Nhà độc tài Pinochet – Đôi khi nền dân chủ phải được tắm trong máu

by admin

Augusto Pinochet Ugarte sinh tại thành phố cảng Valparaiso năm 1915 trong một gia đình nghèo, lại là con cả với 5 đứa em nheo nhóc, sự nghiệp của Pinochet khởi nguồn từ mẹ ông. Chính bà đã khuyến khích Pinochet đăng ký thi vào trường sĩ quan quân sự. Nhưng với một dáng vẻ còi cọc, yếu đuối, Pinochet – lúc đó 16 tuổi – phải thi lần thứ 3 mới đậu. Cả đời ông luôn bị ám ảnh bởi chuyện luyện tập để có một cơ thể cường tráng.

Thế nhưng ít ai ngờ rằng cậu bé còi cọc đó lại có thể tiến những bước tiến xa trong binh nghiệp và cả sự nghiệp lãnh đạo sau này.

Tham gia quân đội vào năm 18 tuổi, Pinochet chẳng tốn nhiều thời gian để thăng tiến trong quân đội. Khi tổng thống theo đường lối Marxist, Santiago Allende lên năm quyền, ông là tư lệnh sư đoàn, dần trở thành Tham mưu trưởng của quân đội Chile và vào cuối nhiệm kì của tổng thống Allende, ông đã trở thành Tổng tư lệnh quân đội.

Tuy nhiên thời kì những năm 1970-1973 cũng đánh dấu sự hỗn loạn về kinh tế, xã hội của đất nước Chile. Bằng các cải cách theo hướng XHCN như như tăng trợ cấp xã hội, quốc hữu hóa các công ty lớn, cải cách ruộng đất theo hướng cưỡng bức… Kinh tế Chile suy thoái nghiêm trọng, lạm phát tăng kịch trần 700% với các phong trào biểu tình, đình công diễn ra khắp nơi.

Vào sáng ngày 11/09/1973 xảy ra đảo chính tại Chile. Toàn bộ lục quân (Pinochet chỉ huy), không quân (do tướng Leigh chỉ huy), hải quân (do tướng Merino chỉ huy), và cảnh sát (tướng César Mendoza Durán, thay thế người cầm đầu cảnh sát lúc đó là José María Sepúlveda) đều tham gia đảo chính. Bộ trưởng quốc phòng lúc đó là Orlando Letelier có nhận điện thoại của Allende và đến bộ quốc phòng, thì bị bắt và trở thành tù nhân đầu tiên trong cuộc đảo chính. Allende không liên lạc được với các tướng lĩnh quân sự, và cũng không ngờ rằng hầu hết toàn bộ lực lượng vũ trang trong đó có cả Pinochet đã chống lại mình. Theo các nhân chứng trong cuộc, Pinochet mới đầu cũng lưỡng lự khi biết về kế hoạch đảo chính, sau đó mới tham dự.

Phe đảo chính thương lượng, kêu gọi Allende từ chức tổng thống, nhưng Allende không chịu. Thân cận của Allende đề nghị Allende bỏ trốn chạy ra một vùng khác để từ đó làm đảo chính ngược lại, Allende cũng không chịu, nhất quyết ở lại dinh tổng thống, tin vào chính nghĩa của mình. Lực lượng bảo vệ Allende ở dinh tổng thống có khoảng 300 lính tinh nhuệ, gọi là Grupo de Amigos Personales (GAP), nhưng không đọ lại được phía quân đội có máy bay trực thăng và máy bay ném bom đến yểm trợ. Kết cục đến đầu giờ chiều, sau khi khoảng 60 người bị chết trong đó chủ yếu là quân GAP, Allende đã tự sát bằng khẩu súng AK mà Fidel Castro tặng, và quân GAP đầu hàng.

Ba ngày sau, tướng Pinochet có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia. Thế giới nhanh chóng nhìn nhận ông này là lãnh đạo cuộc đảo chính nhưng phải mất vài tháng Pinochet mới thực sự trở thành lãnh đạo của Chile. Quá trình thâu tóm quyền lực của ông ta được thắt chặt bằng bàn tay sắt và đến giữa năm 1974, Pinochet được phong làm Lãnh tụ tối cao của đất nước và đến cuối năm thì chính thức trở thành tổng thống Chile.

Sau khi nắm chính quyền, Pinochet đã thẳng tay đàn áp các đối thủ chính trị gồm cả phe cánh tả lẫn những nhân vật chống đối hữu khuynh, kể cả những nhân vật được Mỹ ủng hộ. Viện cớ chống lại mối đe dọa của cộng sản, Pinochet thiết lập một chế độ độc tài, giải thể quốc hội và các đảng phái chính trị, lập ra tổ chức mật thám gọi là DINA , và thiết lập một chiến dịch khủng bổ đối với những người được coi là có “tư tưởng thân cộng”, đặc biệt là đối với Đảng Cộng Sản. Tổng cộng trong giai đoạn độc tài Pinochet, có khoảng 30 nghìn người bị tù đầy tra tấn vì lý do chính trị, và có khoảng 3000 người bị bắt chết, ám sát, hay mất tích.

Các trại tập trung dành cho người Cộng Sản mọc lên khắp nơi, bất kì ai bị nghi ngờ là Cộng Sản đều bị bắt giữ và thủ tiêu theo nhiều cách khác nhau mà không cần xét xử, tòa án… Tiêu biểu như “Những chuyến lữ hành tử thần” trong đó các đội hành quyết trở các cảm tình viên CS, tình nghi là đảng viên CS trên các cuốc trực thăng khắp Bắc Nam rồi… quăng xuống đất ở một nơi hoang vắng nào đó.

Trong đó có những nhân vật nổi tiếng, như cưu ngoại trưởng của Allende bị ám sát tại Mỹ, cựu tổng chỉ huy quân đội Prats bị ám sát tại Buenos Aires, và ca sĩ – nhạc sĩ Victor Jara lúc đó là đảng viên cộng sản. (Về sau, có một số thứ được đặt tên Victor Jara để tưởng niệm ông này, trong đó có sân vận động Victor Jara ở Santiago). Kể cả một số người nước ngoài (Mỹ, Anh, Pháp, …) cũng bị ám sát, thủ tiêu ở Chile trong thời kỳ độc tài Pinochet.

Mặc dù kiểm soát chính trường chặt chẽ nhưng Pinochet lại là người khá “thoáng” trong chính sách kinh tế và đã khôi phục nền kinh tế sau 3 năm dài suy thoái và hỗn loạn.

Chính sách kinh tế của tướng Pinochet chịu ảnh hưởng của nhóm mang tên “Chicago Boys”, gồm các nhà kinh tế người Chile tốt nghiệp đại học Chicago, là học trò của nhà kinh tế học đại tài ủng hộ chủ nghĩa tư bản, Milton Friedman.

Qua đó cho phép áp dụng các chính sách mở cửa thị trường. Các biện pháp trợ giá và kiểm soát giá cả mau chóng bị hủy bỏ, hàng rào thuế quan được hạ thấp. Chi tiêu của chính phủ Chile bị cắt giảm, các dịch vụ nhà nước, công ty nhà nước được tư nhân hóa và quy định hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài bị dỡ bỏ. Một trong những người tán dương chính sách kinh tế mới của tướng Pinochet là “người đàn bà thép” Margaret Thatcher

Chính sách kinh tế của Pinochet đã mau chóng giúp giảm tỉ lệ lạm phát, đem lại sự thịnh vượng cho các nhà kinh doanh và những người lao động lành nghề.

Tuy nhiên, đến thập niên 80, Pinochet ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng thất nghiệp tăng cao. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1981 càng làm thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong lòng những người dân bình thường. Các cuộc bạo loạn xảy ra lan tràn trên đường phố Santiago.

Sau một giai đoạn phát triển kinh tế từ năm 1975 đến năm 1980, thì Chile lại rơi vào khủng hoảng tài chính những năm 1981-1982, lao dốc đi xuống, rồi đến quãng 1987 mới lại trở về ngang bằng mức 1970 về thu nhập trung bình theo đầu người. Tuy nhiên, nền kinh tế Chile vẫn khá hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chile lại chứng kiến làn sóng của người Bolivia, Argentina tràn vào nước này thay vì việc người Chile phải tràn sang tị nạn kinh tế tại Bolivia (một đất nước thường bị người Chile coi là thấp kém hơn) thời kì của tổng thống cánh tả Allende.

Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1988, dân Chile bác bỏ ý định của Pinochet làm tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ hai. Tháng 12 năm 1989, một cuộc bầu cử mà Pinochet cáo buộc Mỹ can thiệp đã đưa ứng cử viên Patricio Aylwin lên nắm quyền, trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Chile sau thời kỳ độc tài đẫm máu. Một trong những lý do khiến cho Pinochet chấp thuận từ bỏ quyền lực, là vào thời điểm đó chiên tranh lạnh đã đến giai đoạn kết thúc, ở Đông Âu sắp sửa thay đổi chế độ, ở Nga lúc đó cũng là thời kỳ perestroika và glastnost, không còn lý do “chống thảm họa cộng sản” để giữ chính quyền độc tài quân sự nữa.

Trong hai thập kỷ 1990-2010, Chile là nước phát triển mạnh nhất ở Mỹ La Tinh, và là nước đầu tiên của Mỹ La Tinh được kết nạp vào tổ chức OECD (tổ chức của các nước giàu trên thế giới). Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của Chile đạt khoảng 14,4 nghìn USD/năm, đứng thứ 30 trong số 34 nước của OECD. Chile cũng được coi là đất nước đáng sống nhất Mỹ Latinh, với chỉ số phát triển con người ở mức rất cao (cao nhất Mỹ Latinh và thứ 38 thế giới).

Nguồn: Long Vũ.

You may also like

Leave a Comment