Khi Hà Lan thống trị thế giới: Sự thăng trầm của công ty Đông Ấn Hà Lan

by admin

Hà Lan, một quốc gia tí hon ở châu Âu nhưng lại là một trong những nước giàu có nhất kiêm trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất lục địa này. Thành công đáng kinh ngạc của người Hà Lan gắn liền với một công ty, được cho là công ty vĩ đại nhất và thành công nhất lịch sử. Hãy cùng tìm hiểu quá trình vươn mình của Hà Lan: từ một vùng đất ngập nước trở thành một đế chế thương mại toàn cầu nhờ công ty Đông Ấn Hà Lan như thế nào.

Sự khai sinh của Hà Lan

Hà Lan ngày nay là một cường quốc kinh tế nhưng trong thế kỷ 16 thì không được như vậy. Lúc đó nó thậm chí còn chưa phải là một quốc gia độc lập. Hà Lan bấy giờ chỉ là một thuộc địa của Đế Quốc Tây Ban Nha. Là một trong nước phát triển sớm nhất châu Âu nhờ kỹ thuật đi biển, Đế Quốc Tây Ban Nha kiểm soát một vùng thuộc địa rộng lớn trên khắp thế giới. Họ đã dùng nguồn tiền khổng lồ có được từ buôn bán nô lệ và thương mại để phát động vô số cuộc chiến tranh và đàn áp các vùng đất khác.

Hà Lan đã trở thành nạn nhân của Tây Ban Nha bởi một trong những cuộc chiến đó. Họ bị buộc phải trở thành một phần của đế chế này bởi một cuộc hôn nhân, và người Hà Lan đã mất 80 năm để giành được độc lập.

Nhưng nền độc lập non trẻ của Hà Lan đã gặp phải một vấn đề lớn. Như các bạn đã biết, người Hà Lan là một dân tộc chuyên đi biển. Đánh bắt cá và thương mại là công việc mà họ đã làm trong nhiều thế kỷ. Hàng hóa chủ yếu là gia vị đến từ Viễn Đông, nhưng đây là câu chuyện trước khi người Hà Lan có thuộc địa cho riêng mình.

Đó là thời điểm mà Bồ Đào Nha vẫn còn đang nắm độc quyền trong việc buôn bán gia vị; họ kiểm soát tất cả các tuyến đường thương mại biển chính giữa châu Á và châu Âu. Vì thế, người Hà Lan đã mua lại gia vị từ Lisbon và vận chuyển chúng đi khắp châu Âu để bán kiếm lời. Nhưng rồi Bồ Đào Nha bị sáp nhập vào Đế Quốc Tây Ban Nha năm 1580, và điều đầu tiên mà Tây Ban Nha làm là chấm dứt giao thương giữa Lisbon vời những thương nhân Hà Lan.

Huyết mạch chính của nền kinh tế Hà Lan đột ngột bị cắt đứt nên điều duy nhất mà các thương nhân Hà Lan có thể làm là phải dong thuyền đến Viễn Đông và xây dựng mạng lưới thương mại của riêng mình.

Công ty Đông Ấn Hà Lan ra đời

Những nỗ lực này mới đầu rất tản mác: các thương nhân từ nhiều thành phố của Hà Lan thành lập công ty cho một chuyến đi duy nhất tới châu Á.

Họ đóng đội thuyền gồm vài chiếc và cho chúng ra khơi cùng các thủy thủ để tìm kiếm một tuyến đường thương mại mới tới Viễn Đông. Một số chuyến đi như vậy đã thành công và trở về với những con tàu đầy ắp gia vị, nhưng đa số thì không được thuận buồm xuôi gió cho lắm. Trong vòng sáu năm đầu tiên, đã có 65 chiếc thuyền ra khơi. Cứ mười tàu thì có một chiếc không bao giờ trở lại; ngay cả những chiếc chiếc trở về được thì trung bình cũng chỉ có ⅓ số thành viên thủy thủ đoàn sống sót. Điều này là quá đủ để chứng minh cho ta thấy nghề thủy thủ của thời đại này khắc nghiệt tới mức độ nào.

Tuy nhiên, những chuyến đi đầu tiên này đã đem lại cho người Hà Lan kiến thức và kinh nghiệm quý giá để thiết lập một mạng lưới thương mại bền vững sau này. Và không chỉ Hà Lan, cả Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đều đang cố gắng thiết lập đế chế thương mại của riêng mình. Trước tình cảnh này, các thương nhân Hà Lan biết rằng họ phải đoàn kết lại với nhau.

Năm 1602, dưới sự bảo trợ của thủ tướng Hà Lan, các công ty thám hiểm hợp nhất thành một công ty duy nhất với những đặc quyền to lớn. Cái tên gốc của nó không phải là công ty Đông Ấn Hà Lan như ngày nay ta vẫn gọi, mà là Vereenigde Oostindische Compagnie (VOC, nghĩa là “Công ty Đông Ấn Hợp Nhất” trong tiếng Hà Lan). Một chương mới trong lịch sử Hà Lan đã chính thức bắt đầu.

Động cơ chính trị của việc này vô cùng rõ ràng: người Hà Lan cần một động lực kinh tế mới để chống lại Tây Ban Nha và khôi phục lại đất nước vốn đã bị chiến tranh tàn phá. VOC là hy vọng duy nhất của họ nên nó không chỉ được độc quyền thương mại, mà còn được phép xây dựng quân đội riêng, được đàm phán-tuyên chiến, chiếm đất và đẩy mạnh chế độ nô lệ.

Lần IPO đầu tiên trong lịch sử nhân loại

Nhưng tất cả những đặc quyền đó là vô nghĩa nếu VOC không có khả năng thực hiện chúng, và chinh phục Viễn Đông còn cần rất nhiều vốn. Tuy nhiên, VOC đã tìm ra một giải pháp tài tình – điều đã trở thành trụ cột cho chủ nghĩa tư bản hiện đại.

VOC xây dựng một địa điểm tại trung tâm Amsterdam để mọi người dân Hà Lan có thể trao đổi, mua bán cổ phiếu của công ty. Hoạt động này cung cấp nguồn tiền cho VOC hoạt động để đổi lại lợi nhuận mà các cổ đông sẽ được hưởng trong tương lai.

Đây chính là hình thái đầu tiên của thị trường chứng khoán trên thế giới, và VOC chính thức trở thành công ty đầu tiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong lịch sử nhân loại.

Gần như tất cả những người giàu tại Hà Lan bấy giờ đều đầu tư vào VOC, thậm chí cả nhiều người nhập cư cũng vậy. Đợt IPO đầu tiên này của VOC đã thu về hơn 6 triệu guilder, tương đương khoảng 110 triệu đô la Mỹ ngày nay. Và hãy nhớ rằng khoản tiền đó đến từ một nước vẫn bị Tây Ban Nha chiếm đóng một nửa, cùng nền kinh tế đã kiệt quệ trong một thập kỷ.

Tất nhiên là có các điều kiện ngoại cảnh thuận lợi. Đế Quốc Tây Ban Nha bấy giờ đang chiến tranh với Anh, cho phép người Hà Lan tràn sang Viễn Đông và đánh bật Bồ Đào Nha.

Sự thăng trầm của VOC

Nạn nhân đầu tiên trong tham vọng chinh phục thuộc địa của VOC là Indonesia. Công ty Hà Lan này đã chinh phục được vùng đất mà nay là Jakarta vào năm 1611, tàn sát hết dân bản địa và xây dựng các đồn điền gia vị rộng lớn trên các hòn đảo gần đó. Với đảo Java làm căn cứ chính, móng vuốt của VOC bắt đầu lan rộng khắp vùng Viễn Đông.

Các nhà máy của VOC ở Ấn Độ sản xuất lụa và vải thổ cẩm, sau đó vận chuyển đến Nhật Bản để bán lấy bạc. VOC cũng nhập lụa và đồ gốm sứ cao cấp từ Trung Quốc.

Tỷ suất lợi nhuận mà VOC kiếm được khi độc quyền các tuyến đường thương mại này lên tới 1500%, và tất nhiên là tất cả đều được chuyển về Hà Lan.

Hà Lan cuối cùng cũng giành được độc lập vào năm 1648. Kể từ đó, tất cả lợi nhuận của VOC đều được đầu tư vào một dự án duy nhất ở Hà Lan: cải tạo đất. Địa hình Hà Lan cực kỳ bằng phẳng và nằm dưới mực nước biển, nên rất dễ gặp lũ lụt. Nhưng nếu xây đê ngăn nước thì có thể biến đầm lầy thành đất nông nghiệp, và đó chính xác là những gì người Hà Lan đã làm với lợi nhuận từ VOC.

Chỉ cần nhìn vào bản đồ là bạn sẽ biết VOC hoạt động mạnh mẽ đến mức nào. Trong suốt hai thế kỷ tồn tại, lượng tàu của VOC lên tới hơn 1.500 chiếc, và ngày nay người ta vẫn còn cảm nhận được ảnh hưởng của nó. Nhiều thuộc địa cũ của Hà Lan vẫn còn phải chịu đựng những vết thương của thời kỳ đó.

Nhưng VOC còn có những di sản thú vị khác mà ít người biết. Ví dụ: Capetown khởi đầu là một trạm nghỉ của VOC vào năm 1652. Một thập kỷ trước đó, một thương nhân của VOC đã phát hiện ra hai vùng đất lớn ở phía nam Ấn Độ Hà Lan. Ông gọi chúng là New Holland (Australia ngày nay) và New Zealand. Nhưng đúng như hoàn cảnh lý tưởng đã tạo cơ hội cho người Hà Lan trở thành một đế chế trước đó, một sự kiện cuối thế kỷ 18 đã tiêu diệt VOC.

Mọi chuyện bắt đầu khi Hà Lan thua trận trước Anh vào năm 1784 (chiến tranh Anglo-Hà Lan lần thứ 4 [1]), làm gián đoạn mạng lưới thương mại của VOC tại châu Á. Chỉ một thập kỷ sau đó, Cộng Hòa Pháp mới ra đời đã xâm lược Hà Lan và chinh phục được quốc gia này. Cùng lúc bị Anh tấn công ở châu Á và Pháp tấn công tại quê nhà, VOC không còn cơ hội chống trả và đã phá sản vào năm 1799. Khi không còn giữ được các tuyến đường thương mại vận chuyển gia vị, Hà Lan đã chính thức đánh mất vị thế là siêu cường toàn cầu.

Theo: Hoàng Hải Đăng

You may also like

Leave a Comment