Và những kẻ từng trải từng thấm sự đời, đã tổn thương nhiều, cũng từng làm người ta tổn thương, đều biết rằng thắng thua trong cuộc giao tiếp chẳng có nghĩa lí gì. Đấy chỉ là vài ba chút hơn thua con trẻ, kẻ thắng cũng thiệt, người thua cũng đầy ấm ức. Chi bằng hãy cùng nâng nhau lên, trao cho nhau những điều đặc biệt, quý giá.
Bạn đã bao giờ thử search chữ “giao tiếp” trong tiếng Hán chưa? Thật ra, định nghĩa rất đơn giản, giao tiếp không nằm ngoài 3 chuyện:
Giao tiếp nghĩa thứ nhất là tiếp xúc lẫn nhau. Tôi đến gần anh, anh sát gần tôi. Như người ta vẫn nói “giao đầu tiếp nhĩ” – kề đầu sát tai, ghé sát nhau mà thì thầm trò chuyện.
Giao tiếp nghĩa thứ hai là trao đi và nhận lại. Tôi trao cho anh một điều, tôi nhận lại từ anh một điều.
Và nghĩa thứ ba của giao tiếp cực kì quan trọng, đấy là sự qua lại, tương hỗ lẫn nhau. Tựa như trong một vũ điệu, tôi lên anh xuống, tôi nhu anh cương, tôi cất cánh lên anh trợ đỡ bên dưới, nhịp nhàng uyển chuyển như một điệu múa.
Thế nên, phàm ai có một trái tim biết đồng cảm đều biết rằng, giao tiếp với một người là trò chuyện, lắng nghe người ta. Bằng sự thủ thỉ rù rì như thế mà có được trái tim nhau.
Phàm ai khôn ngoan lọc lõi đều biết, trong cuộc giao tiếp này, nếu muốn có được một thứ từ người ta, trước tiên tôi phải trao cho họ cái họ muốn.
Và những kẻ từng trải từng thấm sự đời, đã tổn thương nhiều, cũng từng làm người ta tổn thương, đều biết rằng thắng thua trong cuộc giao tiếp chẳng có nghĩa lí gì. Đấy chỉ là vài ba chút hơn thua con trẻ, kẻ thắng cũng thiệt, người thua cũng đầy ấm ức. Chi bằng hãy cùng nâng nhau lên, trao cho nhau những điều đặc biệt, quý giá.
Bạn chọn lối giao tiếp nào? Bạn muốn trao cho người khác điều gì và nhận về điều gì cho chính mình? Bạn đã từng một lần nghĩ qua chưa?
Hãy một lần chạm tay vào thế giới tinh tế đến mong manh, cũng sắc lạnh đến run người của giao tiếp, để tìm thấy con đường của mình, để trưởng thành và nắm lấy những điều quan trọng đối với bạn giữa đời này.
Giao tiếp tích cực: Phép thực chứng của cuộc đời
Người ta vẫn nói, không đánh nhau không thành bạn. Quả thực có cái lí ấy, ai cũng biết người nào làm đau ta nhiều nhất, ta giữ người ấy trong tim lâu nhất. Cũng vậy, những người thân ở bên ta cũng là những người làm ta tổn thương nhất. Hôm nay tôi làm tổn thương một người, ngày mai nhất định người ấy trả lại tôi một nhát đâm chí mạng. Chuyện vẫn thường như thế.
Cuộc đời rất nghiệt ngã, và phải nói, thế giới tâm lí của con người rất nghiệt ngã: nó tàn nhẫn, nó phản trắc, nó sẽ trả cho người ta tất cả những gì người ta đối xử với nó…
Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: Lẽ nào nhất định phải thế sao? Là bởi chúng ta vẫn quen sống trong các mối quan hệ và giao tiếp rất tùy tiện, bất phân ranh giới, và trên hết, luôn đặt cái tôi của mình lên trên tất cả. Đấy là sai lầm của hầu như bất kì ai. Nếu xét các tiêu chí của giao tiếp, có lẽ đa phần chúng ta đều thất bại hoặc rơi vào trạng thái giao tiếp tiêu cực.
Nhưng như đã nói, giao tiếp bản chất của nó là tích cực. Chúng ta hoàn toàn có thể thiết lập một mối giao tiếp tích cực bằng cách đặt ra các tiêu chí cho mình.
Đầu tiên hãy phân rõ các vòng quan hệ của bạn: Đâu là gia đình người thân, đâu là bạn bè, đâu là người yêu, đâu là người quen, còn đâu là người xa lạ. Chỉ khi bạn rõ ràng như vậy, bạn mới có cách đối xử thích đáng dành cho từng mối quan hệ. Bạn không thể đối xử với sếp như bạn bè, với người yêu như người thân, càng không thể đối xử với người quen như bè bạn…
Con người có nóng lạnh, mối quan hệ cũng vậy thôi. Khi bạn kề đầu sát tai với một người, nhất định hãy minh bạch trong chính mình: Họ là ai? Họ có ý nghĩa ra sao trong đời bạn? Có vậy, bạn mới trở thành một phần có ý nghĩa nào đấy trong đời người ta. Thực tế là, ngay cả người thân, người yêu hay bạn bè, chúng ta vẫn vô nghĩa trong đời nhau như thường. Đơn giản chỉ vì chúng ta tùy tiện. Điều thứ hai, như đã nói, giao tiếp đầu tiên là lắng nghe, là thủ thỉ. Trạng thái đấy là ghé sát gần vào mà nghe một người nói. Ai cũng biết lắng nghe có sức mạnh nhường nào, chỉ có điều bạn có đủ tâm sức dành cho một người và có đủ kiên nhẫn để lắng nghe người khác hay không thôi. Thường thì, mọi người hay muốn thể hiện bản thân, thích phô diễn cái tôi của mình và muốn người khác lắng nghe mình. Trong khi ấy, chính mình lại chẳng thể lắng nghe người khác.
Thế nên, để có thể lắng nghe người khác, trước hết hãy vô tư. Khi bạn có thể vô tư lắng nghe, trái tim bạn cũng trở nên chân thành. Và khi bạn chân thành, bạn mới có thể thấu hiểu và sẻ chia với người khác. Không thể khác được.
Bạn biết không, khi bạn bắt đầu cố gắng thực hành những kĩ thuật giao tiếp ấy – kì lạ làm sao, chính trái tim bạn cũng đổi thay. Trái tim ấy trở nên chân thành hơn, vô tư hơn, biết đồng cảm thực sự và thấu hiểu thực sự. Giống như nguyên lí “cái gương”, chỉ cần bạn tích cực, người khác nhất định sẽ tích cực theo. Đấy là điều bạn hãy ghi nhớ.
Biết giao tiếp là giao dịch, đường đến đích gần hơn
Khi bạn đã bước vào trái tim một người, bạn phải làm gì tiếp theo đây? Hoặc, bạn sẽ muốn làm gì?
Một người khôn ngoan thì biết rằng, bước thứ hai của giao tiếp, cũng có thể nói là một khía cạnh khác của giao tiếp, bạn còn nhớ chứ: Trao và nhận. Trao đi là trao đi cái gì, và nhận lại là nhận lại cái gì?
Trao đi cái mình có? Bạn đã nhầm! Câu trả lời là: Hãy trao cho người ta điều người ta muốn, vậy thì rồi bạn sẽ có điều mình muốn. Nếu bạn chỉ trao đi cái bạn có, thế thì người ta cũng chỉ trao đi cái người ta có. Hai điều đó chưa chắc là điều cả hai cần. Giao tiếp vì thế trở nên vênh lệch, nó thành tổn thương, thành đau khổ, thậm chí thành thù nghịch, hãm lại lẫn nhau. Vậy ngày sau làm sao cười được, ở giữa cuộc đời mệt mỏi này?
Vì thế, trong giao tiếp, bạn hãy trao cho đối phương cơ hội để họ có được điều họ muốn. Họ muốn có gì? Hẳn là không ngoài cái danh tiếng, cái tình cảm và cái lợi ích.
Nhưng ở đây, hãy rạch ròi và minh bạch một điểm: Bạn không cần phải cho người ta hiện vật. Trong một cuộc giao tiếp, không ai đòi hỏi bạn cho người ta cái chức tổng giám đốc, hay đặt vào tay họ một món tiền… Cái họ cần chính là cảm-giác được có những thứ ấy – cảm giác được-làm-người, được thấy mình tồn tại, không chỉ tồn tại mà là một tồn tại có giá trị.
Chúng ta thường bắt gặp những cuộc nói chuyện mà ở đó cả người nói lẫn người nghe, cả hai bên đều tìm cách phô trương bản thân mình. Ai cũng tưởng mình được, rút cùng đều mất trắng. Và nếu chỉ thế thôi, thì quả thật con người nông cạn quá, phải không?
Sau cuộc giao dịch ấy, chúng ta sẽ đi tiếp với nhau thế nào
Giao tiếp truyền thông: Thông điệp là cốt lõi
Bạn biết không, sâu trong chúng ta luôn có một cái ngã mà chúng ta gọi là chân ngã. Cái chân ngã đấy nó không dễ bộc lộ, nó cũng từng bị những tổn thương vây kín và tạo thành một lớp vỏ bọc mà chúng ta vẫn gọi là giả ngã. Đấy là cái huyễn ngã do đời này trao cho chúng ta, do những lớp tổn thương trùng trùng điệp điệp cấu thành. Đấy là cái danh – lợi – tình mà ta đã nói, là cái cảm giác làm-người đầy mê hoặc cũng đầy đau đớn ấy.
Nhưng chúng ta nhất định phải đi xuyên qua nó. Sau những cuộc giao dịch đã trao cho người ta cảm giác làm-người ấy, ai cũng biết rằng để thực sự sống với một con người, chúng ta phải phá vỡ bức tường phòng thủ của người ta, phá vỡ cái tôi giả tạo ấy, từ đấy tìm thấy cái tôi thật sự của mình. Chân ngã, còn cách bao xa?
Đây không còn là hào quang nữa, chúng ta – bằng sự giao tiếp tử tế, bằng cách trao cho họ những giá trị thực sự, đang chắt lấy cái thứ ánh sáng tuyệt đẹp sâu trong tâm hồn con người.
Thế nên, đừng bao giờ quên, kết thúc của một cuộc giao tiếp không bao giờ chỉ là trao nhận, không bao giờ chỉ là đổi chác, không bao giờ là một chút bé mọn bạn đã có được từ con người. Bởi con người rất tham lam, họ luôn muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Đừng bao giờ dừng lại cho đến khi giúp họ tìm thấy thứ ánh sáng đặc biệt trong chính mình.
Hãy một lần rộng mở trái tim, hãy vô tư trao cho họ ánh hào quang họ cần, khi ấy bạn chính là mặt trời của họ.
Đi đường dài phải hướng đến những điều cao thượng
Trên con đường trao cho người khác điều đặc biệt ấy, chính bạn cũng tìm ra ánh sáng trong mình, tìm ra cái-tôi thật sự. Chính bạn viên thành những giọt vàng ròng quý giá nơi mình.
Quay trở lại cái ý ban đầu của giao tiếp: Khi chúng ta lắng nghe, người khác nhất định sẽ mở lòng. Khi chúng ta mở lòng, người khác nhất định sẽ chân thành. Khi chúng ta chân thành, người khác nhất định sẽ vô tư.
Ở đời này, lấy được của người một chút lợi, thứ chúng ta mất đi càng nhiều hơn. Chỉ khi trao cho người khác một điều đặc biệt, một cơ hội được chữa lành trái tim, được sống là chính mình và được tỏa sáng, thì điều chúng ta nhận lại mới đáng trọng, mới quý giá như thế, thậm chí hơn thế.
Bạn đã nhớ ba bước, cũng là ba mức độ của giao tiếp rồi chứ?
– Phép giao tiếp tích cực: Chân thành lắng nghe, vô tư thấu hiểu
– Giao tiếp trao nhận: Điều bạn trao đi lớn bao nhiêu, thứ bạn nhận lại quý giá bấy nhiêu
– Giao tiếp hào quang: Hãy để người khác được tỏa sáng, được cất lên tiếng nói, điều bạn nhận lại chính là ánh sáng. Thông điệp bạn có là yêu thương, sự tử tế, sự chân thành
Cuối cùng, đừng bao giờ quên: Trong bạn là điều quý giá, là vàng ròng.
CORVI