Vì sao nước Nga không sợ bị phương Tây cấm vận?

by admin

Nước Nga không sợ lệnh cấm vận của phương Tây vì một đống các lý do chắc nịch khác nhau. Sau đây là một vài điểm chính:

1. Tính ngoan cường theo kiểu Nga

Trong cuộc chơi quyền lực ở Nga, “sợ hãi” đồng nghĩa với “yếu đuối”. Một khi đã chơi, bạn không được thú nhận sự yếu đuối. Nếu một ngày nào đó Tổng thống Putin thể hiện công khai sự yếu đuối, ông ấy sẽ bị xé xác bởi đàn đầu sỏ (oligarch) và silovikí (“người mặc quân phục”) hoang dã mà ông giữ bên người.

Bởi lẽ “nếu không thể tự bảo vệ bản thân thì làm sao ông ta bảo vệ được chúng ta?”

2. Ngân khố đầy ắp

Rút kinh nghiệm từ vụ phá sản ngoạn mục của Liên Xô đầu những năm 1990s, Tổng thống Putin gắng hết sức để đất nước không rỗng túi lần nữa, dù núi cao sông dài đến đâu. Nợ nước ngoài của chúng tôi không đáng kể, dự trữ ngoại hối có hơn nửa nghìn tỷ đô la, còn giá dầu mỏ hiện tại cao hơn nhiều con số Hendrix vi diệu (*giá dầu thay đổi, chính sách ngoại giao của các nước xuất khẩu dầu thay đổi theo).

Nếu Nga thua cuộc chiến này, nó sẽ không thể trở nên khá giả được.

3. Cấm vận có như không

Mấy cái cấm vận của phương Tây chỉ như muỗi đốt da trâu thôi.

Chuyển giao công nghệ ở ngành dầu mỏ và các ngành công nghiệp quốc phòng liên quan đã chấm dứt. Nhưng đừng quên vẫn còn quân bài vi diệu là ăn cắp bí mật công nghệ. Cách này tốn ít chi phí, và gián điệp của chúng tôi thì có tiếng từ thời Liên Xô rồi.

Mối đe dọa hiện hữu về việc bị mất tiền ở nước ngoài hay tài sản ở phương Tây đúng là một sự phiền toái. Nhưng trước giờ chưa có sự vụ to tát nào xảy ra. Phương Tây liên tục rút lại các biện pháp mạnh tay cho đến khi Nga leo thang căng thẳng và biến sự quấy rầy trở thành mối đe dọa. Putin rất thận trọng không vượt quá làn ranh này.

4. Lựa chọn Trung Quốc

Trở thành đàn em và sân sau để Trung Quốc khai thác rõ ràng làm tổn thương lòng tự tôn của chúng tôi. Nhưng nó đem lại cảm giác yên lòng khi chơi mấy trò mèo với người Mỹ. Nếu mọi thứ đổ bể be bét, họ sẽ chìa tay giúp chúng tôi, phải không?

Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang dần chuyển dịch khỏi phương Tây.

Vậy nên khi mọi thứ khó khăn, đơn giản chúng tôi có thể đóng sầm cánh cửa với phương Tây. Sau đó, chúng tôi sẽ rơi vào trăm năm cô đơn rồi đi bán muối cho các nước châu Á – Thái Bình Dương giống cái cách đã làm với phương Tây trước đây.

5. Đối thủ rời rạc

Nước Nga ngày nay đoàn kết như trong anh hùng ca giống thời Liên Xô vậy. Trong khi đó, xã hội phương Tây lại tràn ngập những thành phần chống đối, hoài nghi, Putinverstehers (*người thông cảm với Putin), và những người sẵn lòng đi đêm với Kremlin vì lợi ích tài chính và chính trị.

Thêm đó, vòng quay chính trị giữa các cuộc bầu cử ở phương Tây ngắn một cách lố bịch so với cách ngài Tổng thống trọn đời của chúng tôi điều hành. Sớm muộn thôi, một ai đó sẽ phá vỡ đội hình khi lên nắm quyền ở thủ đô nào đó của phương Tây. Trump có thể sẽ quay trở lại. Hoặc một ngày nào đó, Schröderization thận trọng sẽ đem lợi cho chúng tôi. (*Schröder là cựu thủ tướng Đức, nhanh chóng đồng ý với dự án Dòng chảy phương Bắc, sau nhiệm kỳ đi nhận chức vụ ở các công ty năng lượng Nga).

6. Quốc gia hóa giới tinh hoa

Trong rủi có may. Lệnh cấm vận là rủi. Giới chính trị ở đây rất tự do và có tư tưởng phương Tây trong bí mật. Nếu gió đổi chiều, sẽ xảy ra một cơn sóng thần đào ngũ của những người có tiền bạc, tài sản và gia đình ở phương Tây. Đây là một mối lo của Putin.

Cấm vận càng loại bỏ giới oligarch khỏi tài sản và công việc kinh doanh ở phương Tây thì số phận họ càng phụ thuộc vào sự tồn vong của Putin. Ông ấy gọi đó là “sự quốc gia hóa giới tinh hoa”. Nếu “lệnh cấm vận từ Địa Ngục” thật sự xảy ra, sợi dây kết nối 100,000 gia đình ưu tú nhất ở đây với châu Âu và Mỹ sẽ bị xói mòn nghiêm trọng.

Bắt đầu tự sản xuất lương thực cho chính mình cũng là một lựa chọn tốt. Người Đức không thua Thế chiến 1 trên chiến trường, mà do họ cạn kiệt lương thực. Điều này sẽ không xảy ra với chúng tôi đâu.

——–

Dưới đây là bức tranh “Putin đánh cắp cầu vồng từ gay” của học sinh 9 tuổi Antón Morózov.

Mô-típ này phản ánh kỹ năng thượng thừa của ngài Tổng thống trong việc sử dụng hình ảnh và thần thoại cho mục đích chính trị.

Đường lối đối đầu phương Tây của ông có thể làm mất đi động lực kinh tế và chính trị từng có thời ông mới cầm quyền. Nhưng nó đảm bảo sự ổn định và yên tĩnh dường như đang thiếu hụt ở phần còn lại của thế giới hiện nay.

Theo: Trần Minh Ngọc

You may also like

Leave a Comment