Súng thần cơ và vài ngộ nhận

by admin

Kì 2: SÚNG THẦN CƠ KHÔNG PHẢI PHÁO LỚN
(Link bài kì trước: https://www.facebook.com/groups/HistoryEnthusiastsVN/permalink/692577681556178)
***

Chẳng hiểu từ bao giờ mà Hồ Nguyên Trừng được không ít tờ báo, trang mạng phong cho cái danh là “ông tổ súng thần công”, trong khi tên của loại hỏa khí gắn với ông ta trong sử sách là “thần cơ”. Thế là với sự nhập nhằng tên gọi ấy, người ta nghiễm nhiên đánh đồng hỏa khí nhà Hồ với những khẩu pháo thần công/đại bác/cannon của thời cận đại, nằm chễm chệ trên bệ súng, giáng những viên đạn to tròn xuống đầu quân thù. Nhưng có đúng thế không? Khác với nhận thức trong đại chúng, bằng chứng tư liệu cho thấy “súng thần cơ” mà Hồ Nguyên Trừng chế tạo khi làm quan cho nhà Minh, là loại vũ khí hạng nhẹ, cầm tay, phóng tên.

Như đã trình bày ở kì 1, “súng thần cơ” được nhắc đến lần đầu trong Minh thực lục vào năm 1388 để chỉ một loại hỏa khí phóng tên cầm tay. Trùng hợp thay, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết hỏa khí nước ta vào giai đoạn ấy cũng là dạng phóng tên. Viết về trận Hải Triều 1390, nơi vua Chăm là Chế Bồng Nga tử trận, Toàn thư miêu tả rằng:
– 渴真令火銃齊發著蓬莪貫於船板而死 – Khát Chân lệnh hỏa súng tề phát trứ Bồng Nga quán ư thuyền bản nhi tử. [1]
Bản dịch sách hiện nay viết câu này thành: “Khát Chân ra lệnh các cây súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết”. Tuy nhiên cách dịch này là sai, vì “Bồng Nga” ở đây là chủ thể hành động gắn với 2 động từ quán – “xuyên qua”, và tử – “chết” ở sau. Đúng lí phải dịch là:
Khát Chân lệnh hỏa súng cùng bắn, khiến Bồng Nga bị găm vào ván thuyền mà chết.
Rõ ràng rằng thứ “đạn” mà quân Trần sử dụng phải có dạng mũi tên, thì mới có thể găm một người vào ván thuyền được.

Thư tịch thời Minh, khi viết về vai trò phát triển hỏa khí Trung Hoa của Hồ Nguyên Trừng nói riêng và người Việt nói chung, mô tả sản phẩm của ông là hỏa khí hạng nhẹ. Chẳng hạn:
– 本朝以火器禦虜, 為古今第一戰具, 然其器之輕妙實於文皇帝平交趾始得之。即用其偽相國越國大王黎澄為工部官, 專司督造, 盡得其傳。[2]
Dịch: Bản triều dùng hỏa khí chống giặc, là chiến cụ đệ nhất xưa nay, nhưng loại hỏa khí “khinh diệu” thực mới có khi Văn hoàng đế bình Giao Chỉ. Dùng ngụy Tướng quốc, Việt Quốc đại vương [3]Lê Trừng nước ấy làm quan Công bộ, chuyên lo đôn đốc chế tạo, nắm được hết lời truyền dạy.

Việc dùng từ khinh diệu 輕妙 (khinh: nhẹ) trong câu trên nhiều khả năng ám chỉ đây là loại hỏa khí có trọng lượng thấp. Tuy nhiên dựa vào mỗi điểm đấy để kết luận thì hơi chủ quan. Vì thế hãy tiếp tục xét những tư liệu khác:
– 時初得安南神槍, 一虜直前即以神槍衝之。二虜繼進, 復以神槍中之。虜乃按兵不動。[4]
Dịch: Bấy giờ mới có được thần thương An Nam, 1 tên giặc tiến thẳng đến, [quân ta] liền dùng thần thương xông lên. Hai tên giặc tiến theo sau, lại dùng thần thương bắn trúng. Giặc bèn án binh bất động.

– 永樂中徵安南黎季犛,降其三子,皆隨入朝。其孟曰澄,賜姓陳,官為戶部尚書。澄善制槍,為朝廷造神槍 [5]
Dịch: Trong thời Vĩnh Lạc, đánh Lê Quý Ly ở An Nam, thu hàng người 3 con trai, đều đi theo vào chầu. Con lớn tên Trừng, được ban họ Trần, làm quan Công bộ Thượng thư. Trừng giỏi chế thương, vì triều đình mà làm ra thần thương.

Thương 槍 nghĩa gốc trong tiếng Hán là “cây giáo”. Khi hỏa khí thô sơ xuất hiện dưới dạng gậy/giáo gắn ống chứa thuốc nổ đen trên đầu (hỏa thương), từ này đã dần xuất hiện nghĩa mới chỉ hỏa khí cầm tay (chẳng hạn “musket” được gọi là điểu thương 鳥槍, “rifle” là bộ thương 步槍). Thương tuyệt nhiên không được áp dụng cho các loại hỏa khí thuộc phân loại “artillery” – vốn đã có một từ khác để miêu tả là pháo. Thế nên việc các sách Trung Hoa đương thời lặp đi lặp lại những cái tên “thần thương”, “thần cơ thương”, “thần cơ hỏa thương”… để chỉ thứ hỏa khí mà Hồ Nguyên Trừng chế tạo, cho thấy đấy phải là một dạng hỏa khí cầm tay, chứ không phải pháo lớn. Và cũng giống như những khẩu súng đã bắn chết Chế Bồng Nga năm xưa, “thần thương” của Hồ Nguyên Trừng vẫn là loại phóng tên:
– 近有神機火槍者,用鐵為矢鏃,以火發之,可至百步之外,捷妙如神,聲聞而矢即至矣。永樂中,平南交,交人所製者尤巧,命內臣如其法監造,在內命大將總神機營,在邊命內官監神機槍,蓋慎之也。[6]
Dịch: Gần đây có thứ thần cơ hỏa thương, dùng sắt làm đầu mũi tên, dùng lửa bắn đi, có thể xa hơn trăm bước chân, kì diệu như thần, mới nghe tiếng thì tên đã bay đến rồi. Thời Vĩnh Lạc, bình Nam Giao, người Giao làm thứ ấy rất tinh xảo, nên mệnh nội thần dựa theo phép ấy giám sát chế tạo. Ở trong mệnh đại tướng quân cầm nắm Thần Cơ doanh, ở ngoài mệnh nội quan trông coi thần cơ thương, rất cẩn thận vậy.
– 錄工部右侍郎黎叔林子世榮為中書舍人。叔林交趾人, 父澄季犛之子蒼之弟, 以俘至。大宗文皇帝赦之, 授以官, 專督造兵仗局銳箭火藥, 終工部尚書。叔林繼之, 仍督造軍器。至是請官其子世榮於京便養。上念其遠人, 俯從之。[7]
Dịch: Lấy con trai Công bộ Hữu thị lang Lê Thúc Lâm là Thế Vinh làm Trung thư Xá nhân. Thúc Lâm là người Giao Chỉ, cha là Trừng, con trai của Quý Ly, em của Thương, bị bắt đến. Thái Tông Văn hoàng đế xá tội, trao chức quan, chuyên trông coi chế tạo súng, tên, hỏa dược [8] ở Binh trượng cục, cuối cùng làm Công bộ Thượng thư. Thúc Lâm nối chức, vẫn trông coi chế tạo quân khí. Đến nay xin cho con Thế Vinh làm quan ở kinh để tiện nuôi. Hoàng thượng thương phận người phương xa, đồng ý cho.

Tóm gọn lại, thì vào cuối thế kỉ 14 hỏa khí hạng nhẹ dạng phóng tên đã xuất hiện độc lập tại Trung Hoa lẫn Đại Việt, và rồi sau cuộc chiến 1406-1407 kĩ thuật Việt đã được tích hợp vào hỏa khí Minh nhờ vai trò của Hồ Nguyên Trừng. Thế từ đâu lại xuất hiện cái ngộ nhận là Hồ Nguyên Trừng phát minh ra pháo to súng lớn như quan niệm phổ biến hiện nay? Mời các bạn đọc kì sau sẽ rõ .
#VN #Hồ

***
Chú thích
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ toàn thư, Trần kỷ, Thuận Tông hoàng đế, trang 8: http://www.nomfoundation.org/…/Full…/50-Thuan-Tong-Hoang-De…
2. Vạn Lịch dã hoạch biên, quyển 17 (niên đại 1619): https://bitly.com.vn/qI3sR
3. Tước hiệu của Hồ Nguyên Trừng theo Minh thực lục là “Vệ Quốc đại vương”
4. Chấn trạch kỷ văn (niên đại khoảng cuối thế kỉ 15-đầu thế kỉ 16): https://bitly.com.vn/J50oW
5. Giới Am lão nhân mạn bút, quyển 6 (niên đại thế kỉ 15): https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=741890
6. Đại học diễn nghĩa bổ, quyển 122 (niên đại 1487): https://bitly.com.vn/kHLuS
7. Minh thực lục, Hiến Tông Thuần hoàng đế thực lục, quyển 66: https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=812230
8. Bản Minh thực lục tại ctext.org viết là duệ tiễn 銳箭 (“tên nhọn”), nhưng nhiều khả năng chữ duệ 銳 là viết nhầm từ chữ súng 銃.

Nguồn: Quốc Bảo từ Hội những người thích tìm hiểu Lịch sử

You may also like

Leave a Comment