Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II, có biệt danh là “Warthog”, được biết đến với vẻ ngoài hung dữ, thường có hình những chiếc răng sơn trước mũi. Máy bay này được giới thiệu lần đầu tiên vào thập niên 1970, đã hỗ trợ hiệu quả ở độ cao thấp cho các lực lượng mặt đất trong các cuộc xung đột như cuộc chiến ở Afghanistan.
Nghe tin rằng Không quân Hoa Kỳ sẽ loại biên một số máy bay A-10, nhà báo David Ignatius của tờ Washington Post đã hỏi trực tiếp Bộ trưởng Không quân, Frank Kendall: “Tại sao chúng ta không giao những máy bay đó cho Ukraine?”
Bộ trưởng Frank Kendall không phủ nhận một khả năng như vậy, ông nói:
“Việc chuyển giao các hệ thống vũ khí cũ của Mỹ là hoàn toàn có thể. Chúng tôi sẽ thảo luận cởi mở với họ, nghiên cứu các yêu cầu của họ và cách chúng tôi có thể đáp ứng các yêu cầu đó”.
A-10 Warthog là loại máy bay cường kích và yểm trợ không quân trực tiếp (CAS: close air support) của Mỹ. Máy bay này có một chỗ ngồi, buồng lái được trang bị lớp giáp Titan dày từ 12,7mm đến 38,1mm với tổng trọng lượng lên đến 408 kg. Lớp giáp này có thể chịu được đạn phòng không 23mm.
A-10 có tính cơ động tốt khi bay chậm và thấp vì cánh thẳng và lớn. Điều này giúp phi công có đủ khả năng quan sát chiến trường và phân biệt mục tiêu để yểm trợ tốt nhất. Do không cần bay nhanh nên A-10 được trang bị động cơ loại turbofan, hai động cơ gắn trên lưng tạo nên hình dáng đặc trưng, hơi xấu xí nhưng là loại máy bay cực kỳ hiệu quả.
Tốc độ bình thường của A-10 là 722 km / h, quá đủ đối với máy bay cường kích. Bán kính chiến đấu dưới 500 km một chút, cũng đủ cho các hoạt động hỗ trợ tiền tuyến.
A-10 có một bộ vũ khí ấn tượng:
- 1 súng 30 mm 7 nòng GAU-8 / A với 1350 viên đạn;
- 11 giá treo vũ khí. Tải trọng chiến đấu 7.257 kg.
Kho vũ khí của A-10 bao gồm tên lửa không đối không AIM-9, tên lửa không đối đất AGM-65, tên lửa không điều khiển LAU-61, LAU-68 LAU-10. Bom nổ các cỡ 227, 340, 908 kg, bom napalm nặng 340 kg, bom bi 350 và 370 kg. Bom dẫn đường GBU-8, GBU-10, GBU-12.
A-10 được sản xuất từ năm 1975 đến năm 1984 với số lượng 715 chiếc, bao gồm cả nguyên mẫu. Trong số 287 chiếc A-10 còn lại của Không quân Mỹ, những chiếc “trẻ nhất” là từ 38 tuổi trở lên, nhưng trung bình chúng có tuổi đời từ 40 đến 45 tuổi.
A-10 thử lửa lần đầu trong chiến dịch Grenada. Sau đó là Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, Chiến dịch Bão táp sa mạc, chiến dịch chống lại Serbia, rồi Afghanistan, cuối cùng là ở Iraq.
Warthog tỏ ra rất, rất tốt, có hiệu quả, nhưng điều đáng chú ý là ngoài Iraq, các quốc gia còn lại đều không được trang bị hệ thống phòng không hiện đại. ít nhất ở mức tối thiểu. Và ở Iraq, 7 chiếc A-10 bị bắn rơi và 15 chiếc bị hư hại. Một số những chiếc hư hại này đã trở thành phế liệu.
Nếu các máy bay A-10 Warthog được giao cho Ukraine (hiện nay vẫn chưa rõ Mỹ có giao hay không) chúng chắc chắn có thể gây ra một số thiệt hại thực sự cho lực lượng Nga, nhưng các phi công A-10 của Ukraine sẽ cần phải có kỹ năng cao trong việc vận hành máy bay của họ, tận dụng thông tin tình báo kịp thời để tấn công từ các góc và khoảng cách hiệu quả, đồng thời bay dưới các mối đe dọa chủ động từ hệ thống phòng không, MANPAD và máy bay của đối phương.
Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine gần đây nói rằng các máy bay tấn công mặt đất hàng chục năm tuổi quá “chậm chạp” và “dễ bị tấn công bởi hệ thống phòng không của đối phương.” ông cho biết Ukraine cần máy bay chiến đấu “tiêu chuẩn phương Tây”, “nhanh và linh hoạt” như F-16, một máy bay chiến đấu đa năng.
Các phi công A-10 của Mỹ nói với tờ The Aviationist rằng A-10 được chế tạo cho “một cuộc chiến rất khác” so với cuộc chiến xảy ra ở Ukraine, rằng “môi trường cho phép” cần thiết để A-10 hoạt động thành công và thực hiện nhiệm vụ (được dự định cho nó) hiện không có ở Ukraine.
A-10 Warthog có thể là một chiếc máy bay đáng kinh ngạc, với một khẩu pháo 30mm khổng lồ, nhưng Ukraine cần máy bay phản lực không dựa vào các máy bay chiến đấu khác để bảo vệ chúng.
A-10 có thể hữu ích như thế nào trên bầu trời Ukraine ? Chỉ có thể nói được khi nó lâm trận. Rất có thể khi đối đầu với máy bay và phòng không hiện đại của Nga, sự nghiệp của những chiếc Warthog đã được loại biên sẽ kết thúc như những chiếc Su-25 do Liên Xô chế tạo. Quân đội Ukraine nhận thức rõ điều này, vì những chiếc Su-25 của họ, thường được coi là tương đương với A-10, đã hoạt động kể từ đầu cuộc xung đột.
Nhưng, như trên đã nói, ngay cả trong trường hợp này, những chiếc A-10 sẽ mang lại một số lợi ích nào đó.
(Tổng hợp từ các báo Nga, Mỹ)