Cha mẹ làm gì khi bạn bị áp lực?

by admin

Hôm nay tớ đọc được câu hỏi này, nhớ lại vài chuyện, để kể cậu nghe về mẹ tớ.

Hồi học lớp tám, có một lần tớ đi thi giải toán qua mạng bị lỗi máy nên chỉ làm được hai trong ba vòng, điểm thấp nhất hội thi. Chiều hôm ấy, tớ trốn ở góc trường khóc một trận lớn, mấy đứa bạn chỉ ở cạnh thở dài mà không biết làm gì hơn. Mẹ tớ, cô giáo của chúng nó, nổi tiếng nghiêm khắc, chơi với nhau đủ lâu để chúng nó biết không phải tự nhiên mà tớ vào đội tuyển không thiếu năm nào. Năm ấy, tớ biết tớ khóc vì lời trách của mẹ, không phải vì kết quả.

Lúc tớ thi đại học là lúc kết quả học tập của tớ đang xuống dốc. Điểm các lần thi gần cuối lớp 12 cứ tụt dần tụt dần đến mức cô giáo tớ phải nhắc nhở tớ ít thức khuya lại và đừng tự áp lực quá. Nhưng mà nhìn các đầu điểm tớ không thể không tớ ép bản thân phải cố gắng gấp mấy lần. Điều gì đến sẽ đến, thức khuya thời gian dài, tự tạo áp lực cho chính mình kết quả là tinh thần thi cử không có, tâm trạng căng thẳng và gặt hái về những điểm số không nằm trong dự định.

Ngoài gia đình tớ ra thì không ai biết quãng thời gian sau khi thi đại học xong tớ đã sống như thế nào. Cả ngày gần như chỉ xem phim hoặc đọc truyện, không cười không nói. Trốn ở trong phòng suốt nhiều ngày liền. Vật vờ từ ngày này qua ngày khác.

Bố mẹ tớ quan sát tớ suốt quãng thời gian ấy. Có lẽ bố mẹ biết vì sao tớ như vậy, có lẽ bố mẹ muốn tớ tự vượt qua cái hố mà mình nhảy xuống. Nhưng mãi chẳng có dấu hiệu tớ sẽ tự ngoi lên.

Có một buổi chiều, mẹ rủ tớ ra ngoài. Mẹ chở tớ đến một quán cafe chỉ để nói chuyện trên trời dưới biển, điều mà trước nay chưa từng xảy ra. Mẹ đưa tớ đi qua những nơi gắn liền với tuổi thơ của mẹ, kể tớ nghe một vài câu chuyện xa xôi. Mẹ không khuyên nhủ gì nhiều, cũng không bắt tớ phải suy nghĩ theo hướng nào, mà chỉ cho tớ thấy chân trời rộng lớn có rất nhiều đường đi, con người khác biệt có rất nhiều cách sống.

Sau ngày hôm đó, tớ dần chấp nhận bản thân không như kỳ vọng, không đi được con đường mà mình muốn. Tớ bắt đầu suy nghĩ rộng hơn và có trách nhiệm hơn về chính mình. Thời điểm tớ chính thức ra khỏi vũng lầy ấy là mãi sau này, nhưng quá trình thì có lẽ đã bắt đầu từ lúc ấy.

Yêu thương con cái không phải điều bẩm sinh cha mẹ đã có. Thứ tình cảm ấy hình thành từ khi họ biết bản thân đã làm nên một điều kỳ diệu: tạo ra một sinh linh mới. Từng ngày từng tháng đứa bé lớn lên trong bụng mẹ là những tháng những ngày tình yêu của cha mẹ nảy nở đến mức vô hạn. Mẹ tớ không phải tự nhiên mà trở thành một người mẹ tâm lí trong mắt đám bạn tớ, mẹ cũng từng làm tớ cảm thấy bản thân không xứng đáng làm con mẹ.

Không ai sinh ra để làm cha mẹ, và có đôi khi có những cặp trở thành cha mẹ dù chưa sẵn sàng. Họ là những người có bao nhiêu đứa con đi chăng nữa thì khi có con vẫn phải học cách yêu thương một đứa trẻ từ đầu bởi vì chẳng đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Vậy mà, khó khăn của họ phải đến khi những đứa con trở thành bậc sinh thành chúng mới thấu được họ đã khổ sở như thế nào.

Không ai có năng lực siêu nhiên thấu suốt mọi điều để làm cha mẹ, vậy nên đừng giấu đi tình yêu thương dành cho cha mẹ, cũng đừng giấu đi những tổn thương trong lòng. Hãy để cha mẹ biết ta cần gì, hãy để sự ấm áp của một gia đình trở thành điểm tựa chứ không phải một loại áp lực tồi tệ nhất. Yêu thương là cần chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu.

ảnh gốc: Pinterest

You may also like

Leave a Comment