BÓNG ĐÁ – MIẾNG ĐẤT MÀU MỠ CỦA CÁC TẬP ĐOÀN THỜI TRANG.

by admin

Tại sao bóng đá luôn được mệnh danh là môn thể thao vua – bộ môn túc cầu luôn thu hút hàng triệu, chục triệu con người theo dõi theo từng nhịp bóng. Tình yêu với bóng đá, với từng bóng đá cũng mù quáng không kém. Có những con người vì đam mê một sắc màu đỏ sẵn sàng ngậm đắng nuốt cay, sẵn sàng chịu bao nhiêu áp lực cuộc sống để vẫn mang trên mình tình yêu tuyệt đối. Với sức ảnh hưởng như thế thì các cầu thủ đá bóng luôn luôn là thần tượng của nhiều người – với sự phát triển của mạng xã hội với các công cụ tiếp cận được sâu hơn giữa siêu sao – người theo dõi thì chúng ta càng xem xem cầu thủ này mặc gì, cầu thủ này mặc chi, ăn gì, làm sao. Rõ ràng các ngôi sao bóng đá nếu phù hợp với tuyên ngôn thời trang, với thông điệp của nhãn hàng cũng như có cá tính, quan điểm riêng biệt và xây dựng được văn hóa fashion riêng thì chắc chắn cũng có thể trở thành một thế lực “gì đó” trong cộng đồng thời trang.

Nhưng rõ ràng không phải ai cũng làm được điều này. Nếu so với thế hệ trước, chỉ duy nhất một cầu thủ mà các thương hiệu thời trang có thể làm nên chuyện khi hợp tác truyền thông – không ai khác chính là người đàn ông nhiều lần xuất hiện trong danh sách “Người đàn ông hấp dẫn nhất hành tinh” David Beckham. David Beckham chính là một cột mốc về khái niệm “Cầu thủ siêu sao” – tức là cầu thủ không chỉ nổi tiếng ở bóng đá mà còn lấn sân sang quảng cáo, thời trang, nước hoa và tăng tầm ảnh hưởng của mình ra nhiều. Vốn dĩ lúc đó David Beckham nhận rất nhiều chỉ trích vì không tập trung vào sự nghiệp đá bóng – nhưng cuộc chơi nào cũng phải có người dẫn đầu. Sự thành công của Becks đã là mở đường cho việc nhiều siêu sao bóng đá hiện tại đang phát triển trên con đường thời trang.

Đến cả CLB hiện tại cũng không giống như ngày xưa nữa – nếu ngày xưa thuần tình yêu bóng đá thì giờ đây nó là một mảng kinh doanh siêu lợi nhuận. Các ClB bóng đá giờ đây đứng dưới các tập đoàn kinh tế siêu giàu với những cái đầu sạn, một đội ngũ sẵn sàng mang lại cho các chủ clb một số tiền không hề nhỏ. Họ khai thác mạnh mẽ về việc xây dựng hình ảnh mạng xã hội của các cầu thủ đá bóng – hệ thống và chuyên nghiệp hóa việc phát hành Jersey kits/áo đấu hay các merchandise đi kèm. Và tất nhiên bao gồm cả việc hợp tác với các thương hiệu thời trang cao cấp trên thế giới theo một cách hoàn toàn khác.

Nếu như ngày xưa, các thương hiệu thời trang được biết tới với bộ môn “Bóng đá” thì thường là biểu tượng của fan club, của những gã hooligan điên cuồng. Nếu ở nước Anh thì giai đoạn 1970s-1980s thì Dr Martens là đôi boots được yêu thích bậc nhất. Mà mọi người đều biết là giày Dr thì đế nó cứng như thế nào, và thế là giận dữ sao là quăng đôi giày xuống. Nó gây hại tới mức khoảng thời gian sau đó police bắt buộc người xem đá bóng phải tháo ra. Tương tự với Stone Island khi đây là đồng phục của các gã fan điên cuồng rải đều khắp Châu Âu.

Thời thế nay đã khác, với những cú bắt tay giữa các tập đoàn/ông chủ quản lý CLB và các thương hiệu thời trang cao cấp thì luxury brands ngày càng có chỗ đứng trong ngành công nghiệp bóng đá với giá trị 25.2 tỷ euro. Bên cạnh đó, bản quyền với các cầu thủ siêu sao hiện tại như Cristiano Ronaldo, Lionel Messi hay Neymar Jr giúp họ bung các campaign, các lookbook hình ảnh tiếp cận với hàng trăm triệu con người trên toàn thế giới một cách dễ dàng hơn.

CLB bây giờ không chỉ là có mỗi mấy cái logo trên chiếc áo đấu mà họ kiếm được rất nhiều từ các hợp đồng tài trợ chính thức từ đồ uống, ngân hàng, hãng hàng không, phương tiện vận chuyển và thời trang. Không chỉ đơn thuần là các hãng chuyên về thể thao như Nike, adidas, Puma hay New Balance mà giờ để tăng tính “Lifestyle” cho con gà đẻ trứng vàng bóng đá. Moncler, Dior hay Giorgio Armani là những thương hiệu cao cấp kí hợp đồng thiết kế trang phục thi đầu cho các CLB hàng đầu tại châu Âu. Chưa hết, ông chủ “Công viên các hoàng tử” Paris Saint-Germain (PSG) hợp tác với Kim Jones – creative director của Dior và Fendi. Và rõ ràng thời điểm mà PSG khiến cả thế giới chao đảo với việc chào đón Messi về CLB đã mang tới 1 giá trị truyền thông khổng lồ cho các đối tác.

Sức ảnh hưởng của các cầu thủ bóng đá khủng khiếp hơn bất kì một ngôi sao hạng A hay ca sĩ nào vì sự mê hoặc của quả bóng tới hàng triệu con người. Khi mà menswear (trang phục nam giới) trở nên tự do và phóng khoáng hơn, không bị o ép nhiều vào classic và sartorial quá nhiều – khi mà sự nhập nhằng giữa thời trang đường phố và thời trang cao cấp xảy ra. Khi mà cách ăn mặc của nam giới giờ đã khác thì càng có lý khi sử dụng các siêu sao đá bóng thành công cụ quảng bá thương hiệu. Dù gì cũng phải công nhận một điều rằng, siêu sao bóng đá thì độ phủ rộng rất lớn và ảnh hưởng rất nhiều tới người xem không chỉ là nam giới mà là nữ giới.

Bóng đá sẽ là công cụ hữu ích cho các thương hiệu thời trang cao cấp thâm nhập vào trong lối sống và thuyết phục khách hàng biết tới sản phẩm và mong muốn sở hữu sản phẩm của họ. Các đại sứ thương hiệu đến từ bộ môn túc cầu sẽ giúp các thương hiệu tiếp cận dễ dàng hơn với lượng người nam trên toàn thế giới và nên nhớ nam giới mua đồ rất khác với nữ giới về hành vi. Và thế là chúng ta thấy được Raheem Sterling và Trent Alexander-Arnold trong chiến dịch của Bottega Veneta, Kylian Mbappe thì là Dior với tư cách là đại sự thời trang nam toàn cầu. K.Mp3 cũng là đại sứ của nhiều hãng khác nhau với mức độ theo dõi khủng khiếp và tương tác tới chóng mặt – dự là cọn gà đẻ trứng vàng trong tương lai sắp tới khi mà CR7 và M10 đang ở những giai đoạn cuối cùng của sự nghiệp.
Bên cạnh đó, trong công cuộc tăng tiếng nói của cộng đồng và trở thành một thương hiệu bền vững – các thương hiệu thời trang cao cấp cũng yêu thích việc đồng hành cùng các siêu sao đá bóng trong việc chống nạn phân biệt chủng tộc, bạo hành và nhân quyền. Tiến sĩ Marcus Rashford của Manchester United cùng xuất hiện rất nhiều lần với Burberry với thông điệp tương tự.

Miếng đất màu mỡ ở đây không chỉ là về tiền mà là xa hơn là công cụ quảng bá và tiếp cận sâu hơn với thị trường.

You may also like

Leave a Comment