Hiểu hơn để yêu thương hơn
5 cuốn tiểu thuyết giúp bạn bước chân vào thế giới của những tâm lý phức tạp và nâng cao khả năng đồng cảm của mình
——————————————–
Bay trên tổ chim cúc cu
Ken Kesey
Mọi chuyện ở một trại tâm thần đầy quy tắc dường như đảo lộn khi McMurphy xuất hiện. Bất trị như một chú ngựa hoang, hắn vào viện để trốn án lao động khổ sai và không hề có ý định cứu thế. Nhưng trong những ngày ở đó, cái phần tốt đẹp yêu tự do, thích tung hoành của hắn đã làm nên một cuộc cách mạng, tạo ra mối liên kết giữa những thân xác yếu ớt, những trí não bị tổn thương, nhắc họ nhớ về cá tính, về chính mình hoặc về những kẻ đã-từng-là-mình. Sự nổi loạn đó thách thức trật tự đạo đức giả mà Liên hợp áp đặt. Cuộc chiến bất cân sức bắt đầu. Và rồi đúng như cuộc đời, kẻ yếu đã không thể thắng. McMurphy đã chết dữ dội như cách hắn sống, nhưng Liên hợp không giết được hắn, cũng không thể bắt hắn sống theo cách nó đặt ra…
Được tạo nên từ những trang văn vừa sảng khoái vừa bi thương, Bay trên tổ chim cúc cu đã chạm tới những câu hỏi phức tạp nhất về tự do và khuôn khổ, cá nhân và hệ thống, bình thường và bất thường, sự tỉnh táo và điên loạn. Một kiệt tác văn chương có mặt trong danh sách những cuốn sách vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi, trở thành niềm cảm hứng chỗ cho một trong ba bộ phim duy nhất trong lịch sử giải Oscar từng chiến thắng ở toàn bộ các đề cử quan trọng nhất, Bay trên tổ chim cúc cu có sức mạnh của một tác phẩm không thể bị lãng quên.
—————————-
Bà Dalloway
Virginia Woolf
Chủ đề nổi bật trong tác phẩm này là tác động của Thế chiến I lên mọi tầng lớp xã hội ở Anh. Cuộc chiến đã qua, nhưng tác động của nó lên cựu chiến binh vẫn còn nặng nề, sâu thẳm: Có những người gặp trở ngạị tâm lý với hôn nhân, có người thì mãi ám ảnh về cái chết của người bạn và quyết định tự sát,..
Virginia Woolf viết Bà Dalloway trong lúc đang cố chống chọi với chứng bệnh thần kinh của chính mình. Và đây cũng là tác phẩm đầu tiên bà khai thác thủ pháp Dòng ý thức. Phần vì bút pháp mới thử nghiệm ở đây chưa tinh luyện và nhuần nhuyễn như ở “Tới ngọn hải đăng”, phần vì lượng nhân vật cũng quá nhiều, đôi lúc chỉ thoáng xuất hiện rồi biến mất hoàn toàn. Mặt khác, ý nghĩ và hành động của các nhân vật đan xen như những sợi tơ nhện từ quá khứ sang hiện tại, rồi lại từ hiện tại sang quá khứ, với rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, nên đòi hỏi người đọc phải thật sự tập trung, bình thản và chậm rãi đi vào mạch truyện. Đâu đó, bạn sẽ tìm thấy chính cảm xúc của bạn, thứ cảm xúc mà từ ngữ cũng khó mà lột tả được.
———————-
13 lý do tại sao
Jay Asher
Hannah Baker là một học sinh mới, cô xinh đẹp nhưng đơn giản, và không nổi bật. So với lũ bạn trong lớp, cô là một cô gái thông minh nhưng ngây thơ và luôn muốn kết bạn với tất cả mọi người. Mặc dù không giàu có, nhưng bố mẹ cô vẫn cho cô học trong một ngôi trường tốt, để mong cô có một tương lai tốt đẹp và hạnh phúc. Tuy nhiên, ở ngôi trường vốn có tiếng về giáo dục đó, Hannah Baker đã gặp phải những vấn đề, những sự kiện làm tổn thương tâm hồn cô. Đó là khi nụ hôn đầu tung ảnh nhạy cảm của cô khắp toàn trường, là khi những người bạn mà cô coi trọng quay lưng lại khi khó khăn ập đến, là khoảnh khắc cô cảm giác hằng trăm con mắt đổ dồn về phía sau cô chỉ vì cô được chọn là người “có cặp mông ngon nhất trường”, bị hiếp dâm nhưng kẻ thực hiện chỉ coi đó là tình dục tự nguyện… Tất cả những vụ việc đó cứ tích tụ lại khiến cô dần trở nên trẩm cảm với nhiều luồng suy nhĩ tiêu cực, và cuối cùng dẫn cô tới bi kịch kết thúc cuộc đời mình.
Gần đây, cuốn truyện đã được chuyển thể thành bộ phim dài 13 tập, tạo được nhiều phản hồi tích cực, đồng thời chạm sâu được cảm xúc khan giả về những hiện tượng, vấn đề gây nhức nhối tại các giảng đường.
——————————-
Điệu vũ bên lề
Stephen Chbosky
Câu chuyện được đặt trong bối cảnh của những “ngày xưa cũ tốt lành” 1990, đó là cái thời mà chưa có Internet hay Facebook, và được dẫn lối bằng những lá thư tay mà Charlie gửi cho một người bạn tưởng tượng. Charlie là một cậu bé vừa chân ướt chân ráo vào trung học. Cậu sống nội tâm, không có bạn, chẳng có ai để trò chuyện. Charlie sợ sự chú ý, ngại va chạm. Lúc nào đi trong hành lang, cậu cũng cúi gầm mặt. Trong lớp, cậu không bao giờ giơ tay phát biểu, dù biết hết câu trả lời. Cậu ăn trưa một mình, đếm từng ngày đến lúc ra trường.
Và hành trình chuyển mình của cậu bắt đầu khi cậu gặp hai anh em nhà Sam và Patrick – hai con người với gam màu cá tính khác nhau nhưng đã cùng với Charlie tạo nên một tình bạn thật đẹp và đầy nhân văn ở ngấp nghé lứa tuổi trưởng thành. Tình bạn kỳ lạ và cảm động đã giúp một cậu bé nhút nhát, gặp phải vấn đề tính cách học cách chấp nhận bản thân, tự tin hơn, và sống hết mình cho hiện tại. Qua lối kể chuyện như đang thủ thỉ, tâm tình, người đọc đôi lúc thấy hình ảnh mình thấp thoáng trong những năm tháng nổi loạn ấy.
———————–
Chết đi cho rồi
Matthew Quick
Trong cuốn tiểu thuyết Chết đi cho rồi, tác giả của Về phía mặt trời kể về một cậu bé tài giỏi, nhưng gặp nhiều vấn đề ở trường và phải sống với một bà mẹ vô tâm chỉ quan tâm tới thời trang. Cậu đi đến quyết định tự sát, và trước khi tự sát, cậu đã tặng những người cậu yêu quý một món quà. Sử dụng biện pháp flashback xen lẫn quá khứ, hiện tại, hồi ức và nội tâm chồng chất lên nhau, tạo nên một mạng lưới dày đặc song không hề rối rắm, câu chuyện dần hé lộ về cuộc sống và các mối quan hệ cá nhân của Leonard.
Qua đó, câu chuyện đặt ra những câu hỏi thực tế, mang tính thời sự cao về cả một thế hệ trẻ, về hệ thống giáo dục và về cách người lớn nhìn nhận trẻ con, cũng như những ước mơ vô cùng bình dị.
Trạm Đọc tổng hợp