Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Bắc Giang.
Anh từng làm giảng viên Khoa Lịch sử – Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sau đó, anh dành 8 năm học tập, làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Anh tâm huyết với các vấn đề giáo dục của nước nhà và có nhiều bài viết, dịch về các vấn đề liên quan đến giáo dục, cải cách giáo dục và so sánh giáo dục Việt Nam và Nhật Bản.
Vốn say mê sách và sinh ra trong một gia đình có truyền thống đọc, anh dành phần lớn thời gian cho công việc viết sách và dịch thuật. Những đầu sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương thường tập trung vào các lĩnh vực như lịch sử học, văn hóa đọc, giáo dục trong nhà trường. Ngoài ra, anh cũng có những tác phẩm viết về Nhật Bản nhận được sự ủng hộ và đón nhận nhiệt tình từ độc giả.
Đọc Sách Và Con Đường Gian Nan Vạn Dặm
“Đọc Sách Và Con Đường Gian Nan Vạn Dặm” là những chiêm nghiệm, suy ngẫm, trăn trở của tác giả về nền giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương chỉ ra rằng văn hóa đọc có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của một quốc gia. Một đất nước sẽ gặp phải trở lực không thể vượt qua nếu như mỗi công dân không tích cực trau dồi hiểu biết, tăng cường kĩ năng sống, làm phong phú đời sống tinh thần thông qua việc đọc và vận dụng tri thức từ sách. Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra nhận định về nguyên nhân cho những vấn đề nổi cộm trong giáo dục Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Cũng trong tựa sách này, lần đầu tiên tác giả công bố bản dịch hoàn chỉnh các văn bản luật, quy định của Nhật Bản liên quan tới tổ chức thư viện, khuyến đọc và phục hưng văn hóa đọc. Cùng với hai bài khảo sát thực trạng đọc sách tại Nhật Bản, hệ thống văn bản này cung cấp một tham chiếu độc đáo đối với Việt Nam hiện nay trong nỗ lực cải thiện và nâng cao dân trí nói chung thông qua khuyến đọc. Vì vậy, bên cạnh việc truyền cảm hứng đọc sách, cuốn sách còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho quá trình phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.
Xây Dựng Tủ Sách Gia Đình – Cùng Đọc Để Sống Hạnh Phúc Và Kiến Tạo Xã Hội Văn Minh
Là người quan tâm đến giáo dục và nghiên cứu giáo dục, Nguyễn Quốc Vương đã có hàng trăm cuộc nói chuyện, chia sẻ về việc đọc sách, xây dựng văn hóa đọc ở khắp ba miền đất nước, từ trường học, nhà tù tới cơ quan công an, công ty, nhà thờ. Trong công cuộc khuyến đọc đó, có lẽ câu hỏi anh nhận được nhiều nhất là: “Làm thế nào để trẻ thích đọc sách?”, “Làm thế nào để đọc sách một cách hứng thú mà không buồn ngủ?”. Tác giả đã trả lời những câu hỏi đó thông qua “Xây Dựng Tủ Sách Gia Đình – Cùng Đọc Để Sống Hạnh Phúc Và Kiến Tạo Xã Hội Văn Minh”.
Cuốn sách nêu lên ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách và tủ sách gia đình, cách thức xây dựng, vận hành cũng như phương pháp đọc sách cơ bản. Từng vấn đề đều được tác giả đề cập khá chi tiết, từ việc thiết kế giá sách đến lựa chọn sách trong gia đình, đặc biệt là phương pháp đọc sách cùng con để giúp trẻ hứng thú, hay “phương thuốc chữa bệnh” buồn ngủ cho người lớn khi mới làm quen với việc đọc sách. Ngoài ra, tác giả cũng giới thiệu 100 đầu sách nên có trong tủ sách gia đình và thông tin về một số thư viện công cộng, tư nhân, tủ sách gia đình ở khắp các địa phương trên cả nước để bạn đọc có thể tham khảo.
Không chỉ hữu ích với phần đông độc giả, cuốn sách còn có giá trị rất lớn đối với những ai đang muốn làm tác khuyến đọc, xây dựng tủ sách ở các cơ quan, trường học nhưng còn mông lung chưa biết bắt đầu từ đâu.
65 Bí Kíp Đọc Sách Dành Cho Mọi Người – Để Việc Đọc Trở Thành Lối Sống
“65 Bí Kíp Đọc Sách Dành Cho Mọi Người” giúp giải đáp những thắc mắc về việc đọc sách. Từng vấn đề đều là những câu hỏi thực tế mà nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương nhận được từ hàng trăm cuộc nói chuyện, diễn thuyết trong quá trình thực hiện công tác khuyến đọc.
Nội dung cuốn sách xoay quanh các chủ điểm chính: Vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, phương pháp đọc sách, làm thế nào để khuyến khích mọi người, đặc biệt là trẻ em tích cực đọc sách. Bằng những chia sẻ tâm huyết của mình, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã đưa ra lời gợi mở cho những câu hỏi thường gặp, như: “Liệu đọc sách có thể kiếm tiền không? Làm thế nào để chọn được sách tốt, sách hay? Nên làm gì khi đọc sách mà không hiểu? Bắt đầu đọc sách khi đã trưởng thành có phải là quá muộn?”
Dù bạn là người đọc sách thường xuyên, mới tiếp xúc với sách gần đây, hay đang muốn hình thành cho mình thói quen đọc sách nhưng vẫn chưa tìm được phương hướng thích hợp, “65 Bí Kíp Đọc Sách Dành Cho Mọi Người” cũng sẽ mang đến cho bạn nhiều lời khuyên và bí kíp thiết thực, hiệu quả để nâng cao khả năng đọc cũng như duy trì thói quen đọc sách, xa hơn nữa là khuyến đọc cho những người xung quanh.
Môn Sử Không Chán Như Em Tưởng
“Môn Sử Không Chán Như Em Tưởng” là tập hợp những bài viết của học sinh trong giờ kiểm tra 45 phút hoặc bài tập về nhà, được tác giả khẳng định không phải là các bài “Sử mẫu”. “Tôi tôn trọng và mong muốn sự đa dạng trong nhận thức lịch sử của học sinh….Tôi tin rằng khi đọc những bài viết này, các bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Với riêng tôi, mỗi bài viết của học sinh đều đem lại cho tôi động lực và gợi ra nhiều suy ngẫm về nghề nghiệp”, tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.
Nhận thấy thực trạng ngày càng nhiều học sinh cho rằng Lịch Sử khô khan và nhàm chán, dẫn đến chán ghét môn học này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương mong muốn thay đổi cảm nhận của các em thông qua “Môn Sử Không Chán Như Em Tưởng”. Những bài viết này không phải từ giáo sư, chuyên gia, nhà sử học hay các giảng viên, mà do chính bạn bè cùng trang lứa thực hiện, sẽ giúp các em đồng cảm và dễ tiếp nhận hơn.
Đường Xa Nghĩ Về Giáo Dục Việt Nam
“Đường Xa Nghĩ Về Giáo Dục Việt Nam” tổng hợp những bài báo được Nguyễn Quốc Vương công bố từ cuối năm 2017 tới nay. Có những bài được viết ra là để giải thích thêm hoặc trả lời các câu hỏi mà bạn đọc gửi đến sau khi đọc những đầu sách trước của tác giả.
Trong cuốn sách này, các bài viết sẽ được sắp xếp thành ba phần:
- Phần 1: Giáo viên, chương trình và sách giáo khoa
- Phần 2: Văn hóa trường học
- Phần 3: Giáo dục đời sống
Tác giả lưu ý rằng, cách sắp xếp như trên chỉ có tính chất tương đối, chủ yếu để độc giả tiện theo dõi vì nhiều bài có nội dung chạm đến cả ba chủ thể, có thể xếp vào phần nào cũng được. Từ việc quan sát và phân tích các sự kiện giáo dục đương thời, đối chiếu với các sự kiện giáo dục trong lịch sử, nhà nghiên cứu đưa ra những kiến giải và những tư tưởng của riêng mình.
Thực tế, khi thực hiện những bài viết này, anh Nguyễn Quốc Vương không có chủ đích in thành sách, anh chỉ đơn giản coi đó là thành quả nhu nhặt được trong quá trình hoạt động ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Tuy nhiên, cuốn sách này vẫn có giá trị tham khảo đối với bạn đọc quan tâm đến giáo dục nước nhà.
Giáo Dục Việt Nam Học Gì Từ Nhật Bản
Là một người quan tâm và mong muốn đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam, trong thời gian du học tại Nhật Bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã tìm tòi nghiên cứu và công bố nhiều bài báo, công trình có tính phản biện cũng như các phân tích mang tính độc lập về các vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam. Những bài viết này đã được tổng hợp thành cuốn sách “Giáo Dục Việt Nam Học Gì Từ Nhật Bản”
Nội dung sách gồm hai phần chính:
- Phần 1: Giáo dục Việt nam và giáo dục Nhật Bản
- Phần 2: Giáo dục lịch sử ở Việt Nam và Nhật Bản
Sau khi phân tích và đặt nền giáo dục của hai quốc gia lên bàn cân so sánh, tác giả đưa ra kết luận về triết lý giáo dục – yếu tố hết sức quan trọng mà Việt Nam còn đang thiếu. Về lâu dài muốn xây dựng được nền giáo dục dân tộc, hiện đại và hội nhập quốc tế thì chắc chắn vấn đề “triết lý giáo dục” cần phải được giải quyết thấu đáo. Giáo dục Việt Nam cần đến một triết lý thu nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân và phù hợp với những giá trị phổ quát của nhân loại. Một khi có triết lý giáo dục rõ ràng, cải cách giáo dục sẽ diễn ra thuận lợi tạo nên những thay đổi tích cực.
Đây là tài liệu tham khảo hữu ích với những người quan tâm và đang công tác trong lĩnh vực giáo dục.
Đi Tìm Triết Lý Giáo Dục Việt Nam
“Đi Tìm Triết Lý Giáo Dục Việt Nam” có thể coi như phần tiếp nối của “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản”. Phần lớn những bài viết thuộc cuốn sách này được viết trong khoảng thời gian tác giả học tập ở Nhật Bản. Khoảng cách về địa lý khiến phần nào khiến anh gặp khó khăn trong việc tiếp cận, quan sát trực trạng giáo dục Việt Nam. Nhưng trái lại, chính điều đó mang đến cho anh lợi thế: quan sát và suy ngẫm về giáo dục nước nhà từ góc nhìn bên ngoài, bằng con mắt khách quan của “người ngoài cuộc” và có điều kiện thực tế để áp dụng tư duy so sánh.
Tác giả cho biết: “Cho dù chúng được viết ra ở nhiều thời điểm khác nhau, có những bài được viết theo dòng thời sự, nhưng xét cho cùng, ở tất cả những bài viết ấy, khi phân tích và lý giải nguyên nhân của khùng hoảng giáo dục và gợi ý cách thức cải cách của tôi đều hồi quy chúng về môt điểm là “triết lý giáo dục”. Nói cách khác “triết lý giáo dục” đã trở thành “cơ cấu” quan trọng số một và chủ yếu để tôi sử dụng khi phân tích và lý giải các vấn đề của giáo dục Việt Nam.”
Là một nhà nghiên cứu tâm huyết với giáo dục, tác giả tha thiết hi vọng “Đi Tìm Triết Lý Giáo Dục Việt Nam” sẽ đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích hoặc gợi ra ở các bạn những suy ngẫm về giáo dục nước nhà.
– Trạm đọc tổng hợp