Trưởng thành, thực chất, là nhận ra rằng bạn vừa là bức phù điêu lại vừa là nhà điêu khắc, vừa là họa sĩ lại vừa là tấm chân dung, của chính cuộc đời mình.
Cuộc đời là một hành trình của những đổi dời, những khúc quanh, những đỉnh núi chót vời để chinh phục và đại dương thẳm sâu để khám phá. Cuộc đời là quãng tốt đẹp và tồi tệ, là khoảng hạnh phúc và cả đau thương.
Nhưng, luôn luôn, sống là hành trình dấn mình về phía trước.
Bất kể bạn đang ở đâu trên hành trình của riêng mình, theo một cách nào đó, bạn vẫn đang tiếp tục bước đi – và đó là điều khiến hành trình trở nên tuyệt vời biết mấy. Một ngày nào đó, bạn bắt gặp chính mình đặt câu hỏi rằng, điều gì trên thế giới này sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Và tiếp theo đó, bạn đang xuôi theo đúng dòng, viết xuống những dòng đáng nhớ nhất về cuộc đời mình.
Trong đời, bạn sẽ gặp những điều chẳng ai từng nói khi bạn còn là một đứa trẻ mở to hai mắt nhìn thế giới, những điều tới cùng với từng bước “trưởng thành.
1. Phần lớn con người e sợ việc dùng óc tưởng tượng của mình. Họ đã mất kết nối với đứa trẻ bên trong mình, và không còn cảm thấy chính mình “sáng tạo” nữa. Họ chỉ thích mọi thứ là mọi thứ, không di dịch.
2. Ước mơ của bạn chẳng quan trọng với bất kỳ ai khác cả. Một ai đó có thể tỏ ra hứng thú, hay một ai đó có thể giúp đỡ khi bạn cần. Nhưng rồi, tới khi ngày tàn, sẽ chẳng ai quan tâm, hay chẳng bao giờ nặng lòng với ước mơ ấy như bạn cảm thấy đâu.
3. Bạn bè có liên quan tới vị trí của bạn trong đời. Hầu hết những người bạn chỉ ở lại với ta trong một quãng đời – thường là bởi có một mối nối nào tới những mối quan tâm của bạn khi đó. Nhưng rồi khi bạn bước tiếp, những mối ưu tiên thay đổi, và đa số bạn của chúng ta cũng sẽ đổi thay theo.
4. Tiềm năng trong con người bạn dần tăng theo tháng năm.
Khi người ta già đi, họ có xu hướng nghĩ rằng họ có thể làm ít hơn và dần ít hơn nữa. Trong khi đó, trên thực tế, họ nên làm nhiều hơn, bởi đã có thời gian để tiếp thu nhiều kiến thức hơn. Trở nên xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó là một thói quen được tôi luyện hàng ngày. Bạn không chỉ “vốn sinh ra đã vậy.
5. Tính tự phát là người chị đỡ đầu của sự sáng tạo.
Nếu tất cả những gì bạn làm chỉ là tuân thủ cùng một thói quen, chính xác từng li, ngày qua ngày, bạn sẽ không bao giờ để tâm trí mình rộng mở trước những khoảnh khắc đầy ắp những khám phá bất ngờ. Bạn có nhớ bạn đã dám làm những điều chưa từng như thế nào khi còn là một đứa trẻ? Mọi chuyện trên đời đều có thể xảy ra, vào bất cứ lúc nào!
6. Sau này, bạn dần quên mất giá trị của “những cú chạm”.
Lần cuối cùng bạn đùa nghịch dưới mưa là khi nào thế? Lần cuối cùng bạn ngồi trên vỉa hè và nhìn kỹ các vết nứt, những viên đá, đất, cỏ dại mọc giữa những mảng bê tông? Hãy thử làm như thế lần nữa. Bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình kết nối với sự vui tươi chân thật của cuộc sống này.
7. Hầu hết mọi người không làm những gì họ yêu thích.
Phải, là như vậy đó.
“Quần chúng” ngoài kia không phải là những người sống cuộc sống mà họ mơ ước. Lý do nằm ở chỗ họ đã không chiến đấu đủ chăm chỉ, họ đã không làm cho những điều chính họ mơ ước ấy xảy ra với chính mình. Và rồi, khi bạn càng lớn tuổi và càng có một tầm nhìn rộng hơn, bạn càng dễ tin rằng cuối cùng mình cũng sẽ như vậy. Đừng để chính mình mắc vào cái bẫy đó.
8. Rất nhiều người ngừng đọc sau khi rời khỏi trường học.
Hãy thử hỏi bất kỳ ai về một cuốn sách hay họ vừa đọc qua, và tôi có thể cá rằng phần lớn họ sẽ trả lời, “Wow, mình đã không đọc lấy một cuốn sách nào từ lâu lắm rồi.”
9. Mọi người nói nhiều hơn là lắng nghe. Đối với tôi, không có gì nực cười hơn việc nghe thấy hai người nói chuyện “với nhau”, nhưng chẳng ai nghe người kia, mà đều đợi người kia ngừng nói để mình bắt đầu lại.
10. Sáng tạo cần có sự thực hành.
Thật lạ lùng khi đứng trước một xã hội, nơi chúng ta ca ngợi và đánh giá cao sự sáng tạo, nhưng dường như lại cố gắng hết sức để ngăn cấm và kiểm soát việc thể hiện sự sáng tạo ấy, trừ khi nó mang lại lợi nhuận theo một cách nào đó.
Bởi vậy, nếu bạn muốn giữ cho những tế bào sáng tạo của bạn luôn căng đầy và sống động, bạn phải tự luyện tập chúng
11. “Thành công” chỉ là một khái niệm mang tính tương đối.
Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy để “chạm tới thành công.” Điều ấy thật sự có ý nghĩa gì, khi thành công của một người có thể là một điều trái ngược hoàn toàn đối với một ai đó khác?
Hãy định nghĩa Thành công của riêng mình.
12. Bạn đâu thể thay đổi cha mẹ mình.
Khi bạn dần già đi, bạn phải chấp nhận một sự thật đáng buồn và khó đối mặt biết bao: Bạn không thể thay đổi cha mẹ của mình. Họ là chính bản thân họ mà thôi. Dù họ có từng tán thành những gì bạn làm hay không, ở một thời điểm nào đó, cũng chẳng còn quan trọng nữa. Hãy yêu họ vì đã đưa bạn tới thế giới này. Những phần còn lại, hãy để bên ngoài cánh cửa vào nhà.
13. Người duy nhất bạn phải đối mặt mỗi sáng thức giấc là chính mình.
Khi còn trẻ, bạn có cảm giác mình phải làm hài lòng cả thế giới này. Không, bạn chẳng hề phải làm thế. Hãy làm những gì khiến mình hạnh phúc và tạo ra cuộc sống mà bạn muốn sống cho chính mình mà thôi. Rồi bạn sẽ thấy một người thực sự yêu thương bạn nhìn bạn thật âu yếm, qua tấm gương kia, mỗi sáng thức giấc.
14. Không có gì hạnh phúc bằng điều gì đó xuất phát từ trái tim.
Không một số tiền, một thành tích hay sự xác nhận bên ngoài nào thay thế được những gì bạn làm thuần khiết chỉ vì yêu và đam mê. Hãy làm theo những điều trái tim mách bảo, và mọi thứ còn lại sẽ vận hành theo điều ấy.
15. Tiềm năng của bạn có tương quan trực tiếp với mức độ hiểu biết của bạn về chính bản thân.
Những người hiểu rõ bản thân và phát huy tối đa thế mạnh của mình là những người rồi sẽ đi được tới nơi mà họ muốn đặt chân tới. Những người không hiểu rõ bản thân và lảng tránh cuộc chiến nhìn sâu vào trong bản ngã, sẽ mãi chỉ sống cuộc sống theo mặc định. Họ thiếu khả năng tự tạo dựng một tương lai cho chính mình.
16. Những người từng nghi ngờ bạn rồi sẽ luôn quay trở lại xung quanh bạn.
Đứa trẻ từng bắt nạt bạn đến xin việc. Cô gái từng không muốn hẹn hò với bạn một ngày bỗng gọi lại cho bạn khi thấy bạn đang có được thành công. Cuộc sống vận hành như thế đó. Chỉ cần tập trung vào chính mình, chân thành với những gì bạn tin tưởng, và rồi tất cả những người từng hoài nghi bạn cuối cùng cũng sẽ đến để yêu cầu một sự giúp đỡ.
17. Bạn là hình ảnh phản chiếu của năm người mà bạn dành nhiều thời gian cho nhất.
Không ai có thể tạo ra chính mình chỉ bởi chính mình cả. Tất cả chúng ta đều là những hình ảnh phản chiếu, tạc khắc qua những hình ảnh phản chiếu mà chúng ta nhìn thấy một ai đó khác. Cuộc sống không phải là trò chơi ở chế độ đơn lẻ. Hãy để mình được bao quanh bởi những người mà bạn mong muốn được bao quanh, và theo thời gian, chính bạn cũng sẽ thành công dựng cho mình những điều bạn ngưỡng mộ ở họ.
18. Niềm tin là tương đối, so với những gì bạn theo đuổi.
Dù bạn đang ở đâu trên hành trình của mình, những người xung quanh và nguyện vọng khi ấy của bạn mới là những thứ hình thành nên niềm tin mà bạn có. Dẫu vậy, thường chẳng có ai giải thích cho bạn rằng rằng “niềm tin” không phải là một ý niệm “cố định” cả. Cũng không có “đúng” và “sai.” Tất cả chỉ là tương đối. Hãy tìm kiếm những điều phù hợp với chính bản thân bạn mà thôi.
19. Bất kỳ điều gì cũng đều có hai mặt của nó.
Một lần nữa, càng lớn lên, ta càng nhận ra không có “đúng” và “sai”. Cơ chế đối phó, đối với một ai đó, cũng có thể là một cách để thư giãn từ Chủ nhật này sang Chủ nhật khác. Chỉ là, hãy luôn duy trì nhận thức về thói quen và cách bạn sử dụng thời gian của chính bạn, cùng với chú ý tới những thói quen nào bắt đầu lặp lại với tần suất tăng dần. Sau đó, hãy đặt câu hỏi rằng những thói quen ấy đến từ đâu trong bản thân bạn và tại sao bạn cảm thấy cần phải lặp đi lặp lại chúng.
20. Mục đích của bạn là trở thành BẠN.
Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?
Để trở thành bạn, tất cả bạn, trong mọi việc bạn làm – bất kể điều gì có ý nghĩa với bạn. Bạn là vị thần sáng tạo của riêng mình. Bạn là kiệt tác của chính mình.
Trưởng thành, thực chất, là nhận ra rằng bạn vừa là bức phù điêu lại vừa là nhà điêu khắc, vừa là họa sĩ lại vừa là tấm chân dung, của chính cuộc đời mình. Hãy tự tô vẽ chính mình theo cách mà bạn mong muốn.
Trạm Đọc | via Better Advice