TRẦM CẢM CÓ THẬT SỰ ĐÁNG SỢ?

by admin

Ngày 26 tháng 2 năm 2022

Tôi dã đọc được một bài báo về một sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Một người đàn ông đưa vợ mình đi chữa trị trầm cảm, mọi thứ sẽ rất ổn khi cả hai cùng trở về nhà sau khi lấy thuốc từ bác sĩ. Nhưng chỉ trong vài phút không chú ý người chồng đã phải chứng kiến người vợ nhảy lầu ngay trước mặt mình mà chẳng thể làm gì khác ngoài gào khóc và kêu tên người vợ.

Người vợ vài phút trước còn nói với chồng mình là sẽ cố gắng điều trị và vượt qua, nhưng chỉ vài phút sau không do dự mà kết liễu chính cuộc đời của mình.

Tối đó, tôi lại nhận được một vài dòng tâm sự của một người lạ. Người này cũng từng mắc phải căn bệnh này nhưng may mắn đã vượt qua nó. Người này lại có một người bạn cũng mắc phải căn bệnh trầm cảm này.

Người này đã trở thành người lắng nghe, chia sẻ và ở bên cạnh người bạn ấy chỉ mong có thể kéo người bạn của mình ra khỏi thế giới tâm tối mà trước kia mình từng bị kẹt lại. Nhưng thật không may, mỗi lần muốn kéo người bạn ra thứ người kia nhận lại chỉ là sự phớt lờ, không quan tâm và cả những sự tiêu cực.

“Em muốn chết quá! Nên chết thế nào nhỉ?”

Với một người đã từng phải vật lộn để thoát khỏi thế giới tâm tối kia, chỉ vì muốn kéo bạn mình ra khỏi đó mà một lần nữa suýt bị chính người bạn đó của mình kéo ngược vào trong.

Trầm cảm ư? Có gì đáng sợ nhỉ? Vì bạn chưa thật sự gặp được người là nạn nhân của căn bệnh này nên mới có suy nghĩ như thế.

Thế giới của họ không giống chúng ta. Mỗi ngày được đón bình minh là một hạnh phúc, nhưng đối với họ thế giới của họ luôn xoay quanh hai từ ‘tiêu cực’

Trầm cảm đáng sợ chứ! Vì bạn sẽ không biết được nụ cười của ngày hôm nay, ngày mai bạn có còn được nhìn thấy hay không

Sẽ khó để nhận biết được những người mắc phải căn bệnh này. Đa phần những người mắc trầm cảm thường rất giỏi che đậy cảm xúc. Họ không thích chia sẻ những cảm xúc thật của mình, không thích bộc lộ quá nhiều cảm xúc của mình ra bên ngoài, cho dù có chuyện không vừa ý cũng không để lộ.

Điều này dẫn đến việc bệnh tình ngày càng nghiêm trọng. Như một quả bóng khi chứa đủ khí sẽ phát nổ bất cứ lúc nào.

Căn bệnh này sẽ không giết chúng ta bằng những cơn đau thể xác. Chúng sẽ giết chết tâm hồn của chúng ta một cách từ từ. Như việc “bạn đã chết vào năm 18 tuổi nhưng đến năm 60 tuổi mới được mai táng”. Họ không sống, họ chỉ đang mệt mỏi tồn tại qua từng ngày.

Nên là nếu có thể xin bạn hãy quan tâm một chút đến những người xung quanh bạn, nhất là những người mà bạn yêu thương.

Có thể họ sẽ cự tuyệt sự quan tâm của bạn, nhưng ít nhất hãy bên cạnh họ để họ từ từ cảm nhận được thế giới này vẫn còn điều gì đó tươi đẹp.

Nếu bạn nhận thấy bản thân thường xuyên bị stress, có những suy nghĩ tiêu cực trong thời gian dài với tần suất lớn hoặc nhận thấy những người xung quanh có những dấu hiệu của việc bị trầm cảm hãy đến gặp những chuyên gia tâm lý sớm nhất có thể.

Và những người sẵn sàng chia sẻ và muốn kéo họ ra khỏi thế giới đó cũng phải thật vững vàng để không bị chính họ kéo ngược lại vào trong.

Trầm cảm không đáng sợ chỉ khi bạn không biết được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Đây chỉ là một vài tâm sự và ý kiến mà mình muốn chia sẻ. Cảm ơn vì đã đọc!

You may also like

Leave a Comment