Chim trời đâu bay đến
Ríu rít đậu vườn nhà
Ngày mai bay đi hết
Trống trải một mình ta
Tối hôm trước, khi chuẩn bị đi ngủ thì tôi chợt bị thu hút bởi một dòng nhận xét trên Facebook về một chị nào đó không quen. Tôi vào xem Facebook của chị ấy thì biết được là chị ấy đã tự tử. Nhiều bình luận bày tỏ nỗi buồn, tiếc thương, cầu nguyện và cũng có cả lời trách sao chị lại nỡ ra đi như vậy. Có lẽ ai đó thầm trách rằng chị ấy ích kỷ khi kết thúc cuộc sống của mình mà không nghĩ đến nỗi đau của người thân. Đã từng ở trong trạng thái như vậy, tôi biết rằng những người bị trầm cảm không phải là người ích kỷ khi kết thúc cuộc sống của mình. Điều này không có nghĩa là tôi ủng hộ việc họ tự tử mà muốn nói rằng, hơn ai hết, họ là những người cố gắng nhiều nhất vì họ đau đớn và thực sự muốn thoát ra khỏi trạng thái đó, nhưng họ bất lực. Nếu những suy nghĩ, cảm xúc bế tắc, tuyệt vọng, trống rỗng ngày một lớn, thì vô hình họ cho rằng cách duy nhất để giải thoát bản thân khỏi nỗi đau là kết thúc. Trách cứ người bị trầm cảm không giúp cho tình trạng của họ khá hơn mà chỉ khiến họ cảm thấy dường như không một ai có thể hiểu được những gì đang diễn ra bên trong họ, và họ đã phải nỗ lực đến nhường nào. Họ sẽ càng thêm cô đơn, áp lực, cạn kiệt, chán nản và tuyệt vọng. Điều mà những người trầm cảm cần là sự thấu cảm, lắng nghe không phán xét, để họ biết rằng dù mọi thứ có tệ đến thế nào thì họ không chỉ có một mình. Dù chưa thể giúp họ bước ra khỏi đám mây đen trầm cảm nhưng bạn luôn ở bên cạnh và sẵn sàng đưa cho họ một cái ô. Đó có thể là cái neo cuối cùng để họ có thể tiếp tục sống.
Tôi vào phòng, bế đứa con trai nhỏ của mình lên trên tay mà thấy trong lòng vẫn tồn tại cảm giác trống rỗng, vô nghĩa trước đây. Cảm giác muốn kết thúc vẫn chực chờ, hiện hữu trong tôi. Có người từng nói rằng, một khi đã bị trầm cảm thì sẽ không bao giờ khỏi được.
Thời gian qua, tôi đã nỗ lực xây dựng một gia đình hạnh phúc, nhưng liệu có lúc nào những cảm giác đó sẽ lại bùng lên không? Đứng từ ngoài nhìn vào, hạnh phúc của tôi bây giờ là có một gia đình đẹp đẽ, ấm áp, chồng yêu thương, con xinh xắn. Ngoài ra, một niềm an ủi cho phụ nữ là vì còn trẻ, đi đâu vẫn có người để ý. Sau này khi thanh xuân phai nhạt, tôi sẽ già đi, công việc dừng lại, con cái lớn khôn có cuộc sống riêng của con, tình cảm vợ chồng thì không ai dám nói trước. Nếu một ngày, tôi không còn trẻ nữa, tôi cô đơn, không có gia đình bên cạnh, thì đâu sẽ là niềm vui? Liệu lúc đó tôi có lại bấp bênh, chán nản và muốn kết thúc cuộc sống? Liệu khi ấy tôi có như quả bóng căng dây phần phật trước gió, không biết mình sẽ bay đi đâu?
Hạnh phúc là thứ mà ta không thể tìm kiếm từ bên ngoài, phụ thuộc, nhập khẩu từ nhà cung cấp bên ngoài (outsourcing). Nó phải đến từ chính bên trong ta, phải được sản xuất từ nội tại của ta. Ngoài những khoảng thời gian hạnh phúc với gia đình, tôi cần làm gì để chống đỡ với khoảng trống vô hình vẫn âm thầm tồn tại này? Làm thế nào để tôi có được niềm vui và hạnh phúc vững vàng từ bên trong? Một ngôi nhà, tổ ấm bình yên xuất phát từ trái tim mình?