Lái tiền

by admin

                                       Lái Tiền

Lửa, mang hơi ấm sự sống, và cả hơi lạnh của sự chết chóc.

Đốm lửa!

Năm 1995, kinh tế Thái Lan bắt đầu suy giảm, xuống mức 6,7%. Xuất khẩu giảm, lạm phát tăng cao, cán cân vốn luân chuyển thâm hụt đến 8,2% so với GDP, lãi suất bắt đầu tăng, đồng Bath giảm giá mạnh.

Cuối năm 1995, từ tín hiệu xấu về tỷ lệ lãi suất tăng tiến, Ngân hàng quốc gia Thái Lan làm mọi cách có thể để khống chế lạm phát (đã tăng đến 5% so với GDP), và khống chế thâm hụt cán cân vốn luân chuyển (đã tăng đến 5% so với GDP). Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện: Chỉ số giá trị cổ phần trên thị trường chứng khoán bắt đầu điều chỉnh theo chiều âm (-); hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc lâm vào tình trạng suy sụp nặng (cung vượt cầu); niềm tin thị trường bắt đầu giảm sút, vốn đầu tư nước ngoài giảm nhanh; tiền ngoại tệ lũ lượt chảy ra nước ngoài, dẫn đến tình hình thị trường tài chính – tiền tệ bắt đầu xáo trộn. Các vấn đề phát sinh tác động mạnh vào hệ thống tiền tệ, gây ra rối loạn trong thời gian rất ngắn.

Tháng 11/1996, ông Chavalit Yongchaiyudh lên làm Thủ tướng, các vấn đề phát sinh tiếp tục tăng nồng độ. Đến đầu năm 1997, tình hình trầm trọng:

  • Ngày 14/02, giới đầu cơ tiền ngoại tệ tấn công đồng Bath lần thứ nhất tại thị trường Singapore. Lúc này, quỹ dự trữ quốc gia Thái Lan có 38 tỉ USD.
  • Ngày 03/03, chính quyền Thái công bố 10 cơ sở tín dụng “có vấn đề” phải tạm thời đình chỉ hoạt động.
  • Ngày 14/05, giới đầu cơ tiền ngoại tệ tấn công lần thứ 2 vào đồng Bath, lần này tiến hành ở diện rộng: Singapore, New York, Hongkong, Chicago.

Chính phủ Thái buộc tuyên bố đóng cửa thị trường đồng Bath ở nước ngoài, nhằm giải tỏa sức ép đối với đồng Bath và cứu vãn tình hình. Cùng lúc, ngân hàng quốc gia Thái phải chi quỹ quốc gia dự trữ với một lượng lớn để trợ giá, làm cho quỹ dự trữ từ 38 tỷ USD xuống còn 27,9 tỉ (đến ngày 28/08 chỉ còn 25,9 tỉ USD).

  • Ngày 18/06, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, tiến sĩ Amnuoi Viravan, từ chức. Tiến sĩ Thanong Vithanha lên thay.
  • Ngày 27/06, chính quyền công bố danh sách 16 cơ sở tín dụng “có vấn đề” và tạm thời đình chỉ hoạt động.
  • Ngày 02/07, Chính phủ quyết định thả nổi đồng Bath. Chỉ số thị trường chứng khoán tăng đột xuất (phản ứng này làm Chính phủ “lầm tưởng” đã giải quyết vấn đề đúng hướng). Diễn biến tiếp theo, đồng Bath liên tiếp mất giá, không xác định được điểm dừng, chứng tỏ quyết định thả nổi đồng Bath của Chính phủ đã quá muộn, và thiếu các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
  • Ngày 28/07, ông Rơng shay Narakanon tuyên bố từ chức Thống đốc ngân hàng. Ngày 31/07, tiến sĩ Shayvach Vibunsavat nhậm chức Thống đốc. Tình hình mất ổn định vẫn tiếp diễn.
  • Ngày 05/08, Chính phủ công bố chấp nhận quỹ IMF giúp đỡ, kèm theo “15 điều kiện” phải tăng thuế VAT từ 7% lên 10%. Trầm trọng hơn, công bố tiếp danh sách 42 cơ sở tiền tệ “có vấn đề” phải tạm thời đình chỉ hoạt động, gây hoang mang trong dân chúng. Các ngày tiếp theo, dân chúng ồ ạt rút tiền từ các ngân hàng.

Trong khi tài chính – tiền tệ đang rối loạn, tình hình chính trị lại diễn biến phức tạp, buộc Thủ tướng Thái Lan phải thay đổi nội các. Cùng với những diễn biến không thuận lợi do đấu tranh giữa hai phe trong Quốc hội xung quanh bản dự thảo Hiến pháp mới, dẫn đến chỉ số thị trường chứng khoán tụt xuống đột xuất vào ngày 03/09, làm đồng Bath tụt xuống ở mức 35 Bath/USD, so với trước đó là 25 Bath/USD.

Kết thúc đợt 1, đổ vỡ cơ cấu tiền tệ (cuối 1995 đến 09/1997), Chính phủ Thái Lan thừa nhận các cơ sở tiền tệ, tín dụng “có vấn đề” phải tạm thời đình chỉ hoạt động “thực sự là những xác chết”.

Đợt 2 khủng hoảng tại Thái Lan bắt đầu từ khủng hoảng công nghiệp nặng. Trước khó khăn chồng chất, cộng với những điều kiện IMF đưa ra, “cấm bảo hộ” hoặc giúp đỡ các cơ sở tiền tệ, làm cho công nghiệp – khu vực chính của hệ thống kinh tế – lâm vào tình trạng sụp đổ, đứng trước nguy cơ phá sản. Gánh nặng lãi suất tăng nhanh, đồng Bath giảm giá từ 30-100%, nợ nước ngoài của các cơ sở công nghiệp nặng ngày càng tăng chồng, khó khống chế, làm cho các cơ sở công nghiệp không còn khả năng xuất khẩu, cạnh tranh với các nước, vì giá thành sản phẩm cao.

Đồng Bath tiếp tục mất giá, kinh tế sa sút, Chính phủ Thái không còn khả năng để can thiệp, giúp đỡ. Lãi suất tăng cao, các Ngân hàng thương mại ngừng hoặc giảm cho vay, ảnh hưởng sâu đến sản xuất công nghiệp, tác động nặng nề đến kinh tế, chính trị, xã hội, số người thất nghiệp gia tăng.

Lửa lan!

Từ Thái Lan, đổ vỡ tài chính – tiền tệ lan sang Indonesia, bắt đầu từ tháng 07/1997, “là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất so với các nước khác” (lời Tổng thống Suharto phát biểu trong buổi chia tay MPR ngày 12/03/1998).

Indonesia có nợ nước ngoài rất lớn, 137,424 tỷ USD. Trong đó, nợ của nhà nước là 63,462 tỷ USD, nợ của tư nhân là 73,962 tỷ USD. Thâm hụt cán cân thanh toán của Indonesia luôn là những chỉ số cao.

Ngày 17/11/1997, Bộ trưởng Nhà nước về kế hoạch xây dựng quốc gia, chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước, ông Ginandjar Kartasasmista (sau là Bộ trưởng phối hợp phụ trách kinh tế, tài chính và công nghiệp) nói rằng, thâm hụt cán cân thanh toán 1997-1998 là 8,8 tỷ USD, tức 4% GDP; thâm hụt cán cân thanh toán dự tính là 2% GDP vào cuối kế hoạch 5 năm lần thứ 6. Trên thực tế, thâm hụt trong thanh toán đã tăng lũy tiến: Năm 1994-1995 là 3,5 tỷ USD, bằng 2,8% GDP; năm 1995-1996 là 7 tỷ USD, bằng 3,4% GDP; dự đoán sau đó khả năng tăng tới 9,7 tỷ USD, tức hơn 4% GDP.

Tính trầm trọng của đổ vỡ tài chính – tiền tệ ở Indonesia biểu hiện ở những chỉ số: Đồng tiền mất giá mạnh; nợ nước ngoài cao không thanh toán được; bên ngoài mất lòng tin đối với hệ thống ngân hàng Indonesia, nên không mở được L/C; nhập khẩu khó khăn, dẫn đến đóng cửa hàng loạt xí nghiệp; thất nghiệp, lạm phát, và từ đó là nguy cơ bất ổn định chính trị…

Đến ngày 12/03/1998, trong cuộc họp MPR, Tổng tống Suharto thừa nhận “Chính phủ chưa tìm được lối thoát”.

Ngoài ra, tính nghiêm trọng còn do đổ vỡ xẩy ra vào giai đoạn nhạy cảm về chính trị ở Indonesia, là giai đoạn mà Indonesia đang tập trung cho cuộc họp của MPR nhằm: Thông qua đường hướng chính sách quốc gia 05 năm tới; chuyển giao lãnh đạo, bầu cử tổng thống, phó tổng thống và nội các mới; thông qua ngân sách… Đổ vỡ tài chính – tiền tệ chuyển biến thành khủng hoảng lòng tin. Hậu quả của khủng hoảng làm cho tình hình chính trị nội bộ Indonesia phát triển phức tạp, Chính phủ Tổng thống Suharto phải “bán mình” để đối phó.

Di chấn!

  • Với Việt Nam!

Do tính đặc thù của thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, khủng hoảng tài chính – tiền tệ tác động đến Việt Nam bằng sự đổ vỡ của các đại gia, những nhà Tư sản mới. Theo đó, trong hai năm 1995-1996, ở Tp.HCM, hàng loạt các đại gia kinh tế đổ vỡ. Bước sang năm 1997, đổ vỡ kinh tế đã thực sự xẩy ra: Giám đốc Cty Lam Sơn trốn ra nước ngoài; chuỗi các Cty, đứng đầu là Tamexco, sụp đổ, với 4 mức án cao nhất dành cho giám đốc (giám đốc Cty Minh Phụng và Epco); hàng loạt giám đốc các Cty vệ tinh bị câu lưu; giám đốc Huy Hoàng bị giám sát; ngân hàng Việt – Hoa đổ bể tín dụng… Ở Hà Nội, ngân hàng cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh VP.Bank mất khả năng thanh toán…

Đổ vỡ kinh tế dây chuyền gây nhiều hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế xã hội, trực tiếp đe dọa sự tồn sạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam – cả cấp nhà nước, cấp ngân hàng thương mại và ngân hàng cổ phần. Hoạt động tài chính tín dụng xấu đi nghiêm trọng trước khả năng tổn thất lớn về vốn. Một số đại gia bốc hơi, không ít quan chức xộ khám.

  • Với ASEAN!

Tại thời điểm khủng hoảng, nhiều nguyên thủ ASEAN có ý định thúc đẩy sự đoàn kết thống nhất, giúp đỡ nhau trong nội bộ, muốn thành lập quỹ ASEAN, sử dụng đồng tiền chung để buôn bán trong nội bộ… Các vấn đề được bàn tới ở cấp cao và cấp chuyên viên, nhằm đánh giá khả năng thực hiện. Một số hành động “tình bạn” trong Hiệp hội đã được thể hiện, như việc Singapore, Brunei, Malaysia – trong khuôn khổ IMF – viện trợ lương thực cho Indonesia. Một số nguyên thủ đi thăm nhau, tìm hiểu những khó khăn chung để cùng tìm cách giải quyết. ASEAN cũng thể hiện sự lo lắng trước tình hình Indonesia không ổn định, sẽ làm ảnh hưởng chung đến toàn khối.

Cuộc khủng hoảng diễn ra trực tiếp ở Thái Lan, Indoneisa, Philippine, Malaysia, Singapore. Những nước còn lại cũng bị tác động ở mức độ khác nhau. Buôn bán và đầu tư trong nội bộ ASEAN, mặc dù khối lượng còn ít, đã giảm sút và xấu đi. Buôn bán giữa ASEAN với bên ngoài cũng bị ảnh hưởng, do xu hướng cạnh tranh mạnh hơn. Thái Lan giảm giá gạo để đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết tình hình khó khăn ngoại tệ. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến Việt Nam, thành viên ASEAN xuất khẩu gạo. Các mặt hàng xuất khẩu của ASEAN phần nhiều có chủng loại giống nhau, làm cho tình hình cạnh tranh thêm gay gắt, trong điều kiện khủng hoảng lại dẫn tới sự thua thiệt chung của cả khối. Các doanh nghiệp tư nhân ASEAN, trong buôn bán với nhau, đặc biệt với các bạn hàng Indonesia, khó khăn hơn, do khó mở L/C, vì không tin khả năng thanh toán của đối tác.

Khủng hoảng tài chính cũng làm ASEAN bộc lộ nhiều nhược điểm trong hợp tác giúp đỡ nhau:

  • Do từng nước ASEAN không thực mạnh, cả cơ chế kinh tế – chính trị và đặc điểm tình hình kinh tế nói chung, dẫn đến quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo, không có những cam kết rõ rệt.
  • Tác động của nước ngoài (Mỹ, Nhật và phương Tây) đối với từng nước trong khủng hoảng đã làm yếu đi quan hệ giữa các nước trong Hiệp hội. Ví dụ: Thái Lan, Philippine và Indonesia đi theo hướng cải cách và ràng buộc của IMF, khó thực hiện những thỏa thuận hợp tác theo AFTA.
  • Khác biệt quan điểm và ý định giải quyết khủng hoảng. Thái Lan, Philippine, Singapore thực hiện cam kết với IMF, trong khi Indonesia do dự, Malaysia thì chống lại. Đó là sự “không ăn khớp” trong hành động chung nhằm giải quyết khủng hoảng. Thậm chí, hành động của Singapore dường như là hành động “đại diện” của Mỹ và phương Tây, thúc ép, kêu gọi Indonesia thực hiện mọi cam kết của IMF, can thiệp vào công việc nội bộ của Indonesia. Nhìn chung, các nước thành viên ASEAN, quá trình viện trợ cho Indonesia, đều nằm trong khuôn khổ IMF, nên tiếng nói không khác nhiều với ý kiến của IMF.

Khủng hoảng tài chính – tiền tệ gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ với những nước có khủng hoảng, mà còn tác động tiêu cực tới những nước còn lại ở khu vực. ASEAN đứng trước thách thức tự khẳng định mình là một Hiệp hội khu vực độc lập và tự chủ.

  • Với Trung Quốc!

Khủng hoảng tài chính từ Thái Lan và Indonesia di chấn đến Trung Quốc, đặt đồng Nhân dân tệ (NDT) lên bàn cân xem xét tăng – giảm giá với hai áp lực song hành:

Sức ép tăng giá:

Dự trữ ngoại tệ Trung Quốc, thời điểm khủng hoảng, khoảng 140 tỷ USD. Trung Quốc có mức dư thừa lớn trong cán cân thương mại, nên sức cạnh tranh của xuất khẩu rất mạnh.

Nợ nước ngoài của Trung Quốc tương đối tốt, tăng trưởng của tổng mức nợ không quá 10%, mức dư nợ nước ngoài 118 tỷ USD. Nếu tính gộp cả vốn lẫn lợi tức (lãi suất lũy tiến) thì tổng cộng là 169,7 tỷ USD. Nợ ngắn hạn chiếm 11,55%, nợ trung và dài hạn chiếm 88,5%, tỷ lệ nợ là 14,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức của các nước phát triển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh. Mặt khác, kinh tế mang tính nội hướng là chính, không hoàn toàn dựa vào xuất khẩu, nên xuất khẩu nếu có bị giảm, và từ đó làm cho kinh tế tăng trưởng chậm, cũng không gây sức ép trực tiếp đến việc phá giá đồng tiền.

Đồng NDT không được tự do chuyển đổi hoàn toàn, không tồn tại sức ép của đầu cơ trên thị trường, nên mặc dù đồng NDT có sức ép về giảm giá đi nữa thì hành vi can thiệp của Chính phủ vẫn có hiệu lực.

Các tổ chức tiền tệ thế giới, và Mỹ, đều mong muốn đồng NDT duy trì ổn định để giúp cho việc giải quyết khủng hoảng tiền tệ ở Châu Á. Đồng thời, giảm mức dư thừa trong cán cân thương mại với Mỹ của Trung Quốc.

Sức ép giảm giá:

Ở góc độ động thái, đồng NDT cũng tồn tại sức ép phá giá, theo hướng ngày càng mạnh:

  • Thứ nhất, xuất khẩu giảm mạnh, kéo theo giảm mức dư thừa trong cán cân thương mại. Do đồng tiền của các nước Châu Á đều mất giá, hoặc bị phá giá, nên ưu thế xuất khẩu của Hong Kong và Trung Quốc bị suy giảm. Tình hình mậu dịch năm 1998 bị xấu đi là không thể tránh khỏi.

Sở nghiên cứu thuộc Ủy ban kế hoạch Nhà nước, từ tháng 10/1997, dự đoán năm 1998, Trung Quốc không xuất siêu. Theo dự đoán này, tác động của khủng hoảng tiền tệ Châu Á tác động mạnh hơn đến Trung Quốc, làm cho Trung Quốc mất ưu thế xuất khẩu. Một số quan điểm bi quan thậm chí cho rằng, xuất khẩu của Trung Quốc năm 1998 sẽ bị giảm 50% trở lên.

  • Thứ hai, môi trường đầu tư bị xấu đi đáng kể, làm cho đầu tư của nước ngoài vào Trung Quốc giảm. Xu thế này đã xuất hiện ngay trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Các nhà đầu tư hải ngoại đều giữ thái độ trông chừng đối với Châu Á. Đầu tư của nước ngoài vào Trung Quốc (nửa đầu năm 1997) đã giảm 50% tịnh so với năm 1996. Đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc giảm 63%. Đến cuối năm 1997, khi cuộc khủng hoảng nổ ra, đương nhiên xu thế này ngày càng rõ nét.
  • Thứ ba, tình hình thu chi quốc tế có sự biến động xấu, làm cho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc năm 1997 bị giảm. Hai xu thế này sẽ càng rõ nét trong năm 1998. Thêm vào đó, mức lãi gộp của các khoản vay nợ nước ngoài sẽ ngày càng tăng, mức dự trữ 140 tỷ của Trung Quốc sẽ bị giảm đi nhiều. Nếu như thế, một trong những cột trụ để cho đồng NDT được ổn định đang bị lung lay.
  • Thứ tư, sự giúp đỡ của ngân hàng theo yêu cầu cải tạo xí nghiệp quốc hữu, và để giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Năm 1998, công cuộc cải tạo xí nghiệp quốc hữu bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng. Những từ ngữ được nhắc tới nhiều nhất là “hạ cảng” (nghỉ việc), “nợ khó đòi” chứ không phải là “cải cách” hay “mở cửa” như trước. Hỗ trợ của ngân hàng và sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế là điều kiện quan trọng cho cải tạo xí nghiệp quốc hữu.
  • Thứ năm, nguy cơ khủng hoảng ngay trong bản thân hệ thống ngân hàng. Theo số liệu công bố chính thức, số nợ khó đòi tồn tại trong Ngân hàng Trung Quốc chiếm khoảng 20%. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố hủy bỏ chế độ hạn ngạch đối với các khoản cho vay, chuyển thành chế độ quản lý bằng tỷ lệ nợ vốn và quản lý rủi ro. Đây là một trong những cải cách mang tính chính sách sau khi đã có sự tỉnh ngộ về ý thức trước nguy cơ của cuộc khủng hoảng.
  • Thứ sáu, kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm lại trong điều kiện “lo bên trong và khó khăn bên ngoài” (“nội ưu ngoại khốn”). Trong điều kiện đó, nếu đồng NDT kiên trì giữ ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế tất sẽ chậm lại. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chủ yếu vẫn mang tính nội hướng. Tuy nhiên, phần ngoại hướng vẫn đóng góp tới 3 – 4 điểm phần trăm tăng trưởng. Nếu xuất khẩu và đầu tư bị giảm, kinh tế năm 1998 sẽ tiếp tục bị giảm tốc độ ít nhất từ 1 – 2 điểm phần trăm. Như vậy, kinh tế Trung Quốc năm 1998 chỉ có thể tăng trưởng được khoảng 6%.

Cái giá phải trả cho sự tăng, hoặc giảm, giá trị đồng NDT.

Kinh tế Trung Quốc năm 1998 ở vào tình trạng “nội ưu ngoại khốn”, đồng NDT ở vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa hai thái cực tăng hay giảm giá. Đây là một thử thách lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Phân tích từ góc độ thuần túy kinh tế, đồng NDT và đồng dolar Hong Kong đều có cùng một sức ép. Việc phải trả giá cho sự duy trì ổn định đồng dolar Hong Kong là quá rõ ràng. Đại lục Trung Quốc tuy không có sự can thiệp trực tiếp nào kinh tế Hong Kong, nhưng không nghi ngờ gì nữa, đồng dolar Hong Kong được ổn định là do có sự hỗ trợ của đồng NDT và của Chính phủ Trung Quốc. Cho nên, nếu đồng NDT giảm giá, chắc chắn đồng dolar Hong Kong cũng sẽ phải giảm theo.

Lợi ích của việc giảm giá đồng NDT:

1/Duy trì được ưu thế xuất khẩu, từ đó có thể duy trì được cục diện bình đẳng tương đối giữa các nước Châu Á.

2/Gián tiếp kích thích sự tăng trưởng kinh tế trong nước, từ đó giải tỏa được sức ép về việc làm ở trong nước.

3/Thúc đẩy cải cách mở cửa ở đại lục, làm cho cải cách xí nghiệp quốc hữu tiến triển thuận lợi.

Cái giá của phá giá đồng NDT cũng rất lớn:

1/Việc đánh giá lại nguồn vốn do giảm giá đồng tiền sẽ làm thay đổi mức nợ tương đối hợp lý hiện tại trong ngân hàng.

2/Đồng NDT giảm giá sẽ kéo theo đồng dolar Hong Kong cũng giảm giá theo, từ đó làm cho khủng hoảng tiền tệ ở Châu Á càng thêm trầm trọng. Như vậy, chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

3/Giảm giá đồng tiền sẽ làm cho lòng tin bị khủng hoảng, và ở một mức độ nhất định, sẽ gây khủng hoảng về mặt xã hội.

Không phá giá đồng tiền, cái giá phải trả là:

1/Kinh tế Hong Kong bị đình đốn. Cùng với sự phục hưng của trung tâm kinh tế tài chính Thượng Hải, kinh tế Hong Kong đã có xu hướng đình đốn. Cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á sẽ làm cho kinh tế Hong Kong tiếp tục bị đình đốn, rất có thể sẽ giống như tình trạng tiêu điều của kinh tế Nhật Bản 05 năm trước (1992).

2/Tốc độ tăng trưởng kinh tế chắc chắn bị giảm (như đã phân tích).

3/Cải cách xí nghiệp quốc hữu sẽ bị trì hoãn. Khủng hoảng tiền tệ ở Châu Á đã bộc lộ rõ tính không ổn định của thể chế tiền tệ quốc tế. Nó buộc các nước Châu Á, trong đó có Trung Quốc, phải nhìn lại tình hình vận hành của hệ thống tiền tệ nước mình, để từ đó có thể chủ động điều chỉnh. Nhưng cải cách xí nghiệp quốc hữu trong giai đoạn hiện nay lại đang chịu tác động của những nhân tố mặt trái của hệ thống tiền tệ Trung Quốc. Nếu điều chỉnh lại hệ thống này thì sự lựa chọn chính sách rất có thể sẽ buộc phải tạm hoãn lại.

4/Có thể xảy ra biến động xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại tất làm cho vấn đề thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng, và do đó, khó tránh khỏi những biến động xã hội.

5/So sánh thực lực trong khu vực của Trung Quốc sẽ bị yếu đi. Là một nước lớn trong khu vực, Trung Quốc phải có những cống hiến cho sự ổn định của khu vực. Sự phân phối lại lợi ích trong quá trình khủng hoảng, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ nghiêng về phía các nước phát triển phương Tây, có lợi cho việc tăng cường địa vị của các nước này ở khu vực Châu Á. Cho nên, điều này không có lợi cho chính Trung Quốc.

Như vậy, việc tăng hay giảm giá đồng NDT là một lựa chọn khó khăn của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Làm thế nào để chọn cái ít có hại nhất? Giảm giá đồng NDT dễ làm nảy sinh khủng hoảng xã hội, đưa đến sự đổ vỡ của hệ thống tiền tệ. Kiên trì ổn định đồng NDT và đồng dolar Hong Kong cũng có nghĩa là vứt bỏ tăng trưởng của xuất khẩu, nhường thị trường to lớn cho các nước đang phá giá đồng tiền của chính họ. Nếu không kiên trì giữ ổn định đồng tiền thì lòng tin của nhân dân với Chính phủ sẽ bị mất đi, có thể lại làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng mới. Cuộc khủng hoảng lòng tin còn nguy hiểm hơn đối với một nước đông dân số như Trung Quốc. Việc mất lòng tin đối với đồng tiền, từ đó mất lòng tin đối với Ngân hàng và đối với Chính phủ, quan niệm giá trị và sự ổn định xã hội sẽ bị dao động. Tình hình này đã từng phát sinh tại Trung Quốc, đang phát sinh tại Thái Lan và Indonesia. Tính đặc thù của chế độ xã hội Trung Quốc làm cho vấn đề tiền tệ không thể được nhìn nhận một cách đơn thuần về khía cạnh kinh tế. Việc giảm giá đồng tiền sẽ làm cho cơ cấu thu nhập của xã hội bị biến động, làm tăng thêm mâu thuẫn và xung đột giữa các tầng lớp có thu nhập khác nhau trong xã hội. Mất lòng tin của nhân dân đối với Chính phủ là ngòi nổ cho các cuộc đấu tranh chính trị.

Tóm lại, thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc đỗ vỡ tài chính – tiền tệ, làm động loạn không chỉ một quốc gia, hay một khu vực.

Về lý thuyết, đổ vỡ tài chính được xem là một phần của khủng hoảng phát triển – quy luật của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Theo đó, khi nền kinh tế phát triển tốc độ cao, trong điều kiện tập quyền chính trị, kéo theo phát sinh đột biến khủng hoảng tiền tệ. Nó được gọi là khủng hoảng phát triển mang tính chu kỳ, bắt đầu bằng kỳ tích tăng trưởng tốc độ cao, kết thúc bằng cơn ác mộng khủng hoảng tiền tệ. Một mặt, nó giúp phân phối lại những thành quả phát triển kinh tế. Mặt khác, kết quả không phải rút ngắn, mà tăng thêm khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch giữa nước phát triển và nước đang phát triển.

Lý luận về sự phát triển kinh tế đã tổng hợp nhiều mô hình khác nhau, nhằm hướng đạo cho các nước đang phát triển tìm được con đường đúng để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Nếu các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng hai con số, trong vòng vài chục năm là có thể đuổi kịp các nước phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế 2-4%/năm. Đến nay, khoảng cách đã được rút ngắn?

Kỳ tích tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển lại kết thúc bằng cuộc đổ vỡ tài chính tiền tệ. Cuộc chạy đua kinh tế “rùa thỏ” lại bắt đầu ở nơi khác. Kết quả, khoảng cách chênh lệch kinh tế giữa các nước phát triển và đang phát triển ngày càng mở rộng? Tại sao?

You may also like

Leave a Comment