Điều gì quyết định giá trị và tính nghệ thuật của các bức tranh trừu tượng? Giả sử chúng được vẽ bởi một đứa trẻ thì liệu có còn ai khen chúng đẹp nữa không?

by admin

Ui giời, thế bạn phải học lớp lịch sử nghệ thuật đại học thử đi, vì hồi chúng tôi học, chúng tôi mất TOÀN BỘ học kì chỉ để thảo luận cái chủ đề này!

Thiệt tình là nó dài dòng khủng khiếp và có thể chính là nguyên nhân khiến tôi không ưa nghệ thuật đương đại nói chung.

Tất nhiên tôi không có ý chê bai gì câu hỏi đâu. Nhưng bất kì chủ đề hay giả thuyết nào xoay quanh câu hỏi: “điều gì quyết định giá trị của nghệ thuật” cũng tạo cảm giác hợm hĩnh (nghệ thuật không tồn tại giá trị nội tại, nên nếu ta đặt mức giá cho một tác phẩm thì nó không còn là tác phẩm nghệ thuật nữa), hoặc ngả qua hơi hướm của chủ nghĩa hư vô (mọi thứ đều vô nghĩa, mọi thứ đều không có giá trị)

Phải chi mà bạn nghe được mỗi lớp thảo luận chủ đề này thế nào, nhất là khi các cô cậu tham gia thảo luận toàn là một lũ trẻ non choẹt đầu 20, còn chưa kịp bỏ hết cái tính trẻ trâu trong người. Tất nhiên là tính cả tôi trong đấy.

Ừ thì nghệ thuật không có giá trị nội tại, nhưng mà có cái gì có đâu? Suy cho cùng, tiền cũng chỉ là một khái niệm nhân tạo xuất phát từ xã hội con người, kiểu một dạng cấu trúc xã hội ấy? Và khi chính giá trị của tiền còn thay đổi liên tục, thì làm sao ta có thể xác định được giá trị của nghệ thuật?

Nhưng câu trả lời không nằm ở tiền, ồ không, thưa quý ông quý bà! Nó nằm ở chúng ta.

Với tư cách là một tập thể, một xã hội, chúng ta quyết định tác phẩm nào sẽ được nhớ mãi và tác phẩm nào sẽ trôi vào lãng quên.

Nhưng đấy là chưa cân nhắc vị thế kinh tế/xã hội của người nghệ sĩ. Vì hiển nhiên, một nghệ thuật gia được đào tạo bài bản có thể giới thiệu tác phẩm của họ đến các đối tượng khách hàng giàu có và quyền lực hơn, từ đó, có khả năng sẽ được nhớ đến hơn những người đồng nghiệp cùng trang lứa, vốn dĩ cũng tài năng và giỏi giang như họ, nhưng không nhận được cơ hội tương tự vì nghèo khó hoặc do hoàn cảnh khó khăn khác!

Hoặc, ta cũng có thể cho rằng, giá trị của tác phẩm nằm ở tác động xã hội mà nó mang lại. Nếu nó có tầm ảnh hưởng lớn hơn, thì có lẽ, nó có giá trị hơn.

Nhưng nếu tính như vậy thì những bức tranh chân dung, tranh phong cảnh hay mấy cái bình hoa Hy Lạp cổ thì sao? Không phải khi đó mấy cái bình này cũng chỉ là những đồ gia dụng bình thường sao? Thế mà 3000 năm sau bỗng chốc chúng trở nên vô giá và được trưng bày ở viện bảo tàng! Vậy lúc mấy cái bình ấy vẫn còn là bình hoa, thì chúng không phải tác phẩm nghệ thuật, nhưng 3000 năm sau, đùng phát chúng trở thành nghệ thuật. Cái gì thay đổi? Cái bình thì vẫn là cái bình đó, bộ nó có ảnh hưởng xã hội nào đặc biệt lên xã hội đương đại sao? Không. Nhưng rồi nó vẫn được xem là một tác phẩm nghệ thuật.

Vậy còn các phòng tranh và thị trường mỹ thuật đương đại thì sao? Ai là người ra giá cho tác phẩm này hoặc tác phẩm kia? Ai là người quyết định bức tranh nào sẽ được treo ở phòng trưng bày? Việc “được trưng bày ở phòng triễn lãm” có làm nên “nghệ thuật” không?

Có chứ, Duchamp bảo. LOL

(*Marcel Duchamp được coi là một trong ba nghệ sĩ, cùng với Pablo Picasso và Henri Matisse, tạo ra những cách mạng trong nghệ thuật những thập kỷ mở đầu của thế kỷ 20. Ông từng đem nộp một chiếc bồn tiểu bằng sứ cho một triển lãm do Hội Nghệ sĩ Độc lập tổ chức tại New York, đặt tên là “Fountain” (Đài phun nước) và ký “R. Mutt”. Hội đồng triển lãm tác phẩm đã từ chối vì cho rằng tác phẩm này khiếm nhã, và nó là vật dụng làm hàng loạt, không phải do nghệ sĩ làm ra. Nhưng chiếc bồn tiểu thông thường ấy vốn được Duchamp gửi gắm quan điểm trong đó. Mục đích của nghệ sĩ khi tạo ra tác phẩm này là để nhạo báng sự khoác lác của phong trào nghệ thuật tiên phong ở Mỹ. Fountain của Duchamp thách thức, công kích những quan điểm truyền thống trong nghệ thuật, rằng nghệ thuật phải được tạo ra bởi người nghệ sĩ. Thay vào đó, ông nhấn mạnh những ý tưởng của người nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng hơn việc chế tác ra nghệ phẩm. Ông còn nổi tiếng với câu nói: “Tất cả mọi thứ trên đời đều là nghệ thuật. Nếu tôi bảo nó là nghệ thuật, thì nó là nghệ thuật, hoặc giả tôi treo nó trong một viện bảo tàng, thì nó là nghệ thuật – If I call it Art, it’s Art”)

…, đùa tí thôi chứ nghiêm túc này. Thật ra thì người ta thắc mắc vấn đề này từ thập niên 1920 rồi, và đến nay vẫn chưa có câu trả lời nào cả.

Nếu đơn giản hóa vấn đề, ta có thể trả lời rằng thị trường nghệ thuật đương đại bị kiểm soát bởi thị trường tư do của tư bản, giống mấy thứ hàng xa xỉ phẩm như túi xách Hermes hay kim cương vậy. Miễn có người nguyện ý trả nhiêu đó tiền cho một thứ đồ bất kì, thì đó chính là giá của nó.

Đào sâu hơn nữa chỉ có đẩy chủ đề qua chủ nghĩa hư vô mà thôi, và tôi không khuyến khích bạn dính vô mấy cuộc thảo luận như vậy.

Cơ mà nếu bạn thật sự muốn nhảy vào cái hố đen này, người ta còn có mấy cái thuyết âm mưu cho rằng thị trường nghệ thuật đương đại là chỗ rửa tiền của bọn buôn thuốc phiện với các băng đảng mafia đấy.

Theo: Kim

You may also like

Leave a Comment