Công nghệ tốt hơn đem đến những kỳ vọng cao hơn, và kỳ vọng cao hơn tạo ra nhiều công việc hơn.
Sự thật hiển nhiên là ngày nay chẳng ai có đủ thời gian. Ai cũng bận rộn, kiệt sức và mỏi mệt, nhưng vẫn còn quá nhiều thứ để làm. Hãy làm một thí nghiệm đơn giản. Tưởng tượng rằng bạn đang có một món vật dụng kỳ diện có thể tự động hóa và tự thực hiện mọi công việc của bạn-
Bạn sẽ làm gì với thời gian rảnh? Có thể bạn sẽ tìm một thú vui mới, hoặc có nhiều con hơn, hoặc dành hết tất cả thời gian để giải trí. Nhưng tôi cá rằng bạn sẽ không làm gì trong những việc đó cả: Số giờ bạn làm việc sẽ y hệt như trước.
Chuyện này đã diễn ra từ khi thế kỷ 20 bắt đầu – không bắt nguồn từ nhà máy hay văn phòng, mà từ chính trong ngôi nhà của bạn.
Những công việc nội trợ như nấu ăn, dọn dẹp, sửa chữa, giặt giũ và mua sắm đã thay đổi đáng kể trong vòng 100 năm trở lại đây, và sự phát triển của chúng chính là lý do vì sao dường như chúng ta có làm bất kỳ công việc gì, chúng ta cũng sẽ không có đủ thời gian.
Về mặt công nghệ, ở Mỹ, một ngôi nhà được xây năm 1500 không có quá nhiều khác biệt so với một căn nhà được xây năm 1900. Nếu không tính những thiết bị hiện đại, nó chỉ thua kém ở chỗ không có điện. Nhưng vài thế kỷ sau, một loại thiết bị giúp tiết kiệm lao động đã được phát minh, ví dụ như máy điều hòa, tủ lạnh, tủ đông, bàn ủi điện, và máy rửa bát.
Những thiết bị này đã làm nên kỳ tích. Bếp điện giúp chuẩn bị thức ăn nhanh hơn. Máy giặt và máy sấy làm giảm thời gian giặt quần áo. Tủ lạnh giúp những bà nội trợ không cần phải đi mua thực phẩm tươi sống mỗi ngày.
Đáng lý ra mỗi phát minh này phải tiết kiệm việc sử dụng sức người, nhưng kết quả lại không như thế. Đầu tiên, những cỗ máy này giúp bù đắp cho sự thiếu hụt người giúp việc tại nhà (và chúng cũng là một phần nguyên nhân), sau đó việc nhà tăng thêm để bù đắp cho số giờ còn trống. Ở Mỹ, vào năm 1920, một người giúp việc chỉ cần làm 51 giờ hàng tuần, theo nhà kinh tế học Julia Schor. Vào năm 1950, họ làm 52 giờ hàng tuần và năm 1960 họ làm 53 giờ. Công nghệ hỗ trợ việc nhà phát triển một nửa thế kỷ nhưng không tiết kiệm được một phút sức lao động của họ.
Điều này tưởng chừng vô lý, nhưng có ba nguyên nhân – và mỗi nguyên nhân đều ngầm nói lên vì sao sự kết hợp giữa tâm lý cá nhân nói riêng và cấu trúc lực lượng lao động nói chung khiến chúng ta khó có được thời gian rảnh, ngay cả khi nền kinh tế đang ngày càng thịnh vượng hơn và công nghệ trở nên phức tạp hơn.
Công nghệ tốt hơn đem đến những kỳ vọng cao hơn, và kỳ vọng cao hơn tạo ra nhiều công việc hơn.
Loài người chúng ta vốn không phải giống loài sạch sẽ. Trong hàng ngàn năm, phần lớn quần áo được giặt nửa năm một lần và mùi cơ thể là chuyện không thể tránh khỏi. Sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực nội trợ đã tạo nên một tiêu chuẩn mới về mức độ sạch sẽ – cho sàn nhà, cho quần áo và cho chính chúng ta.
Những tiêu chuẩn mới hơn tức là nhiều công việc hơn. Máy giặt và máy sấy khiến ta muốn có nhiều đồ sạch hơn và khuyến khích mọi người mua quần áo mới, vì thế các bà nội trợ có thêm nhiều đồ để giặt, phơi và gấp. Một bà nội trợ năm 1920 đã viết về vật dụng đánh bóng đồ đạc và cây lau nhà của mình: “Vì giờ đây chúng tôi có dụng cụ để lau những chỗ khó với tới, chúng tôi phải lau chùi mỗi ngày.”
Công nghệ mới dành cho gia đình cũng tạo ra nhiều công việc mới cần thời gian. Ví dụ, tủ lạnh giúp giữ thức ăn tươi mới và lò vi sóng giúp nấu nướng nhanh hơn, nhưng những bà nội trợ dành thời gian trống để đến siêu thị và mua thêm đồ ăn chất đầy tủ lạnh. Schor cho biết, từ năm 1920 đến năm 1960, thời gian để chuẩn bị thức ăn giảm chỉ còn 10 giờ mỗi tuần, nhưng thời gian dùng để mua thức ăn tăng lên, tất cả là do một phát minh của thế kỷ 20: siêu thị.
Nói ngắn gọn, công nghệ giúp việc dọn dẹp nhà cửa theo tiêu chuẩn của thế kỷ trước trở nên dễ dàng hơn nhiều, nhưng ngày nay họ không còn dùng tiêu chuẩn đó. Chúng ta muốn một ngôi nhà hiện đại với những bữa ăn ngon và bệ cửa sổ không dính bụi – yêu cầu thơm ngon và sạch sẽ này yêu cầu từ 40 đến 50 giờ mỗi tuần, kể cả với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại.
Vào năm 1950, một công chức người Anh đã đặt thuật ngữ Luật Parkinson để chỉ hiện tượng “khối lượng công việc tăng lên để bù vào thời gian trống”. Ban đầu, người ta dùng thuật ngữ này để chỉ khối lượng công việc dường như vô hạn trong các cơ quan chính phủ, nhưng nó cũng ứng với những công việc nội trợ. Kỳ vọng tăng lên, khối lượng công việc cũng tăng lên để bù vào thời gian trống.
Câu chuyện này giải thích vì sao trong thế kỷ 21, thời gian nghỉ ngơi của những người đã dư dả vẫn không tăng lên. Chúng ta thích có nhiều tiền và thích sở hữu nhiều thứ hơn là có thời gian chết. Chúng ta là nạn nhân của ham muốn. Đó là một lời nguyền.
Hành vi làm việc quá sức khởi nguồn từ ham muốn củng cố giai cấp và địa vị
Khi công nghệ giảm số thời gian để nấu ăn và giặt giũ, nó tạo ra nhiều thời gian hơn để chăm sóc những điều khác trong ngôi nhà, ví dụ như những cư dân nhỏ bé sống trong đó.
Trong những thập niên qua, chăm sóc con cái là lĩnh vực nội trợ phát triển nhanh nhất. Tính từ năm 1980, với các bậc cha mẹ Mỹ – đặc biệt là những ông bố và bà mẹ có trình độ đại học – thời gian họ dùng để nuôi nấng, dạy dỗ và giúp đỡ con cái đã tăng gấp đôi. Nhà kinh tế học gọi đó sự chuẩn bị của cha mẹ trung lưu và thượng lưu để giúp con cái tăng cơ hội vào đại học và nổi bật trong một lực lượng lao động đông đúc.
Ramey xem đang là cách duy trì địa vị và thu nhập đáng lo lắng của tầng lớp trí thức. “Tôi và chồng đã rất ngạc nhiên trước những áp lực mà bạn bè chúng tôi áp đặt lên con cái của họ. Trước đây, các bậc cha mẹ có trình độ đại học có thể cho con vào các trường tốt vì sự cạnh tranh còn thấp. Ngày nay có nhiều con cái có cha mẹ có trình độ đại học hơn và chúng tranh giành những suất vào trường hữu hạn.”
Nhiều người trẻ cảm thấy kiệt sức và không muốn có con, nhưng nguyên nhân thật sự gây nên tình trạng này giống hệt với những người muốn nuôi dạy con chu đáo. Họ cũng cảm thấy như mình bị kéo vào cuộc đua này mà họ sợ hãi mất đi địa vị, đẳng cấp hoặc thu nhập trong tương lai. Những ngôi sao trên Youtube làm việc đến kiệt sức để theo kịp thuật toán trả tiền hàng ngày. Luật sư và tư vấn viên làm thêm giờ để chứng minh với sếp mình sẵn sàng hy sinh đời tư để giúp công ty vươn tầm quốc tế. Một số người bị kéo vào cuộc đua này đang trong tình trạng khẩn cấp về tài chính, nhưng một số khác là những người theo chủ nghĩa yuppie – những người theo đuổi địa vị và nấc thang sự nghiệp như một thứ tín ngưỡng. Giống như những người bạn của Valerie Ramey, họ làm việc quá sức không phải để thoát nghèo mà để tránh viễn cảnh khó khăn rằng cuộc đời không phải một chiếc thang vô tận.
Hai lời giải thích trên có vẻ hấp dẫn nhưng chúng chưa hoàn chỉnh. Chúng đều ngụ ý rằng nội trợ và công việc hiện đại là những việc người lao động có toàn quyền quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, công việc của mọi người đa phần không nằm trong sự kiểm soát của họ.
Công nghệ chỉ giải phóng mọi người khỏi công việc nếu như chủ – hoặc nhà nước, hoặc thể chế kinh tế – cho phép điều đó
Trong hàng trăm năm nay, nhiều người phụ nữ nội trợ rất vui vì được đóng vai trò quan trọng cho kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, Schor nhấn mạnh rằng sự thiếu đầu tư vào phụ nữ, và sự kỳ vọng thấp dành cho họ trong thị trường lao động, đã ngăn cản rất nhiều phụ nữ tìm công ăn việc làm.
Schor cho biết: “Tôi nghĩ nguyên nhân lớn nhất khiến máy móc hỗ trợ công việc nhà không làm giảm sức lao động mà người nội trợ phải bỏ ra vì chi phí cơ hội của lao động nữ được xã hội đánh giá bằng 0. Ý tôi là rất nhiều đàn ông muốn vợ mình bận rộn nhưng lại cho rằng những người phụ nữ ấy vô dụng khi đi ra ngoài, không thể làm công ăn lương như luật sư hay bác sĩ.” Nhiều người phụ nữ mắc kẹt giữa kỳ vọng của chồng – những người muốn họ trở thành người phụ nữ có ích – và một xã hội bị thống trị bởi đàn ông – xã hội kìm hãm họ khỏi giáo dục và công việc được trả lương. Kết quả, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài dành từ 40-50 giờ hàng tuần để chăm lo cho gia đình.
Thời gian làm việc nhà chỉ giảm khi càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Từ năm 1960, tỉ lệ phụ nữ trong nơi làm việc đã tăng lên 50%. Theo phân tích của nhà kinh tế học Valerie Ramey, trung bình một người phụ nữ trưởng thành đã giảm một phần ba số giờ làm việc tại nhà của mình. Hóa ra thứ có thể làm giảm công việc trong nhà là… công việc ngoài nhà.
Lịch sử đã dạy cho chúng ta điều gì về cuộc sống trong thế kỷ 21? Ông chủ đặt ra giờ làm việc và mức thu nhập rồi công nhân làm theo. Khi các ông chồng kiểm soát lịch làm việc của vợ, họ yêu cầu một ngôi nhà ngăn nắp sạch sẽ và bữa tối được dọn sẵn, và vợ của họ thường phục tùng. Khi một người chủ thuê người làm công theo luật lao động hiện hành, họ yêu cầu 40 giờ làm việc mỗi tuần hoặc hơn, và người lao động thường đồng ý. Công nghệ giữ nguyên hay có những bước nhảy vọt hay không không quan trọng, thời gian làm việc trong tuần là cố định và được giữ nguyên. Công cuộc giảm giờ làm việc đòi hỏi phải thay đổi những luật lệ xác định mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Hãy quay trở lại câu hỏi ban đầu? Tại sao chúng ta lại không có nhiều thời gian rảnh hơn? Theo kinh nghiệm của tôi, tranh luận giữa lao động và nghỉ ngơi thường diễn ra giữa những người theo phái Self-Help và phái Xã hội. Phái Self-Help nói rằng mỗi cá nhân đều có năng lực tự giải quyết vấn đề của họ và giảm bớt lo âu bằng cách hình thành thói quen và giá trị mới. Những người theo phái Xã hội cho rằng những đặc tính của chủ nghĩa cá nhân này là một niềm tin nguy hiểm. Thay vào đó, họ nhấn mạnh rằng tất cả những sự lo âu của thời hiện đại đều bắt đầu từ những sự bất bình đẳng về cấu trúc và đòi hỏi những giải pháp cấu trúc, như thiết lập lại nền kinh tế và luật lao động để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Lịch sử công việc nội trợ cho thấy hai bên đều có lý của riêng mình. Chúng ta có xu hướng sử dụng công nghệ mới để mua một cuộc sống tốt hơn thay vì tận hưởng thời gian nghỉ ngơi trong điều kiện kém hơn. Khi sự quan tâm về vật chất được đáp ứng, chúng ta chú trọng đến địa vị và giai cấp của chúng ta và con cái, sau đó làm việc không mỏi mệt để giữ gìn và phát triển nó.
Nhưng hầu hết chúng ta không có sức mạnh kinh tế hoặc sức mạnh chính trị để thương lượng những thỏa thuận tốt hơn cho bản thân. Giờ làm việc và thu nhập của họ được chỉ định bởi những thế lực cao hơn, ví dụ như ông chủ, luật pháp và kỳ vọng của xã hội.
Để giải quyết vấn đề về làm việc quá sức và thiếu thời gian, chúng ta cần thừa nhận rằng mỗi cá nhân có quyền thực hiện những thay đổi nhỏ để cải thiện cuộc sống của họ và nếu không có những thay đổi lớn hơn về luật pháp và chuẩn mực xã hội, chúng ta sẽ mãi mãi cần phải làm thêm giờ.
Thanh Trần | Nguồn The Atlantic