Tiểu sử Che Guevara 

by admin

Che Guevara, tên thật là Ernesto Guevara de la Serna sinh ngày 14/6/1928, ở thành phố Roserio của Argentina, một trong những thành phố quan trọng nhất Argentina, là con cả trong năm người con của một gia đình trung lưu người Ireland gốc Tây Ban Nha. Cha của ông, Ernesto Guevara Lynch, là một kỹ sư; mẹ ông, bà Celia de la Serna, là một phụ nữ có tư tưởng cấp tiến.

Năm lên hai tuổi, Che bị viêm phổi và sau đó phát triển thành bệnh suyễn, căn bệnh này đã theo ông trong suốt cuộc đời. Ngay từ hồi còn bé, ông đã nhận thức rằng, mỗi người đàn ông sinh ra, trong cuộc đời đều có cuộc chiến tranh của mình. Che đã tuyên chiến với căn bệnh này và đã bắt đầu tập luyện các môn thể thao mà thường thì người ta cấm những người mắc bệnh hen suyễn tập như: Bóng đá, chạy, quần vợt, chơi gôn, bơi lội, đấu kiếm, leo núi, võ thuật, bóng chuyền, bóng rổ, bơi thuyền…

Năm lên 9 tuổi, lần đầu tiên Che quan tâm đến chính trị khi ông theo dõi cuộc nội chiến Tây Ban Nha và đánh dấu các bước tiến triển quân sự trên bản đồ. Năm 1943, Che học xong trung học phổ thông ở Cordaba và bắt đầu làm bạn với anh em nhà Granado và anh em nhà Ferrer. Năm 1948, Che đăng ký học khoa Y thuộc Đại học Buenos Aires. Ngày 1/1/1950. Che đi hơn 4.500km băng qua phía Bắc Argentina bằng xe đạp gắn động cơ. Ông sống ở khu người mắc bệnh phong Chanar một thời gian và làm việc trong đội xây dựng xa lộ quốc gia và đội thương thuyền của Argentina.

Tháng 1/1952, Che cùng người bạn thân, Alberto Granado, một nhà hóa sinh, thực hiện cuộc hành trình xuyên châu Mỹ La Tinh trên chiếc mô tô Norton 500 phân khối. Trong chuyến đi này, Che đã qua nhiều nước Nam Mỹ, học rất nhiều điều từ cuộc sống và chứng kiến nhiều cảnh đời trái ngược nhau: sự giàu có thừa mứa của những tên tư sản người bản xứ và các ông chủ người Mỹ; đối nghịch lại là tình cảnh khốn khổ bị chà đạp của những người nông dân nghèo khó và thổ dân da đỏ. Ngày 31/8/1952, Che trở về Buenos Aires để hoàn thành việc học.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1953, Che quyết định thực hiện một cuộc viễn du đi châu Mỹ La tinh lần hai. Trong chuyến đi này, Che đã chứng kiến sự cấu kết giữa chính quyền Panama với Mỹ và sự thống trị của công ty United Fruit ở Costa Rica cũng như sự bất lực của chính quyền dân chủ Jacobo Arbenz không được vũ trang ở Guatemala khi đối phó với cuộc đảo chính do Mỹ giật dây. Ngày 23/12, ông gặp Hilda Gadea, một người Peru lưu vong. Ngày 26/12, Gadea giới thiệu ông với những người Cuba lưu vong trong phong trào 26/7. Trong số đó có Nico Lopez, người mà sau đó đã đặt cho ông biệt danh “CHE”. Ông làm việc tại một bệnh viện.

Năm 1955, Che đến Mexico và ông đã gặp anh em Castro tại đây. Fidel Castro mời ông tham gia cuộc chiến lật đổ chính quyền Batista, ông đồng ý. Ngày 18/8, Che kết hôn với Hilda Gadea, lúc đó đang mang thai. Ông kiếm sống bằng nghề chụp ảnh dạo, và có một thời gian ngắn ông làm phóng viên ở Liên Châu Mỹ Vận Hội cho tờ báo Agencia Latina. Ngày 25/10, Che cùng 81 người lên con tàu Granma rời Mexico thực hiện cuộc đổ bộ vào Cuba. Đã có rất nhiều tác phẩm nói về quá trình chiến đấu của đội quân du kích do Fidel Castro lãnh đạo từ Sierra Maestra (Rặng Núi Thầy) lan ra toàn quốc, trong đó Che nổi bật như một chiến sĩ can trường và kỷ luật, từng 2 lần bị thương, và được phong cấp bậc cao nhất trong quân đội du kích là “Tư lệnh cấp cao”. Ông sử dụng bí danh “Lính bắn tỉa” trong các bài viết đăng trên tờ báo của lực lượng du kích “Người Cuba tự do”. Suốt hơn 3 năm chiến đấu, Che đã chứng tỏ tài năng quân sự kiệt xuất của mình. Ông nhanh chóng chiếm được lòng tin của Fidel Castro. Che là người đầu tiên được phong tư lệnh và đạt ngôi sao vàng trên mũ vào tháng 12/1957, trước cả Raul Castro và Camilo Cienfuegos. Ngày 27/12, Che quyết định tiến vào thành phố Santa Clara, thủ phủ của tỉnh Las Villas và giành thắng lợi vang dội. Đây là một trong những trận đánh quan trọng nhất của quân du kích.

Tháng 1/1959, cách mạng Cuba thành công và những người lính tiến vào thành phố La Habana được chào đón như những anh hùng. Sau cách mạng, Che đã kinh qua những chức vụ quan trọng của chính quyền non trẻ, ban đầu là Thống đốc Ngân hàng quốc gia và sau đó là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Che cũng thường xuyên thực hiện các chuyến công du tìm kiếm sự ủng hộ cách mạng Cuba từ Liên Xô, các quốc gia châu Á, châu Phi và Đông Âu. Với tư cách là đại diện chính thức của nhà nước Cuba, Che tham gia nhiều cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc cũng như các hội nghị của nhiều diễn đàn khác nhau để nói lên tiếng nói không chỉ của người dân Cuba mà còn của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Ngày 21/1/1959, Hilda Gadea cùng con gái là Hildita Guevara đến Cuba. Họ đồng ý ly hôn. Ông vẫn giữ một mối quan hệ thân thiện. Ngày 2/6/1959, ông kết hôn với Aleida March, người mà ông đã quen trong quá trình chiến đấu, và sau này họ có 4 người con (Aleida, Camilo, Celia và Ernesto). Che đã đề ra ý tưởng rằng Cách mạng không chỉ tạo điều kiện cho những thay đổi xã hội mà còn cả sự ra đời của một “con người mới”. Trong bài viết “Chủ nghĩa xã hội và con người tại Cuba” (1965), ông chỉ ra rằng không phải chờ đợi những thay đổi xã hội và kinh tế tự thay đổi con người, mà phải thúc đẩy quá trình phát triển “một ý thức trong đó các giá trị chuẩn phải vươn lên cấp độ mới” tương thích với quá trình biến đổi đang diễn ra trong xã hội. Về nhu cầu thành lập và cơ cấu một chính đảng từ phong trào du kich, Che trong bài viết “Đảng Marxist Leninist (1963) đã đề xuất rằng chính đảng này phải là “công cụ để thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, lanh xđạo giai cấp này, vạch ra con đường tiến tới thắng lợi… và nhiệm vụ của Đảng là tìm ra con đường ngắn nhất để đạt được chuyên chính vô sản”, và khẳng định rằng để thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, cần phải có một Đảng Cộng sản.

Theo hướng đi này, ông đã tham gia vào các vận động hợp nhất Phong trào 26/7, Ban lãnh đạo Cách mang 13/3 và Đảng Xã hội chủ nghĩa nhân dân, thành Các Tổ chức Cách mạng hợp nhất năm 1961, sau đổi thành Đảng Đoàn kết Các mạng xã hội chủ nghĩa Cuba vào năm 1962 và từ ngày 3/10/1965, là Đảng Cộng sản Cuba. Che cũng chỉ ra rằng để đạt được mục đích của mình, Đảng phải vận dụng các biện pháp và phong cách để luôn luôn “gắn bó mật thiết với quần chúng, nắm bắt khát vọng và ý tưởng của quần chúng, vận dụng nghiêm khắc kỷ luật Đảng trên nguyên tắc dân chủ tập trung và đồng thời, phải có tranh luận, phê và tự phê một cách cởi mở”. Nhiều người, kể cả những người hâm mộ ông, thường nói về Che như một hình tượng của chủ nghĩa anh hùng phiêu lưu, ưa thích mạo hiểm, một dạng “Robin Hood” của thời hiện đại, dẫn đầu một nhóm chiến binh nhỏ chiến đấu một cách can đảm (nhưng tuyệt vọng) theo hình thức du kích chống lại những kẻ áp bức.

Tháng 4/1965, Che bí mật rời Cuba đi Congo. Trước đó, Che đã viết cho Castro một lá thư từ biệt nổi tiếng. Từ 1965 đến 1967, Che thực hiện sứ mạng quốc tế của mình ở Congo và Bolivia, Ông tổ chức các đội quân du kích chống lại chính quyền thân của Mỹ ở các quốc gia này. Trên thực tế, di sản của ông còn quan trọng hơn thế rất nhiều. Che không hề là một người cách mạng ngẫu hứng, ông sở hữu một nền tảng tri thức văn hóa rộng lớn, đọc sách và trau dồi kiến thức không biết mệt, từng có đúc kết “Chỉ có tri thức mới thực sự giải phóng con người” rất gần với tư tưởng của José Martí (1843-1895, nhà tương tưởng và đấu tranh giải phóng vĩ đại của Cuba và Mỹ Latinh, từng để lại câu danh ngôn “làm người có học để làm người tự do”). Ông từng nghiên cứu sâu chủ nghĩa Marxist Leninist, và với một ý chí chính trị sắt đá, ông luôn mạnh dạn đưa những tri thức mới vào việc vận dụng liên tục học thuyết này. Điều này được minh chứng qua những phân tích về nền kinh tế tư bản và của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nơi ông đã đưa ra những phê bình và dự báo về những nguy cơ từ rất lâu trước khi khối này sụp đổ. Che cũng luôn ủng hộ việc mở rộng chiến tranh du kích ra các dân tộc nhỏ bé bị áp bức khác trên thế giới với niềm tinrằng, trong thực tiến thế giới vào thời điểm đó, những con đường hòa bình để giải phóng các dân tộc đã cạn kiệt và chỉ có kháng chiến vũ trang tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh mới có thể đánh bại các thế lực đế quốc. Đó chính là ý tưởng nền tảng của khẩu hiệu nổi tiếng mà ông đã đưa ra: “Tạo ra 2, 3 … và nhiều Việt Nam” được biết tới trên thế giới dưới tên gọi “Thông điệp tới Hội nghị 3 châu lục” (1967).

Ngày 8/10/1967, Che cùng hai đồng đội của mình bị quân đội Bolivia dưới sự huấn luyện của CIA bắt giữ tại làng La Higuera. 13 giờ 10 phút ngày 9/10/1967, Che bị hành quyết tại một ngôi trường dưới sự giám sát của nhân viên CIA, Felix Rodriguez. Nơi chôn thi thể của ông được giữ kín trong suốt 30 năm sau đó. Trong lời nói đầu của “Nhật ký Che tại Bolivia” (1968), Fidel Castro đã tái hiện lại những thời khắc cuối cùng: “Có thể xác định rằng Che đã chiến đấu trong tình trạng bị thương cho tới khi khẩu súng M-2 của ông bị một viên đạn của quân địch phá hỏng hoàn toàn, còn khẩu súng lục của ông lại bị kẹt đạn. Chính những tình huống không thể tin nổi này giải thích vì sao kẻ thù có thể bắt sống ông… Những giờ phút cuối cùng dưới tay của những kẻ thù đáng khinh hẳn là rất đắng cay với ông. Nhưng không một ai lại được chuẩn bị tốt hơn Che để đối diện thử thách khắc nghiệt đó…”, một con người luôn hành động nhất quán với những gì mình đã vạch ra và từng viết trong “Thông điệp tới Hội nghị 3 châu lục” chỉ ít lâu trước khi ông qua đời: “Ở bất cứ nơi đâu mà cái chết bất ngờ ập đến với ta, nó đều được chào đón, khi mà tiếng thét xung trận của chúng ta tới được một đôi tai nghe và khiến một cánh tay vươn ra để tiếp lấy vũ khí của chúng ta để những con người khác lại tiếp tục khúc ca bi tráng của súng trường, của những tiếng thét xung trận và hô mừng chiến thắng mới”.

Năm 1997, di hài Che được tìm thấy tại đường băng gần làng Vallegrande và được đưa về Cuba vào ngày 17 tháng 10 năm 1997. Hiện giờ Che và các đội viên du kích được an táng tại nghĩa trang Santa Clara cách thủ đô La Habana về phía Nam 300km.

You may also like

Leave a Comment