“Tao không làm công việc văn phòng đâu, gò bó, mệt mỏi”

by admin
?Review Đảo Phú Quý – Phan Thiết 3N3D?

Ngày nay, cứ mỗi lần tôi ngồi cà phê hỏi chuyện nghề nghiệp với tầm 10 người bạn thì cũng có đâu đó 6 – 7 đứa đã quả quyết: “Tao không làm công việc văn phòng đâu, gò bó, mệt mỏi. Tao muốn làm việc gì tự do hơn”.

Tất nhiên, chuyện nghề nghiệp là lựa chọn của mỗi người, chỉ bản thân họ biết họ giỏi gì và cần đi theo hướng nào là phù hợp, tôi không thể can thiệp sâu. Nhưng khi càng nhiều người đi theo “con đường tự do” ấy, tôi không thể không tự vấn bản thân rằng, có phải “công việc văn phòng máy lạnh, ngày 8 tiếng” đang bị thất sủng?

Hay giới trẻ ngày nay đã ý thức được rằng làm chủ cho chính mình mới là điều tuyệt vời nhất (như thế thì còn gì bằng!)? Hay họ đã tiếp nhận quá nhiều những bài viết, câu chuyện người này rỉ tai người nọ, phim truyện về đời sống công sở với sự chia bè kéo phái đấu đá nhau, nạn ma cũ bắt nạt ma mới, chèn ép, luồn cúi và lấy tình đổi chức? Hay họ nói như vậy chỉ vì… họ nghĩ vậy là cool lắm và đa số người xung quanh họ đang nói như thế?

Làm chủ cho chính mình khi nào chả tốt hơn, nhưng bạn có trả lời được ba câu hỏi dưới đây một cách mạch lạc và không cần phải ấm ớ nhiều không?

1. Bạn đã có kĩ năng quản lý thời gian chưa?

2. Bạn đã có tầm nhìn và định hướng cụ thể cho mục tiêu của mình?

3. Bạn đã có tự tin mình đủ kĩ năng và mối quan hệ để “ra riêng” nhưng vẫn ngon lành, không chết đói hay về “ăn bám” bố mẹ?

Công việc tự do không có nghĩa là tự phát và tùy hứng. Dẫu không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ, chế độ và quy định của công ty, tổ chức như công việc văn phòng nhưng công việc tự do vẫn có những luật ngầm của riêng nó mà nếu bạn không tuân theo, bạn sẽ bơi lóp ngóp trong cái dòng chảy ồ ạt của kiểu công việc này.

Thứ nhất, để vận hành tiến độ công việc tự do một cách trơn tru, ít nhất kĩ năng quản lý thời gian của bạn cũng phải thuộc hàng khá. Bởi không gì dễ làm con người “lầy” nhanh hơn là một công việc không nặng tính ràng buộc hoặc áp lực về mặt thời gian.

Chỉ cần một buổi sáng bỗng dưng muốn ngủ nướng hoặc một tin nhắn của hội “quẩy” vào đúng tối thứ 6 là bạn đã có cớ để nuông chiều (hay nói chính xác là làm hư) bản thân. Chắc chắn lúc ấy, bạn sẽ lòng nhủ lòng mà rằng “ngày mai mình sẽ làm bù”, “cùng lắm mai thức khuya thêm chút để cày là được chứ gì, xõa đê!”… hay bất kì một cái cớ nào để tự trấn cảm giác tội lỗi vì trót mê chơi bỏ làm.

Và thế là… xin chúc mừng, bạn đã không thể chống lại cám dỗ của sự tự do rồi đấy. Những cái “ngày mai” ấy sẽ không bao giờ đến, và khối lượng công việc sẽ càng nặng hơn khi càng cận kề deadline, kéo theo chất lượng công việc cũng đi xuống.

Một quan niệm khá phổ biến trong thế hệ trẻ ngày nay chính là dùng các công việc tự do như phép thử. Rõ ràng, với đặc tính ít ràng buộc, đa số công việc mang tính chất ngắn hạn thì công việc tự do là sân chơi rộng lớn, đa dạng và đầy hấp dẫn cho các bạn trẻ đang bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên cho tường thành sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, cũng không quên kể đến mặt trái của điều này: vì có quá nhiều lựa chọn, bạn sẽ khó xác định được thứ nào thật sự là của mình, từ đó, việc xác định chính xác hướng phát triển sự nghiệp cũng vì vậy mà “gian truân” hơn. Bởi không chỉ riêng gì công việc tự do mà với công việc văn phòng, nếu đã không xác định được mục tiêu nghề nghiệp và có một lộ trình phù hợp, rõ ràng để đạt đến mục tiêu ấy thì bạn sẽ mãi là đứa trẻ mải mê chạy theo những chiếc bong bóng xà phòng, đẹp, hấp dẫn nhưng mỏng manh, bay nhanh theo gió và vỡ lúc nào không biết.

Và cuối cùng, bạn có những vũ khí nào để chắc rằng mình có thể “chiến đấu” ngon lành ở thế giới freelance vốn đòi hỏi mỗi freelancer phải luôn chủ động, độc lập trong từng quyết định cũng như quá trình làm việc?

Nếu bạn là một nhân tố năng nổ tham gia nhiều hoạt động và công việc làm thêm thời sinh viên thì xin chúc mừng, nhưng nếu bạn là một người từng dành cả 4 năm đại học chỉ để… học, xem phim, đi chơi, đọc truyện, không học thêm bất kì một kĩ năng hay bộ môn nào, số mối quan hệ với giới chuyên nghiệp không vượt quá một bàn tay, thì bạn sẽ bươn chải trong thế giới freelance vốn luôn đông đúc và có mức độ cạnh tranh cao như thế nào?

-> Thật ra, cuộc sống văn phòng không tệ như bạn nghĩ đâu

Cũng khó để chối bỏ những góc tối của cuộc sống chốn văn phòng được khắc họa qua sách báo, phim truyện. Nhưng trong đời thực, không phải chốn công sở nào cũng đầy kịch tính như thế đâu, trái lại, nhiều người còn ví nơi này như… trường đại học phiên bản người trưởng thành vậy.

Vì khi làm việc trong môi trường công sở, chắc chắn mỗi ngày làm việc sẽ là một ngày bạn học thêm được nhiều bài học mới, chẳng hạn như những buổi training do chính các “sếp” lớn “đứng lớp”, hoặc hoạt động teambuilding để một tay newbie như bạn có cơ hội làm thân với các tiền bối và học cách làm việc nhóm hiệu quả.

Đó có thể là kĩ năng “sinh tồn” chốn công sở, ứng xử với các đối tượng khác nhau. Đó có thể là kĩ năng giao tiếp nhanh nhạy, khôn khéo theo đúng “chuẩn” chuyên nghiệp. Và đó cũng sẽ là những kĩ năng, những bài học người dạy người, nghề dạy nghề mà bạn sẽ khó hoặc không tìm thấy được khi làm công việc tự do.

Làm việc công sở sẽ cho bạn động lực để phấn đấu mỗi ngày, làm mới mình, thoát khỏi cách làm cũ. Nếu như ở thị trường freelance, bạn sẽ không thể biết mình đang có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh ngoài kia (chắc chắn là một con số không hề nhỏ) và họ có ưu thế, điểm yếu gì. Thì ở chốn công sở, bạn được chứng kiến những người đồng nghiệp của mình đang “chạy” tích cực ra sao. Từ đó, bạn xác định được mình cần phải nỗ lực bao nhiêu, như thế nào, đồng thời học hỏi nhiều điều hay từ họ. Và cứ thế, với cách thức vừa cạnh tranh lành mạnh vừa học hỏi như thế, tiến bộ là một chuyện hiển nhiên!

Một cái hay nữa của chốn công sở là mặc dù “nhốt” mình giữa bốn bức tường, mỗi ngày 8 tiếng, 5 ngày một tuần, nhưng mạng lưới mối quan hệ của bạn sẽ phát triển không ngừng. Công việc nào cũng cần có đối tác, khách hàng, và dù cho ở vị trí nào hay tính chất công việc ra sao, bạn cũng có thừa cơ hội để gặp gỡ những người mới, trong hoặc ngoài lĩnh vực mình đang theo đuổi.

Sức mạnh của mối quan hệ trong thời đại thế giới phẳng như ngày nay hầu như không thể cân đo đong đếm được, nhưng nói một cách ngắn gọn thì họ sẽ là các đối tác tiềm năng, là “mỏ” cơ hội trong tương lai và nếu may mắn hơn, thì sẽ là những mối quan hệ gắn bó mà chúng ta không ngờ đến thì sao?

Đấy là chưa kể hàng loạt những quyền lợi hay ho khác mà cuộc sống “9 to 5” mang lại cho bạn, như những chuyến chơi xa cùng công ty (cũng vui và “lầy lội” không kém gì thời đại học đâu nhé), món quà Tết có tên “lương tháng 13”, phần thưởng khi bạn đạt thành tích xuất sắc, những người bạn thân thiết, một gia đình nhỏ có tên gọi là “công ty”.

Và có cả những giá trị tinh thần đặc biệt mà công việc tự do không thể nào mang lại, chính là sự thăng tiến. Dù thăng tiến đi kèm với quyền lực và trách nhiệm cao hơn nhưng nó cũng mang lại cho bạn cảm giác tự hào khi được công nhận năng lực và sự nỗ lực mỗi ngày đến văn phòng.

-> Nói đi nói lại, bạn vẫn “anti” cuộc sống văn phòng?

Cũng… chẳng sao, vì dẫu sao đây cũng chỉ là một góc nhìn mang tính tham khảo để từ đó người trẻ đưa ra được lựa chọn sáng suốt trong lúc còn đang loay hoay giữa “ngã ba đường”.

Nhưng, dù công sở thắng hay tự do thắng, hãy nhớ rằng, miễn là bạn biết rằng mình đã trang bị những kĩ năng cần thiết (dù chỉ ở mức cơ bản), chân đủ vững để không chùn bước trước những rào cản trên con đường làm việc tự do vốn không ràng buộc ấy, bản thân bạn thật sự thoải mái với loại công việc không đòi hỏi phải liên quan đến tập thể, đủ tỉnh táo để không bị cám dỗ bởi một cơn buồn ngủ hay thói chần chừ, lười biếng… thì cứ thẳng tiến trên con đường ấy thôi!

Một khi đã chọn công việc tự do, bước tiếp theo là hãy giữ một cái đầu thật tỉnh táo để nhận ra được những giá trị thật sự từ mỗi việc mà bạn làm, qua đó hiểu được niềm đam mê và chính bản thân mình muốn gì.

Và thật ra, cũng như biết bao người trẻ từng rời bỏ công việc văn phòng với nhiều đãi ngộ để gia nhập thế giới freelance rộng lớn, nhiều cạnh tranh hơn thì bạn cũng có thể rời bỏ thế giới freelance để gia nhập “hội công sở” một ngày nào đó, khi đã thật sự biết mình nên chọn hướng đi nào. Thế nên, cân nhắc nhưng đừng quá áp lực bản thân trong lựa chọn, bạn trẻ nhé!

?Review Đảo Phú Quý – Phan Thiết 3N3D?

You may also like

Leave a Comment