CHỮ HIẾU

by admin

Trước khi xin chữ hãy nghĩ thật kỹ xem thực sự bản thân có muốn học theo chữ đó hay không?

CHỮ HIẾU

Tác giả: Lê Huyền

Ngôi nhà ba tầng bề thế của ông bà Thành nằm ngay trên mặt đường ở vị trí đắc địa của thị trấn Căn phòng khách rộng rãi, sang trọng thể hiện tiềm lực kinh tế của gia chủ với bộ bàn ghế đi kèm bộ sập và kệ đều là đồ gỗ Đồng Kỵ nhẵn bóng, đắt tiền. Đồng bộ với nó là hai chiếc lộc bình cao ngang đầu người đặt ở hai đầu kệ. Từ cửa chính phòng khách nhìn vào, ở vị trí trang trọng nhất, gia chủ treo chữ “Hiếu” chạm khắc công phu theo lối thư pháp sơn son, thếp vàng. Trước nhà là cái sân gạch sạch bóng, sát hai bên mép tường được đặt những chậu bon sai uốn tỉa cầu kì, ở giữa là khoảng không gian rộng rãi có thể bày được năm sáu bàn tiệc khi nhà có việc.

Ông Thành chậm rãi nâng chén trà một cách khó khăn đưa lên miệng. Bà Thành bước xuống sân, cẩn thận kiểm tra lại đồ lễ một lần nữa rồi quay sang bà giúp việc:

– Hôm nay tôi lên chùa tạ lễ cuối năm, vợ chồng thằng Tình về bên ngoại từ sáng sớm có việc, buổi trưa bà lo cơm nước cho ông Thành rồi nhắc ông ấy uống thuốc đầy đủ giúp tôi.

Bà quay qua như nói cho mình nghe: Công việc cuối năm đầu tắt mặt tối, đứa thì ở xa, đứa được ngày nghỉ tưởng nó qua cửa hàng kiểm tra lại sổ sách rồi đi thu nợ, thì lại thấy bảo sang nhà ngoại có việc, bực cả mình.

Có tiếng mở cửa, bà Thành nhìn ra cổng đã thấy vợ chồng thầy giáo Tâm, em trai ông Thành. Thay vì mời em chồng vào nhà, bà hỏi với giọng không được vui.

– Chú thím có việc gì mà sang đây sớm thế, hôm nay chị bận đi chùa, tacxi đang đến đón, thôi có gì chú thím cứ vào nhà nói chuyện với anh, chị phải đi cho kịp giờ đã.

Thầy Tâm ngập ngừng:

– Nếu chị bận thì cứ đi, em ngồi với anh một lát rồi về để tối em qua vậy, việc này chúng em muốn bàn với cả anh và chị ạ.

– Thôi, tóm lại có việc gì chú thím cứ nói luôn đi, giờ với tối là mấy, chị bận lắm, anh thì ốm, lo cái thân không xong nữa là công với chả việc.

– Dạ, hôm nay em sang đây muốn bàn với anh chị chuyện xây lăng mộ cho bố mẹ. Chả là cuối năm rồi, em thấy khu mộ nhà nào cũng xây cất sạch sẽ tinh tươm, để mộ của bố mẹ như thế vợ chồng em thấy áy náy quá.

Bà Thành giọng mát mẻ:

– Đất hương hỏa ông bà, cha mẹ chú thím đang ở, bàn thờ bát hương ở với chú thím cả, có gì chú thím cứ quyết định đi, anh chị theo.

Cô Hòa, vợ thầy Tâm nãy giờ im lặng, nghe bà Thành nói vậy mới lên tiếng:

– Chị nói thế là không được, nhà cửa đất cát của cha mẹ đã chia đều cho ba anh em, chúng em cũng chỉ là mua lại của anh chị và cô Út để giữ lại đất hương hỏa theo mong muốn của mẹ thôi chứ không hẳn là chúng em muốn ở đâu.

Thầy giáo Tâm bấu tay vợ trong khi bà Thành cười giả lả:

– Là chị cũng tiện miệng nói thế thôi, chị ngắn học đâu có như chú thím được ăn học bằng cấp này nọ nên chả để mất lòng ai bao giờ. Thế tóm lại chú thím định khi nào làm, vợ chồng anh chị phải đóng góp bao nhiêu? Mà chú thím thấy đấy, nhìn nhà cửa thế thôi chứ từ ngày anh chú bị tai biến đến giờ đã chẳng làm được gì, có đồng nào lại thuốc thang cho anh hết nên chị cũng khó khăn, anh không nằm liệt một chỗ là may lắm rồi chú ạ.

Thầy Tâm nhỏ nhẹ:

– Chị ạ, em nghĩ kim chỉ cứ đầu, anh là con cả trong gia đình nên có gì em cũng phải qua thưa chuyện với anh chị cho phải phép. Chuyện tiền nong thì có đâu mình làm đến đó, cốt cho phần mộ của cha mẹ thông thoáng mát mẻ chứ đâu cần xây cất to tát gì nên anh chị không cần phải lo. Nếu anh chị đồng ý, chúng em sẽ đi xem ngày rồi xây và hoàn thành trong tháng chạp luôn ạ.

Có tiếng còi xe ô tô ngoài cổng, bà Thành cầm cái túi xách lên tay, không quên kiểm tra lại lần cuối chỗ nào là tiền để ghi công đức, chỗ nào là tiền đèn dầu:

– Thôi, chị đồng ý. Xe đến rồi, chú thím ngồi uống nước với anh rồi cứ thế làm nhé, chị đi lễ cho kịp đã.

Chiếc xe chở bà Thành cùng túi lớn, túi bé đồ lễ khuất sau cánh cổng, ông Thành thở dài, nói một cách khó khăn với một bên miệng méo xệch do hậu quả của bệnh tai biến mạch máu não :

– Tính chị chú thím biết rồi đấy, anh giờ bệnh tật cũng không biết làm thế nào, kinh tế gia đình từ khi anh đổ bệnh do chị nắm giữ cả, là con trưởng mà để chú thím phải lo thế này anh thấy áy náy quá. Thôi, trăm sự nhờ chú thím lo giúp có gì anh sẽ điện cho thằng Nghĩa.

– Không cần đâu anh ạ, cuối năm việc kinh doanh của cháu bận rộn, chúng em lo được, anh cứ yên tâm dưỡng bệnh cho khỏe ạ.

***

Gia đình Cụ giáo Tứ có ba người con, ông Thành là con trưởng, thầy giáo Tâm là con thứ thêm cô con gái út là cô An. Thầy Tâm và cô An nối nghiệp Giáo của cha. Riêng ông Thành, từ khi còn nhỏ ông đã chê nghề Giáo nghèo nên nhất quyết không theo, ông cũng chẳng thi vào đại học như chúng bạn mà lấy bằng tốt nghiệp lớp 10 xong là tự xoay xở trên thương trường bằng chút vốn liếng ít ỏi của cha mẹ. Khi chúng bạn còn loay hoay xin việc làm thì ông đã có một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tương đối.

Ông Thành điển trai, nhanh nhẹn, hoạt bát nên việc ông kết hôn với bà Thành, một cô hàng xén xinh xắn, mỏng mày hay hạt lúc bấy giờ là chuyện dễ hiểu. Cưới xong, chưa được “ba bảy hai mốt ngày” thì bà hối ông ra ở riêng. Bà thẽ thọt với bà Tứ:

– Chúng con đủ lông đủ cánh rồi, có thể tự lo được cho mình nên chúng con xin phép bố mẹ cho chúng con ra ở riêng, bố mẹ còn phải lo cho chú Tâm và cô An ạ.

Trong thâm tâm dù không muốn bà Tứ cũng phải đồng ý.

Thầy Tâm cưới vợ là cô giáo làng, hai vợ chồng sống cùng ông bà cụ giáo Tứ, ngoài việc lên lớp dạy chính khóa, thầy Tâm là một giáo viên dạy Toán cấp Ba có năng lực nên thầy mở lớp dạy thêm tại nhà, thu nhập ổn định. Cô An tốt nghiệp đại học sư phạm xong ở lại Hà Nội công tác và lấy chồng luôn, nghe đâu kinh tế cũng khá giả. Lo dựng vợ, gả chồng cho con trai, con gái xong thì cụ giáo Tứ mắc bệnh ung thư phổi rồi qua đời.

Nhìn con cái trưởng thành, kinh tế ổn định bà cụ Tứ cũng thấy yên tâm, duy chỉ có điều đôi lúc làm bà phiền lòng là cách ăn nói cư xử của cô con dâu cả. Bà Thành nhiều lần bóng gió xa xôi:

– Chú Tâm và cô An được bố mẹ nuôi cho ăn học có bằng cấp đường hoàng, giờ mở mắt có nhà nước trả lương đâu như anh Thành nhà tôi phải bươn chải ngoài đời tự lo kiếm sống.

Mỗi khi gia đình có việc, bà Thành luôn tìm cách thoái thác:

– Chú là con thứ nhưng học cao hiểu rộng, chú cứ lo đi.

Ông Thành biết vợ mình quá nhưng nhiều khi để cửa nhà yên ấm cũng đành im lặng.

***

Năm bà cụ Tứ đổ bệnh, bà gọi con cái lại:

– Cả đời bố mẹ nghèo khó nên chẳng có tài sản gì ngoài đám đất và ngôi nhà này, nó cũng chẳng phải đất mặt đường nên cũng chẳng có giá trị gì lắm. Con An đã đi lấy chồng, mẹ muốn một trong hai đứa ở lại đây để giữ lấy mảnh đất này và lo việc thờ cúng, các con bàn xem thế nào để mẹ yên lòng nhắm mắt xuôi tay.

Một tuần sau, giấy tờ sang tên sổ đỏ cho vợ chồng thầy giáo Tâm được hoàn tất sau khi vợ chồng thầy vay mượn để chồng cho vợ chồng ông Thành đủ số tiền tương đương với một phần ba giá trị đám đất và ngôi nhà. Bệnh của bà cụ Tứ ngày càng nặng thêm.

Đám ma bà cụ Tứ, bà Thành vật lên vật xuống tưởng ngất đến mấy lần, nhiều lần người ta phải dìu bà vào phòng nằm nghỉ.

Cúng ba ngày cho bà cụ Tứ theo phong tục địa phương xong, bà Thành nhấp giọng bằng một ngụm trà:

– Chú thím xem thế nào, tiền hiếu hỉ ốm đau cũng là cái nợ đồng lần, bạn hàng của anh chị đến viếng mẹ sau này anh chị cũng phải đi lại nên…

Không để cho bà Thành nói hết câu, cô Hoài, vợ thầy Tâm ngân ngấn nước mắt:

– Em biết rồi, chị không phải nói nữa ạ.

Bà Thành lấp láp:

– Cũng chẳng phải chị tính toán gì, chú thím không lễ chùa bao giờ không biết chứ chị cũng phải dành tiền vài hôm nữa lên chùa làm cái lễ cầu siêu cho mẹ, mẹ có siêu thoát thì con cháu làm ăn mới mát mẻ được, thím ạ.

***

Ngôi nhà vắng vẻ, tiếng gõ mõ vọng xuống từ tầng ba, bà giúp việc xởi lởi:

– Thím Hoài mới qua ạ, thím ngồi đây đợi bà nhà tôi một lát ạ. Hôm nay ngày rằm nên bà đang đọc kinh, trong lúc bà đọc kinh không ai được làm phiền bà đâu ạ.

Hơn mười phút sau, bà Thành đi xuống phòng khách:

– Hôm nay ngày rằm, chị là người hay đi lễ chùa nên phải ăn chay, niệm phật thím ạ. À, thế việc xây mộ cho bố mẹ đến đâu rồi, chị bận quá nên không ra được, anh thì việc đi lại khó khăn, có gì chú thím thông cảm cho anh chị.

– Dạ, hôm nay em sang anh chị cũng vì việc đó. Việc xây cất hôm nay nữa là tạm ổn, anh Tâm bảo ngày kia cúng tạ mộ, em cũng định làm mấy mâm cơm gia đình, ý chị thế nào ạ?

– Nhanh thế à thím, mới động thổ hôm mùng hai, chị còn chưa kịp ra xem thế nào mà đã xong.

– Vâng, nhà mình làm đơn giản mà chị.

– Thôi được rồi, chú thím cứ quyết cả nhé, có gì ngày kia anh chị qua luôn thể. Cuối năm buôn bán, thu nợ thu nần bận quá thím ạ, anh thì đi lại khó khăn.

***

Ông thầy cúng trải cái chiếu ra trước khu mộ, sửa lại cái áo dài gấm màu đen, đội cái khăn xếp lên đầu. Cô Hoài bày lễ đã chuẩn bị sẵn lên mâm. Bà Thành nhìn lướt qua:

– Lễ lạt đơn giản thế này thôi à thím?

– Dạ, em sắm đủ theo yêu cầu của thầy đấy chị ạ.

Ông thầy cúng rót rượu ra mấy cái chén con, quay sang bà Thành:

– Chị là..

– Dạ, em là con dâu trưởng ạ.

– Vậy mà tôi cứ tưởng hai Cụ nằm đây chỉ có mỗi chị Giáo là con dâu.

Việc cúng tạ mộ diễn ra nhanh gọn. Mọi người thu xếp đồ lễ ra về. Bà Thành nhìn nhìn bao quát hết một lượt xung quanh rồi quay qua Nghĩa, con trai bà mới ở Hà Nội về :

– Tưởng thế nào chứ mộ ông bà nội mày so với mấy khu mộ xung quanh hơi bé con ạ.

Nghĩa nhìn bà với ánh mắt ngạc nhiên ;

– Con tưởng việc xây lớn hay bé bố, mẹ phải là người biết trước rồi chứ ạ ?

Bà Thành không trả lời con.

Sau bữa cơm, thầy giáo Tâm nét mặt tràn đầy phấn khởi quay sang phía ông bà Thành:

– Thưa anh chị. Hôm nay việc xây mộ cho bố mẹ đã hoàn thành, theo quan điểm em đã nói là xây cất đơn giản, gọn nhẹ nên cũng không tốn kém lắm. Hôm trước vợ chồng cô An và vợ chồng cháu Nghĩa mỗi gia đình có chuyển vào tài khoản cho em hai chục triệu, hôm nay em xin nhận của mỗi nhà năm triệu tiền hương khói còn em xin gửi lại cho cô An và cháu Nghĩa.

Nét mặt bà Thành không một chút biểu cảm.

***

Chưa kịp bước chân vào nhà, bà Thành đã gay gắt với Nghĩa :

– Tại sao con chuyển khoản cho chú Tâm hai chục triệu để đóng góp xây mộ mà không nói cho mẹ biết, con sẵn tiền thế cơ à ?

– Con không nói cho mẹ biết vì con biết lúc nào mẹ cũng cái câu : Chú mày được ông bà nuôi cho ăn học tử tế giờ để chú mày lo. Với lại, mẹ ạ ! Việc lo thờ cúng gia tiên, ông bà nhẽ ra là việc của con trai trưởng, bố mẹ không lo được, con là cháu đích tôn cũng nên để cho con lo. Mấy năm nay con làm ăn được, hôm nay con về định góp thêm tiền với chú thím coi như báo hiếu gia tiên nhưng không ngờ chú dứt khoát không nhận.

Bà Thành ném cái túi xuống cái sập nhẵn bóng :

– Anh tưởng tự nhiên mà lộc lá đến với anh đấy à. Mấy năm nay, nếu tôi không đều đặn tháng hai lần lên chùa lễ phật, công đức chùa gần chùa xa thì làm gì cái nhà này ăn nên làm ra. Chiều nay anh còn đang ở nhà, nhờ anh lau dọn đồ trong phòng khách giúp tôi, tết nhất đến nơi rồi.

– Vâng, nhân thể con xin phép mẹ cho con cất cái chữ “Hiếu” trên kia xuống, nó đẹp và sang trọng thật nhưng con thấy nó không hợp với nhà mình mẹ ạ.

Bà Thành giật mình trước câu nói của con trai. Cuối tháng Chạp, nhiệt kế trong phòng khách nhà bà báo 20 độ mà trán bà lấm tấm mồ hôi.

( Lê Huyền)

You may also like

Leave a Comment