Nói về Napoleon I – Phần 15: Viễn chinh Ai Cập (1798)

by admin

Nói về Napoleon I – Phần 15: Viễn chinh Ai Cập (1798) – Quản lý Ai Cập
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Tên người Pháp trừ Napoleon sẽ in nghiêng để phân biệt với những người thuộc các thế lực khác.
Sau khi hạm đội Pháp bị ăn tỏi ngập mồm đến mức toàn bộ tan tác hết, bản thân chiến dịch ở Ai Cập của Napoleon giờ coi như là 100% trên bộ. Quân đội của ông vẫn thành công trong việc củng cố quyền lực tại Ai Cập dù phải đối mặc với các cuộc nổi dậy lập đi lập lại của những người yêu nước. Napoleon giờ đây bắt đầu hành động như là nhà cầm quyền của toàn cõi Ai Cập. Ông dựng một căn lều và từ đó tổ chức lễ hội sông Nile – fête du Nil. Napoleon là người ra tín hiệu đặt vào bè gỗ tượng của nữ thần sông, tên của ông và Mohammed hòa lẫn trong tiếng hoan hô nhiệt liệt, và theo lệnh của ông, các binh sĩ tặng quà cho người dân còn bản thân ông tặng kaftans (một loại áo choàng) cho các sĩ quan nòng cốt.
Trong một nỗ lực lớn nhằm chiếm được sự ủng hộ của người dân Ai Cập nhưng không thành công, Napoleon đã tuyên bố ông là người giải phóng nhân dân Ai Cập thoát khỏi ách thống trị của đế chế Ottoman và Mamluk, tôn vinh các giới luật của đạo Hồi và tuyên bố tình hữu nghị giữa Pháp và đế chế Ottoman bất chấp việc Pháp can thiệp vào nhà nước ly khai. Tuy nhiên vị thế là người giải phóng đồng thời là đồng minh của Ottoman đã giúp ông có được ủng hộ tại Ai Cập và sau đó dẫn đến sự ngưỡng mộ đối với Napoleon của Muhammad Ali của Ai Cập, ông này sau đó đã thành công làm việc mà Napoleon không làm được: cải tổ lại Ai Cập và tuyên bố độc lập khỏi Ottoman. Trong một lá thư gửi cho một sheikh (một tù trưởng hoặc hoàng tử trong thế giới đạo Hồi) vào tháng 08/1798, Napoleon viết: “Tôi hy vọng… Tôi có thể đoàn kết tất cả những nhà thông thái và những nhà tri thức của tất cả các quốc gia và thành lập một chế độ thống nhất dựa trên những điều cốt lõi của kinh Quran, bộ kinh mà bản thân đã đúng và có thể đưa người ta đến với hạnh phúc”. Thư ký của Napoleon Bourienne viết rằng Napoleon hoàn toàn không hề có hứng thú gì nhiều với bất kỳ tôn giáo nào ngoài quan tâm với các giá trị chính trị của tôn giáo đó.
Nguyên tắc của Napoleon là: Coi tôn giáo là công việc của con người, và tôn trọng họ bất cứ đâu như là một động cơ mạnh mẽ của chính phủ (và thực sự tôn giáo là một động cơ mạnh mẽ không ngừng cung cấp động lực cho chính phủ nếu biết dùng đúng cách). Nếu Napoleon nói chuyện như một người Hồi giáo thì đó chỉ là một nhân vật ông tạo ra để chi huy quân sự và cả chính trị của một đất nước Hồi giáo. Đó là một yếu tố quan trọng của thành công của ông, cũng như sự an toàn của quân đội ông và vinh quang của ông. Ở Thibet thì ông là người của Dalai-lama (Đạt Lai Lạt Ma), và ở Trung Quốc thì cho Khổng Tử.
Như đã nói ở phần trước, Napoleon hay Hitler đều xem tôn giáo là một công cụ chính trị. Việc đập Giáo hoàng thừa sống thiếu chết rồi bắt Giáo hoàng đền tiền như trong chiến dịch Italia (đã nói ở các phần trước), rồi khi lên ngôi hoàng đế lại mời giáo hoàng đến chứng kiến, nhưng vương miện lại tự mình đội đã thể hiện rõ quan điểm của Napoleon về tôn giáo: quyền lực chính trị mới là thứ anh quan tâm, tôn giáo chỉ là công cụ để anh đạt được mục đích chính trị của anh thôi – Na said.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Napoleon trở về sau chiến thắng ở Trận Kim tự tháp, ngày sinh của nhà tiên tri Mohammed đến. Thế là Napoleon tự mình chỉ huy một cuộc diễu binh để chúc mừng sự kiện này, cũng như tổ chức lễ hội và mặc áo choàng của người Hồi giáo và quấn khăn. Chính vào dịp này, hội đồng tối cao của các quốc gia hồi giáo đã cho Napoleon danh hiệu Ali-Bonaparte sau khi ông tự xưng mình là “một đứa con xứng đáng của nhà Tiên tri” và “Người được thánh Allah yêu thích”. Cũng khoảng thời gian này ông đưa ra một số biện pháp để bảo vệ những đoàn hành hương từ Ai Cập đến thánh địa Mecca, tự mình viết thư cho chính quyền ở Mecca.
Tới đây chắc mọi người sẽ nghĩ là Napoleon đã thành công biến người Ai Cập thành đồng minh của mình? Không đâu, những nỗ lực của ông đổ sông đổ bể vì ông đã thu thuế để duy trì quân đội của mình. Thành ra những cuộc nổi loạn vẫn tiếp diễn, thậm chí có cả ám sát nữa. Quân viễn chinh Pháp đã thất bại trong việc dập tắt những cuộc tấn công của họ nên tình hình tồi tệ vẫn tiếp diễn.
Cái vụ thuế này cũng chả trách Napoleon được, chuyện áp thuế là bắt buộc dù ông biết nó sẽ gây ra phản ứng ngược vì viện trợ từ mẫu quốc đã gần như mất hẳn, thậm chí Napoleon không biết rằng, Pháp đã kêu ông quay lại nhiều lần. Nên để nuôi đạo quân viễn chinh khổng lồ, ông không còn cách nào khác ngoài việc áp thuế dân địa phương.
Ngày 22/09/1798 là ngày kỷ niệm thành lập Nền cộng hòa thứ Nhất của Pháp và Napoleon đã tổ chức một lễ kỷ niệm tại Ai Cập hoành tráng nhất có thể. Theo lệnh của ông, một rạp xiếc khổng lồ đã được xây dựng tại quảng trường lớn nhất ở Cairo, với 105 cột (mỗi cột có một lá cờ mang tên một ban) xung quanh rìa và một đài kỷ niệm khổng lồ ở trung tâm. Trên bảy bệ thờ truyền thống khắc tên những anh hùng đã hy sinh trong cuộc chiến Cách mạng Pháp, khi đi vào sẽ qua một khải hoàn môn, miêu tả trận Kim tự tháp. Có chút lúng túng là bức tranh trên khải hoàn môn này tôn vinh người Pháp nhưng những người Ai Cập bại trận lại đang là đối tượng người Pháp muốn kết đồng minh.
Vào ngày lễ hội, Napoleon đã nói chuyện với quân lính của mình, liệt kê những chiến công của họ từ trận vây hãm thành Toulon năm 1793 và nói: “Từ nước Anh – nổi tiếng về nghệ thuật và thương mại – đến Bedouin (một nhóm dân tộc Arab thiện chiến) – tàn bạo và hiếu chiến, các anh đã thu hút mọi ánh nhìn của cả thế giới. Binh sĩ, số phận công bằng. Ngày hôm nay, 40 triệu dân ăn mừng thời đại của chính phủ đại diện nhân dân, 40 triệu công dân đang nghĩ về các anh.”
Nãy giờ chỉ nói chuyện ăn chơi, chuyện tôn giáo, tiếp theo là những thứ khác Napoleon đã làm cho Ai Cập sau khi ông trở thành lãnh đạo tối cao tại đây (trong tay anh có quân đội, có súng, anh nói thằng nào không nghe anh bắn bỏ).
Napoleon bắt đầu cải thiện Ai Cập theo cách thức của nền văn minh phương Tây, và Cairo nhanh chóng có diện mạo của một thành phố châu Âu. Ông cho thành lập hội đồng tối cao (như kiểu quốc hội) gọi là ‘divan’, với thành viên là những người giỏi nhất của các vùng. Đồng thời ngoài Cairo, các thành phố khác cũng bắt đầu mọc lên các học viện, đừng quên anh Na đi viễn chinh nhưng đem theo mấy trăm nhà khoa học thuộc đủ thứ lĩnh vực và bản thân ảnh cũng là thành viên Viện hàn lâm Pháp. Napoleon thành lập Institut d’Égypte – Học viện khoa học Ai Cập, một kiểu như Viện hàn lâm, gồm thành viên là các học giả người Pháp theo ông đến đây và bản thân ông cũng góp vui với chức danh viện trưởng và học giả – académicien (thấy ghê không?). Người chinh phục giờ đã trở thành một nhà lập pháp, lập một thư viện, một phòng thí nghiệm hóa học, một dịch vụ chăm sóc sức khỏe, một vườn thực vật, một đài quan sát thiên văn, một bảo tàng cổ vật và một phòng trưng bày nghệ thuật.
Nói đến đây các bạn thấy có điều gì quen quen không? Đó cũng chính là những gì người Pháp đã xây dựng tại Việt Nam khi chiếm được lãnh thổ nước ta. Cho tới hiện nay, những thành phố lớn ngày trước như Sài Gòn hoặc Hà Nội vẫn còn rất nhiều tòa nhà kiểu Pháp, có cái niên đại đã hơn 100 năm (và người Pháp vẫn còn lưu giữ bản thiết kế mới sợ), nơi đó ngày trước là bưu điện, là thư viện, là trường học, học viện, bảo tàng… Họ mang ánh sáng văn minh phương Tây đến, nhưng tất nhiên đồng thời là ách thuộc địa.
Dưới lệnh của Napoleon, các học giả đã lập một bảng so sánh các đơn vị đo khối lượng cũng như kích thước của Pháp và Ai Cập, xuất bản một cuốn từ điển Pháp – Ả Rập và tính ra một quyển lịch tổng hợp ba yếu tố Ai Cập – Coptic và Châu Âu. Hai tờ báo cũng được thành lập tại Cairo, một về văn học và kinh tế chính trị dưới cái tên Décade égyptienne, còn một cái thuần chính trị dưới tên Courrier égyptien.
Quân số của quân viễn chinh giảm đáng kể do chiến vong và bệnh tật, người Pháp tại Ai Cập bị dịch hạch dày vò. Sau thảm họa trận đánh sông Nile, quân Pháp đã không còn có bất kỳ hy vọng nào về viện quân từ mẫu quốc Pháp, và Napoleon đã nghĩ ra vài cách để bổ sung quân số. Đầu tiên ông chiêu mộ tân binh từ nô lệ tại Ai Cập tuổi từ 16-24, sau đó biến 3,000 thủy thủ sống sót sau trận hải chiến thảm họa thành lục quân và gọi họ là légion nautique – quân đoàn hải quân. Để chống lại các cuộc tấn công của người Arab, Napoleon đã ra lệnh giới nghiêm: Tất cả các con đường ở Cairo bị cấm vào ban đêm, và cổng cũng bị đóng luôn, nhầm ngăn chặn người dân hỗ trợ quân Arab nổi dậy tấn công người Pháp. Napoleon cũng phá bỏ tất cả hàng rào vì người Ai Cập có thể dùng nó làm công sự chống quân Pháp. Thực tế chứng minh lo lắng của Napoleon là đúng vì sau đó dân chúng đã nổi loạn chống Pháp.
Ngày 21-22/10/1798, người dân ở Cairo nổi loạn chống lại quân viễn chinh Pháp, ước tính có khoảng 80,000 người tham gia nổi loạn, và quân số Pháp lúc này chỉ có 20,000 người.
Tình hình quân Pháp lúc này cũng nguy cấp không thua gì lúc vây hãm thành Mantua trong chiến dịch Italia năm ngoái: Quân Anh đang đe dọa sự thống trị của người Pháp tại Ai Cập sau chiến thắng hải chiến sông Nile, Murad Bey – lãnh đạo Mamluk và quân đội của ông ta vẫn đang đóng quân ở miền Thượng Ai Cập, tướng MenouDugua chỉ đủ khả năng duy trì kiểm soát khu vực Hạ Ai Cập mà thôi. Nông dân Ottoman có lý do để khởi nghĩa chống lại người Pháp tại Cairo: Cả vùng đang nổi dậy, ngu gì không quẩy chung cho vui? Dân Cairo bắt đầu xây dựng công sự, lập rào chắn, và biến thánh đường hồi giáo Al-Azhar thành một pháo đài cho cuộc nổi dậy. (người ta lên nóc nhà bắt con gà, dân Ai Cập lên nóc thánh đường bắt người Pháp???)
Tất nhiên anh Na không để yên và cũng không chịu thua dễ dàng như vậy. Một trong những tính cách nổi tiếng của anh Na được truyền tai rộng rãi là việc anh Na cực kỳ hiếu thắng và gần như không bao giờ chịu thua. Người Pháp đặt pháo trên pháo đài và nã đạn vào những khu vực có quân nổi loạn. Suốt đêm, quân Pháp tiến công khắp Cairo và phá hủy tất cả các công sự hay rào chắn họ phát hiện. Quân nổi loạn nhanh chóng bị đẩy lùi bởi sức mạnh vượt trội của quân Pháp, họ dần mất quyền kiểm soát các khu vực trong thành phố. Napoleon đích thân săn lùng quân nổi loạn trên từng tuyến phố và buộc họ phải trốn vào thánh đường hồi giáo Al-Azhar. Napoleon nói: “Ông ấy (ý nói thánh Allah) đã quá trễ – các ngươi đã bắt đầu, giờ ta sẽ kết thúc nó!”. Ông sau đó ngay lập tức lệnh các khẩu pháo nã đạn vào thánh đường, quân Pháp phá hủy cổng và xông vào trong tòa nhà, tàn sát những người bên trong. Cuối cùng, từ 5,000 đến 6,000 người Cairo đã thiệt mạng trong cuộc nổi loạn này.
Khỏi phải nói, lần thứ hai anh Na vả mặt thánh thần. Lần đầu là Giáo hoàng, lần này là thánh Allah. Bởi vậy, người con của nhà Tiên tri hay người được thánh Allah yêu quý nhất gì chỉ là công cụ để anh Na nhà ta kiếm thiện cảm từ người dân mà thôi. Khi đã nổi dậy chống ảnh rồi thì trốn vô ngôi nhà của Chúa ảnh cũng không nể, quất hết.
Sau trận vả mặt nhau này thì Ai Cập lại bình yên và trở về quyền kiểm soát của anh Na. Ông cũng không nghỉ ngơi mà dùng khoảng thời gian rảnh này đi thăm Suez và tận mắt nhìn thấy tính khả thi của kênh đào (được biết đến là Kênh đào của các Pharaoh) đã nối thông Địa trung hải với Biển Đỏ đã được xây dựng theo lệnh của các pharaoh. Trước khi rời đi, ông giao Cairo cho chính quyền tự trị của nó – một ‘divan’ mới gồm 60 người thay thế cho chính quyền quân sự trước đây.
Sau đó, cùng với các đồng nghiệp tại học viện như Berthollet, Monge, Le Père, Dutertre, Costaz, Caffarelli cùng 300 quân hộ tống, Napoleon tiến về Biển Đổ và sau 3 ngày hành quân xuyên sa mạc đoàn lạc đà của họ cũng đã đến được Suez. Sau khi ra lệnh tăng cường phòng tuyến tại Suez, Napoleon đã băng qua Biển Đỏ và vào ngày 28/12/1798 đã tiến vào bán đảo Sinai để chiêm ngưỡng ngọn núi nổi tiếng của Moses cách Suez 17 km.
Moses thì chắc những ai thích tìm hiểu về lịch sử tôn giáo sẽ biết, ông là người đã mang theo người Do Thái trốn khỏi Ai Cập, khi đến Biển Đỏ, ông với cây gậy của mình, được Thượng Đế trao quyền năng đã gạt biển sang hai bên để người Do Thái trốn chạy khỏi truy binh của Pharaoh. Sau đó khi quân của Pharaoh đuổi theo tiến vào biển, nước biển đã hợp lại nhấn chìm đạo quân này. Địa vị của ông trong Do Thái giáo cũng là một nhà Tiên tri, và người Do Thái thoát khỏi Ai Cập đã đến khu vực nước Israel ngày nay thành lập nhà nước Do thái đầu tiên.
Lạc trôi nhiêu đó thôi, quay trở lại với anh Na nhà ta. Trên đường trở về, ông bị bất ngờ bởi những con sóng đang dâng cao do thủy triều và hoảng hồn sợ bị chết đuối. Sau khi trở lại Suez, sau nhiều chuyến thám hiểm, đoàn đã hoàn thành mục tiêu của mình, tìm thấy được những gì còn sót lại của kênh đào cổ đại được xây dựng dưới thời pharaoh Senusret III và Necho II.
Sau đó, chính anh Na đã ra lệnh cho các kỹ sư và nhà địa chất đo đạc để xây dựng một con kênh đào nối giữa Địa Trung Hải Biển Đỏ, rút ngắn lại thời gian di chuyển từ châu Âu đến Ấn Độ, đồng thời né chuyện đi vòng qua mũi Hảo VọngNam Phi. Thực ra chỗ mũi Hảo Vọng (Good Hope) rất thường có gió mạnh hoặc bão, thuyền đến đó rất dễ được cho vé miễn phí tham quan Thủy Cung và gặp mặt Long Vương, tặng kèm sổ đỏ và căn cước công dân dưới Âm phủ. Thành ra người ta luôn hy vọng những điều tốt đẹp khi đi vòng qua mũi đất này, đồng thời vòng qua nó là sẽ vào Ấn Độ Dương, đến được Ấn Độ, mua được hương liệu như hồ tiêu với giá đắt ngang vàng về châu Âu bán kiếm lời. Cũng đúng là ‘Hảo Vọng’.
Đáng tiếc là có một số sai lầm trong đo đạc và tính toán nên các kỹ sư đã nói với Na là chuyện đào một con kênh như vậy là bất khả thi. Cộng thêm việc trên mặt trận chính trị và quân sự anh Na cũng không thuận lợi lắm tại đây nên ảnh đã không khởi công xây dựng. Mà lúc đó có xây thì cũng Hải quân Anh hưởng chứ Pháp có còn con tàu nào đâu mà kiểm soát. Địa Trung Hải thành biển của Anh rồi.
Mãi sau này, một công ty của Pháp, công ty kênh đào Suez, đã tiếp bước vĩ nhân, đến và đào bằng sức người trong suốt 10 năm từ 1859 đến tận 1869 mới xong, con kênh đào Suez này, và sự thật chứng minh, Pháp đào, Anh hưởng. Người Anh và Pháp kiểm soát kênh đào này đến tận năm 1956 rồi con kênh này mới về tay Ai Cập. Hiện nay con kênh trung bình có 97 tàu qua kênh mỗi ngày với chiều dài con kênh là 193.3 km. Khi nhà Nguyễn đi sứ sang Pháp, đến kênh đào Suez, viên thuyền viên người Pháp kêu sứ giả nhà Nguyễn kéo cờ Việt Nam lên, vì theo truyền thống, quản lý kênh đào sẽ nhìn cờ của thuyền rồi phát quốc ca của nước đó như chào mừng. Lúc này Việt Nam không có quốc kỳ chính thức, thế là sứ giả nhanh trí, lấy chiếu thư của vua ra, vốn là một mảnh lụa màu vàng, treo lên làm quốc kỳ. Thành ra các bạn tra sẽ thấy quốc kỳ Việt Nam thời Nguyễn có nền vàng, mặt trời đỏ.
Phần này chỉ nói đánh đấm chút thôi, còn lại chút ta đã có thể phần nào thấy được, tầm nhìn chiến lược lâu dài của Napoleon khi muốn đào con kênh Suez (lợi ích thế nào thì sách giáo khoa địa lý có nói thì phải, rút ngắn thời gian hàng hải, chi phí…), khả năng chính trị, tôn giáo của ông. Đồng thời lúc này, anh Na phất cờ trên cầu Arcole vẫn còn đó, vẫn trực tiếp dẫn quân băng qua từng con phố (chỉ cần thằng nào núp trong nhà bắn ra là chết chắc), sự dũng mãnh của ông với tư cách là một vị tướng cũng ít người sánh bằng.
Phần sau chúng ta sẽ tiếp tục với các chiến dịch của Napoleon tại Syria, khi ông với tham vọng quay về Pháp bằng đường bộ, mang quân rời khỏi Ai Cập hướng về phía Bắc.
À về phần các bạn gọi Napoleon là Na lùn, thực ra cao đến 1m68 nhé, có nguồn nói là 1m7, đây là chiều cao trung bình của người Pháp vào thời điểm đó, còn chiều cao trung bình của đàn ông thời điểm đó chỉ có 1m65 mà thôi. Anh Na vẫn còn cao hơn khối người Việt Nam ngày nay. Lùn là do chiêu trò tuyên truyền của người Anh thôi, kêu ổng là quỷ lùn khát máu. Với lại xung quanh ông là đội cận vệ hoàng gia toàn là các thanh niên cao to nhưng không đen hôi, thành ra cảm giác lùn là phải ha ha.
Hết phần 15.
#Napoleon #Napoleonphan15





You may also like

Leave a Comment