Bạn có đang ở trong tình trạng cố gắng làm việc từ sáng đến đêm, mỗi ngày ôm đồm hàng tá đầu việc, nhưng vẫn chẳng đạt kết quả rõ rệt? Ắt hẳn bạn đã tự trách và nghi ngờ năng lực của bản thân mình vô số lần. Thật ra, vấn đề không nằm ở năng lực của bạn mà nằm ở cách bạn tư duy. Có lẽ, 6 lầm tưởng sau đây về hiệu năng và cách làm việc tối ưu mới chính là thủ phạm đã giữ chân bạn trong hành trình tìm kiếm thành công của mình.
The One Thing – Điều Ý Nghĩa Nhất Trong Từng Khoảnh Khắc Cuộc Đời
1/ Mọi thứ đều quan trọng như nhau và ta phải hoàn thành tất cả.
Trong thế giới hỗn độn ngày nay, ta bị bủa vây bởi quá nhiều đầu việc và đầu việc nào cũng trông khẩn cấp như nhau. Cứ như thế, ta đã bị cuốn vào “trò chơi đánh dấu” khi mà số lượng đầu việc trong danh sách cần làm của chúng ta ngày càng tăng mà không hề có bất kỳ sự ưu tiên nào. Ta dường như đã quá tập trung vào sự bận rộn mà quên mất sự hiệu quả. Điều này hoàn toàn sai lầm. Quy tắc Pareto chỉ ra rằng 20% nỗ lực của chúng ta sẽ dẫn đến 80% kết quả. Điều này nghĩa là tập trung công sức cho một số đầu việc tạo ra ảnh hưởng cao nhất mới là điều đúng đắn; thay vì dàn trải công sức ra nhiều việc khác nhau.
2/ Đa nhiệm sẽ giúp ta giải quyết nhiều việc hơn.
Trên thực tế, bản thân từ đa nhiệm đã là một từ lệch lạc về mặt nghĩa. Bởi lẽ, não bộ không thể làm hai việc cùng một lúc. Những việc “tưởng là đa nhiệm” thực chất chỉ là não chúng ta chuyển nhanh từ việc này sang việc khác mà thôi. Thay vì tăng năng suất như chúng ta vẫn tưởng thì sự đa nhiệm được chứng minh là một trong những kẻ phá hoại thời gian đáng sợ nhất. Các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng trung bình một người lao động bị gián đoạn 11 phút một lần và dành ⅓ thời gian trong ngày chỉ để quay lại công việc sau những phiền nhiễu. Đa nhiệm cũng khiến ta mất nhiều thời gian để xử lý công việc hơn bình thường. Tùy vào mức độ phức tạp của công việc mà nó thậm chí có thể tốn chúng ta gấp đôi thời gian, theo nghiên cứu của tiến sĩ David Mayer. Bạn sẽ không thể đạt được thành công trừ phi bạn tìm ra điều quan trọng nhất tại từng thời điểm và dành cho nó sự quan tâm trọn vẹn.
3/ Chỉ những người sở hữu “kỉ luật thép” mới có thể thành công.
Thực ra, hầu hết chúng ta đã có trong mình mức độ kỷ luật cần thiết để thành công. Việc của chúng ta chỉ là điều khiển và quản lý nó tốt hơn mà thôi. Trái với niềm tin của mọi người, thành công không phải là kết quả đến từ việc áp dụng kỉ luật triền miên trong cuộc sống. Nó đến từ việc sử dụng kỷ luật có chọn lọc để hình thành nên các thói quen. Một khi bạn đầu tư đủ công sức và thời gian để xây dựng thói quen cho đến khi nó trở thành tự động (tốn trung bình khoảng 66 ngày), bạn sẽ không cần dùng đến kỷ luật nữa.
4/ “Cần là có, muốn là được” ý chí.
Chúng ta thường nhầm tưởng ý chí là nguồn năng lượng vô hạn và dùng nó một cách không kiểm soát. Thực chất, ý chí cũng có hạn sử dụng của nó. Có thể hình tượng hóa ý chí như vạch pin điện thoại. Ta bắt đầu ngày mới với một lượng pin đầy, đến cuối ngày, nó sẽ cạn dần, và nếu ta không sạc lại thì nó sẽ sập hẳn. Bởi ý chí là một nguồn năng lượng có hạn, bạn nên để dành nó cho những công việc quan trọng nhất trong ngày.
Một số cách để “lưu trữ” ý chí cho các công việc quan trọng:
- Lên kế hoạch ưu tiên những công việc quan trọng nhất vào thời gian đầu ngày, lúc bạn vẫn còn nhiều ý chí
- Nạp lại ý chí bằng cách nghỉ ngơi, hay bổ sung Carbon phức hợp hoặc Protein
5/ Ta cần có một cuộc sống cân bằng.
Một cuộc sống mà tất cả mọi mặt, từ công việc, sức khỏe, cho đến các mối quan hệ đều không bị bỏ mặc – là một điều huyễn hoặc. Trong từng thời điểm, sẽ có những điều quan trọng khác nhau, và việc của ta là điều chỉnh nó cho thích hợp. Nếu bạn luôn tìm kiếm sự cân bằng trong cả đời sống cá nhân lẫn đời sống công việc, thì bạn khó có thể đi đến thành công. Bởi lẽ, sự đột phá yêu cầu chúng ta phải bỏ qua một số điều không liên quan trong thời điểm đó và tập trung cho điều quan trọng nhất. Thay vì ám ảnh với sự cân bằng, hãy hướng đến sự thăng bằng. Hãy nghĩ về các vũ công ba lê. Khi ta nhìn họ đứng bằng đầu mũi chân, ta thường nghĩ họ đã đạt đến độ cân bằng hoàn hảo. Khi lại gần mới thấy thực chất các đầu ngón chân của họ rung rất gấp gáp để giữ thăng bằng. Đó mới là điều ta cần hướng tới. Cụ thể, trong công việc, hãy chỉ tập trung vào điều quan trọng nhất và mọi đầu việc khác sẽ tự theo sau. Trong cuộc sống cá nhân, hãy đặt nhu cầu cá nhân và nhu cầu gia đình lên bàn cân, rồi liên tục điều chỉnh tùy theo từng thời điểm.
6/ Nghĩ lớn thì không tốt.
Có rất nhiều người không dám theo đuổi những mục tiêu lớn bởi họ nghĩ rằng nó quá xa vời, không thực tế. Hạ thấp mục tiêu có vẻ là phương án an toàn hơn. Nhưng, làm như thế đồng nghĩa với việc bạn tự đặt giới hạn cho những gì mình có thể đạt được. Vì những gì bạn nghĩ ảnh hưởng rất lớn đến những gì bạn làm, hãy nghĩ lớn, và mơ cao. Một quy tắc nên nhớ là tăng gấp đôi mục tiêu trong cuộc sống của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là 10, hãy nghĩ cách để đạt được 20.
—————-
Những nội dung trên được luận từ cuốn sách “The one thing – điều ý nghĩa nhất trong từng khoảnh khắc cuộc đời”. Cuốn sách giúp bạn đọc nhìn xuyên qua sự hỗn độn của cuộc sống và tập trung vào điều quan trọng nhất để có thể thành công.
Mời các bạn đón đọc.