Tại sao Bhagwan Shree Rajneesh lại đổi tên thành Osho?

by admin

Vào năm 1989, ông muốn bỏ cái tên “Bhagwan” (ông đã trải qua một số lần đổi tên trước khi quyết định vô danh.) Nhưng điều này đã tạo ra một vấn đề cho các môn đồ của ông vì họ không biết phải gọi ông là gì.

Ông được gọi là “Thầy kính yêu của chúng con” trong một thời gian. Sau đó, trong vài tháng, ông giảng về các thiền sư cùng những câu chuyện và mấy bài thơ haiku của họ. Thuật ngữ “Osho” thường xuyên xuất hiện để mô tả một bậc thầy trong những câu chuyện này – một môn đồ đã gợi ý rằng ông có thể được gọi là “Osho”. Osho đã đồng ý với đề xuất này, trong một thời gian, ông được gọi là “Osho Rajneesh”, và tất cả các tiêu đề trên hàng trăm cuốn sách và băng và video được đổi thành “Osho Rajneesh”; và sau đó, chỉ đơn giản là “Osho”.

Sau đó, ông nói rằng “Osho” là một âm thanh chữa bệnh.

Trên thực tế, vào những năm 1970, lần đầu tiên ông tuyên bố rằng mình sẽ ngừng dùng tên “Bhagwan” khi nào nó phục vụ hoàn tất cho mục đích của ông.

Một số người cho rằng Osho đổi tên để đổi thương hiệu. Đúng là một số nhà xuất bản đã không muốn xuất bản sách của ông vào thời điểm đó do những tranh cãi liên quan đến tên cũ.

Tuy nhiên, không có trường hợp nào Osho cố gắng che giấu bất kỳ cuộc tranh cãi nào. Sau tất cả, ông đã yêu cầu các môn đồ sống gần mình viết tường thuật lịch sử về các sự kiện đã xảy ra ở Rajneeshpuram, mười hai ngày của ông trong nhà tù ở Mỹ, và khoảng thời gian ông bay vòng quanh thế giới.

Ông cũng yêu cầu các môn đồ viết sách về những trải nghiệm của riêng họ với ông.

Tất cả những cuốn sách trên được viết trong những năm 80, chứa thông tin chi tiết về các sự kiện ở Rajneeshpuram, đều bị các nhà xuất bản chính thống từ chối vào lúc đó.

Cuối cùng, một số cuốn sách đã được xuất bản vào những năm 1980 bởi “Nhà xuất bản Rebel” (Nhà xuất bản nổi loạn?) do chính đạo viện của Osho lập nên, và do đó, vẫn chưa được phổ biến rộng rãi bên ngoài cộng đồng môn đồ.

Một số cuốn sách này hiện đang trong quá trình cập nhật, chẳng hạn như bộ ba Maneesha James, và cuốn sách mà Osho nhờ luật sư người Mỹ Swami Prem Niren viết để “trả lại sự trong sạch cho tên ông ở Mỹ”, đã mất nhiều thời gian vì khi tác giả chờ thu thập những yêu cầu Tự Do Thông Tin.

Gần đây, cuốn sách của Swami Prem Niren – USA vs OSHO – cuốn sách chứng minh Osho vô tội và quyết định trục xuất Osho ra khỏi Hoa Kỳ của Chính phủ Hoa Kỳ là bất hợp pháp, đã được xuất bản. Đồng thời, có một kho lưu trữ các tài liệu và văn bản pháp lý liên quan. Bạn có thể đọc miễn phí trên trang web:

https://www.bsrinusdocs.com

Tuy nhiên, cuốn sách đó là tài liệu chuyên sâu về các vụ án pháp lý, chủ yếu nhằm mục đích phục vụ cho lịch sử. Tôi nghĩ rằng Niren cũng đang viết cuốn sách thứ hai, đó là câu chuyện cá nhân của tác giả với Osho.

Có những bài viết cho rằng những người đã đến thăm các trung tâm Osho ngày nay hoặc đọc sách của Osho không biết rằng “Osho” và “Bhagwan Shree Rajneesh” là cùng một người.

Không phải vậy đâu, đối với bất kỳ ai đọc sách hoặc truy cập các trang web của Osho, thường sẽ có một dòng thời gian của các sự kiện. Nói chung, tất cả người Ấn Độ và du khách đến các trung tâm Osho đều biết rằng “Osho” và “Bhagwan Shree Rajneesh” là cùng một người.

Ngay cả một số trung tâm Osho mới hơn cũng đang mang tên “Rajneesh”.

Những cuốn sách được viết bởi các môn đồ của Osho, chẳng hạn như “Bhagwan Shree Rajneesh bị đầu độc bởi nước Mỹ” của Ronald Reagan, hoặc “Bhagwan Shree Rajneesh: Người đàn ông nguy hiểm nhất sau Chúa Jesus”, v.v… cũng đã được bày bán trong nhiều năm tại các hiệu sách của nhiều trung tâm Osho khác nhau, không chỉ tại những cửa hàng lớn như Khu nghỉ dưỡng Thiền Quốc tế Osho ở Pune hay Oshodham ở Delhi.

Ngoài ra, người ta cũng thấy tại các trung tâm thiền Osho trên khắp Ấn Độ và Nepal, những bộ bhajans cũ phổ biến (nhạc đạo) từng được hát tại một số lễ kỷ niệm ở công xã của Osho như “Rajneesh Aaye Anand Laaye” vẫn còn được hát tại các sự kiện và lễ kỷ niệm hàng năm khác nhau như lễ kỷ niệm Guru Purnima hoặc Ngày Khai Sáng, hoặc các đạo viện của các môn đồ Ấn Độ đã giác ngộ.

Mặc dù Rajneesh là một cái tên rất hiếm ở Ấn Độ khi Osho được đặt tên vào năm 1931 (năm ông sinh ra), nhưng ngày nay, nhiều người Ấn Độ đã được cha mẹ đặt cho cái tên “Rajneesh” theo tên Osho Rajneesh.

___

Lời của người dịch:

Hôm qua, có một bạn vào group fan của Osho đặt một câu hỏi tương tự như trên (các bạn xem ảnh đính kèm bên dưới nè). Nhiều fan của Osho đã vào trả lời rất sôi nổi. Sau khi lội hết comment của post ấy, mình thấy khá là giải trí và nảy ra ý dịch bài quora này.

Mình cũng thích đọc Osho, và nhận ra cái nguy hiểm trong giáo lý của ông là ko đề ra một giới luật nào. Đành rằng tu đến một cảnh giới nào đó thì người ta không còn chấp vào giới luật nữa. Nhưng đám đệ tử của ông hầu hết là người phàm, không áp giới luật thì nguy hiểm khôn lường. Quả nhiên, đệ tử của ông nhân danh sự giác ngộ, nhân danh Osho làm đủ trò đồi bại, gây ra nhiều chuyện tai tiếng đến mức Osho bị Mỹ trục xuất, bị từ chối nhập cảnh ở 21 quốc gia. Ông phải quay về Ấn.

Việc Osho đổi tên là một vấn đề không nhỏ: sticker, poster, bảng hiệu, tờ rơi, hầu như những sản phẩm nào của tổ chức ông có in tên Bhagwan… đều phải được đệ tử của ông sửa lại thành Osho, nếu không sửa được thì bỏ. Chưa hết, những quyển sách nào đã xuất bản rồi thì phải biên tập lại hết, ví dụ chỗ nào ghi là “Bhagwan kính yêu” thì phải sửa lại thành “Osho kính yêu”. Mà Osho thì ra ít sách lắm, sơ sơ trên 600 quyển thôi… tốn sức người sức của không biết bao nhiêu mà kể. Chứ không đơn giản như đổi tên fb đâu. Vậy nên, việc Osho đổi tên là một nỗ lực có mục đích (mục đích thật sự là gì chắc chỉ mình Osho biết), chứ không phải vui thì làm, buồn thì nghỉ.

Theo ý kiến của tác giả Dickon Kent (trong cuốn “57 câu hỏi đáp về thành phố Rajneeshpuram”), một người từng sống và làm việc trong công xã của Osho lúc ông còn sống, thì việc Osho đổi tên là một cách “tẩy trắng tên tuổi” (xem ảnh đính kèm bên dưới). Theo mình thấy, cách làm này không lạ (VD như Lê Chí Linh đổi tên thành Robert Lee). Huống hồ Ma Anand Sheela, người từng là thư ký riêng của Osho, trong quyển “Hồi ký Sheela”, đã nhận xét Osho rất biết cách tiếp thị và là “người bán hàng giỏi nhất”.

Nếu muốn tìm hiểu thêm, các bạn có thể vào bing.com để google tên hai quyển sách về Osho mà mình vừa đề cập. Công thức của Osho được kể rõ trong 2 quyển này, và bây giờ vẫn còn nhiều người áp dụng rất hiệu quả.

Theo: Thái Đức Phương

You may also like

Leave a Comment