Murad đệ tứ (1612 – 1640)

by admin

#chienbinh (phần 13)
Murad đệ tứ (1612 – 1640) là vị Sultan cuối cùng thân chinh ra trận của đế quốc Ottoman. Sử sách coi ông là một bạo chúa, nhưng là vị bạo chúa mà người dân cần lúc đó. Ông lên ngôi Sultan khi mới 11 tuổi, chịu sự nhiếp chính của mẹ. Lúc đó đế quốc Ottoman đang trên đà suy yếu bởi nội chiến, ngoại xâm, tham nhũng và nạn kiêu binh.
Năm 20 tuổi, ông nắm quyền lực thực sự và từng bước xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế. Ông mạnh tay xử lý tham nhũng, đặt ra các hình phạt hà khắc. Ông cấm người dân không được uống rượu, hút thuốc và uống cà phê để nuôi dưỡng quốc lực. Tương truyền ông thường cải trang xuống phố, khi thấy ai vi phạm lệnh cấm thì liền rút thanh kiếm cực kỳ nặng nề ra xử tử ngay tại chỗ.
Ông cho huấn luyện lại quân đội tinh nhuệ và thường tự mình tham gia thao diễn. Sử sách ghi nhận Murad đệ tứ là người cao lớn, khỏe mạnh khác thường, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, đánh kiếm và đấu vật. Người ta nói rằng ba, bốn lính Janissaries cũng không quật ngã nổi ông.
Sau khi có quân đội mạnh, ông bắt đầu tiến hành chiến tranh với đế quốc Safavid lân cận và chiến thắng giòn giã. Trong các trận đánh lớn như trận Mesopotamia ông tự mình dẫn đầu chỉ huy quân sĩ và được ghi nhận là một chỉ huy xuất sắc. Khi ra trận Murad đệ tứ được cho là cầm một quả chùy nặng 60 kg và một thanh kiếm nặng 50 kg khiến không ai dám đối đầu tay đôi với ông. Ngày nay hai món vũ khí này vẫn còn được trưng bày tại bảo tàng Topkapı Palace, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên có lẽ ông không thực sự dùng chúng trong thực chiến mà chỉ nhấc lên nhấc xuống trước mặt ba quân để thị uy mà thôi. Dù sao việc Sultan Murad đệ tứ được kẻ thù kính sợ trên chiến trường là không phải bàn cãi.
Ông mất khi mới 27 tuổi vì bị xơ gan do uống rượu quá nhiều. Để thanh minh việc tại sao cấm dân chúng uống rượu mà bản thân vẫn uống, ông từng viết văn vở: “Rượu là thứ quỷ dữ nên ta phải bảo vệ người dân khỏi nó bằng cách uống cho bằng hết.”

You may also like

Leave a Comment