Khi phụ huynh yên tâm gửi con qua đường bưu điện

by admin

Top các cách gửi con đến nhà họ hàng ở xa vừa rẻ vừa tiện lợi
Top 1: Gửi qua đường bưu điện
Khi dịch vụ bưu kiện của Mỹ chính thức bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 năm 1913, dịch vụ mới này đã cho phép hàng triệu người Mỹ tiếp cận với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ. Nhưng gần như ngay lập tức, vài trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra khi một số phụ huynh cố gắng gửi con của họ qua đường bưu điện.
Vào tháng 1 năm 1913, một cặp vợ chồng ở Ohio đã tận dụng dịch vụ bưu kiện mới của Bưu điện Hoa Kỳ để thực hiện một chuyến giao hàng rất đặc biệt: đứa con trai sơ sinh của họ. Gia đình Beagle đã trả 15 xu cho con tem bưu chính và một số tiền không xác định để bảo hiểm cho cậu bé, sau đó giao đứa trẻ cho người đưa thư. Người này sau đó đã thả cậu bé xuống nhà bà ngoại cách đó khoảng một dặm (khoảng 1,6 km). Câu chuyện kỳ ​​quặc này nhanh chóng xuất hiện trên các mặt báo, và trong vài năm tiếp theo, vài bậc cha mẹ khác cũng học theo nhà Beagle.
Nancy Pope, người phụ trách lịch sử tại Bảo tàng Bưu điện Quốc gia đã tìm thấy khoảng bảy trường hợp trẻ em được gửi qua đường bưu điện từ năm 1913 đến năm 1915, bắt đầu từ đứa trẻ ở Ohio. Việc gửi con bằng dịch vụ bưu kiện không phổ biến, nhưng cũng có kha khá người làm. Vì mua tem gửi con qua đường bưu điện sẽ rẻ hơn mua vé tàu hỏa cho đứa trẻ.
Lý do là vì những năm đầu tiên khi dịch vụ bưu kiện được đưa vào sử dụng, tình hình khá là lộn xộn. Các quy định về những gì bạn có thể và không thể gửi qua dịch vụ bưu kiện rất mơ hồ. Mọi người ngay lập tức bắt đầu kiểm tra giới hạn của quy định bằng cách gửi trứng, gạch, rắn và các “bưu kiện” bất thường khác. Vậy người ta có được phép gửi con của họ bằng đường bưu điện không? Về mặt kỹ thuật, không có quy định bưu chính nào cấm việc này.
Ngoài ra, những người gửi con họ qua đường bưu điện không giao chúng cho một người lạ. Ở nông thôn, nhiều gia đình biết khá rõ về người đưa thư của họ.
Tuy nhiên, những bức ảnh lan truyền trên mạng về những nhân viên bưu điện để em bé trong túi thư của họ chỉ là những bức ảnh dàn dựng, được lấy làm trò đùa.
Một người đưa thư có thể đã bế đứa trẻ trong quá trình vận chuyển, nhưng anh ta sẽ không ngốc đến mức để một đứa trẻ mặc tã ngồi trong đống thư của người ta. Với các cháu đang tuổi ăn tuổi ị, à nhầm, đang tuổi ăn tuổi lớn, để các cháu vô tư ngồi trong túi thư, chắc chắn sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
@ Các trường hợp nổi tiếng khác:
1. Một trường hợp nổi tiếng là May Pierstorff. Cha mẹ của May đã gửi cô bé đến nhà ông bà, cách nơi họ sống 73 dặm (khoảng 117,5 km) vào tháng 2, năm 1914. Gia đình Pierstorff đã trả 53 xu cho những con tem mà họ dán trên áo khoác của cô con gái gần sáu tuổi. Tuy nhiên, sau khi Tổng giám đốc Bưu điện Albert S. Burleson nghe về vụ việc này, ông đã chính thức cấm nhân viên bưu điện nhận vận chuyển trẻ em.
2. Tuy nhiên, quy định mới không thể chấm dứt ngay lập tức việc người dân gửi con qua đường bưu điện. Một năm sau, một người phụ nữ đã gửi đứa con gái sáu tuổi của mình từ nhà của cô ở Florida đến nhà của cha cô ở Virginia. Đây là trường hợp vận chuyển trẻ em với quãng đường vận chuyển dài nhất được ghi nhận: 720 dặm (khoảng 1158,7 km), và người mẹ chỉ phải trả có 15 xu.
3. Đứa trẻ cuối cùng được vận chuyển theo phương thức này là cô bé 3 tuổi Maud Smith, vào tháng 8 năm 1915. Ông bà của Maud đã gửi cô bé qua Kentucky để thăm người mẹ bị ốm, Quãng đường mà bé đã di chuyển là 40 dặm (khoảng 64,3 km).
4. Mặc dù Maud có vẻ là đứa trẻ cuối cùng được gửi đi thành công bằng dịch vụ bưu điện, sau trường hợp của Maud, vẫn có những bậc phụ huynh cố gắng gửi con mình theo cách này.
Vào tháng 6 năm 1920, Trợ lý thứ nhất của Tổng giám đốc Bưu điện John C. Koons đã từ chối hai đơn xin gửi trẻ em bằng dịch vụ bưu kiện. Ông lưu ý rằng những đứa trẻ không thể được phân loại là “động vật sống vô hại”, (theo báo Los Angeles Times.)
Sau đó, không có trường hợp nào nữa được ghi lại. Có vẻ các bậc phụ huynh đã chấp nhận việc không thể cho các bé đi Grab với cái giá rẻ và độ an toàn cao như cách gửi cho bác bưu tá nữa.

You may also like

Leave a Comment