Dạo gần đây ai cũng bàn tán câu chuyện về anh chàng xứ Huế mâm trên mâm dưới và tuyên bố thẳng thừng sẽ ly hôn luôn nếu vợ mình không sinh được con trai. Có người bảo, kịch bản cả, bây giờ nào ai còn nghĩ vậy. Có, vẫn còn đấy, vẫn có. Chẳng hiểu sao khi nghe chương trình ấy, tôi thấy thấp thoáng hình bóng của mẹ tôi, bà tôi, em họ tôi, chính tôi…
Tôi không thích về quê mình.
Tôi chưa bao giờ nói thẳng ra điều đó vì tôi biết sẽ bị coi là bất hiếu. Nhưng tất cả những ký ức của tôi về vùng quê, chẳng phải vòm trời xanh trong tiếng sáo cao vút, cũng chẳng phải cảnh gia đình quây quần từ ái, mà là hình ảnh mẹ và các cô cặm cụi làm cỗ trong căn bếp ẩm thấp khi các chú các bác ngồi uống rượu ngoài hiên.
Lớn hơn một chút, chính tôi cũng vào căn bếp đó, em trai tôi ngồi ngoài sảnh chơi game. Nhà tôi tuy không khấm khá nhưng vẫn đầy đủ ba con, nghe bảo hồi xưa do nội ép mẹ tôi đẻ thêm để có cháu đích tôn. Mang tiếng là cháu gái dòng chính nhưng cho đến giờ tôi cũng chẳng biết quê mình có thắng cảnh gì, chỉ quẩn quanh khu bếp cho tới hết ngày, nấu và làm rồi đi mời nước dòng họ, ăn xong lại dọn dẹp lau chùi.
Bà nội bảo tôi, phải đảm thì mới có tấm chồng. Bà bảo, mày vụng quá. Bà lại bảo, con gái học ít thôi, nhìn cái Bống kia kìa, học xong rồi cũng về lấy chồng, đẻ hai thằng cu rồi xong chuyện, đời mới coi như hoàn thiện. Tôi từng dự đám cưới của Bống, Bống lấy một anh chàng tỉnh lẻ, chỉ ở nhà chăm con và quanh quẩn dạy trẻ con để kiếm hai, ba triệu hàng tháng. Cũng mừng cho Bống nhưng chả hiểu sao nghĩ đến cảnh đấy, cả người tôi phát sợ.
Sau đó, tôi đỗ Đại học.
Ngày mở tiệc mừng, một ông bác chép miệng bảo tôi: “Này, nhưng mà con gái học lắm rồi cũng ở nhà. Nhà bố mẹ mày cũng chẳng khá giả gì.” Tôi ghét ông bác đó, nhưng vế sau của ông bác thực sự khiến tôi lung lay. Lúc đó, có một phần trong tôi đã nghĩ, có lẽ, có lẽ con gái đi học cũng chỉ tốn tiền…
Tôi nói với bố, nếu lên Đại học thì học phí đắt lắm, nhà mình không trả được, con không muốn làm gánh nặng. Bố tôi bảo với tôi, con cứ đi học, tiền nong không phải lo, bố mẹ dành dụm rồi. “Nhưng con không nghĩ số tiền ấy xứng đáng”, tôi nhớ tôi đã bảo bố thế, tôi nghĩ bố tôi chỉ mạnh miệng.
Có lẽ lúc đó trong mắt tôi sự tự ti rõ quá, có lẽ gương mặt tôi trông chán nản thực sự, bố cầm tay tôi và nói: “Bố tin con gái bố làm được”. Tay bố to bè như thân chuối, có những vết chai sần rõ trên tay. Lần cuối cùng tôi nắm tay bố là khi nào, tôi chẳng thể nhớ nổi, tôi cảm giác mình như trở lại hồi bé xíu ngày mới tập đi, bố cũng dắt tôi tập tễnh, cười hề hề nói: “Bố tin con làm được”.
Đêm trước ngày khởi hành, tôi với mẹ nằm tâm sự cả buổi, tôi chỉ nhớ nhất một câu, mẹ bảo ráng học rồi ở đó, đừng về rồi khổ, đừng như mẹ, ráng học để cuộc đời con khấm khá hơn. Chả hiểu sao lúc ấy mắt tôi ươn ướt.
Trong suốt chừng ấy năm cuộc đời, có lẽ đó là bước ngoặt to lớn nhất của đời tôi, để hiểu rằng cuộc đời tôi không chỉ quẩn quanh trong căn bếp và mâm cỗ, để hiểu rằng tôi có thể làm mọi thứ mà chẳng thua kém bất kỳ ai, để nhìn thấy một tương lai mà tôi yêu. Tôi chưa từng nói với bà nội rằng, bà ạ, cháu không thích chỉ ở nhà, cháu thích được đi đó đây, những vùng đất mà cháu chưa từng đặt chân tới; cháu không nghĩ sinh con là nghĩa vụ, một điều gì đó phải có thì con người mới “hoàn thiện”, cháu nghĩ đứa con của cháu phải là kết quả của tình yêu; và cháu chưa từng thích cuộc sống an nhàn chăm con chăm chồng mòn mỏi đến cuối đời.
Tôi chưa bao giờ quên khoảnh khắc đó, mỗi ngày tôi tự nhủ phải cố gắng, cố gắng hơn nữa, để bố tôi có thể tự hào mà nói: “Con gái bố làm được”, để mẹ tôi có thể nhìn thấy con gái mẹ đã và đang mạnh mẽ thế nào.