Hôm nay, qua một cuộc trò chuyện, có hai con người mà tôi có dịp được biết. Một người đàn ông sống trong lý tưởng của riêng họ về một cuộc sống mà họ phải là, và nhất định phải là. Nếu đối mặt với một thực tại trái với lý tưởng đó, họ sẽ sợ hãi, và trốn tránh. Và một người phụ nữ không ngại trải nghiệm cuộc sống theo sự thúc dục của tiếng gọi bên trong. Hai con người ấy đã chạm mặt nhau, và “si mê” từ cái nhìn đầu tiên.
Anh ta sợ vướng mắc vào một mối quan hệ. Chị thì muốn mối quan hệ ấy phải thật rõ ràng, phải thật sâu sắc. Chị như con chim non háo hức với sự tự do trải nghiệm giữa khung trời bất tận và cũng như con hổ chẳng sợ hãi một điều gì giữa rừng hoang. Anh như một kẻ tự đào hang cho chính mình ẩn nấp, càng đào, càng tối và càng sâu. Vậy mà họ lại mê mẩn nhau, lại có thể trò chuyện đắm đuối từ tối tới sáng. Càng trò chuyện, chị như bị hút vào anh. Nhưng càng trò chuyện, anh lại càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, giữa lý tưởng cuộc đời mà anh tự vạch ra, và giữa bản năng dục vọng nấp kín trong hang tối bấy lâu nay giờ như đang đấu tranh để đào tẩu thật nhanh ra ngoài và vùng vẫy. Chị tìm kiếm sự đồng thuận nơi anh. Chị kỳ vọng sự dứt khoát nơi anh. Và chị tự dằn vặt mình, tự làm mình đau trong những vọng tưởng của chính mình về anh và về mối quan hệ. Còn anh, chẳng khác gì. Anh ta bị giằng xé giữa cái gọi là lý tưởng sống, và bản năng đang thôi thúc anh phải kết nối với người đàn bà này. Anh ta sợ mối quan hệ, anh ta ít dần đi những chia sẻ với chị, nhưng anh ta không biết rằng khi tránh được mối quan hệ với người phụ nữ này, thì vấn đề cốt lõi là bấy lâu nay anh ta luôn tự tạo ra mối quan hệ với chính mình. Và chính điều đó là lý do làm anh ta cô lập và đau khổ.
Chị bảo tôi: “Sự xuất hiện của chị có lẽ đã khiến cậu ấy bị đảo lộn!” Chị xưng anh ta là “cậu ấy” vì người đàn ông này bé hơn chị 5 tuổi nhưng lại được chị gọi là “già đời” hơn cả chị.
“Không! Em không nghĩ vậy. Mà sự xuất hiện của chị đã giúp anh ta thấy rõ hơn những mâu thuẫn và giằng xé bên trong mình, giúp anh ta chiêm nghiệm lại chính mình. Điều em thấy qua câu chuyện là khi một con người hình thành cho mình một lý tưởng về cuộc sống phải là, thì ẩn sâu trong tiềm thức của họ là nỗi sợ hãi đối diện thực tại đang là. Và như chị thấy đấy…”
“Chị luôn là người chủ động ‘tấn công’. Và là người luôn tìm kiếm ở cậu ấy sự đồng thuận, sự cam kết. Nhưng cậu luôn đẩy chị ra xa. Chị thà ở trong một mối quan hệ rõ ràng, sâu sắc rồi kết thúc cũng được, còn tốt hơn là mập mờ….”
“Có lẽ, chị nên để họ tự giải quyết những khúc mắc bên trong mình….”
Việc tạo dựng mối quan hệ chính là tác nhân gây nên nhiều phiền não cho con người. Con người luôn thích việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, khăng khít, nhưng đó cũng chính là nguyên nhân gây ra sự rạn nứt đổ vỡ. Người phụ nữ trên muốn xây dựng mối quan hệ với người đàn ông. Và người đàn ông thì đang mắc kẹt trong mối quan hệ với chính mình. Như vậy, chìa khóa là đừng có hướng đến việc xây dựng mối quan hệ (relationship) nữa, mà làm sao để trong sáng và hồn nhiên trong sự tương giao (interaction). Thì lúc đó, chẳng kỳ vọng, chẳng mong cầu, chẳng bận tâm, chẳng lo toan, và hoàn toàn chẳng có vọng tưởng. Relationship thì như sợi dây trói buộc, đứt ra rồi thì thở than oán trách, interaction như cơn gió thổi qua, đến đi đều không bận lòng. Một bên thể hiện cho sự ràng buộc, bên kia thể hiện cho sự tự tại ung dung đón nhận. Vậy mà tại sao con người lại tự trói mình, buộc mình!
Và bí ẩn của cuộc sống nằm ở chỗ này…
Câu chuyện chị kể làm tôi nhớ đến cuốn “Nhà khổ hạnh & Gã lang thang” của Hermann Hesse. Huyền Minh nghiêm khắc với chính mình trong cuộc đời tu sĩ, và giữ vững cho mình lý tưởng sống đạo hạnh ấy, Đan Thanh không cưỡng lại nổi những dục vọng bên trong mình để rồi chạy đuổi bao hoan lạc chốn thế gian. Hai con người, ở hai thái cực, ấy vậy mà khi gặp nhau lần đầu, nhận biết người kia là tri kỷ của mình. Huyền Minh biết bản thân chẳng thế níu giữ chú chim non đang muốn sổ lồng, Đan Thanh biết chẳng thể ở lại với Huyền Minh chốn tu học nghiêm trang và có phần khuôn khổ này. Họ nhận ra thế giới của họ quá khác nhau, bởi họ đều đang sống và chạy đuổi lý tưởng riêng của mình. Và có lẽ, lý tưởng thì cũng là biểu hiện của dục vọng mà thôi.
Tôi bảo chị: “Thực ra, con người trải qua đau khổ, biết đau khổ, nhưng số người muốn giác ngộ – giải thoát lại quá ít. Thực sự là quá ít. Rồi bản năng dục vọng lại lôi cuốn họ trở lại vũng bùn cũ, để họ quẫy đạp, để họ lún sâu, để họ quên mất mình, để họ cười nhạo chính mình, để họ như quên lãng, để họ tự đào mộ chôn mình, để dần chết đi khi còn sống, và cho tới một lúc nào đó, họ bật đứng dậy và thấy cuộc đời mình hóa ra trước nay vô minh cứ tự làm con rối cho chính mình hoài. Từ đó, họ mới bừng tỉnh ngộ.”
Trang Ps