- Dẫn: Từ hiệp ước 1862 cho đến khi tướng La Grandière sáp nhập nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đã giữ một vai trò hết sức quan trọng trong sự giao thiệp giữa triều đình Huế và người Pháp: ông đã đại diện cho triều đình để ký hiệp ước 1862, ông đã cầm đầu một phái bộ sang Pháp để điều đình về những vấn đề liên quan tới hiệp ước ấy, sau này chính ông được cử đi kinh lược ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Do Phan Thanh Giản là một trong những vị quan Đại Nam tiếp xúc nhiều nhất với người Pháp, nên những ghi chép về ông bên phía Pháp là tương đối nhiều. Các tài liệu ấy cho phép chúng ta được biết người Pháp đã nhìn nhận Phan Thanh Giản ra sao. Cảnh báo trước là post này sẽ rất dài.
1/ TÓM LƯỢC CUỘC ĐỜI CỦA PHAN THANH GIẢN
- Giới thiệu tác giả: Eliacin Luro tới Nam Kỳ năm 1864 và sống ở đây cho tới năm 1876. Ông từng điều khiển sở tư pháp bản xứ dưới thời Thống đốc Dupre, và được giao phó nhiệm vụ tổ chức Trường tập sự, nơi có mục đích đào tạo những vị quan lại mới của nền hành chính thuộc địa Nam Kỳ.
- Nội dung: Ở Pháp, người ta chỉ còn nhớ chút ít tới phái bộ An Nam, được dẫn đầu bởi Phan Thanh Giản đến Paris vào năm 1863. Nhân vật này đã giữ một vai trò quan trọng trong sự bang giao giữa hai quốc gia. Tôi nghĩ nêu lên vài chi tiết về đời sống và tính nết của ông ta, có thể sẽ làm nổi bật lên cái cốt cách cao thượng và đạo đức cổ xưa của các sĩ phu xứ này.
Phan Thanh Giản là con trai của một viên chức hành chính nhỏ. Thân sinh ông bị cấp trên thất sủng, kết án khổ sai và vì thế phải làm những việc sưu dịch nặng nhọc nơi tỉnh lỵ. Phan Thanh Giản, tuy mới lên mười hai tuổi, do không muốn rời xa thân phụ nên đã theo cạnh thân phụ đi khắp nơi, chia sẻ những tháng ngày tủi nhục cùng thân phụ. Lòng hiếu tử của ông chẳng bao lâu được để ý, vì đấy là đức hạnh mà dân tộc này tôn trọng rất nhiều. Các quan tỉnh vời ông tới để chất vấn, và họ lấy làm kinh ngạc trước trí thông minh của ông, do đó Phan Thanh Giản được lệnh thụ huấn quan Đốc học. Vài năm sau, ông đậu một cách vẻ vang các khoa thi cử nhân, và lên đường tới Huế để dự trường thi tiến sĩ.
Cho tới bấy giờ, xứ Nam Kỳ vẫn chưa sản xuất được một vị tiến sĩ nào cả. Các bài thi của Phan Thanh Giản phi thường đến nỗi mà cả nhà vua, sau khi đã đọc những bài này liền muốn đích thân sát hạch trực tiếp ông. Minh Mạng do hài lòng với lời đối đáp của ông, nên đã giao phó cho Phan Thanh Giản một chức vụ thân tín. Vị tiến sĩ trẻ tuổi được nâng lên chức quan hàm chánh nhị phẩm, sau đó được cử làm phó ngự sử. Tuân thủ đạo Nho, ông kính cẩn dâng lên nhà vua những lời trung cáo mỗi khi ông tin là Hoàng đế đang mắc sai lầm. Nhưng Minh Mạng là một vị đế vương chuyên chế thực sự, người luôn tự cho là mình đúng. Vị tiến sĩ của chúng ta do đó bị trừng phạt rất nhiều, chỉ bởi sự quan tâm thuần khiết của ông đối với lợi ích của Minh Mạng. Rốt cuộc, ông bị tước đoạt mọi quan hàm và chức vị, và bị sung vào các đội quân tiên phong, bấy giờ đang chinh chiến trong Quảng Nam. Nhưng đáng kính thay, Phan Thanh Giản vẫn chấp nhận mọi sự trừng phạt ấy mà không kêu ca. Mặc quần áo một binh quèn, ông đi hàng đầu, làm gương dũng cảm và tôn trọng kỷ luật cho tất cả mọi người noi theo. Không bao lâu sau, ông được tướng sĩ cảm phục và quân đội kính nể. Nhà vua sau khi giác ngộ sự phẫn nộ bất công của mình, đã triệu ông về lại. Và dưới các triều vua kế vị Minh Mạng, Phan Thanh Giản được nâng lên tới những chức quyền quốc gia tối cao nhất.
Khi chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và An Nam, ông là người duy nhất chủ động xin nghị hoà, nhưng vô hiệu. Tới lúc triều đình Huế bị đưa tới bước đường cùng, chính ông là người mà nhà vua giao cho trách nhiệm đi thương lượng. Phan Thanh Giản ký kết hoà ước 1862 và nhờ sự khéo léo trong ngoại giao của mình, ông đã lấy lại được tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, ông được phái làm sứ giả tới Paris và sau khi trở về, được cử làm quan Kinh lược ba tỉnh ở phía Tây thuộc địa của chúng ta.
Khi chúng tôi biết ông, ông đã là một cụ già bệ vệ, có phong độ trang nghiêm, trông cao nhã và thông thái lắm. Nhân vật xuất chúng này đã hiểu từ lâu là không thể chống cự với nước Pháp được, và biết rằng sẽ vô ích nếu cứ tiếp tục một cuộc chiến đấu lâu dài, vì trong đó chỉ có máu người An Nam chảy thôi. Ông mong mỏi hoà ước sẽ được thi hành một cách trung trực, và đồng bào của ông sẽ trở thành học trò của chúng ta.
Trên thực tế, các ước vọng về tinh thần cao thượng ấy ít khi được thực hiện. Vì không một nền văn minh nào hấp thụ một nền văn minh khác mà không bị những sự chấn động sâu rộng, những cuộc đấu tranh kéo dài và đẫm máu. Chính phủ Pháp bắt đầu chán ngán các sự công kích không bao giờ chấm dứt khởi đầu từ ba tỉnh miền Tây, mặc dù Phan Thanh Giản đã có nhiều cố gắng để ngăn chặn. Chính phủ Pháp cũng chán ngán lòng ngoan cố càng ngày càng gia tăng của triều đình Huế, dù vừa mới sáp nhập ba tỉnh xứ Nam Kỳ cho Pháp, đã sang Paris để điều đình, xin chuộc lại đất.
Khi chúng ta xâm chiếm ba tỉnh còn lại ở Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đã không kháng cự vì ông hiểu mọi thứ đều sẽ vô ích. Ông ra lệnh nộp thành cho quân đội Pháp và được tuân theo. Nhưng vì trung thành với nhà vua, và để tự trừng phạt về điều mà sức ông đã không thể ngăn cản nổi, Phan Thanh Giản từ chối các lời đề nghị trọng hậu của chúng ta, và với thái độ bình thản, ông uống thuốc độc. Vị kinh lược ba tỉnh ấy, với một tinh thần ung dung cho tới phút cuối cùng, chết trong một căn nhà tranh nghèo nàn, mà ông đã sống suốt thời gian ông cầm quyền, qua đó ông muốn bằng lối sống ấy nêu lên cho mọi người cái gương liêm khiết trong chốn bần cùng.
Thân thế phi thường mà tôi vừa tóm tắt lại ấy chứng tỏ là đạo Khổng cũng có thể sản xuất nên những nhân vật, mà chính các triết gia khắc kỷ trứ danh nhất cũng sẽ không phủ nhận.
- Le pays d ‘Annam, Eliacin Luro, Paris, 1897 –
2/ HỒI ỨC CỦA ĐẠI TÁ HẢI QUÂN RIEUNIER
- Bối cảnh: Cuối tháng sáu năm 1863, một phái bộ Đại Nam gồm ba sứ giả và 66 người tuỳ tùng, cầm đầu bởi Phan Thanh Giản, được hộ tống bởi đại úy hải quân Rieunier, rời Huế lên đường sang Paris để đề nghị với chính phủ Pháp xin chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ mà triều đình Huế đã phải nhường cho Pháp với hiệp ước năm 1862.
- Nội dung: Sống trong bốn tháng gần vị lão thành cao thượng ấy (Phan Thanh Giản), chúng tôi giờ đây có thể đánh giá được các đức tính của ông ta. Hồi tưởng lại lúc ấy, tôi thấy ông dù ngạc nhiên trước những điều xảy ra trên đại hải trình từ biển Nam Hải tới Toulon. Nhưng ông vẫn luôn nhắc đến sứ mệnh của chính mình. Chúng tôi khuyên can ông đừng có hi vọng nhiều về sự chuyển nhượng lãnh thổ mà chúng ta đã chinh phục được, nhưng vẫn hứa với ông rằng sứ bộ sẽ được tiếp đón rất nồng hậu ở Pháp.
Sau đó chúng tôi đàm đạo về tương lai của xứ sở ông, về khả năng của dân tộc xứ ấy, và về những lợi ích mà cả dân chúng và quan lại sẽ được hưởng từ nền văn minh của chúng ta. Hơn bất cứ ai trong đồng bào của mình, ông luôn kính trọng giá trị của nền văn minh ấy. Và ông luôn luôn kết thúc câu chuyện bằng lời nói này: “Vẫn còn phải đợi, nhưng tôi hi vọng đến thời điểm đó, hai quốc gia chúng ta sẽ không kém phần giao hảo”
- Les premières années de la Cochinchine, colonie française, Paulin Vial, Paris, 1876 –
3/ MỘT CUỘC ĐÀM THOẠI GIỮA PHAN THANH GIẢN VÀ TRUNG TÁ HẢI QUÂN ANSART
- Bối cảnh: Được cử làm thống đốc Nam Kỳ kể từ 1/5/1863, thượng tướng La Grandière cho rằng cần phải nhanh chóng sáp nhập nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào thuộc địa của Pháp. Nên ngay từ năm 1866, hắn bắt đầu có động thái ép triều đình Huế phải chấp nhận giao các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên cho Pháp. Hình như triều đình Huế thấy rõ tình trạng yếu ớt của chính mình và không còn hi vọng chống cự lại các sự đòi hỏi đó: thái độ này được biểu lộ rõ trong cuộc đàm thoại giữa quan kinh lược Phan Thanh Giản và trung tá hải quân Auguste Ansart – tư lệnh tỉnh Mỹ Tho, và sau này sẽ là tư lệnh tỉnh Vĩnh Long.
- Nội dung: Mỹ Tho, 18/11/1866
Kính thưa Thượng tướng, Tôi trân trọng được trình lại Thượng tướng cuộc đàm thoại giữa tôi với Phan Thanh Giản ngày 16 tháng này, khi ông ta dừng chân tại Mỹ Tho.
Vào khoảng 4 giờ chiều, tôi dẫn Phan Thanh Giản vào cái đình trong vườn. Ở đấy, sau khi đã cho tất cả đoàn tuỳ tùng của mình lui ra, chính ông ta đã mở đầu câu chuyện qua lời trung gian của Cha Marc, và đã hỏi tôi câu này: “Khi nào các ông sẽ chiếm ba tỉnh đấy?”. Tôi trả lời ông rằng tôi hoàn toàn không biết gì về điều này, nhưng trước khi đi sâu vào câu chuyện, tôi đã khéo léo nhắc lại với ông ta rằng tôi không có tư cách chính thức nào để bàn về các vấn đề tương tự, và nếu tôi nhận lời đàm thoại về vấn đề này, ông chỉ được coi lời nói của tôi như là sự phát biểu những ý kiến riêng tư, không thể dưới bất cứ một hình thức nào để ràng buộc chính phủ Pháp được. Ông ta trả lời tôi rằng ông muốn nói chuyện với tôi như là một người bạn, và chúng tôi tiếp tục cuộc đàm thoại.
Ông hỏi dồn dập tôi tại sao chúng ta lại muốn chiếm ba tỉnh ấy: “Các tỉnh này không phải đang phụ thuộc vào các ông sao? Không phải các quan lại đã cố gắng để thoả mãn tất cả mọi yêu sách của quan Thống đốc sao? Tất cả các sản phẩm của các tỉnh ấy không phải luôn qua tay các ông sao? Các ông đã áp dụng ở đấy một quyền hành thật ra gần như tối cao, khiến phái quá khích trách cứ chúng tôi ở triều đình, gọi chúng tôi là nô lệ của người Pháp đấy”. Tôi trả lời ông rằng: “Nếu chính phủ Pháp muốn chiếm hữu ba tỉnh ấy, thì không phải chỉ là để mở rộng thêm lãnh thổ đâu, mà còn vì một yếu tố chính trị mà chắc ông còn hiểu rõ hơn tôi nữa”.
Ông ta mới đáp lại rằng: “Chính phủ Pháp sẽ viện một lẽ nào để bao biện cho sự lạm dụng thế lực ấy đây. Vì chúng tôi đã bội hoà ước ký trước đây chăng? Chẳng phải tất cả mọi điều khoản của hoà ước ấy đã được chúng tôi thi hành một cách trung thực hay sao?”. Tôi nhắc lại với ông ấy tất cả các cuộc phiến động trong các tỉnh của chúng ta. Tôi còn nhắc lại cho ông những sự toan tính của Trương Định, Thiên hộ Dương, các đoàn quân của những người này ngày nay vẫn về bè lũ với Poukombo. Ngược dòng lịch sử, tôi hỏi ông Triều đình Huế đã tôn trọng như thế nào về hiệp ước kí với Louis XVI, và đã nhìn nhận như thế nào về sự giúp đỡ phi thường của giám mục Bá Đa Lộc và các sĩ quan Pháp từng phụng sự Gia Long? Chính phủ Pháp và trên toàn diện tất cả các chính phủ Âu châu ngày nay biết rõ rằng, các chính phủ Á Đông ít khi đếm xỉa tới các hiệp ước đã ký kết với Âu Châu, do đó chúng tôi không còn có thể tin tưởng ở lòng thành của các chính phủ ấy mà không có những bằng chứng rõ ràng và cụ thể hơn.
Phan Thanh Giản trả lời rằng những người An Nam ủng hộ Poukombo là những kẻ vô lại của các tỉnh của chúng ta cũng như của các tỉnh thuộc họ, rằng dân An Nam đã luôn luôn thắng dân Cao Miên, luôn khinh bỉ dân này nên khó mà nhập bọn với họ được, và ông khuyên chúng ta cũng không nên đi tìm những mối bất bình trong quá khứ, rằng những gì đã xảy ra là những việc đã qua, rằng những lỗi lầm trước kia của chính phủ An Nam là do sự thiếu hiểu biết các giá trị và trí thức của Âu Châu. Nhưng ngày nay hai dân tộc đã rõ nhau, thì dân tộc hùng mạnh phải giúp đỡ và soi sáng cho dân tộc yếu hơn, để đưa dân tộc này vào con đường văn minh. Hiệp ước ký kết giữa Hoàng đế Pháp và vua Tự Đức không những là một hiệp ước hoà bình, nó còn là một hiệp ước giao hữu, xoá bỏ đi tất cả dĩ vãng. Và trở lại các lý lẽ trước của ông, Phan Thanh Giản nói với tôi thêm rằng: “Người An Nam đã không làm một điều gì như vi phạm hiệp ước, nhưng người Pháp về phía họ đã không có một cố gắng nào để truyền bá cho người An Nam các khoa học Âu Châu, tuy rằng có hiệp ước giao hữu ấy, họ vẫn để mặc dân tôi ở trong vòng lạc hậu và dốt nát, và lại còn lăm le vô cớ chiếm ba tỉnh tội nghiệp kia nữa chứ”. Tôi đáp lại Phan Thanh Giản rằng chúng ta vẫn còn đang nghi ngờ chính phủ An Nam, rằng nếu ngày nay chúng ta cố gắng đưa dân An Nam lên hàng các dân tộc văn minh, chúng ta e là sẽ tự vũ trang cho chính kẻ thù của mình, rằng chúng ta sẽ không bao giờ đi vào con đường ấy trước khi có được những bằng chứng hiển nhiên về lòng trung thành của chính phủ An Nam.
Phan Thanh Giản mới hỏi tôi còn muốn những bằng chứng nào ngoài bằng chứng đã được trưng bày bằng sự thi hành triệt để hoà ước. Tôi trịnh trọng trả lời ông: “Nếu theo ngài nói, ba tỉnh ấy ở trong một tình trạng nghèo nàn, nếu chính phủ Huế nhận thấy chúng đang là nô lệ và phiên thuộc của Pháp, thì có phải hay hơn là giải quyết thẳng tình trạng dở dang này, nhường ba tỉnh tội nghiệp ấy, và ký kết trên căn bản ấy một hiệp ước mới đi? Sự chủ động nhượng một lãnh thổ nằm dưới quyền của chúng tôi, theo tôi mà nói, sẽ được chính phủ Pháp coi như bảo đảm cho ý hướng thành thực và ngay thẳng của chính phủ An Nam vậy. Khi đó tôi chắc chắn là chính phủ Pháp sẽ từ bỏ cái chính sách ngờ vực đã làm suy giảm hình ảnh chính phủ An Nam đi quá nhiều. Trái lại, chính phủ Pháp sẽ được lợi với sự thịnh vượng của một vương quốc đã thực sự trở thành một nước bạn, chính phủ Pháp sẽ bảo đảm an ninh cho vương quốc ấy và ngăn ngừa không cho các cuộc nội loạn, mà chính ngài biết là sẽ làm cho vương quốc này xuống thấp hơn vương quốc Cao Miên, và làm nó trở nên miếng mồi ngon cho quốc gia nào nhòm ngó nó đầu tiên”. Phan Thanh Giản tiếp tục đáp lại: “Tôi chỉ thấy ở đấy những điều kiện nặng nề đối với chúng tôi, còn các ông thì không hiến cho chúng tôi một sự đền bù chắc chắn và cụ thể nào cả”. Tôi trả lời ông: “Ngài quên rồi sao, rằng xứ Bắc Kỳ đang ở trong một tình trạng phiến loạn thường xuyên, rằng sự nổi loạn ở đó chỉ được đàn áp chứ không bao giờ được dẹp tắt, rằng ngày mà chỉ cần một nắm quân lính Âu Châu và vài khí giới được đưa vào đó, dân An Nam sẽ phải mất vương quốc phong phú ấy? Ngài không biết chăng là người Tây Ban Nha luôn muốn chiếm lấy xứ ấy, nhưng nước Pháp đã không bao giờ chịu? Ngài không coi ra gì sự miễn giảm mọi chiến phí bồi thường mà Tự Đức còn phải trả cho chúng tôi hay sao? Ngài cũng không coi ra gì hết sự trừng phạt bọn hải tặc phá hại các bờ biển và làm đói đế quốc? Chắc ngài tưởng rằng các chiếc tàu chúng tôi đã dùng để quét sạch bọn cướp biển ấy không tồn tại chút nào, và các máy dùng để chạy những tàu ấy không cần tới tiền bạc sao? Ngài thử xét xem các chiếc tàu xấu các ngài mua ở Hương Cảng đã tốn bao nhiêu tiền và tính xem sự hi sinh của chúng tôi sẽ tới đâu một khi các lợi ích của các ngài phù hợp với lợi ích của chúng tôi. Sau hết, ngài cần phải thấy rằng, nếu người Pháp muốn được ba tỉnh, họ có thể chiếm lấy chúng bằng lực, không phải mất một trong những đền bù thật thụ mà một hiệp ước mới chắc chắn sẽ dành cho các ngài”.
Phan Thanh Giản nghe xong, mới cho tôi hân hạnh được biết rằng, nếu một ngày kia có một sĩ quan Pháp tới trú tại Huế, ông muốn người ấy phải là tôi. Tôi vái chào lời khen ấy. Ông cả cười và vì bữa cơm tối đã dọn, chúng tôi chấm dứt cuộc đàm thoại ấy và vị quan già vui vẻ nâng ly rượu để giải phiền, đến nỗi phải dựa vào tay Cha Marc để loạng choạng trở về thuyền của mình.
- La Geste française en Indochine, G. Taboulet, Paris, 1956 –
- Nguồn: Tập san Sử Địa – Đặc khảo về Phan Thanh Giản (xem bài Nguyễn Thế Anh)