3 CÔ GÁI LÀM DÂU XỨ NGƯỜI: HẠNH PHÚC HAY ĐAU THƯƠNG?

by admin

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên – vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông có 5 người con gái, trong đó có đến 3 cô kết hôn với người nước ngoài là công nữ Ngọc Vạn, công nữ Ngọc Khoa và công nữ Ngọc Hoa.

1/ Công nữ Ngọc Vạn 

Ngọc Vạn Công nữ, là con gái thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Hiếu Văn Hoàng hậu. Năm 1620, vua Chey Chetta II nước Chân Lạp cầu hôn nàng. Để yên ổn biên giới phía Nam và dồn lực đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa đồng ý gả con gái cho. Cứ như vậy, công nữ Ngọc Vạn trở thành Hoàng hậu nước Chân Lạp. Dịu dàng, nết na, xinh đẹp, nàng được vua Chey Chetta II hết mực sủng ái. 

Sau cuộc hôn nhân, quan hệ ngoại giao giữa Đàng Trong và Chân Lạp hết sức tốt đẹp. Nhiều người Việt di cư sang Chân Lạp buôn bán, mở xưởng thợ quanh khu vực kinh đô dưới sự giúp đỡ của công nữ Ngọc Vạn. Thậm chí, có người còn làm quan trong triều Chân Lạp. Sau 5 năm, người Việt Đàng Trong định cư vô cùng đông đúc, trải dài từ Bà Rịa đến tận kinh đô Chân Lạp (Oudong). Sau công chúa Huyền Trân thời nhà Trần, Ngọc Vạn Công nữ là người tiếp tục mở đường để bản đồ Việt Nam kéo dài xuống phía Nam.

2/ Công nữ Ngọc Khoa

Là con gái thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Giống người chị là công nữ Ngọc Vạn, nàng được cha gả cho vua nước láng giềng – vua Chiêm Thành Po Rome. 

“Lược sử dân tộc Chăm” có ghi lại rằng:… chỉ một lần chúa Sãi cho Ngọc Khoa theo đoàn thương buôn vào Chiêm Thành mua bán hàng hóa, Po Rome vừa nhìn thấy đã mê mẩn, bần thần, từ đó chỉ còn mơ tưởng mau chóng gặp lại và sở hữu nhan sắc tuyệt trần kia. Một thời gian sau, công nữ Ngọc Khoa – lúc ấy là hoàng hậu, bỗng nhiên ốm nặng, không thuốc nào có thể chữa trị được. Cho thầy chiêm tinh tính thì thấy là do thần Krek quấy phá, làm sinh bệnh. Muốn hoàng hậu khoẻ lại, chỉ còn một cách duy nhất: Chặt cây Krek. Không nỡ nhìn cảnh vợ yêu ngày càng suy kiệt, vua Po Rome tự tay đốn hạ dù cây Krek được xem là nơi thần ngự trị và hộ mệnh cho vương quốc Champa. Có thể đó là nguyên do mà sau này, vua Chiêm Thành gặp thất bại trong trận chiến với quân Đại Việt. Về phần công nữ, khi biết tin Po Rome tử trận, nàng cũng tự sát theo chồng. 

3/ Công nữ Ngọc Hoa

Là con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, nàng được nhiều người biết đến qua mối tình với chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro. Nói một chút về vị phu quân của công nữ, đó là một nhà hàng hải kiệt xuất thuộc dòng dõi Samurai. Năm 1619, chúa Sãi quyết định gả công nữ Ngọc Hoa cho vị lái buôn tài ba này. Một năm sau, nàng theo chồng về Nhật Bản, sinh sống tại vùng đất Nagasaki. Không giống như một người vợ truyền thống nuôi dạy con cái, chỉ quan tâm việc vặt trong nhà, công nữ Ngọc Hoa tham gia quản lý công việc ở trung tâm thương mại mà Araki thành lập. Sau khi chồng mất, nàng vẫn tiếp tục công việc sổ sách kế toán ở cơ sở kinh doanh của chồng.

Tuy đều vì sự phồn thịnh, phát triển của gia tộc mà phải rời xa quê hương làm dâu xứ người nhưng mỗi người lại có kết cục khác nhau. Công nữ Ngọc Vạn sau hàng loạt biến chuyển chính trị ở Chân Lạp thì lui về sống ở Bà Rịa. Tại đây, nàng lập chùa Gia Lào rồi ẩn tu đến hết đời. Số phận bi đát nhất thì có lẽ là Ngọc Khoa Công nữ. 

Xinh đẹp, mỹ miều là thế, có công không nhỏ trong việc mở mang bờ cõi quốc gia nhưng với người dân Chiêm Thành, nàng chính là hồng nhan hoạ thuỷ, là nguyên nhân chính cho sự sụp đổ của vương quốc Chiêm Thành. Chỉ có công nữ Ngọc Hoa may mắn có cuộc sống hôn nhân viên mãn, được người dân Nhật Bản vùng Nagasaki yêu mến, tôn trọng.

Nguồn: Chuyện Hậu Cung

You may also like

Leave a Comment