Tuy không hề có quan hệ mật thiết với thế giới nhưng tiếng Nhật lại là một phương tiện quan trọng để hình thành nên sự nhạy cảm trong đặc trưng tính cách của con người Nhật. Chẳng hạn như việc hạn chế chủ nghĩa cá nhân, hướng đến người khác hay việc thể hiện lòng khách sáo và quan sát cảm xúc của đối phương… đều có quan hệ sâu sắc đến cấu thành của tiếng Nhật. Và tôi cho rằng đây chính là vẻ đẹp của tiếng Nhật.
Trong tiếng Anh, để thể hiện lòng biết ơn người ta sử dụng câu “(I) thank you.”, vào dịp năm mới hoặc sinh nhật người ta nói “(I wish you a) happy ~”, khi hưởng ứng theo lời nói của đối phương người ta đáp “I think so.” và vân vân… Như vậy, có thể thấy rằng nếu không có đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất là “I” làm chủ ngữ thì câu văn không thể hoàn thành. Xét về mặt cấu thành của ngôn ngữ, bất kì vấn đề nào đi nữa thì khái niệm “tôi” là không thể thiếu, đó là do nó có tính liên kết chặt chẽ với chủ nghĩa cá nhân trong tiềm thức của những người phương Tây.
Còn ở tiếng Nhật, lời cảm ơn 「ありがとう」 (arigatou) mang nghĩa “đây là ơn huệ cả đời khó mà có được”, vào những dịp năm mới hay sinh nhật người ta nói 「おめでとう」(omedetou, xuất phát từ「おめでたい」(omedetai), mang nghĩa là tin vui, sự kiện trọng đại…), khi hưởng ứng theo lời nói của đối phương thì người ta đáp lại「そうですか」(sou desuka: là như vậy à?). Còn khi thể hiện tình cảm, cho dù có là người nhà hay người yêu đi nữa thì người Nhật cũng nhất quyết không nói câu 「愛している」(aishiteiru: “tôi” yêu “bạn”). Bởi vì không cần nói ra thì đối phương cũng có thể hiểu được cảm xúc của mình nên người Nhật cả đời không bao giờ đụng đến câu này. Có thể thấy rằng, chủ ngữ “tôi” (私, watashi) không hề xuất hiện. Đó là do đặc trưng của tiếng Nhật không làm nổi bật ý chí của chủ thể hành động “tôi”, điều này được kế thừa và di truyền suốt từ tiếng Nhật thời cổ đại xa xưa. Nếu như nói những ngôn ngữ thuộc hệ Ấn-Âu như tiếng Anh là loại ngôn ngữ “miêu tả hành vi” thì có thể kết luận rằng tiếng Nhật là loại ngôn ngữ “miêu tả trạng thái”.
Tôi cho rằng vẻ đẹp của tiếng Nhật không phải là ở phát âm hay ngữ điệu, mà nó được thể hiện vô cùng tự nhiên về mặt ngôn ngữ qua những cái “tâm không đố kị”, “sự quan tâm không làm tổn thương người khác”, “sự chấp thuận với những mâu thuẫn”, “lòng khiêm tốn”, “sự chu đáo dành cho đối phương” và “tấm lòng bao dung” trong những giao tiếp hằng ngày.