên nhìn nhận phần kiến thức đó từ góc nhìn của cá nhân bạn.
Mình luôn cố gắng đặt ra những câu hỏi như:
- “Luận điểm này có logic không? Có lỗi ngụy biện nào không?”
- “Ý kiến này dựa trên cảm nhận hay dựa trên bằng chứng khoa học?”
- “Kiến thức này liệu có thể đóng góp tích cực cho cuộc sống của mình hay không?”
Quá trình mình tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi trên cũng thường chính là quá trình mình tiếp thu kiến thức.
2. VIẾT
Nếu các bạn đã theo dõi kênh blog của mình một thời gian rồi, có lẽ các bạn cũng đã nhận ra rằng mỗi khi hoàn thành một cuốn sách thì mình thường viết bài chia sẻ và tóm tắt nội dung của cuốn sách đó theo cách hiểu của mình.
Việc viết bài chia sẻ về nội dung của sách cũng cần mình áp dụng cả 2 kỹ thuật “giúp trí nhớ” như mình vừa trình bày ở trên, và bản thân nó cũng là một dạng “thử thách bản thân” theo phương pháp Active recall.
Vì vậy nên viết lách đối với mình chính là thói quen “giúp trí nhớ” hiệu quả nhất.
3. THẢO LUẬN
Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn nếu như bạn có thêm những người đồng hành trên hành trình học tập và phát triển bản thân.
Tham gia thảo luận, giảng dạy về những chủ đề học thuật mà bạn quan tâm chính là một cách thức hiệu quả để bạn chủ động học hỏi, chủ động truy hồi kiến thức từ trí nhớ, tìm ra các lỗ hổng kiến thức và đặc biệt nhất chính là xây dựng nên các mối quan hệ có giá trị với bản thân bạn.
4. NHẤT QUÁN
Hằng tháng, mình đều lựa chọn một chủ đề nhất quán để mua sách.
Việc chọn trước chủ đề giúp mình tiết kiệm thời gian và tiền bạc, bởi mình không còn mua sách theo kiểu tùy hứng nữa.
Nhưng quan trọng hơn cả, mình nhận ra rằng, việc đọc sách về cùng một chủ đề xuyên suốt cả tháng giúp mình ghi nhớ tốt hơn nhiều so với việc đọc các đầu sách ngẫu nhiên.
Dù cho kiến thức trong những cuốn sách này có bổ trợ cho nhau hay phản bác nhau, thì đến cuối cùng mình đều được lợi.
Bằng cách lựa chọn chủ đề trước, mình vừa có thể học thêm những kiến thức mới từ sách, vừa tìm ra được những lỗ hổng kiến thức trong chính những cuốn sách đó.
Bạn cũng nên duy trì sự nhất quán trong thời gian học tập/nghiên cứu.
Học tập trong những khung giờ cố định mỗi ngày giúp mình tăng cường sự tập trung và củng cố cho tinh thần học tập của mình, tránh nảy sinh tâm lý trì hoãn.
5. HỌC HỎI
Đến cuối cùng, sẽ chẳng có kiến thức hay kỹ năng nào ở lại với bạn nếu như bạn không sử dụng đến chúng.
Hãy luôn giữ bản thân một tinh thần học tập lành mạnh và tích cực. Hãy tìm cách vận dụng các kiến thức mà bạn học hỏi được vào cuộc sống, công việc của bạn.
Hãy tìm ra giới hạn của tri thức nơi bản thân và tìm cách mở rộng chúng.
Đôi khi để làm được điều này, bạn sẽ không chỉ cần tới kiến thức không.
Bạn có thể sẽ cần tới sự chỉ dẫn của giáo viên/mentor, sự động hành của bạn bè/đồng nghiệp, và cả sự hỗ trợ của gia đình nữa.
Bạn cũng sẽ cần tới những khó khăn thử thách, những thất bại cay đắng và cả những thành tích ngọt ngào.
Mình tin rằng, đây đều sẽ là những mối quan hệ cảm xúc có giá trị biến bạn trở thành một con người giàu tình cảm hơn và cũng đồng thời giúp bạn làm phong phú thêm các trải nghiệm cuộc sống.
***
Nếu bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về các thói quen và kỹ năng “giúp trí nhớ”, mình khuyến khích bạn nên đọc thử cuốn sách “How we learn”, tác giả Benedict Carey.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và minh họa: Tom’s Sharing