18 năm ngồi trên ghế nhà trường, dồn hết công lực để nhận được giấy báo nhập học trên tay. Hẳn là bạn rất háo hức và cảm giác “cuối cùng thì được giải thoát rồi”. Khoan, dừng khoảng chừng là 2 giây.
Vì ngành luật có kiến thức và phương pháp học khá đặc trưng. Nên một sự chuẩn bị kỹ càng trước khi nhập học sẽ tạo cho bạn không ít lợi thế đó. Nếu bạn có kỳ nghỉ xả hơi trước khi vào trường, cũng nhớ chuẩn bị cho bản thân vài điều nho nhỏ này nhé.
1. Học luật là học những gì?
Có một điều là cách học ở đại học khác với cấp 3, vậy nên dù cấp 3 bạn có giỏi thế nào thì cũng không nhận được sự ưu ái nào khi bạn học và tốt nghiệp đại học. Đến lúc ấy cái cần quan tâm là bạn có những kiến thức và kỹ năng gì liên quan. Hãy chuẩn bị tâm thế “chiếc cốc rỗng” để đón nhận nhé.
Đầu tiên là những môn nền tảng, cơ sở ngành – đây giống như nền móng để bạn xây nên một tường thành kiến thức phía trên: Triết học Mác-Lênin, Lý luận nhà nước và pháp luật, Hiến pháp, Logic học, Tâm lý học,…
Thứ hai là những môn chuyên ngành bắt buộc – những môn mà bạn chọn bất kỳ ngành luật nào cũng học qua, bao gồm nhóm luật nội dung: dân sự, hình sự, thương mại, doanh nghiệp, hành chính,… và nhóm luật tố tụng: Tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, Tố tụng hành chính.
Thứ ba là những môn chuyên ngành tự chọn: bổ trợ cho bạn trong định hướng sau khi ra trường như hôn nhân gia đình chuyên sâu, Luật cạnh tranh, Kỹ năng đàm phán hợp đồng,…
Những môn này sẽ không học lặp lại (trừ khi bạn quá lưu luyến mà muốn học thôi). Và một điều mình nhận thấy là chương trình đạo tào các ngành khác nhau nhưng có điểm tương đồng rất lớn, chưa kể nhiều trường bằng tốt nghiệp chỉ ghi là Cử nhân Luật.
Tiếp theo là những vấn đề liên quan đến kỹ năng, đây có lẽ cũng là điều mà mọi người chú ý rất nhiều. Kỹ năng phân tích, tự nghiên cứu, tư duy hệ thống, phản biện, thuyết trình, hùng biện, đàm phán, thương lượng, trình bày lập luận bằng văn bản, làm việc nhóm,… Bạn cũng cần giao tiếp bằng một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Bạn sẽ có rất nhiều giờ học để rèn luyện các kỹ năng này.
Và cuối cùng là những môn đại cương như bao ngành khác: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối, giáo dục công dân, quốc phòng, giáo dục thể chất…
Ngoài ra thì tùy trường mà sẽ có thêm một số môn học đặc trưng của trường. Như ngành luật ở các trường kinh tế có thể cho học thêm về Thuế, Kế toán,… điều này có thể tạo thành một lợi thế nếu bạn dùng để xin tuyển vào các công ty quy mô nhỏ cần đa vị trí, kiêm nhiệm.
2. Học luật khó à?
Chắc chắn một điều là không phải thánh nhân hay thiên tài gì mới có thể học luật. Có nhiều bạn hỏi mình là học thuộc hết tất cả những điều luật này hả. Nghe thôi là choáng hết cả đầu. Nhưng thật sự điều này không chính xác cho lắm.
Thay vào đó, người biết cách học sẽ chắt lọc những nội dung liên quan. Điều bạn cần làm là có được phương pháp đọc luật, nắm được “bộ xương” của cuốn luật đó, đối tượng điều chỉnh và thời gian áp dụng, sau đó mới đi vào chi tiết từng điều khoản. Chưa kể là pháp luật nước ta rất hay điều chỉnh, sửa đổi bổ sung. Vì đơn cử như khi bạn giải quyết một tình huống, bạn sẽ cần hình dung một hệ thống các quy định pháp luật trong đầu, lựa chọn những điều luật phù hợp rồi liên kết nó lại với nhau. Bạn sẽ không thể chỉ áp dụng riêng lẻ một điều luật, điều mà học vẹt, học thuộc cứng nhắc làm bạn mất đi sự linh hoạt khi đi vào thực tế.
Tóm lại thì, bạn mặc định nó khó thì nó sẽ khó, nhưng bạn nghĩ nó dễ thì sẽ tìm ra cách để làm nó dễ. Cái cần ở đây là rèn luyện kỹ năng làm nghề luật và tư duy pháp lý.
3. Ngoại ngữ là chìa khóa giúp bạn mở ra nhiều cánh cửa.
Mình tin không chỉ đối với ngành Luật mà với nhiều ngành nghề khác, biết thêm một loại ngôn ngữ là một lợi thế. Phổ biến nhất có lẽ là Tiếng Anh pháp lý. Ngay trong chương trình học cũng có môn học này, đến khi tốt nghiệp ra trường bạn cũng cần có tiếng Anh để tốt nghiệp.
Ngoài tiếng Anh, bạn có thể chọn những ngoại ngữ khác tùy theo định hướng của bản thân. Lúc trước mình học tiếng Trung, xuất phát điểm là do mình xin vào làm pháp chế cho một công ty xây dựng với toàn các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Về sau liên quan đến việc làm Visa, nhập tịch các thứ, mình biết được nhiều bạn học tiếng Hàn và Nhật.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ là dù bạn giỏi ngoại ngữ thế nào, nếu bạn muốn theo đuổi nghề luật, thì hãy biến nó thành công cụ chứ không phải duy nhất. Đảm bảo rằng trong quá trình học ngoại ngữ, bạn cũng cần ưu tiên các kiến thức chuyên ngành luật nhé.
4. Tham gia các hoạt động bổ túc kỹ năng
Một trong những điều quan trọng để bạn tự tin bước ra khỏi cánh cửa đại học bên cạnh kiến thức nền tảng là các kỹ năng. Ngoài việc được rèn luyện trong giờ học, hãy chọn cho mình một câu lạc bộ để có thể rèn luyện các kỹ năng của bản thân, tham gia vào các cuộc thi hùng biện, các phiên tòa giả định, thử thách bản thân ở nhiều vai trò khác nhau, đừng nghĩ vì mình không giỏi trình bày mà chỉ chăm chăm nhận phần powerpoint hay thư ký tòa. Một số lớp học hay ho như MC, các lớp luyện giọng nói, cũng có thể hỗ trợ bạn rất nhiều.
Đi làm thêm, thực tập cũng là một cách hay để rèn luyện bản thân. Vậy khi nào làm thêm, thực tập ở đâu, làm gì để hỗ trợ chuyên ngành, vì vấn đề này khá dài nên mình sẽ dành một bài viết riêng để có thể chia sẻ cụ thể hơn.
Có một đoạn thời gian rảnh mình đến xem các phiên tòa được xét xử công khai, xem thực tế các vai trò trong một phiên tòa diễn ra thế nào.
Sau tất cả, mong các bạn có thêm những thông tin hữu ích và một tâm lý sẵn sàng. Cuối cùng, mình hy vọng khi bạn gõ tay vào cánh cửa đại học, hãy tin tưởng vào bản thân mình. Bốn năm học phía trước nhất định rất rực rỡ.
Tìm mình tại Million Heartbeats