MÌNH LÀ MỘT NẠN NHÂN CỦA PEER PRESSURE

by admin

Những ngày vừa qua, mình thấy hình ảnh của một bản thân thật xấu xí trong những chạy đua, những đố kị, những xấu hổ và những tự trách cứ. Mình đã phớt lờ cảm xúc này cho đến khi nó âm thầm xâm chiếm khắp cơ thể và ứ đầy nơi cuống họng. Và chỉ đến lúc đó mình mới nhận ra, mình cũng là một nạn nhân của peer – pressure.

Là một cô gái biết yêu thương và vỗ về bản thân, mình đã không hề biết thì ra mình cũng phải đối mặt với peer – pressure như bao bạn trẻ khác. Và mình thấy thương chúng ta lắm, những người trẻ đang phải vật lộn nỗ lực hơn mỗi ngày, với áp lực phải theo kịp người khác, và rệu rã vào cuối ngày trong sự dằn vặt, trách cứ, tự ti…

Hai tháng vừa rồi mình đã biến mất trên trang blog cá nhân và kênh podcast vì muốn muốn dồn 100% sức lực và tâm trí cho một khoá học. Mình đã rất nỗ lực, để rồi khi nhận được nhận xét của thầy mentor, sự tự tin trong mình sụp đổ thành trăm mảnh dưới đôi chân. Thầy bảo: “Bài này của em chẳng có sự thay đổi và tiến bộ gì hết.”

Câu nói của thầy va vào âm vang của một trải nghiệm quá khứ, nơi mình cũng từng nhận được một lời nhận xét tương tự của giáo viên lớp đại học. (Nếu các bạn theo dõi tập podcast đầu tiên của mình mang tên “Tôi Và Bạn Đến Với Trái Đất Này Để Làm Gì” sẽ thấy mình đã nhắc đến sự kiện này như một bước ngoặt cuộc đời).

Thì ra, dù chúng ta trưởng thành, chữa lành những vết thương cũ, gói ghém lại thành những bài học, thì chúng ta vẫn có thể dễ dàng tổn thương vì cảm giác thua kém. Chúng ta vẫn là những đứa trẻ đang tập lớn và vụng về nhặt lại những mảnh vỡ của trái tim dưới đôi chân.

Sau này khi quan sát lại cảm xúc, mình nhận ra rằng những lời nhận xét, phủ nhận đó của thầy cô sẽ chẳng thể tác động lớn đến mình nếu mình không cho phép bản thân so sánh mình với các bạn học và tự thấy thua kém.

Xu hướng hành vi so sánh xã hội đã khiến phần lớn loài người chúng ta trở thành nạn nhân của áp lực đồng trang lứa.

??ÁP LỰC CÓ TẠO KIM CƯƠNG?

Bất chấp nhiều người cho rằng áp lực là có ích để chúng ta phấn đấu phát triển hơn; hiện thực xã hội và khoa học chứng minh điều trái ngược. Chúng ta chứng kiến không ít những trường hợp đau lòng do áp lực để lại. Việc liên tục bị đè nén bởi áp lực vô cùng có hại cho sức khoẻ tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Theo Nicholas Petrie, nếu không biết cách đối mặt tích cực, áp lực dễ dàng chuyển hoá thành stress. Giáo sư tâm lý học Hendrie Weisinger khẳng định: “không ai có thể thực hiện tốt công việc dưới áp lực.”

Với những trải nghiệm của bản thân và những kiến thức mình đọc được, mình tin rằng áp lực là độc hại. Pressure và stress kích hoạt một cơ chế bản năng của con người, đó là cơ chế tự phòng vệ với hiểm hoạ, và đưa ta vào trạng thái phản hồi Fight or Flight (tức là chiến đấu hoặc chạy trốn). Tệ hại thay, đối tượng để ta phòng vệ và chiến đấu không phải những vật thể hữu hình bên ngoài như thú săn mồi, mà lại đến từ bên trong chính chúng ta. Đó là những áp lực vô hình về sự hoàn hảo, điểm số, thành công, và về sự tự so sánh, phán xét, trách cứ… Chúng ta vừa là kẻ tấn công, vừa là nạn nhân, và chúng ta tan vỡ từ bên trong. Kết quả của áp lực và stress kéo dài, chúng ta mệt mỏi, chán nản, suy nhược và cơ thể đình trệ, thậm chí tự làm hại bản thân. Đây rõ ràng không phải là nguồn động lực có ích như mọi người vẫn nghĩ về áp lực tạo kim cương.

??LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA?

1. Tôn trọng và ôm ấp cảm xúc của mình.

Khi bạn dừng lại nơi bài viết này, mình biết bạn cũng đang mệt mỏi và lo sợ với những áp lực đồng trang lứa, tự so sánh bản thân với người khác và cố gắng tìm kiếm sự hoàn hảo. Mình hiểu cảm giác của bạn. Nếu trái tim đã quá nặng nề, cuống họng đã ứ nghẹn, hãy đặt xuống sự nỗ lực và sự tự trách một lúc nhé. Hãy ôm ấp lấy trái tim bạn, hoặc cơ thể đang căng cứng của bạn để nói rằng:

“Ồ, cậu đang gặp thất bại ư? Cậu chắc hẳn thấy tệ lắm. Để tớ ôm cậu một chút nhé. Không sao hết, thất bại là điều bình thường của hành trình trưởng thành mà.”

Quay trở lại bên trong chính mình, ôm ấp và vỗ về những xúc cảm, tôn trọng và ghi nhận chúng mà không phán xét, dành thời gian cho bản thân… đó là điều mình đã làm để vượt qua peer – pressure và cảm giác thua kém.

2. Phương pháp SUY NGHĨ KHUẾCH TÁN (Diffuse thinking)

Có hai loại suy nghĩ, đó là suy nghĩ tập trung và suy nghĩ khuếch tán. Trước một vấn đề, ta thường tập trung quá đà vào nó, vận dụng mọi cách để xử lý. Tuy nhiên đôi khi cách này không hiệu quả và khiến ta nhìn thấy vấn đề to oạch như bức tường thành. Đó là lúc suy nghĩ khuếch tán trở nên có ích: chuyển sự chú tâm sang điều khác, cho bộ não đi dạo trên mây, nhờ thế ta có những góc nhìn khác và sự sáng tạo được kích hoạt để xử lý vấn đề.

Tương tự, khi đối mặt với peer pressure, ta thường quá tập trung zoom in vào vấn đề, điểm yếu, lỗi sai của bản thân, điều đó khiến ta mắc kẹt trong sự thua kém và tự so sánh. Lúc này, ta nên chuyển hướng sự chú tâm vào những điểm khác: thế mạnh, điểm đặc biệt, sở thích, mong muốn thực sự của mình… Ví dụ, khi mình suy sụp với điểm số của bản thân thời đại học, mình đã tham gia tổ chức sinh viên AIESEC và khám phá được thật nhiều những lĩnh vực khác mình có thể giỏi và những điểm mạnh độc nhất của mình. Từ đó mình tìm lại được sự tự tin.

Thay vì quá tập trung vào vấn đề, vào việc cải thiện kết quả của bản thân để bằng người khác, bạn hãy thử khuếch tán sự chú tâm của mình xem sao nhé: nửa tiếng đi dạo, vài ngày nghỉ ngơi không làm việc, đi ngủ, ăn vài món ăn mình thích, tạm gác việc này lại và làm sang việc khác… Khi bạn quay trở lại làm việc với một tâm trí thư giãn hơn, bạn sẽ thấy bạn làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn rất nhiều đó.

3. Yêu thương bản thân vô điều kiện

Hãy yêu thương và tôn trọng bản thân như một người thân yêu nhất: người bạn thân, người con, bố mẹ, chú cún cưng… Điều đó có nghĩa rằng bạn không cần phải hoàn hảo để được yêu thương. Bạn cũng sẽ không phán xét hay ghét bỏ những lỗi lầm cuả mình. Mình có làm một tập podcast mang tên “1/5 giây Để Yêu Bản Thân”, các bạn có thể tìm lại và tham khảo nhé.

4. Biết rằng bạn là độc nhất vô nhị

Nhớ rằng bạn là duy nhất với những nét đẹp và thế mạnh riêng biệt, tự bản thân bạn đã trọn vẹn và ý nghĩa với cuộc đời này. Vậy nên, bạn không cần phải cố gắng để trở thành một ai khác và theo đuổi con đường giống họ. Hãy tìm cho mình một mục đích riêng và nhắc nhở bản thân về con đường của mình mỗi khi bị lung lay bởi thành công của người khác.

5. Buông xả những cảm xúc tiêu cực

Hai liệu pháp toàn năng và bất bại mình vẫn dùng mỗi khi cảm thấy không ổn đó là VIẾT và THIỀN. Bạn hãy thử viết liên tục những cảm xúc và nhu cầu của bản thân kín ba trang giấy mà không dùng lí trí xem, mình đảm bảo bạn sẽ thấy nguôi ngoai hơn rất nhiều. Bạn cũng nên thực tập thiền để tâm trí được thư giãn và lắng đọng nhé. Chỉ cần 15 – 20 phút mỗi ngày là đã có ích cho sức khoẻ tinh thần của bạn lắm rồi. Cuối cùng, bạn có thể chia sẻ với người thân yêu về những gì bạn đang đối mặt để nhẹ lòng hơn nhé.

?
?

KẾT

Mình đọc ở đâu đó rằng, hành trình trưởng thành của chúng ta không phải là một đường thẳng mà là một đường trôn ốc. Nhìn ở mặt phẳng 2D ta chỉ thấy nó xoay quanh một điểm, nhưng dưới góc độ 3D thì lại đang tiến dần lên. Điều đó đồng nghĩa trên hành trình này, chúng ta có thể mắc lại những lỗi lầm cũ, lặp lại những bài học cũ. Nhưng cho dù trong tận cùng khó khăn và thất bại, chúng ta vẫn đang từ từ đi lên và phát triển như vòng trôn ốc. Bạn đang làm rất tốt, vậy nên hãy cho phép bản thân được mắc lỗi, được không hoàn hảo. Chỉ cần ghi nhớ điều đó và vững vàng bước tiếp bạn nhé.

Thanh Alice.

You may also like

Leave a Comment