LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (31)

by admin

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (31)

Tôn giáo của người Ấn-Âu: Những vị thần Vệ Đà (phần cuối)
Thần Soma và thức uống của “không chết”
Thần Soma xuất hiện ở vị trí thứ ba trong thần điện Vệ Đà. Theo truyền thuyết soma có nguồn gốc từ trên trời và một con đại bàng đã mang loại cây này xuống đất. Có văn bản nói rằng soma mọc lên từ “rốn của trái đất, trên những ngọn núi,” nơi có thể di chuyển giữa trời và đất, “trung tâm của thế giới.”
Thần Soma không có đặc điểm gì ngoài những cái chung của các vị thần. Ông được tuyên bố là bạn và người bảo vệ cho các thần khác, trước hết là Indra. Ông được gọi là Vua Soma, rõ ràng là do tầm quan trọng trong nghi lễ của ông. Việc định danh ông với mặt trăng không được biết đến trong Avesta, mà rõ ràng là chỉ được tìm thấy trong thời hậu Vệ Đà.
Những chi tiết liên quan đến việc ép cây được mô tả vừa mang tính vũ trụ lại vừa sinh học; âm thanh cối xay được đồng hóa với tiếng sấm, màng lọc tượng trưng cho mây, nước ép là mưa làm cho cây cối sinh trưởng, v.v. Việc ép nước cũng được xác định với sự giao hợp. Tất cả những điều này đều phụ thuộc vào giá trị “bí ẩn” của Soma.
Từ thời của Rig Vệ Đà, cúng tế soma là phổ biến nhất. Dù người Aryan có dùng loại cây gì vào những thế kỷ đầu thì sau này nó cũng đã bị thay thế bằng một loại cây khác. Soma/haoma là công thức của một loại đồ uống dành cho “không chết” (amrta) của người Ấn-Iran; phỏng đoán rằng nó đã bị thay thế bởi loại đồ uống madhu của người Ấn-Âu.
Mọi đặc điểm tích cực của soma gắn liền với trạng thái xuất thần sau khi uống. “Chúng ta đã uống soma” và “trở thành bất tử.” Soma là “hộ vệ của cơ thể” và “sự yếu đuối, ốm đau đã biến mất,” nó kích thích tư tưởng, hồi sinh lòng cam đảm của chiến binh, tăng cường khả năng sinh dục, chữa khỏi bệnh tật. Được dùng bởi các thầy tế và các thần, nó mang Đất gần lại với Trời, cũng cố và kéo dài sự sống, bảo đảm sự sinh trưởng. Trải nghiệm xuất thần này cũng lúc hé lộ sự đầy đủ trong cuộc sống, cảm giác tự do vô hạn và sở hữu những sức mạnh gần như không có gì để nghi ngờ về thể chất và tinh thần. Từ đó mà xuất hiện cảm giác sống giữa các vị thần, thậm chí thuộc về thế giới thần thánh nơi chắc chắn là “không chết.”
Những trải nghiệm soma có những tác động quan trọng đến tư tưởng Ấn Độ. Việc hé lộ một trạng thái tồn tại đầy đủ và hạnh phúc trong sự hiệp thông với các vị thần tiếp tục ám ảnh tinh thần Ấn Độ rất lâu sau khi loại đồ uống gốc biến mất. Do đó mà những nỗ lực khác được tạo ra nhằm đạt đến cảnh giới tồn tại đó: tu khổ hạnh hoặc truy hoan thái quá, thiền, các kỹ thuật Yoga, sùng bái huyền bí. Rồi chúng ta sẽ thấy rằng người Ấn Độ biết vài kiểu xuất thần khác nhau. Hơn nữa, sự tìm kiếm tự do tuyệt đối làm dấy lên hàng chuỗi những phương pháp và triết lý, mở ra những quan điểm và khung cảnh mới trong thời kỳ Vệ Đà.
Hai vị Thần Vĩ Đại trong thời kỳ Vệ Đà: Rudra-Siva và Visnu
Kinh Vệ Đà nói đến rất nhiều thần thánh. Hầu hết họ đều dần mất đi tầm quan trọng và bị quên lãng theo thời gian, nhưng cũng có những vị thần cuối cùng lại đạt được những vị trí không ai bằng, đại diện là Rudra-Siva và Visnu.
Trong Rig Vệ Đà Visnu là một vị thần tử tế với con người, là bạn và đồng minh của Indra. Ông băng qua không gian bằng ba bước chân, bước thứ ba là đến được nơi ở của các vị thần. Một nghi lễ trong Brahamanas: người hành lễ bắt chước ba bước chân của Visnu, đồng hóa với thần và tới được trời. Visnu xuất hiện cùng một lúc tượng trưng cho giới hạn của sự mở rộng không gian (để vũ trụ có thể có trật tự), cho năng lượng thiện lành toàn năng kích thích sự sống, và cho cột trụ trời làm vững chắc thế giới. Sau này trong Upanishads (Áo Nghĩa Thư) danh mục thứ hai (cùng thời với Bhagavad Gita tức khoảng thế kỷ thứ tư trước công nguyên) Visnu được tôn lên là vị thần tối cao của một cấu trúc độc thần.
Về mặt hình thái học, Rudra đại diện cho một kiểu thần thánh đối lập. Ông không có bạn cũng chẳng yêu con người. Tóc ông kết lọn, ông có màu nâu tối, bụng màu đen và lưng đỏ. Ông cầm cung và tên, thường tới những ngọn núi, nơi nghỉ dưỡng ưa thích của ông. Ông kết giao với nhiều sinh vật quỉ quái.
Văn hóa hậu Vệ Đà nhấn mạnh vào tà tính của ông. Rudra sống ở trong rừng và được gọi là “Chúa Tể của Thú Hoang,” và ông bảo vệ những kẻ né tránh xã hội người Aryan. Những vị thần sống ở phương Đông trong khi ông lại ở phương Bắc (dãy Himalayas). Ông không được cúng soma, chỉ được dùng đồ cúng vứt đi hoặc bị hỏng. Các hình dung từ được sinh ra: ông được gọi là Siva – “kẻ tao nhã,” Hara – “kẻ hủy diệt,” Shamkara – “kẻ hữu ích,” và Mahadeva – “vị thần vĩ đại.”
Theo kinh Vệ Đà và Brahmanas, Rudra-Siva là hiện thân của những sức mạnh ma quỷ trú ngụ ở những nơi hoang dã không người; ông tượng trưng cho hỗn loạn, nguy hiểm, bất định; ông truyền đi nỗi sợ nhưng phép thuật bí ẩn của ông cũng có thể dùng cho mục đích có lợi (ông là “thầy thuốc của các thầy thuốc”). Đã có nhiều thảo luận về cội nguồn và cấu trúc gốc của Rudra-Siva, có người cho là thần chết cũng là thần sinh trưởng, mang nhiều yếu tố phi Aryan, thần của tầng lớp khổ tu bí ẩn vratyas. Những giai đoạn chuyển tiếp từ Vệ Đà Rudra-Siva thành Thần Tối Cao đã không còn ở lại với của chúng ta. Dường như theo thời gian, cũng như những vị thần khác Rudra-Siva đồng hóa một lượng lớn những yếu tốn tôn giáo “phổ biến” dù là Aryan hay phi Aryan. Mặt khác, cũng rất may rủi khi tin rằng kinh Vệ Đà mang đến cho chúng ta “cấu trúc gốc” của Rudra-Siva. Chúng ta phải luôn nhớ rằng thánh ca Vệ Đà và chuyên luận Bà-la-môn được soạn cho giới ưu tú, nghĩa là một bộ phận lớn đời sống tôn giáo còn lại bị lờ đi.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/



You may also like

Leave a Comment