Nghệ thuật Phật giáo Hy Lạp và sự hòa hợp của văn hóa Đông – Tây

by admin

Những cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế đã đưa nền văn hóa Hy Lạp tới những vùng đất xa lạ, nằm ở tận cùng của thế giới mà người phương Tây có thể biết được vào thời điểm lúc bấy giờ. Gandhara, dịch theo âm Hán Việt là Càn-đà-la, là một vương quốc cổ nằm ở vùng đất mà ngày nay là tỉnh Peshawar thuộc Pakistan và Kashmir của Ấn Độ và đã bị Alexander Đại đế chinh phục vào năm 327 TCN khi ông thực hiện chiến dịch Ấn Độ. Alexander đã cho thành lập nhiều thành phố tại những vùng đất mới này, và đưa di dân Hy Lạp từ quê nhà đến định cư, qua đó mở đầu cho sự hiện diện của nền văn hóa Hy Lạp tại tiểu lục địa Ấn Độ hơn 5 thế kỷ ròng rã cho tới khi Đế quốc Quý Sương diệt vong năm 250.
Phật Giáo vốn vào lúc này đã truyền bá rộng rãi tại khu vực đồng bằng sông Ấn và sông Hằng. Khi người Hy Lạp từ Bactria (Đại Hạ) tấn công đế quốc Maurya của Ấn Độ vốn đã suy yếu trầm trọng sau khi A-dục-vương (Ashoka Đại đế) băng hà và thiết lập nên vương quốc Ấn-Hy Lạp, các yếu tố kết hợp tinh hoa văn hóa Hy Lạp và Phật Giáo bắt đầu dần dần xuất hiện. Điều này cũng được thúc đẩy mạnh nhờ vào sự rộng lượng của các vị vua Hy Lạp dành cho Phật Giáo. Dưới thời kỳ vua Menander (Di Lan Đà), Phật giáo dần dần chiếm ưu thế và trở thành quốc giáo vương quốc Ấn-Hy Lạp.
Vào năm 135 TCN, bộ lạc Quý Sương của tộc Nguyệt Chi từ tây bắc Trung Quốc ngày nay đã buộc phải di cư về phía tây do sức ép từ người Hung Nô, đã thâm nhập Bactria và chiếm đóng nơi này. Họ bắt đầu tiếp thu nền văn hóa Hy Lạp, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc, văn học. Đế quốc Quý Sương đạt đỉnh dưới thời Kanishka Đại đế, dịch Hán Việt là Ca Nị Sắc vương, một người cực kỳ tôn sùng Phật Giáo và cũng chính dưới triều đại của ông, nền nghệ thuật Phật giáo Hy Lạp dần đạt đến tinh hoa.
Cũng dưới thời kỳ Đế quốc Quý Sương, Đức Phật lần đầu tiên được miêu tả dưới dạng hình người. Trước thời kỳ này, ngài thường được miêu tả dưới hình dạng của một cây bồ đề, cái ngai vàng để trống, một con ngựa với một cái ô bay lơ lững bên trên hay dưới hình dáng của pháp luân. Những ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp của nghệ thuật Hy Lạp và La Mã đều có thể nhận thấy được trong cách thể hiện trong chính hình ảnh Đức Phật trong nghệ thuật Gandhara. Nhiều yếu tố trong cách miêu tả Đức Phật chỉ rõ sự ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật Hy Lạp: ví dụ như mảnh vải quấn quanh người (một kiểu áo giống Toga của người Hy Lạp), mái tóc xoăn đậm chất của người vùng Địa Trung Hải và nút thắt áo rõ ràng bắt nguồn từ phong cách của bức tượng thần Apollo Belvedere (kiệt tác của nền nghệ thuật chạm khắc Hy Lạp cổ đại). Một trong vài bức tượng ví dụ được áp dụng kỹ thuật Hy Lạp đặc biệt là sử dụng đá hoa cương để tạc tay và chân, trong khi phần còn lại thì làm bằng chất liệu đá khác, nhằm thể hiện bức tượng một cách chân thật và thanh thoát nhất có thể.
—-
Sưu tầm và biên soạn
—-
Nguồn:
  • https://en.thevalue.com/articles/christies-new-york-2017-autumn-sales-indian-himalayan-and-southeast-asian-works-of-art-gandhara-greek
  • https://www.ancientworldmagazine.com/articles/graeco-buddhist-art-gandhara-connection/
  • http://www.hellenicaworld.com/Greece/Art/Ancient/en/GrecoBuddhistArt.html





You may also like

Leave a Comment