MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ TƯ DUY CHIẾN LƯỢC: TẠI SAO CHÚNG TA THƯỜNG ĐỂ TAY NHANH HƠN NÃO

by admin

Chúng ta thường suy nghĩ theo hai cách về cơ bản là khác nhau: một là tìm ra rằng chúng ta muốn gì và hai là tìm cách để có thể đạt được nó. Hay nói theo cách khác, điểm khác biệt quan trọng giữa chúng là tư duy chiến lược và tư duy hành động. Chiến lược là để xác định mục tiêu tối cao, và thực thi bao gồm tất cả những gì ta làm để theo đuổi thứ mà chúng ta đã đề ra: những hành động khiến kế hoạch của ta đi vào hoạt động.

Chúng ta thường mặc nhiên cho rằng ta giành rất nhiều thời gian vào chiến lược trước khi biến nó thành hành động – tuy nhiên dù cho thực hiện thành công đến đâu, điều quan trọng là chúng ta phải có một kế hoạch đúng ngay từ đầu. Kết quả của chúng ta chỉ có thể tốt nếu như mục tiêu mà ta đề ra cũng tốt y như thế.

Nhưng có một nghịch lý trong cách mà tâm trí ta vận hành: như một quy luật chung chúng ta đều làm tốt phần “làm” hơn là “nghĩ”. Ta dường như có một nội lực để vượt qua các chướng ngại trên đường tới thành công và một nội lực tương đương để tạm dừng và suy nghĩ về việc mục tiêu đó đúng đắn như thế nào. Dường như chúng ta đang thiếu hiểu biết về chiến lược bởi vì ta đang say mê hiện thực hóa nó.

Ta thấy kết quả của sự thiên vị này qua nhiều lĩnh vực. Ta tập trung nhiều vào việc kiếm tiền hơn là tìm cách để chi tiêu hợp lí. Ta nỗ lực nhiều hơn vào việc trở nên ‘thành công’ hơn là nghĩ về việc định nghĩa khái niệm thành công có thể khiến ta hài lòng. Ở mức độ tập thể, các tập đoàn cố gắng tạo ra hiệu quả bán hàng hóa hay dịch vụ thay vì lùi lại và suy nghĩ về những gì họ đang làm cho khách hàng. Các quốc gia cam kết tăng trưởng GDP thay vì thăm dò những lợi ích khi sức mua tăng lên. Nhân loại rõ ràng là giỏi cơ khí hơn là triết học: máy bay của chúng ta ấn tượng hơn nhiều việc ta nghĩ xem nên đi để làm gì; khả năng kết nối của ta rõ ràng là vượt xa so với cách mà ta thấu hiểu người khác.

Trong mọi trường hợp, ta thường tập trung nhiều vào cơ chế, công cụ hơn là những câu hỏi ta đặt ra cho tới khi ra được thành quả cuối cùng. Ta dị ứng với những câu hỏi lớn được đặt lên hàng đầu: cuối cùng thì ta đang cố gắng làm gì? Cái gì sẽ khiến ta hạnh phúc hơn? Tại sao phải bận tâm chuyện này? Nó có mang lại giá trị gì cho chúng ta hay không?

Và thế là sự thiên vị về mặt hành động này dẫn tới những hệ quả bi kịch: ta điên cuồng lao tới mục tiêu đã chọn, ta mù quáng vắt kiệt sức của mình, ta trói buộc mình vào các lịch trình, khung thời gian và các chỉ tiêu – nhưng cùng với đó, ta không dám tự hỏi rằng ta cần gì để phát triển và vào cuối cuộc đời nỗ lực như một siêu nhân, ta nhận ra rằng mình đã chọn sai đích đến ngay từ đầu.

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi tâm trí ta thiên vị việc hành động hơn là suy nghĩ về chiến lược. Từ quan điểm tiến hóa, nghiền ngẫm các câu hỏi về mặt chiến lược có lẽ chưa bao giờ là một ưu tiên hàng đầu. Trong lịch sử, mục tiêu chiến lược có vẻ rõ ràng: kiếm đủ ăn, duy trì nòi giống, vượt qua mùa đông và bảo vệ bộ lạc khỏi các cuộc tấn công. Hành động là việc bức thiết phải làm để vượt qua gian khó: làm sao để nhóm lửa trong thời tiết ẩm ướt, tạo ra mũi tên sắc nhọn hơn, tìm dâu rừng ở đâu hay lá thuốc nào có thể kháng viêm… Chúng ta là hậu duệ của một giống loài tìm ra một chuỗi những khám phá phức tạp để phục vụ vài mục tiêu cơ bản. Chỉ trong điều kiện của xã hội hiện đại – nơi mà ta bị bao vây bởi những lựa chọn dữ dội về việc ta làm gì với cuộc sống và khi mà mục tiêu của chúng ta là hạnh phúc thay vì chỉ sống sót qua ngày – những câu hỏi về mục tiêu mới càng trở nên cần thiết và không thể né tránh.

Chương trình đào tạo của chúng ta từ khi còn bé đã chuẩn bị cho ta phát triển kiểu này. Ở trường, ‘chăm học’ có nghĩa là nghiêm túc tuân theo thời khóa biểu, không phải băn khoăn rằng liệu việc đó có đúng hay không. ‘Sao lại phải học môn này’ có vẻ xúc phạm hay thiếu lễ độ với nhiều giáo viên thay vì coi đó là một tư duy đặc biệt đáng ngưỡng mộ. Khi ta bắt đầu làm việc, hầu hết các công ty đều muốn người làm thuê làm theo lệnh thay vì suy nghĩ về tính đúng đắn của nó. Ta có lẽ sẽ chạm tới tuổi trung niên trước khi có những ý niệm đầu tiên về tư duy chiến lược.

Ngay trong đời sống hàng ngày, đặt ra những câu hỏi mang tính chiến lược khiến người ta có cảm giác chán nản. Việc hỏi ‘làm thế này để làm gì?’ nghe có vẻ như một câu hỏi khiêu khích. Nếu ta hỏi người thân, dù có nghiêm túc đến đâu những câu hỏi như ‘Một kì nghỉ tốt là như thế nào?’ hay ‘Một mối quan hệ có ý nghĩa gì?, ‘Một cuộc đối thoại nên thế nào?’ hay ‘Tại sao ta lại cần tiền’, ta sẽ có nguy cơ bị phớt lờ, bị coi như một đứa ngớ ngẩn – như thể những câu hỏi lớn như vậy không thể trả lời được.

Chúng ta đã sở hữu rất nhiều những mảnh thông tin rời rạc, vô tổ chức nhưng quan trọng trong việc giúp chúng ta đối đầu với thế lưỡng nan. Ta đã có đủ những lần chơi bời và mua sắm, ta đã đủ những mối quan hệ và những lần nhảy việc, ta đã có cơ hội quan sát những liên kết giữa việc ta làm và cái ta cảm nhận – và trên lý thuyết ta cũng có đủ thứ để có thể đưa ra được những kết luận sâu sắc về hạnh phúc và mục đích cũng như ý nghĩa cuộc đời. Ta đã có dữ liệu; thách thức là làm sao để biến nó thành câu trả lời cho những câu hỏi lớn.

Ta phải dám chuyển từ tư duy thực thi sang tư duy chiến lược.

Làm sao để thay đổi tư duy? Xem chi tiết những điều bạn cần biết về tư duy chiến lược tại: http://ldp.to/tu-duy-chien-luoc

You may also like

Leave a Comment