Khi “Hãy vui lên đi”, “Mọi chuyện sẽ ổn thôi” không tệ như bạn nghĩ và học cách lắng nghe tích cực

by admin

Xin chào các bạn lại là mình đây, sau khi đọc bài về “Toxic Positivity – Sự tích cực độc hại” đăng trong nhóm ngày hôm qua, có vài điểm mình đồng ý, vài điểm không và mình cảm thấy nên viết gì đó.

Trong bài này mình có đề cập đến:

– Tại sao chúng ta thường nói những lời động viên – suy nghĩ tích cực và nó có thật sự xấu.

– Nhu cầu được lắng nghe và cách để trở thành người biết lắng nghe.

=============

Mình là người có mental disorders hơn 10 năm, cụ thể là Anxiety Disorders và Depression. Trong suốt những năm tháng đó, mình đã khổ sở biết bao, mình cũng đã cố gắng tìm đến và chia sẻ với một vài người.

Một số người sẽ gạt đi và cho rằng mình đang suy nghĩ quá nhiều, “vớ vẩn” và “mơ mộng”. Nhưng cũng có người sẽ động viên mình, nhưng không phải lúc nào nó cũng hiệu quả. Thậm chí sau những lời nói “Không sao đâu”, “Hãy nghĩ tích cực lên” mình còn thấy buồn và thất vọng hơn, giống như phủ nhận cảm xúc thực tại. Nếu ai đó nói “Thôi cố gắng đi, mọi chuyện sẽ ổn hơn” mình sẽ hiểu rằng họ muốn chấm dứt cuộc nói chuyện.

Chẳng có ai hiểu mình cả, không ai thật sự muốn giúp mình, những lời động viên mình tích cực lên thật hời hợt và độc hại – mình đã từng nghĩ như vậy đấy.

Bạn biết điều đáng buồn là gì không? mình đã làm giống như cách mình nhận được, khi nghe em gái kể về công việc đang gặp khó khăn, công ty tăng KPI và giảm khoản thưởng, mình đã nói “vui lên đi, ra ngoài chơi hay làm gì đó hay ho rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi”, mình khẳng định rằng hoàn toàn không có ý phủ nhận hay muốn cắt đứt câu chuyện của em. Chỉ là mình chẳng biết phải làm sao cả.

CHÚNG TA KHÔNG THỂ CHO AI ĐÓ ĐIỀU MÌNH KHÔNG CÓ.

Khi còn nhỏ, bố mẹ mình thường xuyên cãi nhau, những lúc đó mình rất sợ hãi, vừa khóc vừa xin họ dừng lại. Sau mỗi lần như vậy, mẹ lại nói với mình rằng “Bố mẹ cãi nhau rồi thôi, có gì mà khóc”. Thế rồi khi trưởng thành, mình rơi vào một mối quan hệ yêu đương mệt mỏi, mình không thể chịu được việc bạn trai thiếu nhạy cảm và kiểm soát một cách thái quá. Chúng mình cãi nhau rất nhiều, mẹ đã nói rằng “Cặp đôi nào chả cãi nhau, con toàn chuyện linh tinh, đừng cứ đành hanh với anh như vậy”. Mình đã rất tuyệt vọng

Nhưng rồi mình chợt nhận ra, không phải mẹ không quan tâm mình, chỉ là bà không thể cho mình điều bà không có. Mình có thể đòi hỏi gì hơn ở một người phụ nữ có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, không được chồng chiều chuộng và việc cãi cọ như cơm bữa. Bạn có hiểu ý mình không?

Chúng mình được học đủ thứ, đủ mọi kỹ năng trong nhưng bao nhiêu người được học về cách lắng nghe? Bạn có được dạy nói chuyện như thế nào trong những tình huống đặc biệt, khi một ai đó đang cần giúp đỡ? Chúng ta học hỏi và ra sức làm việc để thành công, để đỗ đại học danh tiếng, để có công việc mơ ước, đạt được mức lương cao, nhưng bao nhiêu người cố gắng để trở thành người có lòng trắc ẩn, có tình thương, biết thấu hiểu? Chưa kể đến việc, chúng ta có được trang bị những kiến thức về sức khoẻ tinh thần để biết rằng một ai đó đang thật sự gặp vấn đề và cách giúp đỡ?

Bởi vậy, khi có ai đó không thể nói được điều gì giúp ích cho bạn, khi họ chỉ có thể mang đến cho bạn những lời động viên thông thường. Đừng quá thất vọng và chán nản, đừng vội cho rằng đó là lời động viên sáo rỗng, một sự tích cực độc hại. Mỗi người có hệ giá trị khác nhau, trải nghiệm khác nhau, họ không thể cho bạn điều họ không có, biết đâu họ cũng đang bối rối khi không thể nói gì hơn.

AI CŨNG CÓ NHU CẦU ĐƯỢC KẾT NỐI, ĐƯỢC THẤU HIỂU, ĐƯỢC YÊU THƯƠNG.

Hồi mới cưới, mình nói với chồng về việc mình bị rối loạn lo âu và chỉ ngủ được 2-3 tiếng mỗi ngày trong suốt một tuần đó. Anh đã rất căng thẳng, gương mặt bối rối và tuyệt vọng, khiến mình thấy lo lắng hơn gấp bội. Khi mình hỏi tại sao anh lại như thế, anh trả lời rằng “Anh đang nghĩ cách giúp em, anh không biết phải làm gì cả.”

Ồ, ra là vậy. Thế mà mình đã khổ sở khi nghĩ rằng chuyện của mình khiến anh khó chịu. Mình đã nói với anh, mình không cần anh giải quyết chuyện này, mình chỉ mong có ai đó lắng nghe hiểu chuyện đang xảy ra. “Anh chỉ cần nghe em nói thế là được rồi”.

Mình cho rằng, khi một người giãi bày cho bạn, nói về những khó khăn, vấn đề họ đang gặp phải, họ dốc lòng để nói, vừa lo lắng vừa khao khát, đó là nhu cầu được chia sẻ, được thấu hiểu, được công nhận. Họ mong bạn sẽ giải quyết mớ rắc rối đó hay sao? rằng bạn sẽ phân tích chuyện gì đang xảy ra và rồi “bùm” mọi thứ sẽ biến mất. Không hẳn đâu, phần nhiều họ chỉ mong bạn sẽ lắng nghe mà thôi.

Mình tin lắng nghe là bước khởi đầu nuôi dưỡng sự thấu hiểu và tình thương, cũng là liệu pháp chữa lành tâm trí. Đó là lý do vì sao mình luôn khao khát được lắng nghe, dù biết thật ích kỷ nhưng mình đã luôn mong có ai đó ngồi nói chuyện hàng giờ, để mình có thể giãy bày hết những lo âu, bối rối. Được lắng nghe đã phần nào xoa dịu những nỗi đau khổ trong tâm trí. Bạn nên biết rằng, lắng nghe còn là một phương pháp, kỹ năng vô cùng quan trọng trong điều trị tâm lý.

Có vài người, thật may mắn khi sở hữu sự thấu cảm bẩm sinh, dễ dàng hiểu và cảm thông với sự mất mát của người khác, nhưng phần lớn chúng ta thì không. Đó là lý do chúng ta cần học hỏi.

MỘT VÀI GỢI Ý ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI BIẾT LẮNG NGHE – LẮNG NGHE TÍCH CỰC.

Mình sẽ xây dựng một tình huống để mọi người có thể dễ liên hệ. Bạn đang nói chuyện với An – một người vừa trải qua mất mát, đang gặp một vấn đề gây ảnh hưởng đến cuộc sống (mất ngủ, sụt cân, khó khăn trong mối quan hệ xã hội). Hãy đặt mình ở vị trí của An, bạn mong người khác sẽ nói gì với bạn?

Những điều bạn có thể nói với An:

  • Đầu tiên hãy nghe thật cẩn thận và chắc chắn rằng bạn không mất tập trung trong cuộc trò chuyện.
  • Sau mỗi một vấn đề, nhắc lại điều họ vừa nói với thái độ ghi nhận: Ví du “Mày đang buồn lắm à? Mày đang không biết chuyện gì xảy ra với bản thân đúng không?”. “ Việc đó thật khủng khiếp, nếu là tao, không biết có chịu được không”
  • Đừng cố đưa ra bất cứ lời khuyên khi bạn không hiểu rõ vấn đề, hãy cố gắng hiểu chính xác điều họ gặp phải: “Tao không biết điều đó nghĩa là gì, tao rất muốn hiểu chuyện gì đã xảy ra”, “Chuyện ấy diễn ra như thế nào? “
  • Đề nghị giúp đỡ: “Tao có thể làm gì cho mày không?”, “Mày muốn tao làm việc đó chứ?”,
  • Khẳng định bạn luôn ở đây: “Tao không giải quyết được việc đó cho mày, nhưng tao sẽ lắng nghe mày, đó là việc tao có thể làm”.

Trong trường hợp, bạn có quan điểm khác với người bạn kia thì sao? Bạn không đồng ý và nghĩ rằng có cách giải quyết khác. Một lần nữa hãy nhớ rằng, khi ai đó mở lòng nói ra với bạn, đó là nhu cầu được chia sẻ, được ghi nhận và ủng hộ. Bản thân họ đã quá khổ sở và không cần thêm bất cứ sự phê phán, chỉ trích nào cả. Thay vì phản đối một cách trực tiếp, bạn có thể nói: “Có lẽ tao không đồng ý với mày, mày biết đấy nếu là tao thì…nhưng mỗi người có cách làm khác nhau mà”. “Tao nghĩ hơi khác, nếu mày muốn nghe thì tao sẽ nói suy nghĩ của tao”

Nếu bạn không thể hay không biết nói gì, hãy im lặng và sử dụng ngôn ngữ cơ thể đó cũng là một cách tốt. Chồng của mình không phải là người biết lắng nghe cho lắm, nói đúng hơn là anh không biết cách nói chuyện trong những trường hợp như thế. Điều duy nhất anh làm tốt là nắm tay mình, khoảnh khắc hai bàn tay đan vào nhau khiến mình cảm giác được an ủi và động viên rất nhiều.

Điều cuối cùng mình muốn bạn ghi nhớ “Nghe không phải là lắng nghe”, hãy nghe bằng cả trái tim và tâm trí. Để có thể lắng nghe ai đó bạn cần luyện tập rất nhiều, không chỉ kỹ năng trong cách duy trì cuộc nói chuyện, mà còn luyện tập để mở lòng và biết thấu hiểu, yêu thương hơn.

You may also like

Leave a Comment