04 LÍ DO KHIẾN MÌNH TRỞ THÀNH BLOGGER CHUYÊN NGHIỆP

by admin

————————

01. Tại sao mình quyết định trở thành blogger?

Chủ nhật tuần trước, mình ngồi café với người bạn A, cậu ấy và mình đều là blogger. Dù chỉ là lần đầu tiên gặp mặt nhưng hai đứa đã hợp nhau đến mức trò chuyện mãi chẳng muốn về. Ai cũng nghĩ blogger là nghề của tự do, chỉ cần viết thôi là có tiền, chỉ cần viết thôi là có thể tự do làm mọi điều mà mình muốn. Nghe thật đơn giản nhỉ? Vì viết thì ai chẳng viết được.

Khi bắt đầu theo nghiệp viết lách, mình cũng chỉ nghĩ đơn giản thế thôi! Cầm bút lên và viết, mở lap lên và viết, nhưng có một sự thật rằng để ai đó trả tiền cho con chữ của bạn: “Đó không phải là điều đơn giản.” Ai cũng biết viết nhưng chưa chắc họ đã trở thành blogger, freelancer. Một khi đã trở thành nghề nghiệp, mọi kĩ năng của bạn đều cần được đào tạo bài bản và rèn giũa qua năm tháng.

Bạn bè mình bảo: “Cậu sướng thật, chẳng phải đi làm thêm vất vả như bọn tớ, làm văn phòng, nhập liệu, bưng bê, mệt bỏ xừ mà tiền lương lại thấp, ai như cậu chỉ ngồi viết thôi cũng ra tiền!”. “Chỉ ngồi viết thôi cũng ra tiền” là một quan niệm sai lầm khi mọi người nghĩ về viết lách. Những lúc chia sẻ về nghề nghiệp, mình không muốn tương tác nhiều với những người cho rằng: “Blogger là một nghề đơn giản”. Bạn có hiểu cái cảm giác viết liên tục từ 08-14 tiếng một ngày, dù mình đau đầu, đau lưng, vẫn phải cố gắng để hoàn thành bản thảo. Bạn có hiểu cảm giác mệt mỏi rã rời, về nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, nhưng mình vẫn ôm máy tính để tự học chỉnh sửa và cập nhật bài viết mới. Mỗi sáng thức dậy, câu hỏi đầu tiên mà mình luôn nhắc nhở bản thân không phải là “Hôm nay ăn gì, uống gì?” mà là “Hôm nay mình sẽ đọc gì, viết gì?”. Bạn có hiểu cái cảm giác mình dậy sớm lúc 04 giờ sáng chỉ để học thêm một chút kiến thức để nâng cấp bản thân, để cập nhật xu hướng thị trường… Những gì người khác thấy chỉ là những bài đăng, hình ảnh, comment nhưng đằng sau vẻ ngoài ấy là những đêm thức trắng làm việc, là những thời khắc tăm tối khi mình không biết lấy ý tưởng ở đâu ra, là những lúc ngồi lật từng trang “Từ điển tiếng việt” để dùng từ cho chuẩn xác! Đằng sau vẻ ngoài của hai chữ “tự do” hào nhoáng chính là những khoảnh khắc bạn phải tự tranh đấu với sự lười biếng của mình, bạn phải kỉ luật bản thân, biết mình là ai? Biết mình muốn gì? Cần gì?

.

Có 04 lí do khiến mình theo đuổi sự nghiệp viết lách này, mình hay gọi đó là 04 T. (Tự chủ, tự tại, tự do và tự lớn)

.

01. Tự chủ:

“Nếu bạn không tự xây ước mơ của mình, người khác sẽ đến thuê bạn để xây ước mơ của họ”

– Jordan Fried –

“Tự chủ” là Tự điều hành, quản lí mọi công việc của mình, không bị ai chi phối. (Từ điển Tiếng Việt)

Sau những năm tháng làm thuê, mình chợt nhận ra rằng, dù có yêu thích công việc đến mấy, sẽ đến một thời điểm mình cảm thấy chán nản và bị vắt kiệt sức sống khi phải đánh đổi thanh xuân để xây dựng ước mơ của người khác. (đi làm cho công ty). Những năm tháng đi thực tập, làm việc không lương hay bán thời gian, mình luôn ý thức được rằng đây là khoảng thời gian tích lũy kinh nghiệm.

.

Mình luôn muốn học thật nhiều, tích góp thật nhiều và trưởng thành qua nhiều công việc ở những ngành nghề khác nhau.

Trở thành blogger giống như việc bạn mở một công ty start-up, một business của chính mình. Bạn là CEO, marketer, shipper…là n vai trò trong một vì công ty của bạn chỉ có 01 người duy nhất. ( chính là bạn!) Làm tự do đồng nghĩa với việc bạn không có sếp. Bạn có thể làm việc ở bất kì đâu, bất kì khoảng thời gian nào. Nếu bạn chỉ là một nhân viên thông thường, bạn chỉ cần tuân theo lối sống “nine to five” một ngày tám tiếng, nhưng khi bạn trở thành blogger hay freelancer, khái niệm thời gian trở nên tự do và vô tận.

Có những hôm mình thức đến 02 giờ sáng vì khách hàng có sự thay đổi đột ngột, bản thảo cần sửa ngay, có những khi mình dậy sớm để viết, giờ nghỉ trưa thay vì đi ngủ, mình sẽ đem máy lap ra ngoài hành lang, ngồi trên ghế đá gõ bài để không ảnh hưởng đến các đồng nghiệp. Có những ngày mình viết 12-14 tiếng, đến nỗi mẹ mình còn gắt lên “Có mỗi một ngày nghỉ mà con cũng phải hành hạ bản thân đến thế sao?”. Mình biết mẹ rất lo cho mình, nhưng mỗi khi nhìn mẹ như thế, mình chỉ nhẹ nhàng ôm lấy mẹ.

.

Mẹ lúc nào cũng ra vẻ không thích đọc blog của mình, nhưng ở cơ quan, vào những lúc tan ca, mẹ đều vào blog để đọc. Mẹ là thế, bề ngoài lạnh lùng nghiêm khắc nhưng bên trong luôn âm thầm dõi theo và tự hào về những gì mình đã làm được.

Khi bạn đang đọc những dòng chữ này, bạn có biết mình đã viết nó vào lúc 04 giờ sáng hay không?

“Tự chủ” là khi mình có khả năng độc lập về tài chính.

Nếu mình nói rằng mình chỉ viết vì đam mê, có lẽ bạn sẽ không tin. “Có thực mới vực được đạo”. Blog không chỉ đem lại cho mình thu nhập, đó còn là những người bạn thân thiết, những mối quan hệ quý giá và cả những cơ hội hợp tác mà đến giờ mình nghĩ rằng mình chưa đủ khá năng: nhà xuất bản mà mình yêu thích bấy lâu đã liên hệ để mời mình viết sách.

.

“Đừng chờ cơ hội đến”. Mình sẽ viết. Mình sẽ liên tục tạo ra cơ hội cho bản thân thay vì chờ đợi ai đó đem vận may đến cho mình, giống như Tổng thống Hoa Kì Franklin đã từng nói: “Nếu bạn không chuẩn bị nghĩa là bạn đang chuẩn bị cho thất bại”.

Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về việc xây dựng blog để kinh doanh online, đọc thêm bài viết “Mình đã kiếm tiền từ blog như thế nào?” nhé!

.

02. Tự tại:

“Tự tại” là “thư thái, không có điều gì phải lo nghĩ, phiền muộn”

(Theo “Từ điển Tiếng Việt)

Khi viết. mình luôn muốn chia sẻ những gì chân thật nhất. Từ những trải nghiệm vụng về thiếu sót đến hành trình vội lớn của bản thân. Mình không có tham vọng sẽ thay đổi thế giới, mình chỉ muốn những ai đã ghé qua blog của mình- họ sẽ luôn cảm thấy bình yên và nuôi dưỡng trong mình sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Từ chuyện học- chuyện làm- chuyện nhà, tất cả những vụn vặt của cuộc sống, nhờ con chữ mà mình đã được gặp gỡ những con người vô danh, được trở thành điểm tựa vô hình của một ai đó. Hằng đêm trước khi đi ngủ, mình thường dành thời gian ngẫm nghĩ lại mình “Hôm nay, cậu đã làm được điều gì cho thế giới?”.

Mẹ Teresa đã từng nói: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu vĩ đại”. Blog của mình chỉ là một hạt cát giữa hàng triệu, hàng trăm blog ra đời mỗi năm, mỗi bài đăng của mình cũng chỉ là một giọt nước nhỏ giữa đại dương thông tin rộng lớn. Nhưng không vì sự nhỏ bé mà mình cho phép bản thân hời hợt với những “đứa con tinh thần” của mình. Vì mình muốn những người khách qua đường khi nghỉ chân tại đây – ai ai cũng sẽ phải thốt lên rằng: “Đây là chốn bình yên mà tôi muốn!”.

Nhớ lại những năm tháng làm thuê, mẹ mình luôn dặn: “Con làm gì cũng phải nhìn sắc mặt của người ta, khi làm mất lòng đồng nghiệp, con sẽ khó lòng mà sống sót”. Sự đua tranh ganh ghét chốn công sở đã khiến mình dần mất đi bản sắc vốn có, mình bắt đầu lo lắng rằng với tính cách hướng nội, ít nói, liệu rằng mình có bị ghét không? Nhưng rồi mình nhận ra “À, ai rồi cũng sẽ bị ghét thôi!” vì chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Khi viết blog, mình không chỉ nhận được những lời động viên mà còn đón nhận cả những lời chê bai đầy ác ý.

“Viết gì mà xáo rỗng!”

“Toàn những điều vô nghĩa, giả tạo…”

Mình không để tâm đến những bình luận tiêu cực ấy, bởi vì mình biết rằng, còn rất nhiều người yêu quý và trân trọng những gì mình viết ra. Bản lĩnh của người viết nằm ở chỗ, họ không dễ dàng bị dao động chỉ vì một hai lời ra tiếng vào. Họ hiểu tại sao mình lại viết và chứng minh cho những kẻ chê bai thấy rằng những lời nói tiêu cực kia chỉ khiến họ càng thêm mạnh mẽ.

Chẳng ai có thể sống giữa nhân gian mà không có người thích, kẻ ghét. Chỉ cần bạn luôn tin tưởng vào giá trị của bản thân, làm những điều mình cho là đúng, thân tâm thanh thản bình an. Đó đã là vinh hạnh rất lớn rồi!

.

03. Tự lớn:

Trở thành blogger đồng nghĩa với việc mình phải liên tục làm mới bản thân. Tư duy của một doanh nhân là khi chúng ta phải không ngừng học hỏi và ý thức được rằng những gì mình biết chỉ là một hạt cát. Thị trường luôn thay đổi, xu hướng luôn dịch chuyển, nhu cầu của khách hàng có thể thay đổi theo từng phút, từng giây. Nếu chúng ta chỉ ngồi yên một chỗ và ngắm nhìn sự dịch chuyển ấy, sẽ chẳng có gì xảy ra. Nếu cứ chần chừ, sợ hãi chúng ta sẽ chỉ loay hoay và mắc kẹt trong phiên bản lỗi của chính mình.

.

Đề cao khả năng tự học.

Mình sẵn sàng đầu tư những khóa học chất lượng cho bản thân. Các bạn hỏi mình rằng: “Cậu lấy đâu ra tiền mà đi học nhiều thế!”. Mình chỉ mỉm cười: “Khi cậu muốn cậu sẽ tìm cách, khi cậu không muốn cậu sẽ tìm lí do”. Học phí của tất cả những khóa học về marketing và viết lách đều được mình chắt chiu từ những năm tháng làm thêm vất vả. Mình luôn cho rằng “Đầu tư cho sức khỏe và tri thức là hai khoản đầu tư không bao giờ lỗ”.

.

Mình chủ động kết nối với những người thầy giỏi và các anh chị tiền bối trong ngành. Mỗi ngày, mình đều dành ra 01-02 tiếng để đọc và viết, mình tranh thủ nghe podcast trong lúc nấu cơm, mình luyện tập yoga để giữ cho cơ thể dẻo dai và cân bằng nơi tâm trí. Mình tự học edit video, làm thiết kế, làm SEO,…và hạnh phúc luôn vỡ òa khi mình nhận ra bản thân đang tiến bộ mỗi ngày: “Ôi! Mình đã làm được!” (Mừng rơi nước mắt!)

Còn nhớ khi bắt đầu làm blog, mình mày mò tự học và lập một blog miễn phí trên blogspot. Mình ngại nhất là phần set up khi phải đọc một danh sách dài những bước kĩ thuật phải làm. Nhưng mình vẫn kiên nhẫn làm từng bước, từng bước một. Làm blog đã dạy cho mình sự kiên nhẫn, rằng thành công không chỉ đến trong ngày một ngày hai, chỉ cần mỗi ngày chúng ta đều tiến về phía trước, một chút thôi cũng được. Cứ đi rồi sẽ đến mà!

.

04. Tự do:

“Free is not free” (Tự do không bao giờ miễn phí)

Nhắc đến blogger, chúng ta sẽ hình dung ra một con người ung dung thư thái bên chiếc laptop và tách café. Họ gõ ra những dòng chữ có tầm ảnh hưởng và thậm chí họ được trả tiền để làm điều đó.

Sự thật thì không phải như thế!

Cái giá của tự do không phải là bạn cứ thong dong thích làm gì thì làm và vẫn mong nhận được tiền từ việc vui chơi ấy. Vì mình không có sếp, không có ai quản lý mình và nói rằng: “KPI của em tháng này là bao nhiêu, bao nhiêu đấy!”. Chỉ có mình kỉ luật với chính mình mà thôi!

.

Thời gian là của mình, việc phân chia và sử dụng chúng như thế nào cũng là quyết định của mình. Trở thành blogger đã giúp mình thấu hiểu trách nhiệm đối với bản thân. Chẳng có ai khiến mình đau khổ hay hạnh phúc ngoại trừ chính bản thân mình. Vì thế, đừng trở thành người mà bạn sẽ khinh thường. Nếu bạn muốn yêu một người giỏi giang, thì bạn cũng phải là người xuất sắc, nếu bạn muốn yêu một người chăm chỉ và kỉ luật, thì bạn cũng không phải dạng vừa. Mình luôn đau đáu một câu hỏi trong lòng: “Ngày hôm nay, mình muốn trở thành ai?”, “Mình muốn trở thành một phiên bản tốt hơn hôm qua dù chỉ là 1%”. Vậy thì đừng hô khẩu hiệu nữa! Thần chú là “Hãy làm đi!”.

Nguồn: Khanh Linh Truong

You may also like

Leave a Comment