Hạnh phúc thật bình dị

by admin

Vợ chồng tôi mới chuyển vào một khu chung cư. Ông chồng tôi vốn ít nói, ngại giao lưu, còn tôi thì chỉ sau một tuần đã quen biết hàng xóm và nói đủ thứ chuyện.

Hàng xóm nhà tôi là gia đình hai cụ già, đều U80 cả. Cụ bà hàng xóm rất thân thiện và cởi mở. Mới quen mà bà đã kể với tôi đủ thứ. Cụ ông trước là sĩ quan bộ đội tên lửa phòng không, được đào tạo ở Liên Xô (cũ). Cụ bà thì là công nhân quốc phòng. Chắc hai người quen nhau từ hồi ông hay đến liên hệ công tác ở nhà máy của bà. Đến khi về hưu, ông mới nảy ra làm thơ, và thường bắt bà thưởng thức. 

Bà đưa cho tôi xem một tập giấy A4, những bài thơ ông gõ vào máy tính rôi in ra cho bà đọc. Bà thuộc hết. Tôi liếc qua. Thơ ông được phết. Không giống các cụ già về hưu khác cứ làm thơ phong trào, cứ làm vè, văn vần, thơ ông vần điệu đúng niêm luật, có nhiều tứ thơ độc đáo xung quanh chuyện nhân tình thế thái.

Bà bảo:

–  Nào tôi có biết thế nào là thơ hay đâu, nhưng ông phân tích rồi cũng hiểu ra một ít. Có hôm, như sáng nay. Có lẽ ông đã tỉnh ngủ từ 3 giờ sáng, năm im, nhẩm sáng tác thơ. Thường thì 5 giờ tôi dậy, chuẩn bị bữa sáng, rôi ăn xong ông mới đọc thơ cho tôi nghe. Nhưng sáng nay có lẽ tâm đắc với bài thơ quá, ông không chờ được. Mới 4 giờ ông đã dựng tôi dậy bắt nghe thơ. Tôi vừa nghe vừa ngủ gật, không biết là gật gù thưởng thức hay vì còn đang ngái ngủ. Nhưng rồi tôi cũng tỉnh ra, nghe thơ ông, gật đầu tán thưởng rồi cũng nói mấy câu. Mà ông tinh lắm nhé. Nếu tôi mà gật đầu qua chuyện là ông biết, ông hụt hẫng, ông dỗi. Nghe ông đọc và phân tích độ nửa tiếng, khi thấy ông đã “nguôi” rồi, tôi mới nói: “Nào, được chưa? Để tôi đi khuấy lại bát cháo cho ông ăn (ông chỉ thích ăn sáng một bát cháo trắng với quả trứng muối thôi). Ông cười: “Ừ, bà đi nấu cháo đi”. Phải biết lúc nào mình có thể rút lui cô ạ. Nếu rút sớm là không được đâu, Khi ông đang cần người lắng nghe mà mình đòi đi nấu cháo là ông giận “Bà thì suốt ngày chỉ lo nấu nấu nướng nướng”

Tôi thầm nghĩ: Chà, có một bà vợ thấu hiểu như thế, hạnh phúc biết bao!

Một lần, đi chợ về, tôi thấy ông đang ngồi đăm chiêu trên ghế đá ở vườn hoa 

trước tòa nhà. Tôi nói đùa:

–  Ông lại nhớ bà, đang làm thơ về bà hay sao mà đăm chiêu thế ạ? 

 Ông cười:

–  Quả thế cô ạ. Tôi đang làm bài thơ về bà ấy. Chuyện là thế này. Tôi vốn ít ngủ, còn bà ấy thì thường làm một giấc từ tối đến 5 giờ sáng. Nhưng hôm nay bụng dạ bất an hay sao đó, mới 3 giờ đã thấy bà nhỏm dậy. Tôi hé mắt nhìn, thây bà nhẹ nhàng cúi xuống mò đôi dép, cầm lên tay rồi khẽ khàng đi chân đất ra phòng vệ sinh. À, thì ra bà sợ đi dép loẹt quẹt làm tôi thức giấc, nên bà phải cầm dép lên tay, đi chân đất cho tôi không nghe thấy. Tôi muốn ôm lấy bà, nói em không cần làm thế đâu, anh đã dậy rồi. Nhưng rồi tôi lại nằm im, giả vờ ngủ say khi bà quay lại. Tôi không muốn đánh mất “thành quả” của bà. Tôi muốn bà hạnh phúc vì đã cố đi thật nhẹ để giữ gìn giấc ngủ cho tôi. Bài thơ tôi làm xong từ đêm, nhưng tôi chưa nghĩ ra cái đầu đề cho hợp. Đặt tên là “Cầm dép” thì thô thiển quá. Có lẽ tôi phải đặt dài dài một chút: “Cám ơn em nâng niu giấc ngủ của tôi”.

Tôi reo lên:

–  Tuyệt quá bác ạ. Bài thơ nhất định phải hay lắm, vì nó rất thật, sản sinh ra từ tình yêu của hai ông bà.

Rồi tôi chợt nhận ra: hạnh phúc là gì nhỉ? Là những điều giản dị hàng ngày quanh ta đấy thôi…

Hà Nội 10/2018

Nguồn Pháp vân

You may also like

Leave a Comment