KHI CÔNG CHÚA THẤT THẾ SA CƠ

by admin

Trương Đăng Quế người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng tiên tổ của ông lại là người huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, di cư vào Nam năm 1623. Trương Đăng Quế là người đỗ Cử nhân đầu tiên của Quảng Ngãi. Ông làm quan trải thờ ba đời vua là Minh Mạng (1820 – 1840), Thiệu Trị (1841 – 1847) và Tự Đức (1848 – 1883). Tuy hoạn lộ cũng có lúc thăng lúc trầm, nhưng nhìn chung, Trương Đăng Quế luôn được vua yêu, đồng liêu kính nể. 

Bình sinh, ông là người thẳng thắn và vô tư. Chính vì thẳng thắn mà thi thoảng ông bị quở trách, nhưng cũng chính vì vô tư mà chẳng bao lâu sau đó, ông lại được tin dùng. Năm 1849, Trương Đăng Quế gặp phải một chút rắc rối nho nhỏ do vụ mất trộm ở nhà Công chúa An Nghĩa. An Nghĩa là Công chúa thứ mười của vua Gia Long, tên thật là Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn, sinh năm Giáp Tí (1804), mất năm Bính Thìn (1856). Năm 1823, vua Minh Mạng gả Công chúa An Nghĩa cho Lê Văn An. Lê Văn An là con của Lê Văn Phong mà Lê Văn Phong là người được hưởng quyền thừa tự Lê Văn Duyệt. Năm 1835, vì vụ án Lê Văn Duyệt, Lê Văn An cũng bị xử tử. 

Công chúa An Nghĩa sống trong cánh éo le như vậy nên cũng bị ức hiếp, thậm chí, có khi còn bị quan lại cấu kết với bọn bất lương để làm khó, làm dễ. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập, quyển 21) có đoạn viết về thực tế này như sau: 

“Năm (Tự Đức) thứ hai (tức năm 1849 – NKT), bắt đầu đặt Viện Tập Hiền, (Trương) Đăng Quế được sung làm Kinh Diên Giảng quan. Một hôm, khi đã giảng xong, Vua truyền cho (Trương) Đăng Quế ở lại chiếu giáng, cho uống trà và bàn luận đạo trị nước  của cố kim. Bấy giờ, nhà Công chúa An Nghĩa mất trộm. Viên quan phủ của phủ Thừa Thiên đã chỉ tên và hặc tội của viên quan làm việc ở Nội Các là Nguyễn Tấn, cho rằng (Nguyễn Tấn) đã thông đồng với kẻ trộm, đồng thời nói thêm là Quản vệ Lê Mậu Hạnh tuy biết rõ kẻ trộm nhưng không chịu bắt để giải tội. Bộ Hình tra xét thấy có nhiều chỗ hàm hồ nên cũng có ý dung túng. 

(Trương) Đăng Quế cố chấp, tâu vua xin đem bọn (Nguyễn) Tấn cùng với (Lê) Mậu Hạnh cách chức, để xét hỏi lại. Quan giữ chức Đô sát Phó Ngự sử viện là Bùi Quỹ hặc tội (Trương Đăng Quế) cho là (Trương Đăng) Quế tự tiện chuyên quyền. Vua nói: 

– (Trương) Đăng Quế là vị cố mệnh của hai triều trước, một lòng giữ sự thẳng thắn của kẻ tôi trung, chấp tâu việc ấy cũng là do ý định trừ gian cấm ác mà ra. Bởi nhất thời suy nghĩ chưa chu đáo nên xem ra có vẻ nặng ý riêng, chớ chuyên quyền tự tiện thì đâu đến nỗi, nói quá là không nên. Viên đại thần này (chỉ Trương Đăng Quế – NKT) là người thông thạo mọi việc, lẽ đâu lại có lòng dạ như vậy? 

(Nói rồi), giáng (Bùi) Quỹ xuống hai cấp” 

Lời bàn : Thời mà cả đến nhà của Công chúa cũng bị ăn trộm và thời mà cả quan lại của triều đình cũng thông đồng với lũ ăn trộm thì chẳng thể nói khác hơn rằng, loạn, đại loạn. 

Trương Đăng Quế tâu xin nghiêm trị bọn quan lại dám cả gan làm chuyện động trời là thông đồng với bọn kẻ trộm, vậy mà lời ấy lại bị chính quan giữ chức Đô sát Phó Ngự sử tên là Bùi Quỹ… xếp vào loại tự tiện chuyên quyền, thương hại thay! 

Vua giáng Bùi Quỹ xuống hai cấp, thế là chí phải. Vua bênh vực Trương Đăng Quế, thế cũng là chí phải. Nhưng Nguyễn Tấn và Lê Mậu Hạnh thì sao? Nếu bọn họ mà cũng được bao che như Trương Đăng Quế thì đúng là vàng thau lẫn lộn, thậm nguy, chí nguy! 

Công chúa An Nghĩa mất trộm, của cải bị lấy cắp chẳng biết là bao nhiêu, nhưng nhờ chuyện này, hậu thế lại mừng vì được dịp hiểu thêm nhân cách của vua quan một thời. Ngẫm mà xem! 

Nguồn:

Việt sử giai thoại, tập 8, Nguyễn Khắc Thuần

You may also like

Leave a Comment