Leonidas và trận Thermopylae

by admin

Leonidas và trận Thermopylae.
Mục Lục:
  1. Vua Leonidas là ai?
  2. Trường Agoge.
  3. Tại sao Leonidas được chọn là nhà lãnh đạo của Hy Lạp trong cuộc chiến chống lại đế quốc Ba Tư?
  4. Nô lệ (Helots).
  5. Người Perioikoi.
  6. Hội đồng giám quốc Sparta (Ephors)
  7. Hội đồng nhân dân Sparta (Sparta Apella) và hội đồng nguyên lão Sparta (Gerousia)
  8. Lực lượng mà Leonidas đã mang theo tới Thermopylae.
  9. Tại sao Leonidas không mang toàn quân Sparta đến Thermopylae?
  10. Liệu Thermopylae có phải là một nhiệm vụ cảm tử?
Chú thích:
  • Lakedaimon: tên cổ của thành quốc mà ngày nay ta gọi là Sparta; Sparta là tên của thành phố chính ở trong Lakedaimon.
  • Người Lakedaimon: chỉ tất cả người dân sống ở Lakedaimon, bao gồm người Sparta và người Perioikoi.
Vì mục đích của bài viết này, mình sẽ chỉ tập trung vào khía cạnh quân sự của các vấn đề được bàn tới, và sẽ cung cấp thêm thông tin cho mọi người sau nhé.
Mình là thành viên mới gia nhập nhóm, mãi đến hôm nay mới làm xong được một bài cho mọi người, nếu có sai sót gì mọi người góp ý mình với nhé.
  1. Vua Leonidas là ai?
Theo sử gia Herodotos, vua Anaxandridas II thuộc hoàng tộc Agiad và vợ ông vì không sinh được người nối dõi nên hội đồng Ephor đã cố gắng khuyên nhà vua bỏ vợ và lập một người phụ nữ khác làm hoàng hậu. Nhà vua đã từ chối. Anaxandridas II cho rằng vợ ông không hề có lỗi và không đáng bị phế bỏ. Hội đồng Ephor vì không lay chuyển được nhà vua nên đã phải đồng ý bẻ luật và cho phép nhà vua lấy người vợ thứ hai. Đây cũng được xem là lần đầu tiên các Ephor cho phép một vị vua được có 2 vợ. Trước Anaxandridas, chuyện này chưa được ghi chép lại trong bất kỳ sử sách nào.
Vợ hai của vua Anaxandridas sinh ra Cleomenes, người sau này lên làm vua Cleomenes I của Sparta. Không lâu sau khi Cleomenes ra đời, vợ cả của nhà vua lại hạ sinh ra Dorieus và sau đó là cặp sinh đôi Leonidas và Cleombrotus. Ở Sparta, chỉ có con cả của hoàng tộc là không phải tham gia trường Agoge. Leonidas, Cleombrotus và anh thứ Dorieus vẫn phải tham gia chương trình huấn luyện cực khổ của người Sparta.
Vì có 2 người anh trai lớn, nên Leonidas đã từ sớm không còn mơ tưởng tới ngai vàng và chuyên tâm vào binh nghiệp.
Tuy Herodotos không nhắc gì đến năm sinh của Leonidas, năm 540 TCN được cho là năm sinh của ông, tuy nhiên nếu Leonidas thật sự được sinh ra vào năm này, thì ở thời điểm trận Thermopylae vào năm 480 TCN, ông đã 60 tuổi. Điều này kết hợp với việc các vua và tướng lĩnh người Sparta thường chiến đấu ở tiền tuyến khiến một số nhà sử gia hiện đại đặt nghi vấn về năm sinh thật sự của Leonidas. Sử gia Helena Schrader cho rằng Leonidas thực chất được sinh vào khoảng năm 520 TCN. Năm 520 TCN hợp lý hơn 540 TCN vì một số lý do.
Thứ nhất, nếu Leonidas đã thật sự 60 tuổi khi tham gia trận Thermopylae, ông sẽ không thể nào đứng cùng hàng ngũ với binh lính của mình như các chỉ huy Sparta thường làm. Ông sẽ không thể cầm nổi khiên aspis (một loại khiên gỗ tròn lớn bọc da và đồng, thường nặng tầm 6 đến 8kg) suốt một thời gian dài. Trực tiếp đánh cận chiến cũng sẽ là không thể, vì ngay cả một người trẻ tuổi khỏe mạnh, có tập luyện thường xuyên cũng không thể chiến đấu liên tiếp nhiều giờ được.
Thứ hai, Leonidas đã cưới Gorgo, cháu gái của ông và là con gái của Cleomenes I. Theo Herodotos, vào thời điểm Aristagoras, một thủ lĩnh đến từ Miletus đến xin viện trợ từ Sparta để giúp các thành quốc ở Ionia lật đổ ách thống trị Ba Tư, tức khoảng 498-499 TCN, Gorgo khoảng 8 đến 9 tuổi. Theo luật, bất kỳ công dân Sparta nào cưới sau 30 tuổi sẽ phải chịu phạt và hội đồng Ephor sẽ quyết định chuyện cưới hỏi của công dân đó. Luật còn khuyên phụ nữ không nên cưới trước khi họ đủ lớn để cảm thấy thoải mái với chuyện chăn gối, ta tạm xem như tầm từ 17 trở lên. Với những dữ kiện trên, nếu Leonidas sinh vào năm 540 TCN và Gorgo năm 508 TCN, hai người họ cách nhau tới 32 tuổi và đến năm Gorgo đủ 17 tuổi vào năm 491 TCN, Leonidas đã 49 tuổi! Điều này không hợp lý vì luật của Sparta vô cùng nghiêm khắc đối với tất cả các công dân, không kể tước vị.
2) Trường học Agoge.
Agoge là một chương trình giáo dục công lập bắt buộc của Sparta dành cho cả công dân nam và nữ. Các bé trai và gái từ 7 tuổi trở lên phải tham gia vào chương trình. Các bé gái học theo hình thức bán trú và các bé trai học theo hình thức nội trú. Theo Stephen Hodkinson, một nhà sử học chuyên nghiên cứu về Sparta, cho rằng cả trai lẫn gái đều được giáo dục các bộ môn thể chất như bơi lội, điền kinh và đấu vật, ngoài ra còn có học đọc, viết ngôn ngữ Doric Greek (phiên bản tiếng Hy Lạp cổ được dùng tại Sparta). Ngoài những môn cơ bản trên, thì giáo trình học giữa nam và nữ gần như khác biệt nhau hoàn toàn.
Agoge là nơi để những chàng trai Sparta học những kỹ năng cần thiết nhằm phục vụ cho binh nghiệp sau này. Họ được dạy các kỹ năng chiến đấu, chiến thuật và được chia thành từng nhóm để luyện tập đánh trận giả với nhau. Họ cũng được dạy cách làm thế nào để di chuyển đồng đều và hỗ trợ ăn ý với nhau trong một đội hình chiến đấu phalanx. Tất cả những điều trên đều nhằm mục đích chuẩn bị cho trẻ em trở thành những công dân gương mẫu của Sparta và trở thành một tấm khiên vững chắc bảo vệ thành quốc này.
3) Tại sao Leonidas được chọn là nhà lãnh đạo của Hy Lạp trong cuộc chiến chống lại đế quốc Ba Tư?
Thời nay luôn xuất hiện định kiến cho rằng Leonidas không phải là một nhà chỉ huy quân sự giỏi vì khi tham chiến ông chỉ đem theo một lực lượng nhỏ. Giả thiết này không phù hợp với những dẫn chứng ở thời cổ đại. Leonidas được tiến cử bởi toàn bộ các thành viên ban đại diện cho các thành quốc Hy Lạp khác tại hội nghị ở Corinth. Chúng ta đồng thời cũng có nguồn cho rằng Themistocles ủng hộ hoặc bình bầu cho Leonidas trở thành thủ lĩnh của lực lượng tham chiến trên bộ. Nhất định phải có một nguyên do nào đấy khiến cho Leonidas được bầu chọn làm thủ lĩnh, họ chắc chắn sẽ không chọn một người lãnh đạo không có chút hiểu biết nào về trận địa hay chiến thuật để lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại một kẻ thù hùng mạnh như đế quốc Ba Tư. Và bởi vì quân Hy Lạp vẫn cần phải cầm chân địch tại Thermopylae và Artemisium. Themistocles, một chỉ huy hải quân xuất sắc, nhất định đã phải bầu cho Leonidas vì nhìn thấy được những tố chất quân vương trong ngài. Một sự thật khác củng cố thêm cho giả thiết rằng Leonidas được chọn vì những phẩm chất tốt đẹp mà không phải vì quyền lực của thành quốc Sparta tại thời điểm đó là: 2 năm sau khi Leonidas chết, quyền cai quản Hy Lạp thống nhất được chuyển giao về tay người Athens mà không phải về tay cháu trai của Leonidas, tức Pausanias, mặc dù Pausanias vừa mới lập được chiến công lừng lẫy thông qua một trận tấn công và tiêu diệt quân Ba Tư tại Plataea.
4) Nô Lệ (Helots)
Helots là những nô lệ phục vụ cho người Sparta. Ngoài những công việc chính như làm đồng, thêu thùa may vá, nấu nướng và những việc vặt bị xem như không xứng với đẳng cấp của người Sparta, trong thời chiến, từng người Sparta đều được hộ tống bởi một nô lệ. Người này sẽ giúp người Sparta mang vác vũ khí và đồ dùng thiết yếu. Tại thời điểm đóng quân, những nô lệ trên sẽ chịu trách nhiệm công việc hậu cần như bảo quản các vũ khí chưa được dùng đến. Ngoài ra, những nô lệ này còn có thể tham chiến như một lực lượng hạng nhẹ với cung, ná bắn đá và lao.
5) Người Perioikoi.
Ngoài những công dân Sparta và nô lệ của họ, Lakedaimon còn có những người Perioikoi sinh sống. Người Perioikoi (Tiếng Hy Lạp có nghĩa là dân địa phương hay dân ngoại ô) là những người tự do và trái ngược với người Sparta, họ có thể làm những công việc mà công dân Sparta không được phép làm. Các công dân nam Sparta không được phép làm bất cứ công việc gì khác ngoài phục vụ trong quân đội từ khi mới tốt nghiệp Agoge đến khi hết nghĩa vụ thường trực và chuyển sang lực lượng dự bị. Đến khi đó các công dân Sparta sẽ được phép ứng cử vào chính trị và các công việc điều hành. Khác với việc người Sparta phải phục vụ rất lâu trong quân đội, người Perioikoi chỉ phải phục vụ một thời gian ngắn trong quân ngũ. Tuy rằng chúng ta không có quá nhiều tài liệu về tầng lớp trung lưu này của xã hội Lakedaimon cổ xưa, nhưng từ một số các chứng cứ mà chúng ta có thể rút ra kết luận về vị trí và tầm quan trọng của người Perioikoi.
Từ tập lịch sử về chiến tranh Peloponnesus của Thucydides, ta có thể thấy rằng trong cuộc chiến này, các đơn vị Perioikoi thường chiến đấu ngang hàng với các đơn vị Sparta, thậm chí có chứng cứ cho rằng trong một số trường hợp, các đơn vị Perioikoi còn được nhập hẳn vào chung với các đơn vị của người Sparta. Các đơn vị Perioikoi còn được phân công chiến đấu ở vị trí ngay sườn bên trái của các đơn vị Sparta (trong một chiến tuyến, vị trí ngoài cùng bên phải được cho là vị trí danh dự, chỉ có những đơn vị giỏi nhất mới được đứng ở đây). Những điều trên cho thấy người Sparta dành cho người Perioikoi một sự tín nhiệm rất cao. Có thể cho rằng dù các chiến binh người Perioikoi không thể kỷ lục và hiệu quả trong chiến trận như người Sparta, họ cũng đủ chuyên nghiệp và kỷ luật để chiến đấu cùng một chiến tuyến với người Sparta.
6) Hội đồng giám quốc Sparta (Ephors)
Hội đồng giám quốc là một hội đồng bao gồm có 5 thành viên được bầu chọn mỗi năm. Bất kỳ công dân nam Sparta nào cũng có thể ngồi vào vị trí giám quốc. Herodotus khẳng định rằng hội đồng giám quốc là một phát kiến của nhà lập pháp huyền thoại Lykourgos với vai trò phụ tá và giám sát các nhà vua, nhằm chắc chắn rằng các nhà vua tuân thủ luật lệ và hiến pháp. Đây là những người giữ những vị trí trọng yếu, nắm giữ các lĩnh vực quan trọng như tư pháp, lập pháp, hành pháp và quản lý ngân khố. Họ thậm chí còn có quyền buộc tội một vị vua nếu như họ vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng và thậm chí có thể phế truất vua nếu người này có lai lịch, thái độ hay hành vi không chính đáng. Có một sự kiện được ghi lại rằng vua Demaratos của nhà Eurypontid bị phế truất vì không phải là huyết thống của vua Ariston, mà thay vào đó là con của Agetos, người chồng trước của mẹ ông. Demaratos liệu có thật sự là huyết mạch của Agetos hay không thì không ai rõ, nhưng thông qua sự việc trên ta có thể thấy rõ quyền lực thực chất nằm trong tay của các thành viên trong hội đồng giám quốc. Nhưng vì họ nắm quyền lực rất lớn, nên không có chuyện một giám quốc được tái bầu cử lần thứ hai.
7) Hội đồng nhân dân Sparta (Sparta Apella) và hội đồng nguyên lão Sparta (Gerousia)
Apella là hội đồng nhân dân Sparta nơi mà toàn bộ các công dân nam đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và có thể tham gia và bầu cử. Hội đồng Apella, không giống với hội đồng Ecclesia tại các thành quốc khác, thường không phản biện những ý kiến được đưa ra bởi hội đồng giám quốc, mà thay vào đó chỉ bỏ phiếu thuận hoặc chống. Hội đồng nhân dân bỏ phiếu về các vấn đề như hoà bình hay chiến tranh, quản lý ngân khố và chính sách đối ngoại nói chung.
Gerousia là một hội đồng nguyên lão bao gồm các thành viên có độ tuổi từ 60 trở lên. Bất kỳ công dân nam nào trên 60 tuổi của Sparta cũng có thể được tiến cử bởi hội đồng nhân dân để ngồi vào ghế Gerontes (chức danh của các thành viên trong hội đồng nguyên lão), và họ sẽ giữ chức đấy cho đến hết đời. Hội đồng nguyên lão bao gồm 28 thành viên và 2 vị vua, tổng cộng là 30 người. Đây là những người tranh luận về những vấn đề sẽ được đem đến hội đồng nhân dân để biểu quyết. Gerousia cũng có quyền hành như một toà án nhân dân tối cao, vì họ có quyền phán xét bất kỳ công dân Sparta nào, kể cả hai vị vua.
Quyết định của hội đồng nhân dân có thể bị bãi bỏ bởi hội đồng nguyên lão nếu như họ cảm thấy rằng có biểu hiện tiêu cực hay băng hoại đạo đức, quyền hạn này được trao cho hội đồng nguyên lão bởi hai vị vua là Theompos và Polydoros. Đây chính là một quyết định rõ ràng nhằm vào việc chuyển giao nhiều quyền lực hơn vào tay hai vị vua, vì chính họ cũng là các thành viên của hội đồng nguyên lão. Tuy nhiên, chúng ta gần như không có chứng cứ về việc hội đồng nguyên lão đã từng sử dụng quyền hạn bãi bỏ quyết định của hội đồng nhân dân. Nguyên do có thể là vì hội đồng nguyên lão vốn là do hội đồng nhân dân tiến cử, và hội đồng nhân dân đã phải kiểm tra rất kỹ để chắc chắn rằng không có thành viên nào của hội đồng nguyên lão được thiên vị, tránh kéo bè kết đảng và cán cân quyền lực mất thăng bằng.
8) Lực lượng mà Leonidas đã mang theo tới Thermopylae.
Khi nhắc đến trận Thermopylae, chúng ta thường nhớ ngay đến hình ảnh 300 người Sparta chiến đấu dũng cảm, không ngại hy sinh bản thân để bảo vệ sự tự do của toàn Hy Lạp và một số người còn nói rằng những người Sparta này đã cứu cả phương Tây khỏi ách thống trị của bọn Ba Tư man rợ. Thế nhưng, hình ảnh này chưa thực sự hoàn thiện. Ngoài những người Sparta, còn có rất nhiều chiến binh đến từ các thành quốc Hy Lạp khác đã tình nguyện ở lại chiến đấu.
Những năm gần đây, các sử gia và học giả đã dần thành công hơn trong việc lôi kéo sự chú ý của dư luận đến những chiến binh khác trong cuộc chiến. Càng ngày càng nhiều người biết đến sự hiện diện của hơn 6700 chiến binh Hy Lạp khác đã có mặt ở Thermopylae để chặn đứng đoàn quân Ba Tư, và đã được vua Leonidas ra lệnh rút về sau khi một lối mòn bị quân Ba Tư phát hiện và sử dụng để đánh úp người Hy Lạp. 700 chiến binh đến từ thành quốc Thespiae và 400 từ Thebes đã từ chối bỏ chạy và chiến đấu tới người cuối cùng.
Lực lượng từ Lakedaimon bao gồm có đội cận vệ của Leonidas gồm 300 người do đích thân Leonidas lựa chọn từ những người đàn ông có con nối dõi. Ngoài 300 cận vệ, ông còn mang theo một lực lượng tầm hơn 1000 lính thuộc tầng lớp trung lưu Perioikoi và tầm 1300 nô lệ Helot, trong đó có 300 nô lệ tùy tùng của mỗi chiến binh Sparta và 1000 nô lệ lo việc hậu cần. Những nô lệ tùy tùng cá nhân của các chiến binh Sparta thường tham chiến theo kiểu quân hạng nhẹ, sử dụng cung, ná bắn đá và lao. Leonidas đã mang theo tầm 1600 chiến binh và 2000 nô lệ hậu cần, đây không phải là một lực lượng nhỏ cho dù chúng ta có bỏ qua nô lệ hậu cần của họ. Nếu đem so sánh với các cánh quân khác thì lực lượng của Leonidas lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là khi cánh quân lớn nhất cũng chỉ có 1000 quân.
9) Tại sao Leonidas không mang toàn quân Sparta đến Thermopylae?
Mặc dù năm 480 TCN là một năm có tổ chức thế vận hội Olympic theo như những ghi chép của Herodotos, thế nhưng không có nhiều khả năng cho thấy hiệp định đình chiến Olympic là lý do khiến cho Leonidas chỉ mang theo một lực lượng nhỏ đến Thermopylae, vì hiệp định đình chiến Olympic chỉ yêu cầu các thành quốc Hy Lạp ngừng chiến tranh chứ không có nghĩa rằng không được phép tham chiến trước kẻ thù ngoại bang. Ngoại trừ Olympics ra còn có một lễ hội tên là Karneia. Tại thời điểm tổ chức Karneia, người Sparta bị cấm không được tham chiến với bất kỳ lực lượng nào bên ngoài Sparta, và đó cũng có thể là lý do tại sao người Sparta đến ứng cứu quân Athens trễ trong trận Marathon. Hội đồng giám quốc Sparta đã đồng ý đi chi viện ngay lập tức sau khi lễ hội Karneia kết thúc. Và trong khi lễ hội Karneia đã kết thúc trước khi cuộc chiến bắt đầu, lực lượng Sparta đã không thể đến Marathon kịp thời để ứng cứu những lực lượng Hy Lạp khác, mặc dù đã hành quân nhanh hết mức có thể.
Với những người hiện đại như chúng ta, có lẽ phần lớn chúng ta đều tán đồng với việc xâm lược của đội quân Ba Tư là một sự việc cấp bách hơn lễ hội Karneia, và việc tạm hoãn lễ hội này, hoặc chí ít là việc chấp thuận cho phép toàn quân Sparta được lên đường là một lựa chọn đúng đắn. Thế nhưng theo Herodotos, người Sparta xem việc của thần thánh quan trọng hơn việc của nhân gian. Có lẽ vì thế mà họ đã không thông qua quyết định cho Leonidas mang toàn quân ra trận mà chỉ mang theo 300 cận vệ. Chúng ta cần lưu ý rằng các điều cấm kỵ của lễ hội Karneia chỉ có hiệu lực với người Sparta, chứ không phải với người Perioikoi hay các nô lệ.
10) Liệu Thermopylae có phải là một nhiệm vụ cảm tử?
Chúng ta có nhiều bằng chứng cho rằng Leonidas có ý định đánh bại người Ba Tư tại Thermopylae. Herodotos đã chép lại rằng người Hy Lạp đã chọn Thermopylae vì địa hình của nơi đây, ông kể rằng sau khi do thám và dò xét địa hình, người Hy Lạp đã quyết định sẽ chọn Thermopylae để làm chiến trường chống lại bọn man rợ. Điều này cho thấy rằng người Hy Lạp đã suy nghĩ rất kỹ về chiến trường dự định của họ. Leonidas có lẽ đã chọn Thermopylae, và cụ thể hơn là khu vực hiện nay được gọi là cổng giữa (nằm giữa cổng Đông và cổng Tây) vì khu vực này rất hẹp (chỉ rộng tầm 15m), điều này sẽ không cho phép người Ba Tư tận dụng lợi thế về mặt quân số. Ngoài ra kỵ binh cũng là một nhân tố lớn lý giải vì sao Leonidas lại chọn Thermopylae, Tại Thermopylae, người Ba Tư không thể sử dụng kỵ binh vì chiều rộng của hẻm này chỉ bằng “chiều rộng của một chiếc xe ngựa kéo”. Giả sử quân Hy Lạp phải giao chiến với người Ba Tư trên trận địa đồng bằng, quân số Ba Tư chắc chắn sẽ buộc người Hy Lạp phải phân tán lực lượng và kéo dài chiến tuyến để tránh bị kỵ binh và bộ binh hạng nhẹ bọc sườn, điều này sẽ khiến cho hàng ngũ của họ bị dàn quá mỏng để có thể chống lại các đợt tấn công của quân Ba Tư trong một thời gian dài.
Tại Thermopylae, một bức tường cổ có tên là Tường Phokian đã được người Phokis xây dựng cách đây một thời gian dài vì sợ cuộc xâm lăng của người Thessaly khi những người này đến từ Thesprotia để sống ở Aetolia, nhưng đã bị hủy hoại vào thời điểm người Hy Lạp đến Thermopylae. Herodotos ghi lại rằng sau khi xây dựng lại bức tường, người Hy Lạp, dưới sự chỉ huy của Leonidas đã phái các trinh sát tìm kiếm bất kỳ tuyến đường mòn nào có thể dẫn kẻ thù vượt qua hàng phòng thủ ở bờ tường Phokian.
Sau khi phát hiện ra đường mòn Anopaia, một con đường mòn đặc biệt hiểm trở, chỉ có dân địa phương mới biết được các ngóc ngách và có những đoạn hẹp đến mức chỉ có thể đi hàng một để vượt qua, Leonidas đã phái cánh quân đến từ Phokis đi bảo vệ đường mòn. Quyết định để người Phokis bảo vệ con đường trọng yếu đó của Leonidas có lẽ đã xuất phát từ việc vùng đất Phokis chính là quê nhà của họ, và ông tin rằng họ sẽ chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ quê hương. Tuy nhiên nhà vua đã đánh giá quá cao khả năng và tinh thần của cánh quân này. Ông cũng đã phạm một sai lầm chết người đó là không phái một sĩ quan Sparta ở lại để tổ chức lực lượng và giám sát tuyến phòng thủ. Herodotos đã kể lại rằng khi đạo quân Bất tử trứ danh của Ba Tư được kẻ phản bội Hy Lạp Ephialtes dẫn lên đến điểm khởi đầu của đường mòn, người Ba Tư đã rất bất ngờ khi bắt gặp một nhóm quân đang hối hả mặc giáp trụ và sắp xếp hàng ngũ. Chính vì thiếu chuẩn bị, binh lính Phokis đã không kịp tổ chức phòng thủ và bị một cơn mưa tên bắn hạ. Cả cánh quân Phokis đã tan tác bỏ chạy khỏi chiến trường. Nếu họ đã có chuẩn bị, chia quân làm nhiều nhóm nhỏ thay phiên nhau mặc giáp trụ, sẵn sàng xung phong để quân Ba Tư không kịp bắn tên và giữ chân kẻ thù trong khi số còn lại trang bị và đến hỗ trợ sau.
Về người Sparta, Herodotos đã từng nói rằng người Lakedaimon (tức người đến từ Lakedaimon, bao gồm cả người Sparta, người Perioikoi) đã chiến đấu ngoan cường, rằng họ thực sự là những chuyên gia trong việc đánh trận. Trong chương 211 của quyển thứ 7 trong bộ sách lịch sử của Herodotos, ông ghi chép rằng Sparta đã sử dụng chiến thuật đánh lừa quân Ba Tư bằng cách giả vờ tháo chạy và do đó phân tán và tách rời một lực lượng quân Ba Tư khỏi đại quân, và khi đã đủ cách xa đại quân Ba Tư, quân Sparta quay trở đầu và bằng kỹ năng cận chiến vượt bậc cùng với yếu tố bất ngờ, họ đã tiêu diệt được một lượng lớn số quân kẻ thù. Trong cuộc cận chiến này, tỉ lệ thương vong của Sparta cực thấp. Qua ngày một và hai của trận chiến, đoàn quân đến từ Lakedaimon vẫn còn gần như là đầy đủ quân số.
Với tất cả những luận điểm đã được đưa ra trước đó, ta có thể kết luận ở một mức độ nào đó rằng quân Hy Lạp không hề có dự định sẽ đánh một cuộc chiến cảm tử tại Thermopylae, mà thực tế đó lại là một chiến thuật kháng cự và cầm chân, trở thành vật ngáng đường với quân Xerxes cho đến khi quân chi viện kịp đến. Vào ngày thứ 3 của trận chiến, khi quân Ba Tư sử dụng đường mòn Anopaia vượt qua tuyến phòng thủ và bọc sườn quân Hy Lạp, Leonidas đã lệnh rút hầu hết quân Hy Lạp tại đây.
Quyết định của Leonidas về việc rút các đoàn quân Hy Lạp khác về đối với ông có nghĩa là bảo toàn lực lượng, sức người sức của để chiến đấu vào một ngày khác. Ông quyết định ở lại và cùng chiến đấu với lực lượng cận vệ của mình. Quyết định này có lẽ được cấu thành từ một vài yếu tố, yếu tố đầu tiên có thể kể đến chính là lời tiên tri về định mệnh của Sparta: Hoặc Sparta bị huỷ diệt hoàn toàn bởi quân Ba Tư hoặc con dân Lakedaimon sẽ phải khóc thương trước sự ra đi của một vị vua. Yếu tố thứ hai có khả năng là Leonidas biết nếu ông cùng đội cận vệ cũng rút nốt thì kỵ binh Ba Tư sẽ nhanh chóng đuổi kịp và nghiền nát lực lượng Hy Lạp đang rút lui. Việc đó quan trọng vì với một số thành quốc, họ đã điều động toàn bộ số lượng chiến binh mà họ có đến Thermopylae, để lại làng mạc và thành phố hoàn toàn không được bảo vệ.
K.
Nguồn:
Herodotos, Tập Lịch sử, quyển 7 chương 183 – 200.
Helena Schrader
Stephen Hodkinson.




You may also like

Leave a Comment