MỘT QUỐC GIA ĐANG TỪ GIÀU CÓ TRỞ NÊN NGHÈO TRONG MỘT THỜI GIAN RẤT NGẮN?

by admin
Q: MỘT QUỐC GIA ĐANG TỪ GIÀU CÓ TRỞ NÊN NGHÈO TRONG MỘT THỜI GIAN RẤT NGẮN?A: An

A: Andrew Dang

Campuchia.

Để nói ngắn gọn, Campuchia từng là một quốc gia thịnh vượng. Sau khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc (1945 – 1954), dưới sự lãnh đạo của Quốc vương Norodom Sihanouk (1922 – 2012), trong hai mươi năm tiếp theo, nền kinh tế Campuchia phát triển nhanh chóng cùng với những thành tựu đáng kể. Năm 1960, GPD bình quân đầu người của Campuchia là $111.34, thậm chí còn cao hơn cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó (lần lượt là $51 và $105).

Trong những năm 1960, khi Việt Nam vẫn đang phải trải qua một cuộc chiến tàn khốc, nền kinh tế của Campuchia tiếp tục phát triển nhanh chóng. Thủ đô Phnom Penh thời kỳ đó là một trong những “hòn ngọc” của phương Đông, nơi những nhân vật nổi tiếng thế giới như Tổng thống Pháp Charles De Gaulle (1890 – 1970) và Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis (1929 – 1994) từng viếng thăm.

Thế nhưng…

Số phận của Campuchia đã được định đoạt vào ngày 18 tháng 3 năm 1970, sau cuộc đảo chính chống lại Quốc vương Norodom Sihanouk được Hoa Kỳ bảo trợ. Kể từ đó, Campuchia bị mắc kẹt trong một cuộc nội chiến đẫm máu trong suốt 5 năm sau đó (1970 – 1975), với hàng trăm nghìn người chết.

Thật không may, sự kết thúc của cuộc Nội chiến Campuchia năm 1975 lại không đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên hòa bình mới cho đất nước Campuchia. Ngược lại, nó đã đánh dấu sự khởi đầu của chế độ diệt chủng theo chủ nghĩa Mao của Khmer Đỏ, một trong những chế độ độc tài tàn bạo nhất trong thế kỷ 20. “Đồng chí Pol Pot”, nhà lãnh đạo tối cao của Campuchia lúc bấy giờ đã từng nói:

“Trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng đất nước, chúng ta đã vận dụng một cách sáng tạo và thành công Tư tưởng Mao Trạch Đông.”

(Trích Peking Review (北京 周報), Vol. 20, Số 41, ngày 07 tháng 10 năm 1977, trang 25)

Với lý tưởng Mao trong tâm trí cùng với sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chỉ trong vòng 4 năm, Pol Pot đã nhanh chóng biến đất nước của mình thành một “cánh đồng chết” khổng lồ, nơi có từ 2 đến 3 triệu “kẻ phản cách mạng” hay 1/3 dân số Campuchia đã bị tiêu diệt! Trong lịch sử, sự kiện này được gọi là “Cuộc diệt chủng Campuchia”, khiến cho toàn bộ đất nước Campuchia bị kéo về con số không. Từ một quốc gia thịnh vượng trong những năm 1960, Campuchia trở thành quốc gia đói kém liên miên và cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới dưới sự cai trị của chế độ Khmer Đỏ.

Toàn bộ nền kinh tế Campuchia đã hoàn toàn bị phá hủy đến tận gốc rễ khi Pol Pot quyết định cấm sử dụng tiền giấy! Thành phố Phnom Penh sau đó đã trở thành một “thành phố ma”. Không còn những quán cà phê kiểu Pháp, không còn những chiếc xe hơi sang trọng, không còn những ánh đèn neon lộng lẫy vào ban đêm mà chỉ còn những thứ gọi là “công xã nhân dân” rải rác khắp đất nước, nơi mọi người buộc phải làm việc cho đến hơi thở cuối cùng.

“Cuộc diệt chủng Campuchia” cuối cùng đã kết thúc vào tháng 1 năm 1979 với cuộc nổi dậy của nhân dân Campuchia cùng với cuộc tấn công của quân đội Việt Nam đã lật đổ ách thống trị của Pol Pot và bè lũ tay sai. Trong hai mươi năm tiếp theo (1979 – 1999), cùng với sự hỗ trợ quân sự của Việt Nam, chính phủ mới của Campuchia dưới sự lãnh đạo của Hun Sen đã tiếp tục cuộc chiến chống lại tàn dư du kích Khmer Đỏ cho đến khi Pol Pot chết vào năm 1998, dẫn đến sự tan rã của Khmer Đỏ hoàn toàn vào năm 1999.

Từ năm 1993, Norodom Sihanouk chính thức quay trở lại với tư cách là Quốc vương Campuchia. Trong khi đó, tất cả các cựu lãnh đạo của chế độ Khmer Đỏ đều bị buộc tội vì các tội ác chống lại loài người.

Ngày nay, Campuchia tuy không còn là một nước giàu, nhưng với quá trình phục hưng đang diễn ra, đất nước Campuchia một lần nữa đang đi lên nhanh chóng từ con số 0 và đạt mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 7,5%.

 

 

You may also like

Leave a Comment